Do lợi nhuận cao nên hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ (SHTT) hiện có mặt ở rất nhiều phân khúc của thị trường. Tuy nhiên, các hành vi vi phạm đều được xử lý bằng biện pháp hành chính là chủ yếu, chưa đủ sức răn đe, dẫn đến tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm về SHTT ở nước ta vẫn diễn ra phổ biến và phức tạp.
Truy quét tận gốc ổ, nhóm hàng giả thương hiệu
Trong thời gian vừa qua, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) trên cả nước liên tục phát hiện và bắt giữ số lượng lớn hàng giả, hàng có dấu hiệu vi phạm, giả mạo nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, lực lượng QLTT không chỉ dừng ở việc kiểm tra, xử lý các vụ việc vi phạm mà cần đánh thẳng vào tổ chức, trung tâm có quy mô, tinh vi trong kết cấu cả về vị trí lẫn không gian, phạm vi hoạt động.
Mới đây, Cục QLTT Hưng Yên đã bắt giữ tận gốc đường dây sản xuất hàng nhái The North Face do ông Đào Văn Củ (xã Phú Cường, TP. Hưng Yên) làm chủ. Thời điểm kiểm tra, 30 công nhân thời vụ tại xưởng vẫn làm việc bình thường, mỗi người đảm nhận một khâu để tạo ra một chiếc áo “hàng hiệu” mang tên The North Face có “nguồn gốc xuất xứ từ Mỹ”. Một chiếc áo gió hàng hiệu The North Face đủ tiêu chuẩn xuất xưởng tại đây được trang bị đầy đủ các loại tem chính, tem phụ, thậm chí cả tem chống hàng giả có in logo chìm. Tuy nhiên, đại diện hãng The North Face tại Việt Nam nhận định, các nguyên liệu tạo nên chiếc áo tại xưởng sản xuất này đều có dấu hiệu làm hàng giả.
Trước đó, tháng 7/2019, lực lượng QLTT Hà Nội đã bắt giữ gần 3.000 sản phẩm giả mạo các thương hiệu nổi tiếng tại chợ đầu mối Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội). Hay tại TP. Hồ Chí Minh, chợ Bến Thành và Trung tâm Thương mại Sài Gòn Square – địa điểm mua sắm lớn của thành phố, cũng bị lực lượng QLTT phát hiện và thu giữ hàng nghìn sản phẩm giả mạo nhãn mác các thương hiệu nổi tiếng…
Nâng mức xử lý vi phạm
Ông Trần Hữu Linh – Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương) – cho biết thực trạng: “Chúng tôi đã đến từng hộ, vận động chủ hộ tham gia ký kết không mua, kinh doanh hàng hóa vi phạm quyền SHTT. Họ vẫn ký nhưng sau một thời gian lại đâu vào đó”.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) – cho rằng, hiện nay, mức độ quan tâm của người dân và doanh nghiệp đến SHTT còn ít. Ngoài những trường hợp thu nhập thấp nhưng thích dùng đồ sang nên dù biết là hàng giả, hàng nhái vẫn mua thì ở rất nhiều vùng nông thôn, người dân vẫn đang sử dụng hàng vi phạm mà không hề hay biết.
Hiện tại, pháp luật Việt Nam quy định việc thực thi quyền SHTT bằng các biện pháp dân sự, hình sự và hành chính. Tuy nhiên, hầu hết các vụ xâm phạm quyền SHTT đều được xử lý bằng biện pháp hành chính và tập trung chủ yếu vào đối tượng hàng hóa giả mạo về nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và hàng xâm phạm kiểu dáng công nghiệp. Hình thức xử phạt được áp dụng chủ yếu là phạt tiền, đình chỉ có thời hạn hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị vi phạm, tịch thu tang vật… “Xử lý bằng hành chính là chưa đủ, cần nâng mức xử lý bằng dân sự và hình sự mới đủ sức răn đe” – Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh đề xuất.
Những tháng cuối năm 2019, Tổng cục QLTT tiếp tục triển khai nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 41/NQ-CP của Chính phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới. Đồng thời, sẽ tập trung vào tụ điểm, ổ nhóm, xử lý tận gốc các đường dây hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Theo Tuệ Minh/ Công thương