Cổng thông tin điện tử

Ngành da giày túi xách việt nam

  • Tham gia Hội Chợ giày dép "Dubai Footwear Expo 2014" tại Dubai, UAE
  • 17/11/2014

Trong các ngày 10 – 13 tháng 11 năm 2014 đã diễn ra Hội chợ, triển lãm giày dép "Dubai Footwear Expo 2014" tại thành phố Dubai, thuộc Các Tiểu Vương Quốc Ả-rập Thống Nhất (UAE).

 

UAE nằm ở đông bán đảo Ả-rập, Bắc giáp Ca-ta, đông giáp vịnh Ả-rập, tây giáp Ả-rập Xê-út, nam giáp Ô-man, gồm 7 tiểu vương quốc, trong đó lớn nhất là 2 tiểu vương quốc Dubai và Abu Dhabi. Thủ đô của UAE là thành phố Abu Dhabi thuộc Tiểu Vương Quốc Abu Dhabi. UAE có dân số gần 6 triệu người với đạo Hồi là quốc đạo, sử dụng ngôn ngữ chính là tiếng A-rập, ngoài ra còn có tiếng Ba Tư, tiếng Anh, tiếng Hindi và Urdu. Năm 2013 tổng GDP của UAE đạt 390 tỷ USD và GDP bình quân đầu người 65.000 USD. Do địa hình sa mac và giàu tài nguyên dầu mỏ, trong cơ cấu kinh tế của UAE nông nghiệp chỉ chiếm 0,6%, trong khi công nghiệp chiếm 61,1% và dịch vụ 38,2%.

 

 

 

UAE là thị trường mở, tiêu dùng nội địa phụ thuộc vào nhập khẩu, do đó ngoại thương rất phát triển, thuế nhập khẩu thấp (từ 0%-5%) đối với hầu hết các loại hàng hóa và thu hút được nhiều đầu tư  nước ngoài. UAE cũng là thành viên Hội đồng Hợp tác các nước Ả-rập vùng Vịnh (GCC) và nằm trong liên minh thuế quan 6 nước vùng Vịnh, với tự do thương mại trong nội khối, áp dụng biểu thuế nhập khẩu chung đối với hàng hóa nhập khẩu từ bên ngoài khối, theo nguyên tắc “một điểm vào (single point entry)”.

 

Thành phố Dubai, thuộc Tiểu Vương Quốc Dubai, là thành phố lớn nhất của UAE có cơ sở hạ tầng kinh tế, kỹ thuật hàng đầu thế giới với các sân bay, cảng biển, đường bộ, viễn thông, điện, khu thương mại tự do, ngân hàng… lớn và hiện đại, là cửa ngõ của hàng hóa và du lịch vào UAE, Trung Đông và Châu Phi. Với dân số hơn 2 triệu người, hàng năm Dubai đón hơn 5 triệu khách du lịch tới thăm quan, chiếm 75% kim ngạch nhập khẩu hàng hóa và 82% xuất khẩu hàng hóa phi dầu mỏ của UAE. Dubai còn là thị trường tái xuất hàng hóa lớn thứ ba trên thế giới, chiếm 78% tái xuất hàng hóa của UAE, chỉ đứng sau Hong Kong và Singapore. Mặt hàng tái xuất gồm hàng điện tử, ôtô, đồ trang sức, dệt may, giày dép, nông sản. Thị trường tái xuất là các nước A-rập (Trung Đông và Bắc Phi), châu Phi, Trung Á.

 

 

 

Tại cuộc hội thảo và giao thương doanh nghiệp Việt Nam và UAE do LEFASO và Thương Vụ Việt Nam tại Dubai phối hợp tổ chức bên lề hội chợ ngày 12/11/2014, Tham tán thương mại tại Dubai Pham Trọng Nghĩa cho biết: tại UAE, các nhà nhập khẩu, xuất khẩu phải có giấy phép “trading licence”. Giấy phép này chỉ được cấp cho công dân UAE hoặc các công ty có phần sở hữu của công dân UAE chiếm hơn 51%. Hàng hóa nhập khẩu vào UAE phải được phân phối bởi các “Đại lý thương mại (Trade/commercial Agents) và chỉ công dân UAE hoặc doanh nghiệp thuộc sở hữu toàn bộ của công dân UAE mới được đăng ký làm “trade agents”. Thủ tục hải quan tại UAE khá đơn giản, có thể thực hiện thông quan hàng hóa bằng hải quan điện tử.

 

Năm 2013, xuất khẩu hàng hóa của UAE đạt 369 tỷ USD, các thị trường xuất khẩu chính là Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Trung Quốc, Ô-man, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia, Đài Loan, Australia, Bỉ, Hoa Kỳ, Ca-ta, Indonesia, Italy. Nhập khẩu của UAE đạt 250 tỷ USD, các thị trường nhập khẩu chính là Ấn Độ, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Anh, Đức, Nhật, Italy, Ca-ta, Hàn Quốc, Singapore, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Bỉ, Malaysia.

