Dự báo ngành da giày có thể mang về 27 tỷ USD năm 2024 được đưa ra trong bối cảnh các đơn hàng của doanh nghiệp đang phục hồi.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê (GSO), 8 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu ngành da giày của Việt Nam đạt 17,67 tỷ USD. Trong đó xuất khẩu giày dép đạt 14,93 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu túi xách, ví, vali, mũ, ô dù đạt 2,74 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ.
Trao đổi với Mekong ASEAN, bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam cho rằng, mặc dù mức tăng trưởng chưa đạt như thời điểm trước Covid - 19 nhưng tình hình xuất khẩu cũng đang có dấu hiệu hồi phục. Theo bà Xuân, năm 2024 ngành có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 27 tỷ USD nhưng với kim ngạch cao hơn thì ngành khó đạt được do các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể theo bà Phan Thị Thanh Xuân, các doanh nghiệp đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động và đây cũng là vấn đề lớn nhất của ngành hiện tại. "Đơn hàng phục hồi nhưng lại thiếu rất nhiều lao động, điều này cản trợ tối đa hóa sản xuất của doanh nghiệp trong ngành," Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam chia sẻ.
Mặt khác, Việt Nam hiện chưa phải thị trường cung ứng nguyên phụ liệu nên doanh nghiệp khó tiết giảm chi phí. Trong khi đó, chi phí đầu vào của ngành đều tăng, chi phí nhân công chiếm 25% giá thành sản phẩm, nên nếu đà tăng này tiếp tục thì doanh nghiệp khó có lãi. “Đơn hàng không thiếu nhưng doanh nghiệp gặp thách thức về chi phí, tối đa hóa đầu vào thì mới có thể tiếp tục nhận được đơn hàng,” bà Phan Thị Thanh Xuân nhận định.
Theo đề xuất mà Hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam công bố tại hội nghị về việc đầu tư xây dựng khu trung tâm giao dịch phát triển nguyên phụ liệu ngành thời trang Việt Nam diễn ra tại Hà Nội đầu tháng 9/2024, việc thành lập Trung tâm giao dịch phát triển nguyên phụ liệu có quy mô lớn tại Việt Nam sẽ giúp ngành dệt may, da giày bước đầu gỡ được nút thắt về nguồn cung, thúc đẩy hoạt động đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu tại Việt Nam, phục vụ xuất khẩu và nội địa.
Trung tâm trên được thành lập cũng là dịp để doanh nghiệp nhỏ và vừa có cơ hội chuyển đổi phương thức sản xuất sang phân khúc có giá trị cao hơn như FOB - doanh nghiệp chủ động mua nguyên vật liệu, sản xuất và giao hàng; OEM - doanh nghiệp gia công tham gia vào khâu đầu tư máy móc thiết bị; ODM - doanh nghiệp chủ động khâu thiết kế...
Nguồn: mekongasean.vn