Tiềm năng thị trường
Thị trường Úc là một thị trường nhập khẩu đầy tiềm năng. Úc là một đất nước vô cùng rộng lớn với diện tích trên 7,6 triệu km2 đứng thứ 6 trên thế giới, xấp xỉ diện tích nước Mỹ nhưng dân số thì ít ỏi chỉ có 23 triệu dân. Tuy dân số nhỏ như vậy nhưng Úc lại là một thị trường có kim ngạch nhập khẩu hàng hoá hơn 241 tỷ USD, và kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 262 tỷ USD trong năm 2013, một con số rất ấn tượng.
Bản đồ phân bố thị trường nhập khẩu của Úc
Thị trường Úc mang đến cơ hội cho các doanh nghiệp nước ngoài do phụ thuộc nhiều vào hàng hoá nhập khẩu phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng. Thị trường Úc tương đối mở, với việc không áp dụng hạn ngạch nhập khẩu và hầu hết thuế nhập khẩu là 5% (mức thuế chung) và 0% cho các nước kém phát triển. Theo Hiệp định Khu vực Thương mại Tự do giữa ASEAN và Úc, Niu-di-lân (AANZFTA) thì khoảng 96% thuế quan của Úc được loại bỏ vào năm 2010, phần còn lại sẽ được thực hiện nốt vào năm 2020 đối với hàng hoá nhập khẩu từ các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Thách thức
Tuy là thị trường tiềm năng, mang đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp nhưng thị trường Úc lại là thị trường nhiều thách thức do Chính phủ Úc đặt ra rất nhiều các qui định nhập khẩu, đặc biệt các qui định nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật được sử dụng như một hàng rào kỹ thuật đối với các nước nhập khẩu nhằm bảo hộ ngành sản xuất nông nghiệp trong nước.
Ví dụ, hiện nay Úc chưa cho phép nhập khẩu bất cứ loại hoa quả tươi nào của Việt Nam vào Úc. Theo quy định, muốn xuất khẩu hoa quả tươi, nước xuất khẩu phải trải qua qui trình phân tích rủi ro nhập khẩu (IRA) hết sức nghiêm ngặt. Chuyên gia của của Úc sẽ tiến hành kiểm tra, khảo sát vùng trồng, cơ sở đóng gói, cũng như làm việc với các đơn vị quản lý tại địa phương về các nội dung liên quan đến quản lý dịch hại tại vườn trồng và tiềm năng xuất khẩu sản phẩm. Cho dù vượt qua giai đoạn này, các điều kiện nhập khẩu của Úc cũng hết sức khắt khe, ví dụ, đòi hỏi các biện pháp xử lý trước khi xuất khẩu sau:
- Xử lý lạnh ở nhiệt độ 0,99oC trở xuống trong vòng 15 ngày hoặc ở nhiệt độ 1,38oC trở xuống trong vòng 20 ngày; hoặc
- Xử lý nhiệt hơi ở nhiệt độ 46oC trong vòng 20 phút hoặc ở nhiệt độ 47oC trong vòng 15 phút; hoặc
- Xử lý bằng phương pháp chiếu xạ.
Với các qui định này, hoa quả tươi sau khi xử lý chất lượng không còn được như ban đầu, khó cạnh tranh với hoa quả tươi của Úc. Đây thực chất là một rào cản thương mại trá hình vì chỉ với việc tuân thủ các qui trình phân tích rủi ro nhập khẩu thì hoa quả tươi xuất khẩu sang Úc cũng đủ đáp ứng được các tiêu chuẩn vệ sinh kiểm dịch.
Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Úc
Việt Nam và Úc bắt đầu có những bước phát triển quan trọng về quan hệ thương mại, đặc biệt là từ khi thiết lập quan hệ đối tác toàn diện năm 2009 cho đến nay. Hiện hai nước đã trở thành những đối tác kinh tế thương mại quan trọng của nhau, trong đó kim ngạch thương mại hai chiều năm 2013 đã đạt 5,1 tỷ USD, tăng gần 2,4% so với năm 2012. Xu hướng các năm gần đây, xuất khẩu sang Úc của ta liên tục tăng trong khi nhập khẩu giảm. Tính cho đến thời điểm này, Úc vẫn luôn là thị trường xuất siêu của Việt Nam, năm 2013 xuất siêu là 1,927 tỷ USD, tăng 34% so với năm 2012. Số liệu thống kê theo mã HS 6 số cho thấy, năm 2013, Việt Nam xuất khẩu sang Úc 1.474 mặt hàng, đạt 3,514 tỷ USD, và Việt Nam nhập khẩu từ Úc 1.407 mặt hàng, đạt 1,586 tỷ USD.
Thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Úc đang tăng trưởng mạnh trong năm 2014. Trong 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 4,6 tỷ USD, tăng 29,2% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 3,05 tỷ USD, tăng 25%. Việt Nam tiếp tục xuất siêu sang Úc 1,5 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm.
Xuất khẩu của Việt Nam sang Úc
Xuất khẩu của Việt Nam sang Úc năm 2013 đạt 3,514 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm 2012. Riêng trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu sang Úc tăng trưởng khá mạnh, đạt 3,05 tỷ USD tăng 25% so với cùng kỳ. Một số điểm đáng lưu ý về xuất khẩu của Việt Nam sang Úc: (i) sau khi sụt giảm mạnh vào năm 2011, trị giá xuất khẩu dầu thô đã tăng trở lại trong năm 2012 (32,5%). Tuy nhiên, trong năm 2013, xuất khẩu dầu thô đạt 1,6 tỷ USD giảm 1,8% so với năm 2012 nhưng vẫn giữ vị trí số 1 (khoảng 46%) trong số các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Úc. Nguyên nhân của việc này là do cầu năng lượng trong nước tăng, cung khan hiếm, giá dầu thô cao hơn so với mặt bằng giá thế giới; (ii) kim ngạch xuất khẩu mặt hàng than đá vẫn trên đà sụt giảm, đạt 1,442 triệu USD cả năm 2013 (giảm 13,28%); (iii) nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện vẫn tiếp tục xu thế tăng trưởng mạnh, tăng tới 71,08% trong năm 2013, đạt kim ngạch 161,366 triệu USD; điện thoại và linh kiện cũng tăng 47,75%, đạt 460,473 triệu USD và chiếm 13,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Úc chỉ sau dầu thô. Điều đó chứng tỏ bên cạnh việc đẩy mạnh các mặt hàng xuất khẩu chính thì cơ cấu hàng xuất khẩu của ta có sự đa dạng hóa hơn; (iv) Thủy sản vẫn nằm trong các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ta. Tuy nhiên mặt hàng thủy sản của ta năm qua nhận được nhiều phản hồi về việc vi phạm các quy định an toàn vệ sinh thực phẩm của Úc nên tốc độ tăng trưởng còn chưa phù hợp với tiềm năng xuất khẩu của ta. Trong năm 2013, Việt Nam có 26 trường hợp vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm khi nhập khẩu hàng vào Úc và trong 9 tháng đầu năm 2014 cũng đã có tới 26 trường hợp vi phạm.
Nhập khẩu của Việt Nam từ Úc
Nhập khẩu từ của Úc vào Việt Nam có xu thế giảm ngay từ quí đầu năm 2012 và kéo dài cho đến hết năm 2013. Việt Nam nhập khẩu chính từ Úc các mặt hàng như ngũ cốc, tân dược, tàu biển, máy chế biến thực phẩm, thiết bị điện, kim loại, sắt thép, thực phẩm, hóa chất... Năm 2013, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Úc đạt 1,586 tỷ USD, giảm 10,46% so với cùng kỳ năm 2012.
Tuy nhiên, 9 tháng đầu năm 2014 kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh, đạt 1,55 tỷ USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam nhập khẩu từ thị trường Úc các mặt hàng chính gồm lúa mì, kim loại thường khác, phế liệu sắt thép, than đá, bông các loại, quặng và khoáng sản khác… Đây đều là các mặt hàng đầu vào cho sản xuất trong nước.
Định hướng trong thời gian tới
Quan hệ giữa Việt Nam với Úc là quan hệ đối tác toàn diện (từ năm 2009). Hai bên đã ký thoả thuận chương trình hành động (Action Plan) nhằm thực hiện mục tiêu trên. Bên cạnh đó, Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Úc – Niu-di-lân (AANZFTA) đã có hiệu lực từ 1/1/2010. Hai nước đều đang là thành viên tham gia đàm phán TPP, RCEP. Nếu TPP và RCEP được ký kết thì sẽ là cú hích quan trọng để đẩy mạnh quan hệ thương mại Việt Nam và Úc.
Việt Nam và Úc là hai nền kinh tế, nhìn chung, mang tính chất bổ sung cho nhau hơn là cạnh tranh với nhau. Úc có nhu cầu nhập khẩu lớn về các mặt hàng (đa phần là các mặt hàng sử dụng nhiều lao động) mà ta có thế mạnh xuất khẩu như may mặc, da giày, đồ gỗ, hạt điều, thuỷ sản… Việt Nam cũng có nhu cầu nhập khẩu lớn về một số mặt hàng như lúa mỳ, bông, sữa, gỗ nguyên liệu, thiết bị, phụ tùng… và trong những năm tới có thể sẽ là than, khí đốt hoá lỏng mà những mặt hàng này là thế mạnh của Úc.