 

Quan hệ thương mại với Việt Nam

 

Với điều kiện hoạt động kinh doanh thuận tiện, thuế nhập khẩu thấp, hạ tầng cơ sở giao thông đường bộ và cảng biển hiện đai, có nhiều chi nhánh ngân hàng hàng đầu thế giới, người dân có thu nhập đầu người cao, số lượng người nhập cư và số lượng khách du lịch lớn, nên nhu cầu nhập khẩu hàng hóa rất đa dạng về chủng loại và chất lượng, Dubai thực sự là cửa ngõ quốc tế để hàng hoá Việt Nam thâm nhập thị trường UAE và các nước Trung Đông giàu tiềm năng do có nguồn thu nhập lớn từ dầu mỏ.

Thời gian qua, Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại tại UAE và hiện UAE là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Tây Á. Năm 2013, xuất khẩu của Việt Nam sang UAE đạt 4,14 tỷ USD, tăng gấp đôi so với năm 2012, đưa UAE trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 7 của Việt Nam (sau Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaisia, Đức). 15 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 10 triệu USD gồm: điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; dệt may; hạt tiêu; giày dép; thuỷ sản; đá quý, kim loại quý và sản phẩm; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; sắt thép các loại; nguyên phụ liệu thuốc lá; hạt điều; gỗ và sản phẩm gỗ; gạo; bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc; túi xách, ví, vali, mũ và ô dù... với sức cạnh tranh ngày càng được nâng cao so với hàng Trung Quốc, Malaysia. Năm 2014, xuất khẩu của Việt Nam dự kiến đạt 4,8 tỷ (tăng 18%), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 nước dự kiến đạt 5,2 tỷ USD.

Tại UAE, ngành công nghiệp sản xuất giày dép không phát triển, tất cả chỉ có khoảng 7 nhà máy, sản lượng 250.000 đôi, sản phẩm chủ yếu là dép xăng đan. Nhu cầu tiêu dùng chủ yếu dựa vào nhập khẩu. Năm 2013 thị trường UAE nhập khẩu giày dép trị giá 295 triệu USD, nếu tính cả nhu cầu tái xuất, đạt 440 triệu USD, tăng bình quân 4% trong thời gian 2009-2013. Dự kiến nhu cầu nhập khẩu giày dép tăng trung bình 4,8% trong giai đoạn 2013 – 2018, đạt 372 triệu USD vào năm 2018. Các mặt hàng nhập khẩu chính là giày da, thể thao, giày vải, dép xăng đan…

UAE nhập khẩu giày dép chủ yếu từ Trung Quốc (65%), Italia,  Thái Lan (10%), Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Việt Nam. Đối với các sản phẩm giày dép cấp thấp, UAE nhập khẩu từ Trung Quốc (60%), Thái lan, Đài Loan, Việt Nam. Đối với các sản phẩm chất lượng cao, UAE nhập khẩu chủ yếu từ Italia (30%), Trung Quốc (15%), Tây Ban Nha, Anh, Pháp…

Xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang UAE tăng trưởng 55% hàng năm trong mấy năm qua. Hiện đã có nhiều sản phẩm giày dép của Việt Nam được bày bán tại các siêu thị, trung tâm thương mại lớn của UAE, chủ yếu của các doanh nghiệp FDI, hoặc thông qua các nhà nhập khẩu và phân phối quốc tế. Chưa có nhiều doanh nghiệp giày dép Việt Nam xuất khẩu trực tiếp sang UAE.

Thực hiện đề án xúc tiến thương mại được Bộ Công Thương phê duyệt thuộc “Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2014”, Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam (LEFASO) đã tổ chức đoàn doanh nghiệp Việt Nam tham gia hội chợ triển lãm “Footwear Expo 2014” tại Dubai với Gian Hàng Việt Nam (Vietnam Pavilion) xây dựng trên diện tích 81 m2 và trang trí với bản đồ Việt Nam nổi bật trên khung nền màu vàng nhạt.

 

Các doanh nghiệp xuất khẩu giày dép và túi xách Việt Nam: Vinh Thông, Doba Footwear, Hồng Nhung, Đức Triều, Quang Phú, Phong Châu, Chính Việt… đã mang tới trưng bày tại hội chợ nhiều sản phẩm giày dép và túi sách với mẫu mã đa dạng và chất lượng cao, sản xuất tại Việt Nam. Hội chợ đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nhập khẩu tại Dubai và các tiểu vương quốc khác thành viên UAE. Nhiều doanh nghiệp đã gặp được các khách hàng tiềm năng, nhưng điều quan trọng nhất là các doanh nghiệp có điều kiện khảo sát thị trường, tìm hiểu nhu cầu, yêu cầu về chất lượng, thị hiếu, xu hướng tiêu dùng và các quy định về xuất nhập khẩu của UAE.

 

LEFASO

Tin tức liên quan