Cổng thông tin điện tử

Ngành da giày túi xách việt nam

  • Vượt cú sốc cung – cầu: Giải pháp của Bộ Công Thương
  • 15/04/2020
 Bộ Công Thương vừa cập nhật đánh giá tình hình, tác động của dịch COVID-19 và định hướng, giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong ngành nhằm giúp các doanh nghiệp vượt qua cú sốc về cả phía cung và cầu, chuẩn bị tốt nhất để tạo đà phục hồi mạnh ngay sau khi dịch bệnh kết thúc.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 3 tháng đầu năm tăng 5,8%; thấp hơn khá nhiều so với mức tăng cùng kỳ các năm trước.

Trong báo cáo gửi Hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 10/4, Bộ Công Thương khẳng định, thời gian tới, để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, toàn ngành Công Thương xác định vừa thực hiện các giải pháp cấp bách trước mắt, vừa tính tới các giải pháp lâu dài hơn.

Theo Bộ Công Thương, trước diễn biến nhanh và phức tạp của dịch COVID-19, dưới sự chỉ đạo chung của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch, Bộ Công Thương đã và đang chủ động tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ và liên tục các giải pháp từ rất sớm với 2 trọng tâm chính là: Tham gia phòng chống, kiểm soát dịch bệnh; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để tthực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

3 tháng đầu năm 2020, cán cân thương mại của Việt Nam tiếp tục thặng dư 2,82 tỷ USD, cao hơn so với mức thặng dư 1,46 tỷ USD của cùng kỳ năm 2019. Mặc dù trước mắt còn nhiều khó khăn, nhưng kết quả này cho thấy hiệu quả của các biện pháp ứng phó và quyết tâm của Chính phủ cũng như cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội biến “nguy thành cơ” như thông điệp mạnh mẽ được Thủ tướng Chính phủ đưa ra.

Tuy nhiên, tăng trưởng xuất khẩu trong quý I/2020 đạt mức thấp nhất kể từ năm 2003 đến nay. Đây cũng là xu hướng chung của thương mại quốc tế và khu vực. Xuất khẩu chậm lại cũng kéo theo kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam giảm 1,9% so với quý I/2019, ước đạt 56,26 tỷ USD (cùng kỳ tăng 7,7%).

Về sản xuất công nghiệp, Chỉ số PMI của Việt Nam đã giảm mạnh từ 49,0 điểm của tháng 2 về 41,9 điểm trong tháng 3. Theo kết quả khảo sát, dịch COVID-19 đã khiến cả số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng đều giảm đáng kể trong tháng 3. Cả hai chỉ số đã giảm với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử chỉ số, với tổng số lượng đơn đặt hàng mới giảm gần tương đương với số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 3 tháng đầu năm tăng 5,8%; thấp hơn khá nhiều so với mức tăng 7,4% của cùng kỳ năm 2017; 12,7% của cùng kỳ năm 2018 và 9,2% của cùng kỳ năm 2019. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo là ngành chịu tác động nhiều nhất với tốc độ tăng 3 tháng đầu năm chỉ đạt 7,2%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 10,9% của cùng kỳ năm trước và 15,7% của cùng kỳ năm 2018.

Hầu hết những ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chịu tác động của dịch COVID-19 đều có chỉ số sản xuất (IIP) 3 tháng đầu năm tăng thấp hơn hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước.

Dịch COVID-19 cũng làm ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều mặt hàng thiết yếu khiến cho tiêu thụ các mặt hàng gặp khó khăn do nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu giảm. Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 3 tháng đạt khoảng 1.246 nghìn tỷ đồng, tăng 4,67% so với cùng kỳ năm 2019, đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm gần đây. Trong đó nhóm du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm mạnh nhất (giảm tương ứng 27,8% và  9,6%). Các nhóm hàng hóa khác có mức tăng thấp so với các năm trước (chỉ tăng từ 2,0-9,6%) khiến mức tăng chung thấp.  Đáng lưu ý là tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của tháng 3 đã giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức giảm đầu tiên trong giai đoạn 2016 - 2020  (trong khi đó 2 tháng đầu năm ghi nhận tăng 8,3%).

