Cổng thông tin điện tử

Ngành da giày túi xách việt nam

              BỘ NỘI VỤ

                                                       CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

                                               Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

ĐIỀU LỆ (SỬA ĐỔI, BỔ SUNG)
HIỆP HỘI DA - GIẦY - TÚI XÁCH VIỆT NAM
(Phê duyệt kèm theo Quyết định số     822     /QĐ-BNV
ngày   15   tháng   7   năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ)

CHƯƠNG I
TÊN GỌI, TÔN CHỈ, MỤC ĐÍCH
 Điều 1: Hiệp hội lấy tên là Hiệp hội Da - Giầy Việt Nam
Điều 2: Hiệp hội Da - Giầy Việt Nam là một tổ chức tự nguyện phi chính phủ của các doanh nghiệp Việt Nam và các nhà quản lý, khoa học, kỹ thuật thuộc mọi thành phần kinh tế, hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ Da- Giầy.
Mục đích của Hiệp hội là liên kết, hợp tác, hỗ trợ nhau về kinh tế- kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nâng cao giá trị sản phẩm; đại diện và bảo vệ lợi ích hợp pháp của hội viên; góp phần tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống của người lao động trong ngành Da- Giầy.
Điều 3: Hiệp hội Da - Giầy Việt Nam có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng.
Trụ sở chính đặt tại thành phố Hà Nội.
Điều 4: Hiệp hội Da - Giầy Việt Nam hoạt động trong phạm vi cả nước, theo pháp luật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và theo Điều lệ này.

CHƯƠNG II
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA HIỆP HỘI


Điều 5: Nhiệm vụ, quyền hạn của Hiệp hội:
1/ Tuyên truyền giáo dục hội viên hiểu rõ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng, phát triển ngành Da - Giầy trong các thành phần kinh tế, bảo hộ an toàn lao động, bảo vệ môi trường.
2/ Đại diện cho Hội viên kiến nghị với Nhà nước về những chủ trương, chính sách, biện pháp khuyến khích, giúp đỡ phát triển ngành Da - Giầy, bảo vệ quyền lợi chính đáng của Hội viên, giải quyết các trường hợp, vụ việc gây thiệt hại đến quyền lợi của ngành và của hội viên; thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước.
3/ Động viên nhiệt tình và khả năng lao động sáng tạo của Hội viên; hợp tác, hỗ trợ, giúp đỡ nhau về kinh tế - kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ Da- Giầy trên cơ sở trao đổi kinh nghiệm, phổ biến và ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ mới.
4/ Hỗ trợ tư vấn cho các tổ chức và cá nhân trong Hiệp hội trong quá trình sắp xếp lại tổ chức, chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp.
Cung cấp thông tin về kinh tế, thị trường, giá cả để hội viên bố trí lại sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao.
5/ Tổ chức các Hội nghị, Hội thảo để trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp, khuyến khích hợp tác, liên kết giữa các hội viên để cùng tồn tại và phát triển. Tiến hành các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.
6/ Xây dựng tổ chức Hiệp hội và phát triển hội viên, xây dựng cơ sở vật chất và mở rộng phạm vi của Hiệp hội.
Xây dựng và phát triển các mối quan hệ quốc tế với các cá nhân và tổ chức quốc tế, trong khu vực Đông Nam Á và các nước trên thế giới theo quy định của pháp luật.
7/ Xuất bản tập san, các tài liệu phổ biến kỹ thuật và quản lý kinh tế theo quy định của pháp luật.

