Cổng thông tin điện tử

Ngành da giày túi xách việt nam

  • Người phát ngôn Bộ Công Thương trả lời một số vấn đề xung quanh công tác xúc tiến thương mại đang được quan tâm
  • 10/01/2021

 Câu 1: Ông đánh giá thế nào về công tác xúc tiến thương mại của Việt Nam trong những năm qua?

Trả lời: Trong những năm qua, công tác xúc tiến thương mại đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả, khai thác tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực, địa bàn và quy mô khác nhau nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, tìm kiếm, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu, góp phần xứng đáng vào kết quả phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Công tác xúc tiến thương mại với những đóng góp quan trọng, được Chính phủ và Lãnh đạo Bộ Công Thương quan tâm, chú trọng đặc biệt, đã góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng trưởng bình quân 10%/năm.

Những mặt được

Tiêu biểu là Chương trình XTTM quốc gia với 3 mục tiêu chính là XTTM định hướng xuất khẩu, XTTM thị trường trong nước và XTTM miền núi, biên giới, hải đảo. Chương trình đã thực sự hỗ trợ tích cực, hiệu quả việc xúc tiến xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm, thủy sản tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm. Đồng thời, chương trình cũng chú trọng đẩy mạnh hoạt động XTTM đối với các sản phẩm xuất khẩu có thế mạnh như ngành dệt may, da giày, công nghệ thông tin, điện, điện tử, dược, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ, thép… Với sự hỗ trợ từ Chương trình XTTM quốc gia, sự hiện diện của sản phẩm xuất khẩu Việt Nam tại các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc ngày càng mở rộng. Đồng thời, Chương trình đã hỗ trợ doanh nghiệp trở lại các thị trường như Liên bang Nga, các nước Đông Âu, tăng cường hoạt động tại thị trường Myanmar, Lào, các nước Trung Đông, Châu Phi, Mỹ Latinh… Theo thống kê, các hoạt động thuộc Chương trình XTTM quốc gia giai đoạn 2010 - 2015 đã thu hút hơn 30.000 lượt doanh nghiệp tham gia, các doanh nghiệp đã trực tiếp giao dịch và ký kết hợp đồng với tổng trị giá hợp đồng xuất khẩu hàng hóa và doanh số bán hàng đạt gần 6,3 tỷ USD và trên 2.000 tỷ đồng. Riêng năm 2015, Bộ Công Thương đã phê duyệt 236 đề án Xúc tiến thương mại quốc gia đã hỗ trợ trên 70 đơn vị chủ trì với tổng kinh phí gần 114 tỷ đồng (bao gồm 14 tỷ đồng kinh phí XTTM quốc gia các năm trước chuyển sang). Sơ bộ, các đơn vị chủ trì đã hoàn thành việc thực hiện 228 đề án, đã đạt được một số kết quả như hỗ trợ được 8.850 lượt doanh nghiệp, 14.499 gian hàng tại các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước, 213.300 giao dịch và ký kết được nhiều hợp đồng kinh tế có tổng trị giá trên 858 triệu đô la và khoảng 637,8 tỷ đồng và thu hút trên 3 triệu lượt khách tham quan giao dịch và mua sắm. Theo đánh giá của các doanh nghiệp xuất khẩu, các đơn vị chủ trì, Chương trình XTTM quốc gia đã thực sự hỗ trợ tích cực, hiệu quả việc xúc tiến xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm, thủy sản tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm của nhóm hàng này. Chương trình cũng chú trọng đẩy mạnh thường xuyên hoạt động XTTM đối với ngành dệt may, da giày, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ thông tin, điện, điện tử, dược, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ, thép…

