Trong những năm gần đây, thị trường bán lẻ ở Việt Nam tăng trưởng với tốc độ khá nhanh và sôi động. Thống kê từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tính chung cả năm 2015, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 3.242,9 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm 2014. Xét theo ngành kinh doanh, bán lẻ hàng hóa năm 2015 đạt 2.469,9 nghìn tỷ đồng (khoảng 120 tỷ USD), chiếm 76,2% tổng mức và tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2014.
Xác định được tầm quan trọng của khâu bán lẻ trong nước, diễn đàn nhằm tạo điều kiện cho các ban, ngành liên quan và doanh nghiệp trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan đến phát triển thương mại nói chung và thương mại bán lẻ hàng hóa và dịch vụ nói riêng.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chia sẻ: Việt Nam nằm trong top 5 thị trường bán lẻ sôi động nhất châu Á và đứng thứ 28 trong danh sách thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới. Mặt khác, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng của Việt Nam chắc chắn sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới cho ngành kinh tế này. Tuy nhiên, Thứ trưởng cho rằng các doanh nghiệp sẽ phải chịu áp lực cạnh tranh lớn, đặc biệt là cạnh tranh với các nhà bán lẻ quốc tế. Trước nhiều ý kiến lo ngại việc doanh nghiệp ngoại thâu tóm thị trường bán lẻ, Thứ trưởng nhìn nhận, để thúc đẩy hệ thống phân phối nội địa, Nhà nước cần phải có ưu đãi về vị trí mặt bằng, vốn vay. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng thẳng thắn nêu lên thực tế, có nhiều nhà bán lẻ trong nước đã nhận được rất nhiều ưu đãi của nhà nước và phát triển lớn mạnh, sau đó lại "tự đi bán mình" cho các nhà bán lẻ quốc tế.
Ngoài ra, theo ông Lê Huy Khôi, Viện Nghiên cứu Thương mại, Bộ Công Thương, doanh số bán lẻ của doanh nghiệp Nhà nước hiện chỉ chiếm khoảng 10%, doanh nghiệp ngoài Nhà nước chiếm 86%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm khoảng 4%. Đáng lưu ý, tuy các điểm bán lẻ của doanh nghiệp FDI chỉ khoảng 90 điểm trong tổng số siêu thị cả nước song doanh số bán ra tại một điểm gấp 3 - 4 lần thậm chí 7 - 8 lần so với một điểm của siêu thị nội do quy mô lớn.
Vì vậy theo ông Lê Huy Khôi, chúng ta cần đưa ra các giải pháp để cải thiện tình hình, nâng cao năng lực cạnh tranh và giữ thị phần bán lẻ. Cụ thể, doanh nghiệp bán lẻ cần tận dụng khai thác có hiệu quả những phân khúc thị trường có lợi thế, như loại hình siêu thị chuyên doanh (Trần Anh, Thế giới di động, FPT…) khai thác tốt tiềm năng của chợ truyền thống để bán lẻ. Bên cạnh đó, cần tập trung nghiên cứu kinh doanh theo phát triển chuỗi cửa hàng tiện ích, tiện lợi phục vụ từng khu dân cư, từng khu vực thị trường. Đồng thời, cần liên kết chuỗi sản xuất - cung ứng thật chắc chắn trên thị trường nội địa, nếu không có nền sản xuất nội địa tốt thì khó có cơ hội phát triển trên thị trường bán lẻ và cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại. Cần tạo ra liên kết vùng, liên kết sản xuất - phân phối, phân phối- phân phối, bán buôn- bán lẻ…Nếu có liên kết chặt chẽ sẽ giúp giảm giá thành và hàng sản xuất được đảm bảo về nguồn đầu ra, tránh tình trạng lãng phí.
Ông Khôi cũng khuyến nghị, Chính phủ xem xét có chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam như dành vị trí thuận lợi kèm chính sách giá thuê hợp lý, các loại thuế, vốn và lãi suất phù hợp, điều chỉnh cơ chế chính sách thông thoáng. Đối với nhà bán lẻ nước ngoài, ông Khôi cho rằng, trong việc giao đất, cho thuê đất, Nhà nước cần ràng buộc cụ thể với nhà bán lẻ nước ngoài. Doanh nghiệp hoạt động có lãi, nộp thuế ít nhất 3 năm mới được chuyển nhượng và trong trường hợp bán lại cần ưu tiên bán cho Việt Nam./.
theo dangcongsan.vn