Cổng thông tin điện tử

Ngành da giày túi xách việt nam

  • Ngành da giày cần chủ động nắm bắt “cơ hội vàng”
  • 18/07/2016
 Hàng loạt hiệp định thương mại tự do như EVFTA, TPP hay AEC đã và đang tạo ra những hiệu ứng tích cực, mở ra triển vọng tốt cho xuất khẩu da giày. Tuy nhiên, những vấn đề về nguyên phụ liệu, chi phí đầu vào hay nhân công đang là rào cản trong việc phát triển và thu hút đầu tư trong lĩnh vực này.

Sản xuất giày, dép trong nước đang có nhiều thuận lợi

Chuyển động còn chậm

Theo đánh giá của Bộ Công thương, hiện nay ngành da giày đang nằm trong tốp 3, chỉ sau Trung Quốc và Italia về kim ngạch xuất khẩu với kim ngạch năm 2015 đạt gần 15 tỷ USD, trong đó hơn 12 tỷ USD từ giày dép. Số liệu của Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO) cũng cho thấy, Việt Nam nằm trong tốp những nước sản xuất giày dép lớn nhất thế giới về số lượng, sau Trung Quốc, Ấn Độ. Sản phẩm giày dép của Việt Nam đã xuất khẩu tới trên 50 nước và vùng lãnh thổ. Còn theo thống kê của Liên minh Châu Âu (EU), từ năm 1996, Việt Nam đã đứng vị trí thứ ba trong số các nước xuất khẩu giày dép nhiều nhất vào EU. Gần đây, Việt Nam đã vươn lên vị trí nhà xuất khẩu lớn thứ hai sau Trung Quốc. Trong hơn 12 tỷ USD giày dép xuất khẩu năm 2015, chỉ riêng xuất khẩu sang EU đạt 4,4 tỷ USD, tăng 20%, chiếm hơn 30% tổng kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu của Việt Nam vào EU chủ yếu tập trung ở mặt hàng giày da chất lượng cao và giày thể thao cho các thương hiệu của Mỹ và EU.

Mặc dù tăng trưởng nhanh, nhưng ngành da giày vẫn thiếu chủ động nguồn nguyên liệu, chuyển động khá chậm ở khâu đổi mới công nghệ, chuyên nghiệp hóa phương thức quản trị, đặc biệt trong xu thế hội nhập mạnh mẽ hiện nay. Thống kê trong 6 tháng đầu năm 2016 cho thấy, tốc độ tăng trưởng của toàn ngành đã giảm 9% so với cùng kỳ năm 2015. Áp lực của suy thoái kinh tế toàn cầu, chuỗi sản xuất và cung ứng nguyên phụ liệu trong nước còn thiếu đồng bộ… là nguyên nhân chính khiến ngành da giày khó nắm bắt cơ hội vàng để phát triển khi hội nhập. Dự báo năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành ước đạt hơn 17 tỷ USD. Tuy nhiên, năng suất lao động và vấn đề đổi mới công nghệ được cho là thách thức lớn để đạt mục tiêu này. Hiện nay, ngành da giày có hơn 800 doanh nghiệp (DN), nhưng năng lực sản xuất chủ yếu vẫn là gia công xuất khẩu, năng lực thiết kế mẫu mã còn yếu, thiếu đồng bộ trong phát triển sản xuất và cung ứng nguyên phụ liệu. 70% DN phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn thiết bị kỹ thuật, công nghệ, thiết kế sản phẩm và thị trường nước ngoài. Chưa kể, về hệ thống phân phối, có đến hơn 60% sản phẩm da giày Việt Nam là gia công cho các đối tác nước ngoài dưới hình thức làm theo đơn đặt hàng, với giá nhân công rẻ nên các DN Việt Nam chỉ giao hàng đến các nhà buôn mà không xuất khẩu trực tiếp đến các nhà phân phối chính. Đây là điểm yếu của ngành da giày Việt Nam, vì đa phần phụ thuộc vào hệ thống phân phối kinh doanh nước ngoài, điều đó đồng nghĩa với việc bị chi phối về sản xuất. Đáng chú ý, nguồn lao động, nhân công hiện nay đang là bài toán nan giải với các DN da giày. Bởi theo báo cáo, 80% DN nước ngoài quyết định đầu tư ở Việt Nam là do chi phí nhân công rẻ. Đây cũng là lợi thế lớn nhất so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, với chính sách như hiện nay là tăng lương liên tục, với mức tăng trung bình 5 năm trở lại đây là 16%, đang gây sức nặng lớn cho các DN và làm giảm sức hút đầu tư nước ngoài.

Liên kết cùng hội nhập

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký LEFASO, các hiệp định thương mại tư do như EVFTA, TPP, hay AEC… được coi là “cơ hội vàng” cho ngành da giày phát triển cả về số lượng và chất lượng. Các hiệp định thương mại tự do này sẽ tạo lợi thế cho xuất khẩu sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc bởi các cam kết cắt giảm thuế quan và các hàng rào bảo hộ. Bên cạnh đó, tham gia vào các hiệp định thương mại tự do, các DN da giày trong nước đều có sự đổi mới, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, tìm kiếm mở rộng thị trường. Nhiều nhà đầu tư từ Trung Quốc, Nhật Bản… đã đến Việt Nam xây dựng nhà máy để tận dụng nguồn nhân công giá rẻ cũng như những ưu đãi mà FTA mang lại. Tuy nhiên, hội nhập cũng mang lại nhiều thách thức cho da giày Việt Nam. Bởi phần lớn các DN hiện nay là DN nhỏ và vừa với năng lực cạnh tranh còn yếu, trong khi EVFTA hay TPP đặt ra các yêu cầu cao về lao động, thị trường và chất lượng sản phẩm. Việc tiếp cận các nguồn thông tin của các DN da giày Việt Nam cũng khá yếu, nhiều DN chưa biết phải làm gì, thay đổi thế nào để đáp ứng các yêu cầu hội nhập và tận dụng được các lợi thế xuất khẩu.

Trên thực tế, lâu nay nhiều DN đã quan tâm đầu tư nguyên phụ liệu nhưng manh mún, nhỏ lẻ do chưa có chính sách hỗ trợ, ưu đãi thiết thực. Để tháo gỡ khó khăn này, LEFASO kiến nghị cần sớm có một khu công nghiệp tập trung và thực hiện nghiêm túc Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp da giày đến năm 2020 - tầm nhìn đến 2025 đã được Bộ Công thương phê duyệt; thiết lập khu công nghiệp chuyên ngành vào một nơi để đồng bộ hệ thống xử lý nước thải chuyên ngành nhằm giảm chi phí sản xuất cho DN. Bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất trong nước cũng cần có cơ chế thu hút DN nước ngoài. Khuyến khích các DN liên kết và chuyển giao công nghệ, hình thành các mạng lưới liên kết cung ứng sản phẩm, dịch vụ giữa các DN, tập đoàn lớn với các DN nhỏ và vừa theo chuỗi cung ứng thích ứng. Và trong khi các hiệp định như EVFTA, TPP vẫn đang chờ thực thi, Việt Nam cần hoàn thiện hành lang pháp lý, cụ thể hóa các chính sách hơn nữa để thu hút các DN trong và ngoài nước.

theo saigongiaiphong

Tin tức liên quan