Với Chương trình thương hiệu quốc gia, một chương trình XTTM dài hạn nhằm quảng bá hình ảnh quốc gia thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm, trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế so với yêu cầu thực tiễn, Chương trình đã được triển khai một cách hiệu quả. Tập trung vào các nội dung góp phần nâng cao nhận thức về thương hiệu, tăng cường năng lực kinh doanh và phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ các Hiệp hội ngành hàng có năng lực cạnh tranh xuất khẩu xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển thương hiệu sản phẩm cho ngành...Năm 2014, kỳ lựa chọn lần thứ 4 kể từ năm 2008 (2 năm tổ chức lựa chọn 1 lần), Chương trình đã chọn ra được 63 doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới vẫn còn gặp khó khăn, nhưng 63 doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia vẫn tăng trưởng về doanh thu, đóng góp tích cực cho xã hội: riêng năm 2013, nộp ngân sách trên 25 nghìn tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 90 nghìn lao động và xuất khẩu trên 1 triệu đô la Mỹ.

Công tác hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thông tin, phân tích thị trường trong thời gian qua cũng được đẩy mạnh hơn. Các DN còn được hỗ trợ tham gia các khóa tập huấn, đào tạo về kỹ năng XTTM, phát triển sản phẩm, nâng cao năng lực thiết kế, sáng tạo mẫu mã mới đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm.

Khai thác tối đa các chương trình hợp tác với các đối tác quốc tế, tích cực hỗ trợ, nâng cao năng lực cho hệ thống các cơ quan XTTM địa phương và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia và triển khai có hiệu quả các hoạt động XTTM trong và ngoài nước. Các hoạt động XTTM đã được cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đón nhận và đánh giá tích cực, thực sự hỗ trợ hiệu quả việc xúc tiến xuất khẩu, đặc biệt xuất khẩu các mặt hàng nông thủy sản, thực phẩm, cũng như các sản phẩm xuất khẩu có thế mạnh như ngành dệt may, da giày, công nghệ thông tin, điện, điện tử, dược, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ, thép… tại các thị trường xuất khẩu truyền thống, trọng điểm và mở ra cơ hội tại các thị trường tiềm năng. Triển khai mở các Văn phòng XTTM tại nước ngoài theo chỉ đạo của Chính phủ để tăng cường hiệu quả xúc tiến xuất khẩu cho doanh nghiệp trong các ngành hàng, lĩnh vực có nhiều tiềm năng tại các thị trường trọng điểm.

Ngoài ra còn phải kể tới các hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, đặc biệt là công tác quản lý hoạt động khuyến mại, đảm bảo đúng quy định pháp luật, đáp ứng đồng thời mục tiêu hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và người tham gia các chương trình khuyến mại.

Hạn chế

Bên cạnh những thành tích đã đạt được, vẫn có một số vấn đề mà hệ thống XTTM của chúng ta cần khắc phục. Thứ nhất, nguồn nhân lực làm công tác XTTM cần phải được nâng cao cả số lượng và chất lượng; Thứ hai, việc đầu tư cho các hoạt động XTTM vẫn còn hạn chế so với thế giới cũng như các nước trong khu vực. Chẳng hạn như kinh phí dành cho Chương trình XTTM quốc gia của Việt Nam hiện nay tính trên kim ngạch xuất khẩu chỉ bằng 0,003% (so với mức trung bình của thế giới là 0,11%, theo nghiên cứu của World Bank có tựa đề “Export Promotion Agencies: What works and what doesn’t”). Tính theo tỷ lệ phần trăm chỉ tương đương 1/30 tỷ lệ trung bình của toàn thế giới, bằng 1/4 so với Bangladesh, bằng 1/10 so với Thái Lan.

Thực tế, Bộ Công Thương đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc phê duyệt Chương trình XTTM, nhiều đề án tốt, có tính khả thi cao và thiết thực phục vụ trực tiếp trong việc đẩy mạnh xuất khẩu và an sinh xã hội nhưng do không có kinh phí, nên không được đưa vào phê duyệt thực hiện; Thứ ba, là cơ sở hạ tầng phục vụ công tác XTTM của chúng ta vẫn còn thiếu thốn và sơ sài. Điều này ảnh hưởng tới quy mô của các hội chợ triển lãm chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Mặt khác, năng lực triển khai các hoạt động XTTM của doanh nghiệp nhìn chung còn hạn chế, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do đó, các DN cũng cần chủ động, sáng tạo hơn trong việc tìm hiểu thông tin và tham gia vào mạng lưới xúc tiến thương mại.