Thu hút đầu tư nước ngoài cũng bị ảnh hưởng khi 2 tháng đầu năm, vốn FDI thực hiện giảm 5% (đây là lần giảm đầu tiên trong giai đoạn 2016 - 2020); vốn FDI đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài giảm 23,6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, cũng cần nhìn nhận khía cạnh tích cực từ bối cảnh hiện tại đối với đầu tư của Việt Nam khi Việt Nam vẫn đang được coi là đất nước an toàn. Một số nhà đầu tư đã và có ý định chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam, điển hình như mới đây, Samsung quyết định chuyển dây chuyền sản xuất “một số smartphone cao cấp” tới Việt Nam. Do vậy, cần coi đây là một cơ hội trong hoạt động thu hút đầu tư của Việt Nam để hướng tới mục tiêu dài hạn hơn.

Bộ Công Thương đánh giá, ở giai đoạn 1 của chống dịch, với tinh thần không chủ quan với dịch, các giải pháp đã được Bộ thực hiện đồng bộ, khẩn trương, quyết liệt và đạt nhiều kết quả tích cực.

Cụ thể là các giải pháp khơi thông cho xuất khẩu, tìm kiếm thị trường thay thế cho doanh nghiệp trong và tập trung kết nối với hệ thống phân phối trong nước. Bộ Công Thương cũng đã thành lập Tổ công tác để thực hiện rà soát, xây dựng, đề xuất các cơ chế hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất khẩu trang vải.

Tạo đà phục hồi mạnh ngay sau dịch

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp, Bộ Công Thương tiến hành rà soát, đánh giá tình hình và kết quả triển khai thực hiện các giải pháp trong thời gian qua, đồng thời dự báo các tình huống có thể xảy ra trong thời gian tới để xác định các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.

Trong đó, nhiệm vụ ưu tiên số 1, quan trọng hàng đầu hiện nay phải là tiếp tục phòng chống có hiệu quả dịch COVID-19. Làm tốt điều này cũng chính là góp phần quan trọng ổn định kinh tế-xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Các gói chính sách kinh tế cần hướng đến hỗ trợ ổn định, khắc phục khó khăn, vượt qua cú sốc về cả phía cung và cầu, cũng như chuẩn bị tốt nhất để tạo đà phục hồi mạnh ngay sau khi dịch bệnh kết thúc. Hiện nay, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tại Việt Nam, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đến khoảng 97% trên tổng số doanh nghiệp, trong nhóm này lại chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm đến khoảng xấp xỉ 93 - 94%. Trong khi đó, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với hộ kinh doanh và doanh nghiệp là dòng tiền và tính thanh khoản. Vì vậy, cần tập trung hỗ trợ nhóm đối tượng này.

Bộ Công Thương cũng cho rằng, các giải pháp về tiếp cận vốn, tín dụng; giảm chi phí cho doanh nghiệp (các loại phí, lệ phí, thuế)… tại Chỉ thị số 11 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 04/3/2020 đã xác định trúng các trọng tâm lớn này để giao các Bộ ngành triển khai. Bộ đề nghị Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính cần đẩy nhanh việc tính toán mức độ, đối tượng và ban hành các văn bản hướng dẫn để sớm ra quyết định thực thi các chính sách này hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc; tập trung khai thác tối đa thị trường Trung Quốc (đang trong giai đoạn có nhu cầu cao hấp thụ hàng hóa để phục vụ người dân trong nước sau giai đoạn cao điểm của dịch bệnh).

Bộ Công Thương cũng đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, làm việc sớm với phía Bạn để tập trung đẩy nhanh việc sớm cho phép một số nông sản của ta được chính thức xuất khẩu sang Trung Quốc. Đây là tiền đề hết sức quan trọng cho hàng hóa nông sản của Việt Nam đẩy mạnh được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc thời gian tới.

