Cổng thông tin điện tử

Ngành da giày túi xách việt nam

  • Da giày “thấp thỏm” thoát khó
  • 11/07/2016
 Trong 6 tháng đầu năm 2016, kim ngạch XK của ngành da giày có tốc độ tăng trưởng thấp, có những tháng tụt hơn so với cùng kỳ năm trước. Nhưng đơn hàng da giày thường dồn vào cuối năm nên nhiều DN kỳ vọng tình hình XK sẽ “ấm” hơn và về đích như kế hoạch. DN da giày cần có sự cải thiện để nâng cao kim ngạch XK trong những tháng cuối năm.

Thị trường khó

Thống kê của Hiệp hội Da- Giày- Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, trong 4 tháng đầu năm, kim ngạch XK chỉ tăng 5%, trong khi cùng kỳ năm trước tăng từ 10-15%, đặc biệt trong tháng 3, các đơn hàng XK về thị trường châu Âu (EU) có xu hướng giảm mạnh, các thị trường khác vẫn có sự tăng trưởng ổn định nhưng thị phần không mạnh bằng EU nên tổng kim ngạch bị ảnh hưởng. Bước sang tháng 5 và 6, khối lượng hàng XK đã có dấu hiệu phục hồi trở lại nhưng chưa có sự đột biến và đạt được mức tăng trưởng như các năm trước.

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Lefaso, thị trường EU sụt giảm mạnh do tác động của biến động chính trị, nhu cầu tiêu dùng giảm. Vì thế, khách hàng EU – đối tác lớn nhất của ngành da giày chuyển sang đặt hàng cầm chừng, chỉ đặt hàng theo nhu cầu của thị trường chứ không đặt liên tục như những năm trước.

Nói về khó khăn của DN, bà Nguyễn Thị Lan, chủ cơ sở Giày dép Quỳnh Châu cho hay, trong 6 tháng đầu năm, lượng hàng XK giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước. Nếu như trước đây, khách hàng ký cả năm thì nay họ ký đơn hàng theo từng giai đoạn, DN thực hiện xong nếu khách hàng còn nhu cầu tiếp, phía khách hàng mới tiếp tục ký thợp đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh lượng đơn hàng giảm sút do tác động của thị trường, nguyên nhân còn đến từ chính các DN da giày Việt Nam. Đó là khả năng đáp ứng yêu cầu sản xuất của khách hàng. Nhiều DN cho biết, đơn hàng và khách hàng trong 6 tháng qua không hẳn là thiếu, thậm chí, nhiều thương hiệu lớn trên thế giới cũng đến Việt Nam tìm cơ sở sản xuất nhưng DN Việt Nam không đáp ứng được điều kiện đặt ra từ phía khách hàng. Như điều kiện về nhà xưởng, chất lượng sản xuất, chất lượng quản lý, môi trường, nguồn nguyên phụ liệu, chế độ cho công nhân… nên không “dám” nhận đơn hàng.

Đây không phải là vấn đề mới của các DN da giày mà đã được đề cập đến nhiều trong chính sách hỗ trợ DN nói chung và ngành da giày nói riêng. Bà Phan Thị Thanh Xuân cho hay, các thị trường như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản… có yêu cầu rất khắt khe nhưng nhu cầu đặt hàng lại lớn nên nhiều đơn hàng lớn rơi vào tay DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Vì thế, trong thời gian gần đây, nhiều DN da giày đến từ Trung Quốc đã tới Việt Nam đầu tư, xây dựng nhà máy để tận dụng lợi thế về địa lý, nguồn nhân công và tận dụng các ưu đãi từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Nếu các DN Việt Nam không có hướng phát triển mạnh hơn thì chắc chắn sẽ bị các DN này chiếm lĩnh thị phần.

Kỳ vọng từ chính DN

Trong những tháng còn lại của năm 2016, đa phần DN da giày đều kỳ vọng sự tăng trưởng khá hơn.

Ông Nguyễn Hữu Anh, Phó Giám đốc Công ty TNHH da giày Phong Châu cho biết, kim ngạch XK sụt giảm trong 6 tháng đầu năm có thể do bên NK muốn lấy hàng muộn hơn để chờ đón những ưu đãi về thủ tục, chi phí NK khi hội nhập. Vì thế, đây chỉ là những biến động trong giai đoạn nhất định nên chưa có gì đáng lo ngại khi đơn hàng vào cuối năm của Công ty hiện đã gần kín.

Cùng hy vọng vào tình hình sản xuất sẽ khá hơn vào cuối năm, theo bà Nguyễn Thị Lan, cơ sở sản xuất Quỳnh Châu hiện mới chỉ có 3 dây chuyền, nhà xưởng chưa đủ thiết bị nên chưa thể đáp ứng được hết các yêu cầu cũng như đơn hàng của khách hàng Nhật Bản. Tuy nhiên, Công ty đã và đang tìm hướng liên kết với các DN cùng lĩnh vực tại địa phương để hỗ trợ nhau trong sản xuất, DN nào mạnh lĩnh vực gì thì nhận lĩnh vực ấy để hợp tác hoàn thiện đơn hàng cho khách hàng. Như vậy, các DN vừa có hàng sản xuất mà vừa đáp ứng được yêu cầu khắt khe từ đối tác nước ngoài.

Trên thực tế, nhiều DN da giày có “điều kiện” hơn đã tích cực mở rộng, nâng cao năng lực sản xuất, ví dụ như Công ty TNHH giày Viễn Thịnh đã đầu tư 240 tỷ đồng xây dựng nhà máy rộng 40.000m² với dây chuyền sản xuất khép kín, công nghệ hiện đại đáp ứng được công suất khoảng 3 triệu đôi/năm. Bên cạnh đó, thị trường còn ghi nhận sự dịch chuyển của một số DN về mở nhà máy tại các địa phương vùng xa như Nghệ An, Long An, Kiên Giang… nhằm tận dụng nguồn lao động và đất đai. Hơn nữa, nhiều DN còn “mạnh dạn” mở nhà máy tại các khu công nghiệp lớn để mở rộng sản xuất, kết nối với các DN mạnh hơn để cùng tăng trưởng XK.

Nhưng với đa phần DN da giày là vừa, nhỏ và siêu nhỏ, bên cạnh sự hỗ trợ từ Chính phủ, địa phương, các DN này cần có chiến lược để nâng cao năng lực cạnh tranh. Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, nhiều DN đang phụ thuộc vào khách hàng, khách hàng “bảo sao thì làm vậy” nên rất bị động, vì thế, DN cần thông tin liên quan đến quản trị, marketing, đồng thời cũng cần tăng cường kết nối thông tin liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, XNK và các chương trình hỗ trợ của Nhà nước.

Với những thay đổi từ chính DN và sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, hy vọng rằng mục tiêu XK trong năm 2016 đạt 14 tỷ USD với giày dép và khoảng 3 tỷ USD đối với túi xách sẽ khả thi. Tuy nhiên, với những biến động khó lường từ thị trường trong nước và quốc tế, DN cần sự chủ động hơn trong việc mở rộng thị trường, tăng cơ hội giao thương cũng như liên kết giữa các DN để đáp ứng nhu cầu của khách hàng tốt hơn.

theobaohaiquan

Tin tức liên quan