Cổng thông tin điện tử

Ngành da giày túi xách việt nam

  • Ngành da giày dồn sức cho những tháng cuối năm
  • 23/09/2020
 

Mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 24 tỷ USD dường như là bất khả thi với ngành da giày. Song, việc định vị lại chuỗi cung ứng toàn cầu thời gian tới có thể giúp ngành nâng cao thị phần.

Thị trường xuất khẩu sụt giảm

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tháng 8 tăng 2,9% so với tháng 7, nhưng giảm 3,6% so với cùng kỳ; lũy kế 8 tháng năm 2020 giảm 4,3%.

Nằm trong tình trạng trên, ngành sản xuất, xuất khẩu giày dép chịu tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19. Kim ngạch xuất khẩu giày dép các loại 8 tháng đạt 10,9 tỷ USD, giảm 8,6% so với cùng kỳ năm 2019. Gần như chắc chắn ngành da giày, túi xách Việt Nam sẽ không thể hoàn thành mục tiêu đã đề ra là đạt kim ngạch xuất khẩu 24 tỷ USD trong năm nay.

 

Xuất khẩu da giày đang gặp nhiều khó khăn

Xuất khẩu da giày đang gặp nhiều khó khăn

Những thị trường tiêu thụ giày dép hàng đầu của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Bỉ, Đức đều giảm nhập so với tháng trước. Tính chung 7 tháng đầu năm, Mỹ dẫn đầu về tiêu thụ giày dép Việt Nam với kim ngạch 3,43 tỷ USD, chiếm tỷ trọng trên 36% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước và giảm gần 9% so với cùng kỳ năm 2019.

Đứng thứ hai là Trung Quốc, chiếm 12% thị phần, có kim ngạch đạt 1,14 tỷ USD, giảm hơn 19% so với cùng kỳ năm 2019. Các thị trường theo sau là Bỉ với kim ngạch 554 triệu USD, giảm 17%; Nhật Bản: 552 triệu USD, giảm 2%; Đức: 505 triệu USD, giảm trên 10%.

Hầu hết thị trường xuất khẩu giày dép của Việt Nam đều bị sụt giảm, trong đó thị trường Đan Mạch giảm mạnh nhất tới gần 64%, chỉ đạt 6,2 triệu USD.

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam (Lefaso), nguồn nguyên liệu nhập khẩu đã được nối lại nhưng sản phẩm lại bí đầu ra, không tiêu thụ được khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, sản lượng sản xuất sụt giảm 40-50%, chạy đơn hàng theo từng tháng. Phần lớn sản phẩm sản xuất ra dành cho xuất khẩu nên rất khó tiêu thụ tại thị trường trong nước do giá thành cao. 

Tập trung đẩy mạnh liên kết

Xuất khẩu khó khăn, việc quay lại thị trường nội địa cũng không hề dễ dàng với các doanh nghiệp ngành da giày. Nhìn nhận thực trạng trên, theo Lefaso, thị trường xuất khẩu sụt giảm tới 60-70%. Một số doanh nghiệp quay vào sản xuất hàng cho thị trường nội địa nhưng năng lực cung của toàn ngành là quá lớn, lên tới trên 1,1 tỷ đôi giày và gần 400 triệu ba lô túi xách.

cxz

Thời gian tới, các doanh nghiệp trong ngành cần đẩy mạnh liên kết với nhau, tạo thành chuỗi sản xuất.

Theo Bộ Công Thương, từ nay đến cuối năm, đầu ra của ngành da giày sẽ tiếp tục gặp khó, bởi phụ thuộc nhiều vào khả năng khống chế dịch của Mỹ và EU. Động lực lớn nhất cho tăng trưởng của ngành chính là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ 1/8/2020.

Tuy vậy, để có thể tận dụng cơ hội từ Hiệp định này nhằm gia tăng xuất khẩu cũng không hề dễ dàng. Theo Lefaso, trong tổng giá trị xuất khẩu hiện nay, ngành da giày chỉ hưởng 35-40% giá trị, trong đó 25-30% dùng để trả chi phí nhân công, 5% là chi phí giao nhận ngoại thương. Vì vậy, phần giá trị thực tế mà doanh nghiệp trong ngành nhận được là rất ít.

Thực tế cho thấy, toàn ngành da giày, túi xách Việt Nam với hơn 1.700 doanh nghiệp thì có tới 85% doanh nghiệp hạn chế về vốn, kỹ thuật và công nghệ, không chủ động được nguồn nguyên phụ liệu. Do đó, các doanh nghiệp da giày cần xây dựng thành công chuỗi sản xuất và cung ứng nguyên phụ liệu đồng bộ, nhằm tận dụng được "cơ hội vàng" để phát triển.

Một số doanh nghiệp da giày bày tỏ, thời gian tới, các doanh nghiệp trong ngành cần đẩy mạnh liên kết với nhau, tạo thành chuỗi sản xuất. Công ty giày Viễn Thịnh hiện đã làm được đế, gót, đinh và sườn giày. Vì vậy, công ty mong muốn được hợp tác với nhiều doanh nghiệp khác trong ngành để không phải phụ thuộc quá nhiều vào vật tư nguyên liệu từ bên ngoài.

Lefaso thông tin thêm, ngành da giày cũng sẽ có cơ hội từ việc định vị lại chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo đó, thị phần trên thế giới của Trung Quốc từ mức 60-70% sẽ giảm xuống còn khoảng 45-50%. Việt Nam cùng các quốc gia khác sẽ cân bằng tỷ lệ còn lại này, trong đó có Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Myanmar, Bangladesh và Campuchia.

Ông Diệp Thành Kiệt- Phó Chủ tịch Lefaso cho rằng, vẫn có những cơ sở lạc quan trong những tháng cuối năm, dù đơn hàng từ các nước bị giảm sút nặng nề, nhưng khách hàng vẫn cần tìm kiếm quốc gia an toàn, có thể sản xuất và giao hàng được.

“Do vậy, dù chúng ta rất chật vật để tìm giải pháp vượt qua khó khăn, nhưng nhờ vào thành quả kiểm soát được dịch của Chính phủ nên đơn hàng của các doanh nghiệp Việt Nam có tỷ lệ giảm thấp hơn so với các quốc gia cạnh tranh khác”- ông Diệp Thành Kiệt nhìn nhận.

 Theo : enternews.vn

Tin tức liên quan