Đồng thời, để triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp và địa phương, trong thời gian qua Bộ Công Thương đã tạo nhóm liên kết (nhóm trên ứng dụng viber và zalo) các tham tán thương mại, các Vụ thị trường nước ngoài, Cục Xuất nhập khẩu, hiệp hội ngành hàng, Trung tâm xúc tiến thương mại địa phương và các doanh nghiệp trên cả nước nhằm kết nối, nắm bắt nhu cầu hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu cả nước nhanh và hiệu quả nhất.

 Đối với thị trường châu Âu, công việc trước mắt vẫn là tập trung hoàn tất các công việc để sớm thông qua Hiệp định EVFTA và chuẩn bị tốt các công việc để triển khai thực thi có hiệu quả Hiệp định này ngay sau khi có hiệu lực.

Đối với thị trường Hoa Kỳ, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành và cơ quan liên quan nghiên cứu nội dung dự luật về gói cứu trợ kinh tế quy mô 2.000 tỷ USD mới được chính quyền Mỹ thông qua, nắm bắt các trọng tâm trong chính sách kích cầu tiêu dùng của Mỹ để có phương án tiêu thụ hàng hóa xuất khẩu thích hợp; Tiếp tục tập trung xử lý tốt các vấn đề trong quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư giữa hai bên, đặc biệt là các nội dung trong khuôn khổ Hội đồng Thương mại và Đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ (TIFA).

Về thúc đẩy sản xuất công nghiệp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp trọng điểm nhằm đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Phối hợp với các địa phương phát triển mạnh các vùng sản xuất, các khu công nghiệp, khu kinh tế để chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu trong nước; đề xuất các chính sách để ưu đãi phù hợp, trước hết là đối với ngành dệt may, da giày và các ngành chịu ảnh hưởng lớn của dịch COVID-19; có cơ chế khuyến khích sản xuất linh kiện, sản phẩm trung gian trong nước thay thế nhập khẩu.

Đầu tư nguồn lực từ ngân sách nhà nước Trung ương và địa phương tập trung phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ và một số ngành công nghiệp vật liệu cơ bản quan trọng như thép chế tạo, vải, vật liệu mới... để khắc phục sự phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện đầu vào nhập khẩu, trong đó tập trung vào việc hỗ trợ nâng cao năng lực các doanh nghiệp thông qua các giải pháp hỗ trợ về tín dụng, nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường cũng như các ưu đãi về thuế và đất đai.

Tập trung phát triển thương mại nội địa qua các biện pháp nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thương mại, gắn kết giữa thương mại điện tử với các loại hình hoạt động thương mại truyền thống

Bộ đã chỉ đạo xây dựng "Đề án phát triển nền tảng ứng dụng thương mại điện tử" để thúc đẩy kết nối giữa các nhà sản xuất và phân phối trên nền tảng liên kết chặt chẽ về thông tin từ nhà sản xuất đến hệ thống phân phối cùng sự hỗ trợ của Nhà nước. Trong thời gian tới sẽ xem xét để triển khai nhằm tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thương mại điện tử, góp phần thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ hàng hóa.

 Về phát triển thị trường nội địa, bảo đảm cung ứng hàng hóa trong nước, Bộ Công Thương đã thưc hiện rà soát và có văn bản số 307/TTTN- HHDV ngày 23 tháng 3 năm 2020 gửi Bộ Tài chính đề nghị báo cáo Thủ tướng Chính phủ giảm 50% mức thu phí và lệ phí cấp phép cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực rượu, thuốc lá, khí, xăng dầu, giao dịch hàng hóa và công tác an toàn vệ sinh thực phẩm đến hết ngày 30/12/2020. Đề nghị Bộ Tài chính xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời...

Nguồn : Sưu tầm

Tin tức liên quan