Cổng thông tin điện tử

Ngành da giày túi xách việt nam

  • Doanh nghiệp làm gì để bảo vệ mình trước tình trạng hàng giả, hàng nhái?
  • 26/05/2020
 Tình trạng hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ vẫn đang xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường với cách thức ngày càng tinh vi, làm suy giảm không ít lòng tin của người tiêu dùng đối với nhà sản xuất chân chính. Trước tình trạng đó doanh nghiệp cần chủ động bảo vệ hàng hóa của chính mình.

 

Theo số liệu của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 quốc gia), năm 2018, lực lượng Cảnh sát kinh tế trên cả nước đã phát hiện, điều tra xử lý 467 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả và xâm phạm sở hữu trí tuệ (SHTT). Trong đó khởi tố 65 vụ/84 bị can; chuyển xử lý hành chính 402 vụ, còn một số vụ việc là hàng hóa giả mạo, xâm phạm SHTT nhưng không chứng minh được đối tượng liên quan (hàng vô chủ) nên chỉ tịch thu, tiêu hủy. Còn trong 7 tháng đầu năm 2019, lực lượng Quản lý thị trường cũng đã phát hiện, xử lý 47.280 vi phạm, trong đó có tới 6.089 vụ hàng giả, hàng xâm phạm SHTT trên cả nước.

Ảnh minh họa

Ông Lê Thế Bảo – Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) cho biết, những con số bắt giữ xử lý hàng năm vẫn chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm”, chưa phản ánh được thực chất số lượng hàng giả, hàng xâm phạm SHTT trên thị trường hiện nay. Ông Bảo đánh giá, hàng giả và xâm phạm SHTT hiện diễn ra rất phức tạp, đa dạng trên nhiều mặt hàng, nhiều lĩnh vực như: diễn ra hầu hết các loại sản phẩm hàng hóa, dưới dạng sao chép kiểu dáng, các chỉ dẫn địa lý giả mạo, xâm phạm sáng chế, các giải pháp hữu ích, nhiều động thái cạnh tranh không lành mạnh, tranh chấp quyền SHTT nhãn hiệu xảy ra ngay lúc đăng ký, xác lập quyền.

Tội phạm sản xuất, buôn bán hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng và xâm phạm SHTT luôn song hành cùng nhau với phương thức, thủ đoạn hoạt động tương đối giống nhau và ngày càng tinh vi. Các đối tượng sản xuất sử dụng nguồn nguyên vật liệu chất lượng giá thành thấp, thậm chí trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ để pha trộn với một lượng hàng thật hoặc tự sản xuất hàng, sau đó dán nhãn mác của các doanh nghiệp đã được đăng ký nhãn hiệu rồi bán ra thị trường.

“Vì mục tiêu lợi nhuận nên việc làm giả các sản phẩm được bảo hộ trở thành hiện tượng phổ biến. Hàng hóa nào có thương hiệu, có lợi nhuận, có uy tín được người tiêu dùng ưa chuộng thì lập tức có hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT” – ông Bảo cho biết. Ngoài ra, sự chênh lệch về giá giữa hàng hoá trong nước và hàng sản xuất từ nước ngoài chính là yếu tố khiến các đối tượng bất chấp những hậu quả pháp lý mà họ phải gánh chịu để sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm SHTT.

Đừng để mất bò mới lo làm chuồng!

Theo đánh giá từ các chuyên gia và chính những lực lượng chức năng thực thi, những nguyên nhân làm phát sinh hàng giả, hàng xâm phạm SHTT ở Việt Nam xuất phát từ cả nhận thức của người sản xuất, người tiêu dùng và cả khâu quản lý nhà nước, việc thực thi pháp luật.