Để khắc phục, việc triển khai đòi hỏi phải đồng bộ, kết nối với các ngành khác để tập trung được các nguồn lực thực thi và hướng đến nhiều địa bàn, nhiều đối tượng được hưởng lợi hơn. Đó cũng chính là yêu cầu thực tiễn đặt ra cho hệ thống các cơ quan làm công tác XTTM từ trung ương đến địa phương cần phải khắc phục, làm tốt hơn trong thời gian tới.

Câu 2. Năm 2016 sẽ là một năm hội nhập sâu rộng của đất nước, như vậy công tác xúc tiến thương mại sẽ phải thay đổi theo hướng nào?

Trả lời: Việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do đa phương (như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP) và các hiệp định song phương, ngoài những lợi ích có thể đem lại cho xuất khẩu các mặt hàng chiến lược của Việt Nam thì các ngành sản xuất trong nước được dự báo là chịu nhiều tác động tiêu cực nếu như không có các biện pháp hỗ trợ phù hợp và kịp thời.

Trước yêu cầu mở cửa hội nhập đó, công tác XTTM ngày càng phải thể hiện rõ vai trò và vị trí của mình. Hoạt động XTTM vì thế cần phải nâng cao cả về chất và lượng, triển khai phối hợp nhiều biện pháp cả trong và ngoài nước nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp trong công tác XTTM. Đồng thời cần nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài và công tác thông tin XTTM; tăng cường năng lực nghiên cứu, dự báo và thông tin thị trường để định hướng sản xuất đến tất cả các ngành, phân ngành; đồng thời cung cấp thông tin đồng bộ, kịp thời đến đối tượng sản xuất, kinh doanh.

Nhằm hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp tận dụng các cơ hội đem lại từ các FTA thế hệ mới, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai các hoạt động XTTM thiết thực, khả thi trong đó chú trọng các hoạt động nhằm khai thác, mở rộng các thị trường Việt Nam đã ký và đang đàm phán FTA, cụ thể:

• Tập trung hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu ra thị trường nước ngoài nhằm hỗ trợ các hiệp hội ngành hàng, các địa phương, doanh nghiệp với các hình thức hỗ trợ đa dạng, thiết thực, hiệu quả cao như: tổ chức, tham gia hội chợ triển lãm chuyên ngành tại nước ngoài, tổ chức đoàn giao dịch thương mại giúp duy trì kim ngạch xuất khẩu tại các thị trường trọng điểm, mở rộng thị trường xuất khẩu tại các thị trường mới, thị trường tiềm năng. Đặc biệt chú ý tới các thị trường Việt Nam đã hoặc chuẩn bị ký kết các hiệp định tự do thương mại, nơi các sản phẩm của Việt Nam sẽ có cơ hội xuất khẩu lớn trong tương lai;

• Xúc tiến xuất khẩu thông qua các hoạt động tổ chức ngay tại Việt Nam: Tổ chức Triển lãm quốc tế tại Việt Nam; Hội nghị quốc tế ngành hàng; tổ chức đón các đoàn mua hàng của nước ngoài vào Việt Nam;

• Huy động hệ thống tham tán thương mại tại các nước trên thế giới giới thiệu các cơ hội kinh doanh, kết nối giao thương, cung cấp thông tin thị trường cập nhật cho doanh nghiệp;

• Tuyên truyền, quảng bá, cung cấp thông tin thị trường:

- Phối hợp với các hiệp hội ngành hàng, các tổ chức XTTM cập nhật thông tin thị trường cho DN thông qua các bản tin thị trường; tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn, đào tạo, cung cấp thông tin thị trường cho các doanh nghiệp;