Do vậy, nếu chúng ta tháo gỡ được các rào cản thương mại cho doanh nghiệp đồng thời với việc đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, thông tin tuyền truyền… sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Úc có bước tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới, đặc biệt cần chú trọng vào các mảng công tác sau:
Công tác về chính sách, tháo gỡ các rào cản;
Công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường;
Công tác thông tin và truyền thông;
Công tác vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại Úc.
Gợi ý cho doanh nghiệp
Hiệp định Thương mại tự do giữa ASEAN và Úc – Niu-di-lân (AANZFTA) đã có hiệu lực từ năm 2010. Các doanh nghiệp để tận dụng mức giảm thuế trong AANZFTA cần phải nắm chắc quy tắc xuất xứ (ROO) và thủ tục xin cấp giấy chứng nhận để hưởng ưu đãi.
Ngoài ra, đối với thị trường Úc họ đòi rất cao các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, nguồn gốc hàng hóa, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu các doanh nghiệp không đáp ứng được các tiêu chí đó, gây mất uy tín một lần thì những lần sau nhập khẩu vào sẽ bị kiểm tra rất kỹ và khó khăn. Ví dụ đối với hàng thực phẩm, Bộ Nông nghiệp Úc kiểm soát và xác định nguy cơ cao hoặc trung bình của thực phẩm đối với sức khỏe cộng đồng. Thực phẩm vi phạm sẽ không được phép bán tại Úc, đồng thời nhà nhập khẩu phải hủy hoặc tái xuất về nước xuất xứ dưới sự giám sát của các cơ quan chức năng Úc. Các lô hàng tiếp theo sẽ bị kiểm tra 100% cho đến khi đạt tiêu chuẩn quy định. Đối với hàng thực phẩm khác, các cơ quan chức năng cũng kiểm tra ngẫu nhiên 5% các lô hàng thực phẩm nhập khẩu theo tiêu chuẩn Úc – Niu-di-lân (Australia New Zealand standard Code). Trong năm 2013, Việt Nam có 26 trường hợp vi phạm, và trong 9 tháng đầu năm 2014 đã có 26 trường hợp vi phạm. Nếu không có biện pháp khắc phục sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh hàng hoá của Việt Nam.
Ngoài việc tận dụng triệt để các mức ưu đãi thuế quan từ FTA, đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm…, các doanh nghiệp Việt Nam cũng nên tìm hiểu kỹ kênh phân phối tại Úc để khi hàng hóa đưa vào sẽ được lưu thông thuận lợi. Tính thời vụ của sản phẩm cũng phải được xem xét kỹ lưỡng (doanh nghiệp cần lưu ý Úc nằm ở Nam bán cầu, nên có mùa ngược với Việt Nam), hay tính thích nghi với môi trường khí hậu của nước sở tại cũng là một vấn đề cần quan tâm để sản phẩm đảm bảo được chất lượng với thời gian và sự thay đổi của khí hậu tại Úc.
THỐNG KÊ
Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Úc trong 9 tháng đầu năm 2014
Kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam và Úc trong 9 tháng đầu năm 2014 đã đạt 4,6 tỷ USD, tăng 29,2% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 3,05 tỷ USD, tăng 25%, kim ngạch nhập khẩu đạt 1,55 tỷ USD, tăng 38% so với cùng kỳ. Việt Nam tiếp tục xuất siêu sang Úc gần 1,5 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm.