CHƯƠNG III
HỘI VIÊN
 Điều 6: Hội viên
1/ Hội viên chính thức: Các doanh nghiệp Việt Nam và các nhà quản lý, khoa học, kỹ thuật thuộc mọi thành phần kinh tế, hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ Da - Giầy... tán thành Điều lệ của Hiệp hội, tự nguyện viết đơn gia nhập Hiệp hội, đóng tiền nhập Hiệp hội và hội phí đều có thể trở thành hội viên chính thức của Hiệp hội.
2/ Hội viên danh dự: Những công dân và tổ chức pháp nhân có công lao đối với sự nghiệp phát triển ngành nói chung và Hiệp hội nói riêng được Hiệp hội mời làm hội viên danh dự.
3/ Hội viên liên kết: Gồm các nhà sản xuất - kinh doanh các sản phẩm giầy dép, nguyên phụ liệu, máy móc thiết bị phục vụ cho ngành giầy (có 100% vốn nước ngoài) hoạt động tại Việt nam, được tham gia vào tổ chức Hiệp hội Da - Giầy VN theo hình thức liên kết.
Hội viên liên kết có quyền lợi và nghĩa vụ như các hội viên của Hiệp hội trừ bầu cử, ứng cử và tham gia vào BCH Hiệp hội.
Điều 7: Thủ tục chấm dứt quyền hội viên:
1/ Hội viên tự nguyện xin rút ra khỏi Hiệp hội, cần gửi đơn cho Ban chấp hành Hiệp hội.
2/ Hội viên bị khai trừ ra khỏi Hiệp hội trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng Điều lệ Hiệp hội, làm ảnh hưởng đến thể diện, uy tín và tài chính của Hiệp hội.
3/ Bị cơ quan nhà nước đình chỉ hoạt động, bị giải thể hay bị tuyên bố phá sản.
Quyền và nghĩa vụ của hội viên chấm dứt sau khi Ban chấp hành Hiệp hội ra thông báo.
Ban chấp hành Hiệp hội thông báo danh sách hội viên xin rút khỏi Hiệp hội, hội viên bị khai trừ và hội viên xoá tên cho tất cả các hội viên khác biết.
Điều 8: Quyền lợi của hội viên:
1/ Được tham gia đại hội, bầu cử đại biểu tham dự đại hội của Hiệp hội.
2/ Được thảo luận, biểu quyết, chất vấn, phê bình mọi công việc của Hiệp hội; được kiến nghị, đề đạt ý kiến của mình với các cơ quan Nhà nước thông qua Hiệp hội.
3/ Được ứng cử, đề cử và bầu và vào ban chấp hành và các chức vụ khác của Hiệp hội.
4/ Được Hiệp hội phổ biến kinh nghiệm sản xuất, bồi dưỡng nghề nghiệp, nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật bằng các hình thức: cung cấp thông tin, tài liệu, dự hội thảo, các lớp đào tại, huấn luyện, trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, tham quan, khảo sát ở trong và ngoài nước.
5/ Được Hiệp hội giúp đỡ, bảo trợ trong các công trình nghiên cứu riêng, bảo vệ quyền tác giả đối với công trình nghiên cứu, các sáng kiến phát minh trong nghề rừng, bảo vệ quyền lợi chính sách trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo đúng pháp luật của Nhà nước.
6/ Được Hiệp hội giúp đỡ, giới thiệu với các cơ sở trong và ngoài ngành để hợp đồng sản xuất, tổ chức kinh doanh-dịch vụ, làm chuyên gia kỹ thuật...
7/ Được quyền ra khỏi Hiệp hội.
8/ Hội viên danh dự được hưởng các quyền như hội viên chính thức, trừ các quyền ứng cử, bầu cử và biểu quyết.
Điều 9: Hội viên có nghĩa vụ:
1/ Nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định tại Điều lệ này; thực hiện nghị quyết của Hiệp hội; tuyên truyền phát triển hội viên mới.
2/ Tham gia các hoạt động và sinh hoạt của Hiệp hội; đoàn kết, hợp tác với các hội viên khác để xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh.
3/ Cung cấp thông tin, số liệu cần thiết phục vụ cho hoạt động của Hiệp hội.
4/ Đóng lệ phí gia nhập và hội phí đầy đủ theo quy định.