- Phát huy các dự án hỗ trợ kỹ thuật của các đối tác, tổ chức quốc tế thúc đẩy tiến trình đăng ký thương hiệu, bảo hộ nhãn hiệu hàng nông sản Việt Nam tại nước ngoài;

- Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam quảng bá sản phẩm thông qua chương trình giới thiệu thị trường xuất khẩu và danh bạ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trên các website thương mại điện tử nhằm giúp doanh nghiệp được trưng bày hàng hóa, giá cả, giới thiệu thông tin, dịch vụ bằng nội dung số trên website.

• Phối hợp với các Dự án quốc tế, các Tổ chức nước ngoài xây dựng chiến lược cho các ngành hàng và nâng cao năng lực xuất khẩu cho các doanh nghiệp:

• Phối hợp các cơ quan, tổ chức liên quan và các tập đoàn đa quốc gia đưa hàng Việt vào hệ thống siêu thị quốc tế: tổ chức tuần hàng Việt Nam tại hệ thống siêu thị tại Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc,…

• Nâng cao hiệu quả hoạt động của các Văn phòng XTTM đã được thành lập tại Hoa kỳ và Trung quốc; hoàn thành việc thành lập các Văn phòng XTTM tại Trung Quốc; hoàn thiện Đề án thành lập các VP XTTM tại nước ngoài;

• Tiếp tục ưu tiên và huy động các nguồn lực triển khai thực hiện các hoạt động XTTM thị trường trong nước, miền núi, biên giới và hải đảo.

• Tăng cường nâng cao nhận thức và năng lực cho doanh nghiệp Việt Nam trong vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu của hàng Việt Nam để tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường trong nước và quốc tế.

Câu 3. Với độ bao phủ của rất nhiều Hiệp định thương mại, đã đang và sẽ được ký kết trong thời gian tới, ông cho rằng chúng ta có cần thiết phải đi tìm kiếm thêm các thị trường mới nữa không? Nếu có thì là những thị trường nào?

Trả lời:

Như tôi đã đề cập ở trên, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia vào mở ra cơ hội lớn cho đất nước khi được hưởng các lợi thế về mở cửa có từ các Hiệp định. Những đối tác mà chúng ta ký kết Hiệp định thương mại tự do đều là những đối tác lớn như EU, Mỹ,.. Tuy nhiên, các cơ hội là vậy nhưng không có nghĩa là chúng ta chờ đợi cơ hội tới, mà vẫn phải liên tục thực hiện các hoạt động tìm kiếm. Các hoạt động tìm kiếm ở đây không chỉ ở mở rộng thị trường mới mà ngay cả những thị trường chúng ta đã đặt chân vào thì vẫn cần tìm kiếm khách hàng mới và xây dựng chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Hơn thế nữa, chúng ta vẫn đang nói tới việc đa dạng hóa thị trường và ngành hàng xuất khẩu, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập thì việc chỉ tập trung vào một vài thị trường nhất định sẽ dẫn đến bị lệ thuộc và không chủ động, do vậy luôn cần tìm kiếm các thị trường mới. Trong thời gian qua, với sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước và bằng nỗ lực, chủ động của doanh nghiệp, bên cạnh thị trường xuất khẩu chủ lực như thị trường Châu Á, các thị trường khác thuộc các khu vực như châu Âu, châu Mỹ, châu Úc… đã có sự gia tăng về kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, để phát triển bền vững và gia tăng kim ngạch xuất khẩu, ngoài các thị trường truyền thống, việc đẩy mạnh xuất khẩu vào những thị trường mới sẽ giúp chúng ta đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu và tránh bị phụ thuộc quá nhiều vào một vài thị trường truyền thống.