Bảng 1: Số liệu xuất khẩu hàng hóa sang Úc trong 9 tháng đầu năm 2014
Đơn vị: USD
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Mặt hàng |
9 tháng 2013 |
9 tháng 2014 |
Tăng giảm |
Tổng cộng |
2,438,371,931 |
3,048,699,508 |
25.0 |
Dầu thô |
1,107,277,923 |
1,540,645,869 |
39.1 |
Điện thoại các loại và linh kiện |
326,507,438 |
287,639,856 |
-11.9 |
Hàng thủy sản |
127,959,150 |
168,833,049 |
31.9 |
Gỗ và sản phẩm gỗ |
89,199,696 |
110,200,620 |
23.5 |
Hàng dệt, may |
66,307,327 |
97,317,438 |
46.8 |
Giày dép các loại |
74,305,309 |
95,425,507 |
28.4 |
Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác |
77,784,484 |
89,709,122 |
15.3 |
Hạt điều |
72,665,810 |
85,211,938 |
17.3 |
Phương tiện vận tải và phụ tùng |
47,160,043 |
73,213,343 |
55.2 |
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện |
117278221.5 |
76,250,327 |
-35.0 |
Sản phẩm từ sắt thép |
40,304,916 |
37,704,071 |
-6.5 |
Sắt thép các loại |
11,401,534 |
31,424,472 |
175.6 |
Sản phẩm từ chất dẻo |
26,008,640 |
29,697,223 |
14.2 |
Kim loại thường khác và sản phẩm |
19,032,069 |
27,571,316 |
44.9 |
Cà phê |
25,574,958 |
22,016,599 |
-13.9 |
Túi xách, ví,vali, mũ, ô, dù |
15,231,302 |
20,013,579 |
31.4 |
Giấy và các sản phẩm từ giấy |
16,259,675 |
19,900,260 |
22.4 |
Clanhke và xi măng |
1,368,300 |
17,165,337 |
1,154.5 |
Hạt tiêu |
8,751,123 |
14,296,588 |
63.4 |
Hàng rau quả |
11,388,900 |
13,321,309 |
17.0 |
Sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ |
- |
12,730,054 |
- |
Đá quý, kim loại quý và sản phẩm |
10,363,551 |
11,859,113 |
14.4 |
Đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận |
- |
10,179,165 |
- |
Sản phẩm từ cao su |
9,183,418 |
9,880,774 |
7.6 |
Sản phẩm hóa chất |
7,905,642 |
9,641,098 |
22.0 |
Nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày |
6,907,714 |
9,302,949 |
34.7 |
Bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc |
6,731,639 |
9,117,681 |
35.4 |
Sản phẩm gốm, sứ |
9,495,184 |
8,683,868 |
-8.5 |
Sản phẩm mây, tre, cói và thảm |
6,816,073 |
8,631,671 |
26.6 |
Dây điện và dây cáp điện |
3,451,450 |
7,436,312 |
115.5 |
Gạo |
3,315,648 |
3,869,046 |
16.7 |
Chất dẻo nguyên liệu |
3,836,511 |
3,500,998 |
-8.7 |
Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện |
- |
851,033 |
- |
Bảng 2: Số liệu nhập khẩu hàng hóa sang Úc trong 9 tháng đầu năm 2014
Đơn vị: USD
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Mặt hàng |
9 tháng 2013 |
9 tháng 2014 |
Tăng giảm |
Tổng cộng |
1,124,861,952 |
1,552,713,439 |
38.0 |
Lúa mì |
307,980,418 |
364,866,672 |
18.5 |
Kim loại thường khác |
210,790,949 |
276,900,122 |
31.4 |
Phế liệu sắt thép |
113,113,762 |
167,120,847 |
47.7 |
Bông các loại |
49,014,067 |
100,201,223 |
104.4 |
Than đá |
- |
61,233,716 |
- |
Quặng và khoáng sản khác |
20,081,576 |
34,043,189 |
69.5 |
Dược phẩm |
31,674,537 |
33,968,961 |
7.2 |
Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác |
31,850,565 |
30,556,005 |
-4.1 |
Nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày |
14,764,438 |
29,295,884 |
98.4 |
Sữa và sản phẩm sữa |
13,996,317 |
26,401,116 |
88.6 |
Hàng rau quả |
20,687,291 |
25,004,603 |
20.9 |
Sản phẩm hóa chất |
25,721,468 |
25,956,556 |
0.9 |
Thức ăn gia súc và nguyên liệu |
22,506,810 |
16,058,914 |
-28.6 |
Sắt thép các loại |
13,612,306 |
13,954,565 |
2.5 |
Sản phẩm khác từ dầu mỏ |
4,453,259 |
10,145,092 |
127.8 |
Đá quý, kim loại quý và sản phẩm |
8,289,870 |
9,429,312 |
13.7 |
Khí đốt hóa lỏng |
- |
8,709,383 |
- |
Gỗ và sản phẩm gỗ |
4,097,431 |
7,189,302 |
75.5 |
Chất dẻo nguyên liệu |
3,278,201 |
6,457,461 |
97.0 |
Sản phẩm từ sắt thép |
6,913,445 |
5,570,169 |
-19.4 |
Chế phẩm thực phẩm khác |
- |
3,861,587 |
- |
Dầu mỡ động thực vật |
3,181,290 |
2,956,410 |
-7.1 |
Hóa chất |
5,070,162 |
2,533,941 |
-50.0 |
Thương vụ Việt Nam tại Úc.