Trong quý 1/2020, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu phục vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các ngành chế biến, chế tạo.
Tuy nhiên, theo nhận định của các doanh nghiệp và Bộ Công Thương, thời gian tới, sẽ có những khó khăn mới về thị trường tiêu thụ. Vì vậy, một trong những giải pháp được Bộ Công Thương đưa ra tập trung tái cơ cấu các chuỗi liên kết để phục vụ cho sản xuất công nghiệp.
Giải quyết đầu ra sản phẩm
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, sản lượng công nghiệp đang giảm với tốc độ nhanh nhất trong hơn sáu năm qua. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ba tháng đầu năm nay chỉ tăng 5,8%; thấp hơn khá nhiều so với mức tăng cùng kỳ của các năm 2017, 2018 và 2019.
Trong đó, ngành chế biến, chế tạo là ngành chịu tác động nhiều nhất với tốc độ tăng ba tháng đầu năm chỉ đạt hơn 7%, thấp hơn nhiều so với mức tăng gần 11% của cùng kỳ năm trước và gần 16% của cùng kỳ năm 2018.
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/3/2020 tăng gần 25% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm 2019 tăng 15,6%).
[Sản xuất công nghiệp tìm hướng đi mới trong bối cảnh đại dịch COVID-19]
Bộ Công Thương nhận định, hiện nay, khi những khó khăn ở giai đoạn đầu của dịch bệnh có thể không còn gay gắt nữa, nhưng khó khăn lớn hơn đã xuất hiện khi phạm vi dịch bệnh đã lan rộng ở quy mô toàn cầu. Hầu như tất cả các bạn hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam đều chịu tác động trực tiếp. Do vậy, khó khăn về thị trường đầu ra cho sản phẩm hàng hóa của Việt Nam sẽ là rất lớn, cùng với đó là những vấn đề về sản xuất và người lao động.
Các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như điện tử, dệt may, da giày, đồ gỗ… sẽ bị ảnh hưởng nặng bởi năng lực sản xuất của các ngành này được đầu tư vượt xa nhu cầu tiêu dùng nội địa, chủ yếu hướng đến thị trường ngoài nước; trong đó, đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ và châu Âu.
"Nếu đơn hàng xuất khẩu sụt giảm mạnh trong thời gian tới, doanh nghiệp sẽ không có dòng tiền để quay vòng vốn, trang trải chi phí, trả lãi ngân hàng, khấu hao nhà xưởng, trả lương công nhân...và do đó sẽ không thể duy trì hoạt động," Bộ Công Thương cho biết.
Đơn cử ở ngành điện tử, theo Bộ Công Thương, thị trường Hoa Kỳ và châu Âu lần lượt chiếm khoảng 17% và 24% kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng điện thoại và linh kiện; lần lượt khoảng 17% và 14% kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện của Việt Nam.
Đáng chú ý, hai thị trường nêu trên chiếm hơn 50% giá trị xuất khẩu sản phẩm của Công ty Samsung Electronics Việt Nam. Cụ thể là với thị trường Hoa Kỳ, giá trị xuất khẩu của Samsung chiếm rên 20% và thị trường châu Âu chiếm trên 30%. Samsung Việt Nam cũng đã dự kiến giảm mục tiêu xuất khẩu xuống còn khoảng 45,5 tỷ USD trong năm 2020, trong khi đó xuất khẩu năm 2019 là hơn 51 tỷ USD.