Xét từ khía cạnh ngành, ngành công thương đã đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu đủ điều kiện có thể xuất khẩu sang nhiều thị trường khác nhau như thị trường khu vực ASEAN (Lào, Campuchia, Myanmar); Tổ chức nhiều hoạt động Xúc tiến thương mại hỗ trợ các DN xuất khẩu tham gia các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia do Bộ Công thương tổ chức tại thị trường các nước đang phát triển như Bắc Mỹ, EU, Bắc Á. Đây là các thị trường đang có nhu cầu lớn về các sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam như nông - thủy sản, dệt may, vật liệu xây dựng... Bên cạnh vai trò định hướng, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ của các cơ quan quản lý, sự nỗ lực của chính các doanh nghiệp giữ vai trò hết sức quan trọng.

Về định hướng mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam thời gian tới là tập trung phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, giảm dần sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Do vậy, ngoài việc củng cố các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,EU, Hoa Kỳ… chúng ta cần tìm kiếm mở rộng các thị trường xuất khẩu mới đồng thời tăng dần tỷ trọng xuất khẩu trực tiếp sang các thị trường chủ lực.

Câu 4. Nhiều DN cho rằng, công tác xúc tiến thương mại của chúng ta vẫn chưa đạt hiệu quả cao, các ngành đã có thế mạnh như dệt may, thủy sản còn thiếu thị trường, còn các ngành như nông sản lại chưa tìm được thị trường bền vững, sản lượng còn thấp. Ông nghĩ sao về nhận định này?

Trả lời:

Nhận định như trên mới chỉ đánh giá một khía cạnh phát triển thị trường trong lĩnh vực xúc tiến thương mại. Việc đánh giá hiệu quả của công tác xúc tiến thương mại cần xem xét một cách toàn diện, trước hết là từ khâu sản xuất trong nước, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu, phát triển các ngành hàng xuất khẩu, xúc tiến thương mại thị trường trong nước, xây dựng và phát triển Thương hiệu Quốc gia… Trên bình diện đó, có thể nói hoạt động XTTM trong thời gian qua đã được triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả, tận dụng tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp với nhiều lĩnh vực, địa bàn và quy mô khác nhau, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, tìm kiếm, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu. Nhờ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu của nước ta.

Tuy nhiên, đứng trước những đòi hỏi của giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế mới và thời kỳ phát triển mới về chất của nền kinh tế, đòi hỏi phải có sự quan tâm, đầu tư cho công tác XTTM ngày càng cao. Các nền kinh tế phát triển cũng như đang phát triển trên thế giới từ lâu đã đầu tư mạnh mẽ cho mạng lưới các cơ quan XTTM trong và ngoài nước để triển khai rầm rộ các hoạt động XTTM với mục tiêu lâu dài nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế quốc tế ngày càng “phẳng” và cạnh tranh ngày càng gay gắt hiện nay. Trong khi đó, đầu tư cho XTTM của nước ta còn nhiều hạn chế. Ví dụ, như tôi đã đề cập ở phần hạn chế trong công tác xúc tiến thương mại nêu trên thì kinh phí dành cho Chương trình XTTM quốc gia của Việt Nam hiện nay tính trên kim ngạch xuất khẩu chỉ bằng 0,003% (so với mức trung bình của thế giới là 0,11%, theo số liệu của World Bank - 2010). Tính theo tỷ lệ phần trăm, chỉ tương đương 1/4 kinh phí của Bangladesh, bằng 1/10 so với Thái Lan. Trên thực tế, Bộ Công Thương gặp rất nhiều khó khăn trong việc phê duyệt Chương trình. Nhiều đề án tốt, có tính khả thi cao và thiết thực phục vụ trực tiếp trong việc đẩy mạnh xuất khẩu và an sinh xã hội nhưng do không có kinh phí, nên không được đưa vào phê duyệt thực hiện.