CHƯƠNG IV
TỔ CHỨC HỘI


Điều 10: Hiệp hội Da - Giầy Việt Nam được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự trang trải về tài chính và bình đẳng với mọi hội viên.
Các hội viên chấp hành hoạt động trên cơ sở bàn bạc dân chủ, lãnh đạo tập thể, thiểu số phục tùng đa số.
Điều 11: Tổ chức của Hiệp hội gồm:
- Ban chấp hành Hiệp hội,
- Ban Thường trực Hiệp hội,
- Ban thư ký Hiệp hội,
- Các Chi Hội trực thuộc
Điều 12: Đại hội Đại biểu toàn quốc Hiệp hội Da - Giầy Việt Nam:
1/ Đại hội Đại biểu toàn quốc Hiệp hội Da - Giầy Việt Nam là cơ quan có thẩm quyền cao nhất của Hiệp hội. Đại hội được tổ chức 5 năm một lần.
2/ Nhiệm vụ chính của Đại hội:
- Thảo luận báo cáo tổng kết nhiệm kỳ và phương hướng hoạt động mới của Hiệp hội;
- Thảo luận, góp ý báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Ban chấp hành Hiệp hội;
- Quyết định phương hướng và chương trình công tác của Hiệp hội;
- Quyết định sửa đổi và bổ sung Điều lệ Hiệp hội;
- Thảo luận và quyết định một số vấn đề quan trọng của Hiệp hội vượt quá thẩm quyền giải quyết của Ban chấp hành;
- Thảo luận, phê duyệt quyết toán tài chính và thông qua kế hoạch tài chính khoá mới;
- Bầu Ban chấp hành Hiệp hội;
3/ Ban chấp hành Hiệp hội có thể triệu tập đại hội bất thường để giải quyết những vấn đề cấp bách của Hiệp hội theo đề nghị của 2/3 uỷ viên Ban chấp hành, hoặc trên 1/2 số hội viên yêu cầu.
4/ Các Nghị quyết của Đại hội được thông qua theo nguyên tắc đa số.
Điều 13: Ban chấp hành Hiệp hội :
1/ Ban chấp hành Hiệp hội là cơ quan lãnh đạo của Hiệp hội giữa 2 kỳ đại hội. Số lượng Uỷ viên ban chấp hành do Đại hội quyết định và được bầu trực tiếp bằng phiếu kín hoặc giơ tay. Người đắc cử phải đạt trên 50% số phiếu bầu hợp lệ.
Thành viên Ban chấp hành có thể được bầu lại hoặc bị miễn nhiệm trước thời hạn theo quyết định của Đại hội, hoặc theo đề nghị của hơn 1/2 số hội viên.
Nhiệm kỳ của Ban chấp hành là 5 năm một lần, hoạt động theo quy chế được Đại hội thông qua.
2/ Ban chấp hành Hội họp thường kỳ mỗi quý một lần.
3/ Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban chấp hành Hiệp hội:
- Quyết định các biện pháp thực hiện nghị quyết, chương trình hoạt động nhiệm kỳ của Đại hội.
- Quyết định chương trình, kế hoạch công tác hàng năm và thông báo kết quả hoạt động của Ban chấp hành cho các chi hội biết.
- Phê duyệt kế hoạch và quyết toán tài chính hàng năm.
- Quy định tổ chức và hoạt động các Ban chuyên môn, Văn phòng Hiệp Hội, văn phòng đại diện tại các khu vực; Quy định các nguyên tắc, chế độ, sử dụng và quản lý tài sản, tài chính của Hiệp hội.
- Bầu cử và bãi miễn chức danh lãnh đạo của Hiệp hội: Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký và phó Tổng thư ký.
- Cử trưởng các Ban chuyên môn, các Trưởng đại diện của Hiệp Hội ở các khu vực.
- Chuẩn bị nội dung, chương trình nghị sự và tài liệu trình Đại hội.
- Quyết định triệu tập Đại hội nhiệm kỳ hoặc Hội nghị đại biểu hàng năm.
- Xét kết nạp, khai trừ hội viên.
Điều 14: Ban Thường vụ:
1/ Ban thường vụ do Ban chấp hành bầu, gồm: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký, phó Tổng thư ký và một số uỷ viên. Số lượng uỷ viên do Ban chấp hành quyết định.
2/ Ban thường vụ thay mặt Ban chấp hành chỉ đạo, điều hành hoạt động của Hiệp hội giữa 2 kỳ họp và phải báo cáo kiểm điểm công tác trong các kỳ họp của Ban chấp hành.
3/ Ban thường vụ hoạt động theo Quy chế được Ban chấp hành thông qua.
Điều 15: Chủ tịch và Phó Chủ tịch:
1/ Chủ tịch Hiệp hội có quyền hạn và trách nhiệm:
- Đại diện pháp nhân của Hiệp hội trước pháp luật.
- Chủ tài khoản, quản lý tài chính và tài sản của Hiệp hội.
- Tổ chức triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đại hội, của Hội nghị đại biểu và các quyết định của Ban chấp hành.
- Triệu tập và chủ trì cuộc họp của Ban chấp hành.
- Ký quyết định bổ nhiệm, bãi miễn và trực tiếp chỉ đạo Tổng Thư ký Hiệp hội.
- Ký quyết định cử cán bộ của Hiệp hội đi công tác nước ngoài.
- Phê duyệt nhân sự Văn phòng Hiệp hội và các tổ chức khác do Hiệp hội thành lập.
- Chịu trách nhiệm trước Ban chấp hành và toàn thể Hội viên về các hoạt động của Hiệp hội.
2/ Các Phó Chủ tịch Hiệp hội là người giúp việc cho Chủ tịch, được Chủ tịch phân công giải quyết từng vấn đề cụ thể và có thể được uỷ quyền điều hành công việc của Ban chấp hành khi Chủ tịch vắng mặt.
Điều 16: Tổng Thư ký, phó Tổng thư ký Hiệp hội:
1/ Tổng Thư ký:
- Là người điều hành trực tiếp mọi hoạt động của Văn phòng Hiệp hội.
- Xây dựng Quy chế hoạt động của Văn phòng, Quy chế quản lý tài chính, tài sản của Hiệp hội trình Ban chấp hành phê duyệt.
- Định kỳ báo cáo cho Ban thường vụ và Ban chấp hành về các hoạt động của Hiệp hội.
- Lập báo cáo hàng năm, báo cáo nhiệm kỳ của Ban chấp hành.
- Quản lý danh sách, hồ sơ và tài liệu về các hội viên và các tổ chức trực thuộc.
- Chịu trách nhiệm trước Ban chấp hành và trước pháp luật về các hoạt động của Văn phòng Hiệp hội.
2/ Phó Tổng thư ký:
Phó Tổng thư ký Hiệp hội là người giúp việc cho Tổng thư ký, được Tổng thư ký phân công giải quyết từng vấn đề cụ thể và có thể được uỷ quyền điều hành công việc của Văn phòng Hiệp hội khi Tổng thư ký vắng mặt.
Điều 17: Văn phòng Hiệp hội.
1/ Văn phòng Hiệp hội được tổ chức và hoạt động theo Quy chế do Tổng thư ký trình Ban chấp hành phê duyệt.
2/ Các nhân viên của Văn phòng Hiệp hội được tuyển dụng và làm việc theo chế độ hợp đồng có thời hạn hoặc là cán bộ biệt phái từ các đơn vị hội viên.
3/ Kinh phí hoạt động của Văn phòng do Tổng thư ký dự trù trình Ban chấp hành duyệt.
Điều 18: Ban kiểm tra:
1/ Ban kiểm tra do Ban chấp hành Hiệp hội trực tiếp bầu ra. Số lượng uỷ viên Ban kiểm tra do Ban chấp hành Hiệp hội quyết định.
2/ Ban Kiểm tra hoạt động theo quy chế do Ban chấp hành thông qua.
Điều 19: Các tổ chức trực thuộc Hiệp hội.
Tuỳ theo điều kiện thực tế, Hiệp hội có thể thành lập một số đơn vị hoạt động sản xuất, dịch vụ, tư vấn... Việc thành lập các đơn vị này phải tuân theo các quy định của pháp luật.

