Cổng thông tin điện tử

Ngành da giày túi xách việt nam

  • ''Cục máu đông'' của nền kinh tế đang có nguy cơ quay lại
  • 28/09/2020
 
Lãnh đạo các ngân hàng nhận định nợ xấu tác động không phải là trước mắt mà sẽ rõ rệt khi kết thúc dịch,đặc biệt là vào năm 2021.

Bai 2: ''Cuc mau dong'' cua nen kinh te dang co nguy co quay lai hinh anh 1Nhiều ngân hàng lo ngại nợ xấu sẽ tăng lên do dịch COVID-19. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến thời điểm này, các ngân hàng đang "ngấm đòn" COVID-19. Điều đó thể hiện rõ qua việc lợi nhuận sụt giảm, một phần do tín dụng tăng trưởng chậm, một mặt các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu và nợ tiềm ẩn rủi ro từ các khoản vay của khách hàng đang gặp khó khăn bởi COVID-19.

Hiệu ứng domino

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày và túi xách Việt Nam, cho biết do ảnh hưởng của dịch bệnh, các doanh nghiệp ngành da giày gặp rất nhiều khó khăn và phải cắt giảm lao động trước sự ảnh hưởng nặng nề từ đứt gãy chuỗi cung (Trung Quốc) và chuỗi cầu (thị trường Mỹ và EU).

Không chỉ có da giày, nhiều lĩnh vực khác như giấy, thủy sản, các doanh nghiệp chế biến… cũng bộc lộ những "lỗ hổng” như khả năng quản trị rủi ro, quản trị khủng hoảng và khả năng thích ứng... Đây được coi là một trong những nguyên nhân chính khiến hàng ngàn công ty bị phá sản, rời khỏi thị trường.

Lãnh đạo Công ty hạt điều Hải Bình (Gia Lai) thừa nhận trước dịch, trung bình mỗi ngày công ty bán hàng qua kênh siêu thị, điểm du lịch khoảng 100 triệu đồng, nay cao nhất chỉ bán được 10-15 triệu đồng. Còn mùa cách ly, một ngày thậm chí không bán được đồng nào...

Các chuyên gia cho rằng hàng tồn kho của các doanh nghiệp gia tăng do bức tranh chung của nền kinh tế bị tác động bởi dịch COVID-19 khiến mức cầu xuống thấp. Điều này cũng thể hiện tốc độ luân chuyển tiền trong nền kinh tế bị chậm lại. 

Bản thân doanh nghiệp bị ứ đọng vốn trong sản phẩm đã sản xuất nhưng chất đống trong kho hay bị tồn đọng nguyên vật liệu dở dang. Nếu điều này kéo dài sẽ khiến nhiều doanh nghiệp thiếu vốn, khả năng thanh toán trả nợ không còn. Hệ lụy kéo theo là nguy cơ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng gia tăng.

Ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) cho biết: Từ năm 2017 đến nay, VAMC xử lý nợ xấu đạt gấp 2 lần từ ngày VAMC thành lập (2012). Tốc độ xử lý gấp rưỡi so với thời kỳ trước.

Còn theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, từ khi Nghị quyết 42 ra đời đã hỗ trợ tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu đạt hiệu quả cao hơn, tổng số nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 được xử lý từ 15/8/2017 đến 31/5/2020 đạt trung bình khoảng 7.150 tỷ đồng/tháng, cao hơn 3.630 tỷ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình tháng từ năm 2012-2017 của hệ thống các tổ chức tín dụng trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực (trung bình khoảng 3.520 tỷ đồng/tháng).

Tuy nhiên, dịch bệnh kéo dài tác động xấu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, làm suy giảm năng lực trả nợ của khách hàng khi đến hạn trong thời gian tới, gia tăng nợ xấu toàn ngành, ảnh hưởng đến việc kiểm soát nợ xấu và xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Đặc biệt, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu đề ra tại phương án cơ cấu lại.

Vì vậy ông Đông cho rằng xu hướng tất yếu là nợ xấu sẽ tăng lên dù thời gian qua, Chính phủ và ngành ngân hàng đã có nhiều biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp.

Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực cũng thừa nhận nợ xấu sẽ tăng nhanh hơn ở giai đoạn sắp tới nếu như Ngân hàng Nhà nước sửa đổi Thông tư 01 theo hướng không cho phép giữ nguyên nhóm nợ.

"Tín dụng năm 2020 và 2021 tăng ở mức tương đối chậm, trong khi doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn và độ khó khăn này sẽ đến trễ hơn với lĩnh vực tài chính ngân hàng," vị chuyên gia này phân tích.

Nỗi lo mang tên "nợ xấu"

Mặc dù ngành ngân hàng đã thực hiện nhiều biện pháp để "cứu" doanh nghiệp như cơ cấu lại nợ, giãn, hoãn, giảm lãi suất…, nhưng dịch bệnh kéo dài đang khiến cho khả năng trả nợ của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các ngân hàng phải đối mặt với tình trạng nợ xấu, nợ khó đòi tăng chóng mặt.

Kienlongbank là một ví dụ. Ngân hàng này cho biết tính đến hết tháng Sáu, nợ xấu tăng 5,5 lần, tương đương tăng hơn 500% với con số tuyệt đối là 2.249 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu "leo" một mạch từ 1,02% lên 6,59%. Theo giải trình của ngân hàng, nợ nhóm 5 có gần 1.900 tỷ đồng các khoản vay của một nhóm khách hàng với tài sản đảm bảo là cổ phiếu Sacombank (mã STB) được phân loại theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước. Từ đầu năm, Kienlongbank đã rao bán số cổ phiếu này tới 4 lần nhưng vẫn chưa thành công.

Ngoài Kienlongbank, nợ có khả năng mất vốn của nhiều ngân hàng cũng tăng ở mức hai, ba con số như Nam A Bank tăng 180%, Eximbank tăng 98%, VietBank tăng 50,6%, Agribank tăng 39,4%....

Nợ xấu Sacombank cũng tăng lên 6.682 tỷ đồng; trong đó nợ dưới tiêu chuẩn tăng 1,8 lần lên 850 tỷ đồng, nợ có khả năng mất vốn tăng 5% so với đầu năm, ở mức 5.288 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nâng từ 1,93% lên 2,15%.

Một số ngân hàng khác như MB, VIB, SHB, BacABank, VPBank… nợ xấu cũng tăng một cách đáng kể.

Tương tự, các ngân hàng lớn có vốn nhà nước chi phối như VietinBank, Vietcombank, BIDV, Agribank cũng không tránh khỏi nợ xấu đang ‘phình ra’.

Trong số đó, Agribank đang phải đối mặt với nguy cơ nhiều nợ có khả năng mất vốn nhất với 17.285 tỷ đồng, tăng 39,4% so với thời điểm cuối năm 2019. Tiếp đến là BIDV, VietinBank, Vietcombank.

Ông Phạm Mạnh Thắng, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank, cho biết tính từ thời điểm xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 đến 30/6, Vietcombank đã xử lý được 13.900 tỷ đồng nợ xấu với con số từ 1,2% xuống còn 0,81%. Tuy nhiên, từ khi dịch diễn ra cũng như hoạt động kinh tế của Việt Nam có bước sụt giảm thì hiện nay tỷ lê nợ xấu của Vietcombank tính đến 20/8 lại về mức cũ là 1,2%.

“Do chưa kết thúc năm nên số nợ xấu đó chưa sử dụng dự phòng, nhưng đến cuối năm được trích lập dự phòng đầy đủ chúng tôi vẫn có thể đạt được kết quả như kế hoạch từ đầu năm đặt ra (dưới 0,8%),” ông Thắng hy vọng.

Còn ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng giám đốc Agribank cũng nhận định nợ xấu tác động không phải là trước mắt mà sẽ rõ rệt khi kết thúc dịch, nhất là vào năm 2021. Đây quả là bài toán nan giải cho hệ thống ngân hàng. Đã đến lúc, cần phải có một giải pháp căn cơ cho vấn đề tuy không còn mới, nhưng lại đang "thường trực," trong bối cảnh dịch bệnh tác động sâu rộng tới mọi mặt của đời sống và kinh tế./.

 Theo : vietnamplus.vn

Tin tức liên quan