Bên cạnh đó, hạ tầng XTTM của nước ta so với các nước trong khu vực còn thấp kém, các Trung tâm Hội chợ triển lãm hiện tại chưa thể đáp ứng việc tổ chức các hoạt động có quy mô lớn, thiết kế không phù hợp với các hoạt động XTTM hiện đại, đã xuống cấp do sử dụng nhiều năm. Tại nhiều địa phương, chưa có Trung tâm Hội chợ triển lãm, hoặc đã có nhưng đã được chuyển đổi chức năng sử dụng.

Do vậy, trong bối cảnh khó khăn đó, để tăng cường hiệu quả của các hoạt động xúc tiến thương mại có hỗ trợ của Nhà nước thì việc các doanh nghiệp chủ động tìm kiếm bạn hàng, thị trường là điều đánh hoan nghênh vì đã phát huy được tinh thần Nhà nước và doanh nghiệp cùng đồng hành. Nhà nước không làm thay doanh nghiệp mà hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động xúc tiến thương mại.

Câu 5. Nói đi cũng phải nói lại, người mua sẽ mua những thứ họ cần chứ không mua những cái mà chúng ta có, công tác xúc tiến có làm tốt đến mấy nhưng bản thân DN không tự nỗ lực thì sẽ không giữ được thị trường. Theo Thứ trưởng, DN Việt sẽ phải làm những gì để có được những thị trường xuất khẩu bền vững.

Trả lời:

Một số ngành hàng xuất khẩu của chúng ta như dệt may, da giày, đồ gỗ, điện thoại đều tăng trưởng tích cực trong thời gian qua nhưng chưa bao hàm yếu tố bền vững trong đó có vấn đề thị trường. Doanh nghiệp Việt Nam là đối tượng hưởng lợi trực tiếp trong các nỗ lực đẩy mạnh hiệu quả các hoạt động XTTM, phát triển thị trường xuất khẩu. Hiện nay, Việt Nam đang hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, với hàng loạt các FTA được ký kết, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục XTTM và các cơ quan liên quan triển khai các hoạt động XTTM thiết thực, khả thi, trong đó chú trọng các hoạt động nhằm khai thác, mở rộng các thị trường Việt Nam đã ký và đang đàm phán FTA.

Tuy nhiên, để công tác xúc tiến thương mại đạt hiệu quả cao và mang lại cơ hội tốt cho các doanh nghiệp thì ngoài những hỗ trợ của Nhà nước, về phần mình các doanh nghiệp cần cố gắng tự thân phát triển bằng việc nâng cao hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cho hàng hóa của mình, xây dựng và phát triển thương hiệu, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần chủ động, sáng tạo hơn trong việc tìm hiểu thông tin và tham gia vào mạng lưới XTTM để thường xuyên được tiếp cận các cơ hội mà hoạt động XTTM đem lại. Các doanh nghiệp nên xây dựng đội ngũ nhân sự chuyên trách được đào tạo kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về XTTM để có thể tham gia chủ động và hiệu quả vào các chương trình XTTM do Nhà nước hỗ trợ.

Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, hoạt động XTTM thời gian tới sẽ tập trung hỗ trợ các DN khai thác có hiệu quả các lợi ích từ các FTA mang lại, thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường đối tác FTA. Đồng thời, thông qua hoạt động XTTM giúp các DN từng bước phát triển thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng trong từng sản phẩm, phát triển sản phẩm mới, tiến tới xuất khẩu giá trị cao và bền vững.

Thực hiện được những mục tiêu trên, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng việc các DN Việt Nam cũng sẽ có thể cạnh tranh thắng lợi ngay tại “sân nhà”, phát triển thị trường nội địa, trong đó có khu vực biên giới, hải đảo, ngày càng sôi động, phục vụ đời sống nhân dân và đảm bảo thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng.

Câu 6. Liên quan đến việc chúng ta vừa là thành viên chính thức của cộng đồng kinh tế ASEAN, có ý kiến cho rằng, chúng ta đang bỏ ngỏ các thị trường trong khối ASEAN mà chỉ chú tâm vào việc “đánh bắt xa bờ” tại các thị trường lớn như Mỹ, Nhật, EU... Có đúng như vậy không, thưa Thứ trưởng?

