Đánh giá các mặt công tác của Bộ Công Thương 6 tháng đầu năm 2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP 6 tháng đầu năm tăng 7,5%, là mức tăng khá thấp so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu giảm ở nhóm ngành khai khoáng (giảm 2,2%). Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 82,24 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2015. Đây là mức tăng thấp, kể cả xem xét trong tương quan với mức tăng GDP của năm nay. Tuy nhiên, trong bối cảnh cung trong nước và cầu nước ngoài cùng giảm sút, giá xuất khẩu lại duy trì ở mức thấp thì tốc độ này là khá tích cực, đậc biệt là nếu so sánh với các nước trong khu vực.
Cung cầu hàng hóa trên thị trường, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng trong nước 6 tháng đầu năm được bảo đảm. Trật tự thị trường vẫn tiếp tục được quan tâm. Công tác quản lý thị trường được triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm, nhất là trong một số lĩnh vực hoặc mặt hàng quan trọng như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, xăng dầu, khí hóa lỏng, an toàn thực phẩm..., đã góp phần tạo điều kiện cho hàng Việt Nam phát triển. 6 tháng đầu năm, lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra trên 70.150 vụ, phát hiện xử lý trên 49.500 vụ vi phạm, tổng số thu nộp ngân sách trên 240 tỷ đổng. Công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại... được quan tâm đẩy mạnh và đổi mới phương pháp, góp phần bảo vệ và hỗ trợ thị trường trong nước phát triển lành mạnh.
Đối với công tác tổ chức cán bộ, Bộ Công Thương đã tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch cán bộ lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ giai đoạn 2016-2021; tập trung xử lý tốt công tác quản lý, quy hoạch, chuẩn bị nguồn cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất để công tác tại các đơn vị trong Bộ cũng như đội ngũ cán bộ tham gia công tác tại các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Rà soát, làm rõ và báo có các cơ quan có thẩm quyền các vấn đề về công tác cán bộ trong các giai đoạn trước đây.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục được dự báo có nhiều khó khăn, hầu hết các dự báo tăng trưởng cho 6 tháng cuối năm gần đây đều được điều chỉnh ở mức thấp hơn trước; kinh tế trong nước mặc dù đang trên đà lấy lại tốc độ tăng trưởng nhưng còn nhiều khó khăn và chưa vững chắc…; với quyết tâm nhất định sẽ phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch cả năm 2016 đã được Quốc hội, Chính phủ giao cho ngành Công Thương, Bộ Công Thương xác định sẽ tập trung thực hiện với nỗ lực và quyết tâm cao nhất, đi thẳng vào những vấn đề cụ thể để giải quyết những khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp, từ đó khơi dậy và mở rộng năng lực sản xuất trong nước, khơi thông thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu.
Tại Hội nghị sơ kết, thay mặt ngành Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đề xuất các giải pháp cụ thể được xác định trong 6 tháng cuối năm như sau: Về sản xuất công nghiệp: tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ. Tăng cường việc giám sát, kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch đầu tư phát triển, mục tiêu nhiệm vụ được giao của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước. Tập trung đẩy mạnh tiến độ các dự án đầu tư ngành công nghiệp để nâng cao năng lực sản xuất. Tập trung đẩy mạnh xuất khẩu, thực hiện các giải pháp cụ thể, tập trung cho các lĩnh vực: thủy sản, rau quả, gỗ, một số mặt hàng nông sản khác, dệt may, giày dép, v.v… Tiếp tục triển khai có hiệu quả và có trọng tâm Đề án “Thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp vào mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020 ”. Về phát triển thị trường trong nước: Xét cả về thuận lợi, khó khăn và diễn biến các yếu tố chủ yếu tác động tới xu hướng sản xuất, tiêu dùng trên thị trường trong 6 tháng cuối năm 2016, phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội cả năm 2016 đạt mức tăng trưởng 11% so với năm 2015. Để thực hiện được mục tiêu này, trước hết cần đảm bảo ổn định và duy trì các chỉ số và cân đối lớn có tác động tới sản xuất và tiêu dùng trong nước để làm nền tảng cho thực thi có hiệu quả các giải pháp thúc đẩy sản xuất và kích thích tiêu dùng trong nước. Cụ thể: phối hợp với các ngành các cấp bảo đảm chỉ số giá tiêu dùng ở mức hợp lý (dưới 5%); tập trung thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại nội địa; tăng cường triển khai các đợt ra quân để kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên thị trường; triển khai nghiên cứu ngay hệ thống bán lẻ để có các biện pháp không trái với cam kết quốc tế nhưng đảm bảo cạnh tranh công bằng trên thị trường. Về công tác hội nhập kinh tế, tiếp tục thực hiện các chương trình, kế hoạch trong hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng thông qua công tác đàm phán các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Về xây dựng Chính phủ kiến tạo và tăng cường tương tác với doanh nghiệp, người dân, thực hiện các biện pháp nâng cấp hạ tầng để triển khai 52 thủ tục hành chính qua hình thức dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4; phấn đấu đến hết 2016 hoàn thành việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 đối với 100% thủ tục hành chính ở cấp Trung ương và ở cấp độ 4 là 30%. Về cổ phần hóa và đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp, tập trung thực hiện dứt điểm công tác cổ phần hóa, thoái vốn, tái cơ cấu của các doanh nghiệp thuộc Bộ theo kế hoạch đã phê duyệt.
theo moit.gov.vn