Theo ông Đỗ Thanh Lam, Tổng Thư ký VATAP, hầu hết các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đều có quy mô nhỏ và vừa, nên nhận thức về bảo hộ nhãn hiệu còn hạn chế. “Thực tế, ngay tại địa bàn Hà Nội hiện có hơn 230.000 DN, trong đó 97 – 98% là DN nhỏ và vừa, nhưng có hơn 50% DN mù mờ về các quy định liên quan đến SHTT, có DN thờ ơ không đăng ký SHTT, có DN đã đăng ký nhưng khi bị vi phạm thì không biết trình tự, cách thức xử lý như thế nào” – ông Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP. Hà Nội thông tin.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Đỗ Nguyên Khôi – Giám đốc thương hiệu, Công ty Richard Moore Associates cũng cho rằng, các DN Việt Nam trong quá trình xây dựng phát triển sản phẩm đã quên đi vấn đề bảo hộ thương hiệu, không có nguồn lực đảm bảo SHTT, gây ra tình trạng công ty làm thương hiệu uy tín chất lượng nhưng DN làm giả, làm nhái lại được lợi. Chính vì thế, để đẩy lùi tình trạng hàng giả hàng nhái, DN cần đăng ký quyền SHTT, có chiến lược phát triển thương hiệu và quản trị thương hiệu. Theo đó, cần khẩn trương tiến hành đăng ký bảo hộ các thành tố thương hiệu như nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế hoặc quyền tác giả… tại Việt Nam và tại những khu vực thị trường nước ngoài.

Ông Nguyễn Hồng Quân, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hải Âu chia sẻ: “Giá trị của các sản phẩm thuộc ngành hàng điện tử, điện máy đa số đều không hề nhỏ trong khi người dùng phổ thông đều chưa nhiều hiểu biết về các sản phẩm này nên không biết phải kiểm tra thế nào. Do tâm lý chung như vậy, khi người tiêu dùng nghe thấy điều gì đó không tốt về mặt hàng, thương hiệu thì thường có tâm lý nghi ngờ về độ an toàn của sản phẩm. Hệ quả thiết yếu là khách hàng sẽ không dám mua hàng vì sợ mua nhầm hàng chất lượng kém”.

Tập đoàn Hải Âu cũng là một ví dụ cho những DN đã sớm đăng ký bảo hộ thương hiệu theo ngành hàng để bảo vệ uy tín cũng như quyền lợi cho các khách hàng. Đó là lý do mà từ trước tới nay, các sản phẩm của đơn vị này như máy làm đá viên, máy làm kem tươi… đều chưa gặp tình trạng bị nhái thương hiệu.

Nhưng Tập đoàn Hải Âu lại chỉ thuộc về số ít vì đa phần DN hiện nay lại không đăng ký kịp thời và chưa có ý thức trong việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT. Ngại cung cấp thông tin hoặc yêu cầu cơ quan chức năng xử lý vi phạm vì sợ người tiêu dùng quay lưng với sản phẩm, sợ ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm, và doanh thu bán hàng.

Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) – ông Trần Hữu Linh – cũng khẳng định, cuộc chiến chống hàng giả, xâm phạm quyền SHTT không thể đạt được hiệu quả như mong muốn nếu như không có sự hợp tác một cách chủ động, tích cực của các DN sản xuất kinh doanh. Lực lượng QLTT cũng như các lực lượng thực thi khác sẽ luôn đồng hành cùng DN, bảo vệ quyền lợi của DN. Nhưng DN cũng phải nâng cao trách nhiệm của mình trong việc quản lý chặt chẽ về quy trình sản xuất hàng hoá (vật tư, thiết bị, tem, bao bì, nhãn và nhãn hiệu hàng hoá…. không để thất thoát) và hệ thống phân phối hàng hóa để chủ động phát hiện, ngăn chặn hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT; Thường xuyên cung cấp thông tin cho lực lượng chức năng khi phát hiện hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT để kịp thời kiểm tra, xử lý vi theo quy định…

Đặc biệt, trong thời gian tới khi các quy định trong Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết với các nước trong khu vực và thế giới được thực thi, việc đảm bảo quyền SHTT sẽ là một trong những điều kiện tiên quyết để DN Việt Nam có thể vững bước ra thị trường quốc tế.

Hà Hường/ Theo Công thương

Tin tức liên quan