Chuỗi cung ứng bị đứt gãy
Theo Hiệp hội Da - Giày và Túi xách Việt Nam (Lefaso), tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành giày dép Việt Nam trong giai đoạn 2015-2019 là hơn 10%/năm. Dự kiến năm 2020, giày dép xuất khẩu sẽ đạt hơn 20 tỷ USD trong điều kiện bình thường. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 khiến xuất khẩu giày dép khó đạt được kết quả như kế hoạch.
Dịch Covid-19 khiến chuỗi cung ứng toàn cầu của nhiều ngành hàng bị đứt gãy |
Vật tư ngành da giày Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng đã bị giảm 50% trong tháng 2/2020, dẫn đến nhiều nhà máy giày dép ở Việt Nam bị thiếu hụt nguyên liệu sản xuất. Đến tháng 3/2020, nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc tốt hơn do nhiều nhà máy hoạt động trở lại. Tuy nhiên, sau khi giảm bớt khó khăn về nguyên liệu đầu vào, ngành da giày lại chịu ảnh hưởng từ thị trường tiêu thụ. Giữa tháng 3/2020, dịch bệnh Covid-19 đã lây lan trên diện rộng tại châu Âu, qua Mỹ và gần như đã “đánh sập” những thị trường trên. Việt Nam xuất khẩu 95% lượng giày dép sản xuất ra và thị trường Mỹ, châu Âu chiếm 70% kim ngạch của ngành nên đã chịu thiệt hại nặng nề.
Thống kê mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc trong 8 tháng năm 2020 ước đạt 19,25 tỷ USD, giảm 11,6% so với cùng kỳ. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình sản xuất, xuất khẩu của toàn ngành dệt may vẫn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng trên thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các hoạt động giãn cách xã hội, cùng việc thắt chặt chi tiêu tại các gia đình và chính sách hạn chế đầu tư tại các doanh nghiệp chững lại.
Theo ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, tìm kiếm đơn hàng trong bối cảnh này không dễ với phần lớn các doanh nghiệp dệt may, nhất là khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại lần 2 ở nhiều nước và cả Việt Nam. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp dệt may gần như chưa có đơn hàng cho 2 quý cuối năm, với các sản phẩm có giá trị cao như veston, sơ mi cao cấp...
"Đơn hàng cho quý IV hầu như chưa có, đây là thách thức lớn cho kế hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may. Trong khi đơn hàng khẩu trang đã đảo chiều, ít và giá giảm đến mức chỉ vừa đủ chi phí sản xuất", ông Lê Tiến Trường chia sẻ.
Còn theo đánh giá của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế, với diễn biến hiện tại của dịch bệnh Covid-19, chắc chắn nhu cầu chở khách du lịch đối với hàng không sẽ không thể đạt mức như trước khi có dịch cho đến năm 2023 hoặc 2024. Điều này có nghĩa trong 3-4 năm tới, ngành hàng không toàn cầu sẽ chỉ có một mục tiêu duy nhất là bù lỗ và khôi phục sản xuất.
Thậm chí, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế còn dự báo, hiện mới chỉ là giai đoạn đầu của chặng đường dài đầy khó khăn của các hãng hàng không. Những chông gai thật sự của ngành hàng không vẫn còn ở phía trước. Và có một điều chắc chắn, hàng không sẽ không bao giờ có thể phát triển bền vững chừng nào việc đi lại quốc tế bị đóng cửa hoặc hạn chế như hiện nay.
Cần chuyển sang các mô hình chủ động và tổng thể hơn
Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, nhiều doanh nghiệp Việt đã nhận ra mức độ lệ thuộc phức tạp và tính dễ bị tổn thương của hệ sinh thái chuỗi cung ứng hiện đại khi những đứt gãy có tác động lan truyền giữa các ngành và giữa các quốc gia với nhau. Thực tế, các thay đổi đột ngột về nhu cầu tiêu dùng cũng như sự gián đoạn trong hoạt động thương mại xảy ra từ nhiều quốc gia khiến cho tác động của đại dịch đã trở nên sâu rộng và không còn là vấn đề tạm thời đối với chuỗi cung ứng của bất kỳ một doanh nghiệp nào, mà còn trở thành vấn đề mang tầm vĩ mô, chiến lược của cả một quốc gia. Chính vì vậy, trong tương lai, việc vận hành chuỗi cung ứng sẽ cần chuyển sang các mô hình chủ động và tổng thể hơn.