Chế biến tôm xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần Bá Hải (tỉnh Phú Yên). (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)Ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc điều hành Công ty Trách nhiệm hữu hạn vật liệu Tầm nhìn Việt, chia sẻ thời điểm này, việc nhập khẩu hàng hóa từ phía Trung Quốc để sản xuất đã được phục hồi một phần do các doanh nghiệp cung ứng tại Trung Quốc, Hàn Quốc đã quay trở lại hoạt động sau đỉnh dịch. Tuy nhiên, việc nhập khẩu vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Nguồn linh kiện, phụ tùng nhập khẩu từ Trung Quốc theo đường bộ mất nhiều thời gian thông quan hơn so với thông thường do các cửa khẩu vẫn đang áp dụng các biện pháp kiểm dịch. Do vậy các doanh nghiệp đang tìm cách đa dạng hóa phương thức vận chuyển linh phụ kiện nhập khẩu thay cho đường bộ, song việc này sẽ dẫn đến gia tăng chi phí (đường hàng không) và thời gian (đường biển); đồng thời, khó đảm bảo lượng linh phụ kiện cũng như tiến độ phục vụ sản xuất.
"Một khó khăn khác nữa là hiện nay, hàng hóa nhập khẩu vào các nước bằng đường hàng không cũng bị ảnh hưởng đáng kể do nhiều chuyến bay bị hoãn, hủy hoặc cắt giảm. Bên cạnh đó, là việc kiểm soát, siết chặt quy định kiểm soát hàng hóa, ra vào tại các khu vực biên giới....", ông Vinh cho biết thêm.
Tìm hướng hỗ trợ doanh nghiệp
Theo chia sẻ của đại diện doanh nghiệp Cơ khí SKD Việt Nam, những khó khăn cả về nhập khẩu nguyên vật liệu và xuất khẩu ra các thị trường đều đã được doanh nghiệp nhận định, đặc biệt là khi tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, nguy hiểm hơn tại khu vực châu Âu, Hoa Kỳ và các thị trường khác. Doanh nghiệp gần như không có nguồn hàng để sản xuất, cũng chưa thể ký kết thêm các hợp đồng mới với đối tác, một phần do nguồn cung sụt giảm, một phần do lo ngại dịch bệnh chưa có ngày kết thúc.
“Chúng tôi gần như đã cắt giảm các vị trí không cần thiết, chỉ duy trì nhân lực để sản xuất, đáp ứng đơn hàng đã ký kết từ trước đó. Tuy nhiên, vì dịch bệnh, khi hoàn thành cũng chưa biết có thể giao hàng kịp cho đối tác. Vì vậy, doanh nghiệp rất mong được hỗ trợ để có thể duy trì hoạt động trong bối cảnh hiện nay," đại diện Cơ khí SKD Việt Nam cho hay.
Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng còn lại trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Bộ Công Thương đã yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục triển khai các giải pháp để xử lý khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Theo Bộ Công Thương, ưu tiên quan trọng nhất trong thời điểm này là phải duy trì hoạt động của các doanh nghiệp công nghiệp trong nước qua giai đoạn khó khăn bởi tác động của dịch. Nếu để doanh nghiệp đóng cửa vĩnh viễn sẽ khiến người lao động mất việc làm và tạo ra hiệu ứng lan toả tiêu cực đối với các doanh nghiệp khác dọc theo chuỗi cung ứng.
Do đó, trong thời gian tới, theo Bộ Công Thương, cần phải đẩy mạnh việc thông quan nguyên phụ liệu nhập khẩu để kịp thời cung ứng cho sản xuất trong nước; có chính sách hỗ trợ đủ mạnh, thực chất về tín dụng, tài chính và thuế để giúp các doanh nghiệp bảo đảm hoạt động sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội.
Cùng với đo, đẩy mạnh tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước cho các ngành công nghiệp trọng điểm; trong đó, chủ yếu là thị trường xuất khẩu cho các ngành xuất khẩu chủ lực để giải quyết một phần năng lực sản xuất dư thừa trong nước.
Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ đẩy nhanh tái cơ cấu trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Theo đó, xác định trọng tâm là khu vực công nghiệp hỗ trợ và ngay từ bây giờ cần tập trung tái cơ cấu các chuỗi liên kết để phục vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là một số ngành công nghiệp chế biến chế tạo lớn theo hướng bền vững hơn với một số đối tác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ…, tránh phụ thuộc quá lớn vào một hoặc một số ít đối tác hoặc thị trường.../.
Nguồn : Sưu tầm