Trả lời:

Trên thực tế, tôi cho rằng không có sự bỏ ngỏ thị trường nào, mà sẽ có những thị trường có kim ngạch xuất khẩu cao hơn so với những thị trường khác bởi các lý do của thị trường. Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong năm 2015, xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường Châu Á đạt 79,8 tỷ USD, tăng 7,2% trong đó xuất khẩu sang thị trường ASEAN đạt 18,3 tỷ USD. Chúng ta hay nghe nói tới việc xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật, Nga.. bởi các thị trường này có kim ngạch xuất khẩu tương đối cao như xuất khẩu sang Mỹ năm 2015 đạt 32,8 tỷ USD, EU đạt 30,9 tỷ USD. Các thị trường mà Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu một phần là do tính tương hỗ, bổ trợ của các thị trường đối với Việt Nam là rất cao, trong khi đối với các nước ASEAN, nhiều mặt hàng xuất khẩu của chúng ta có tính tương đồng cao.

Trong thời gian tới, các hoạt động xúc tiến thương mại sẽ được triển khai đồng bộ, tập trung đồng đều tại các thị trường, có thể dành ưu tiên hơn đối với các thị trường mà ta đang, đã và sẽ ký kết các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới.

 

Câu 7. Theo ông, các thị trường trong khối ASEAN có gì khác so với các thị trường truyền thống của chúng ta như Mỹ và EU hay Nhật Bản?

Trả lời:

Tôi cho rằng không có thị trường nào giống với các thị trường còn lại. Do đặc tính của thị trường được quy định bởi quy mô dân số, văn hóa, tôn giáo, thói quen tiêu dùng, đặc điểm khí hậu và nhiều yếu tố khác. Do đó các thị trường trong khối ASEAN chắc chắn có sự khác biệt đối với thị trường Mỹ, EU và Nhật Bản. Sự khác biệt ở đây có thể thấy rõ ở quy mô thị trường, đặc tính tiêu dùng và văn hóa. Do đó, để có thể thành công trên từng thị trường, điều quan trọng là chúng ta phải tìm hiểu kỹ từng đặc tính riêng của thị trường để có các hoạt động thâm nhập phù hợp.

Câu 8: Thời gian tới Bộ Công Thương có kế hoạch xúc tiến thương mại mạnh hơn tại các thị trường trong khối ASEAN không? Cụ thể bằng những việc gì?

Trả lời:

Các hoạt động xúc tiến thương mại trong thời gian tới sẽ được tập trung để tăng cường khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường nội địa, và tận dụng lợi thế mở cửa thì các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Do đó, có thể nói, hoạt động xúc tiến thương mại sẽ không chỉ tập trung vào thị trường ASEAN, mà còn nhiều thị trường khác.

Các hoạt động xúc tiến thương mại tiếp tục được thực hiện như:

- Phê duyệt các đề án xúc tiến thương mại quốc gia tại các thị trường, trong đó có các nước thuộc ASEAN như Lào, Myanmar để tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam giữ vững thị phần và tăng cường xuất khẩu sang các thị trường này.

- Tiếp tục khuyến khích các đề án xuất khẩu các mặt hàng chế tạo có công nghệ trung bình, và cao, phù hợp với xu hướng của thị trường thế giới.

- Tập trung phát triển, khai thác cả các thị trường truyền thống và các thị trường tiềm năng cho các sản phẩm có sức cạnh tranh lớn, có giá trị gia tăng cao hoặc các nhóm sản phẩm có tỷ trọng kim ngạch lớn.

- Tăng cường các hoạt động phổ biến và nâng cao nhận thức về vai trò của xây dựng, quản trị, bảo vệ thương hiệu trong bối cảnh hội nhập.
Theo:viettrade.gov.vn

Tin tức liên quan