CHƯƠNG V
TÀI CHÍNH, TÀI SẢN CỦA HIỆP HỘI

Điều 20: Nguồn thu của Hiệp hội:
- Lệ phí gia nhập Hiệp hội
- Hội phí của hội viên đóng góp theo doanh thu.
- Tài trợ của cá tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.
- Các khoản thu hợp pháp khác.
Điều 21: Các khoản chi của Hiệp hội.
Được chi theo Quy chế tài chính của Hiệp hội như trả lương cho nhân viên, bồi dưỡng, cộng tác viên, cho cơ sở hạ tầng, giao tế, từ thiện và các khoản chi hợp lý khác do Ban Thường vụ Hiệp hội quyết định.
Điều 22: Quản lý, sử dụng tài chính và tài sản.
1/ Ban chấp hành Hiệp hội quy định việc quản lý, sử dụng tài chính và tài sản của Hiệp hội phù hợp với quy định của Nhà nước.
2/ Ban Kiểm tra có trách nhiệm kiểm tra và báo cáo tài chính, tài sản công khai hàng năm cho hội viên biết.


CHƯƠNG VI
KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT

Điều 23: Khen thưởng.
Những hội viên, thành viên Ban chấp hành, Ban thường vụ, Ban kiểm tra, cán bộ, nhân viên của Hiệp hội có nhiều thành tích đóng góp vào sự nghiệp phát triển ngành Da - Giầy, xây dựng Hiệp hội sẽ được Hiệp hội khen thưởng xứng đáng và có thể được Hiệp hội đề nghị các cơ quan Nhà nước khen thưởng.
Điều 24: Kỷ luật.
Hội viên nào hoạt động trái với Điều lệ, Nghị quyết của Hiệp hội, làm tổn thương đến uy tín, danh dự của Hiệp hội, bỏ sinh hoạt thường kỳ nhiều lần không có lý do chính đáng, không đóng hội phí một năm, sẽ tuỳ mức độ mà phê bình hoặc xoá tên trong danh sách Hội viên.

CHƯƠNG VII
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 25: Việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ phải được Đại hội Đại biểu toàn quốc Hiệp hội Da - Giầy Việt Nam nhất trí kiến nghị và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt mới có giá trị thực hiện.
Điều 26: Bản Điều lệ này đã được Đại hội lần thứ IV Hiệp hội Da - Giầy Việt Nam nhất trí thông qua ngày 02/6/2000 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày được Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ phê duyệt. Bản Điều lệ sẽ không còn hiệu lực khi Hiệp hội ngừng hoạt động hoặc giải thể./.

>