Nhiều ý kiến cho rằng, là một trong số các quốc gia đầu tiên mở cửa lại nền kinh tế sau khi tạm thời kiểm soát được dịch bệnh, Việt Nam cần tận dụng lợi thế này làm nền tảng vươn lên và xây dựng chiến lược thích ứng chủ động. Đây là thời điểm đòi hỏi các doanh nghiệp phải có cái nhìn rõ ràng hơn về chuỗi cung ứng, cũng như cần đặt ra câu hỏi làm thế nào để xây dựng chiến lược thích ứng dài hạn cho doanh nghiệp thay vì chỉ trông chờ từ Chính phủ.
Có thể thấy, chuỗi cung ứng trong tương lai sẽ không chỉ xoay quanh hiệu suất và quản lý chi phí, mà sẽ dựa trên mức độ an toàn và khả năng thích ứng của chuỗi cung ứng đó. Đánh giá tình hình với tầm nhìn chiến lược và từ đó linh hoạt điều chỉnh chuỗi cung có thể sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh lâu dài cho doanh nghiệp.
Hiểu biết sâu sắc và đa chiều hơn về vị trí trong chuỗi cung ứng là điều cần thiết đối với các doanh nghiệp trong bất cứ ngành nghề, lĩnh vực nào hiện nay. Trong đó, các doanh nghiệp cần lưu ý đến những thách thức lớn nhất đối với chuỗi cung ứng và các bên thứ ba, đòi hỏi những thay đổi cần thiết trong hệ sinh thái chuỗi cung ứng trước đây. Cụ thể như dịch vụ hậu cần và đảm bảo an ninh, nguồn nhân lực trong hệ sinh thái chuỗi cung ứng, nhà phân phối, các bên trung gian và đại lý, tình hình tài chính của nhà cung cấp, kỹ thuật số và an ninh mạng, hợp đồng và điều khoản thương mại, thuế phí... Chỉ khi các doanh nghiệp có sự quan tâm, hiểu biết và chủ động lên kế hoạch lâu dài cho những vấn đề này thì trong những bối cảnh xảy ra khủng hoảng như đại dịch Covid-19 vừa qua, mới có thể cầm cự và vượt qua, không để rơi vào tình trạng bị động dẫn đến nguy cơ đổ vỡ, phá sản.
Còn trong ngắn hạn, các doanh nghiệp cần thực hiện ngay các chương trình giám sát và ứng phó tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng với các quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tập trung xác định rủi ro để đưa ra giải pháp sản xuất, kinh doanh phù hợp. Cần cân bằng cung cầu, xây dựng thêm kho, đa dạng hóa nhà cung cấp. Đồng thời các doanh nghiệp cần đảm bảo nguồn thay thế, tuyến đường vận chuyển, hàng tồn kho, dự trữ tài chính bằng tiền mặt đủ để giảm thiểu bất kỳ sự gián đoạn nào trong thời gian tiếp theo.
Các bộ ngành cần tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu sản xuất, đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị và từng ngành hàng, mở rộng thị trường và nguồn cung ứng nguyên phụ liệu mới…
Để hỗ trợ doanh nghiệp, thời gian qua, từ phía Bộ Công Thương cũng đã nhanh chóng có những chỉ đạo các đơn vị, thương vụ Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với các hiệp hội ngành hàng tìm kiếm các nhà phân phối, sản xuất nguyên phụ liệu nước ngoài để thông tin cho các ngành sản xuất trong nước sớm có sự kết nối, thực hiện kế hoạch cung ứng phù hợp.
Bên cạnh các chính sách hỗ trợ của nhà nước, các chuyên gia kinh tế khuyến nghị doanh nghiệp cần đa dạng hóa, đa phương các các nguồn cung ứng, thị trường xuất khẩu tránh "bỏ trứng vào một giỏ" phụ thuộc vào một thị trường và một đối tác từ nguồn nguyên liệu, sản xuất. Đây là thời điểm quan trọng để doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu cho phù hợp với năng lực sản xuất, kinh doanh.
Theo : petrotimes.vn