Cổng thông tin điện tử

Ngành da giày túi xách việt nam

  • NGÀNH DA GIẦY - KHỞI SẮC VÀ NỖ LỰC VỀ ĐÍCH NĂM 2024
  • 10/09/2024

Da giày là ngành xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, nằm trong “top” 5 ngành xuất khẩu chính của quốc gia và Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về sản xuất giày dép (sau Trung Quốc và Ấn Độ) với 1,3 tỷ đôi/năm, chiếm 5,4% thị phần và đứng thứ 2 về xuất khẩu giày dép (sau Trung Quốc) với 1,276 tỷ đôi/năm, chiếm 7,3% thị phần.

Theo Quyết định số 1643/QĐ-TTg về Chiến lược Phát triển ngành Dệt may và giày dép đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, ngành da giày là ngành xuất khẩu chủ lực của quốc gia với sản phẩm chất lượng và có tính cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước, duy trì vị trí thứ 2 trên thế giới.

 

I/.Những điểm sáng chung kinh tế Việt Nam tám tháng năm 2024

Trong tám tháng năm 2024, kinh tế cả nước tiếp tục tăng trưởng tích cực và góp phần để mức tăng chung cả năm nay có thể tới 7% GDP theo dự báo mới nhất của Ngân hàng thế giới và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Tổng cục Thống kê, tính chung tám tháng năm 2024, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tính tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 0,2%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,6%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,8%; ngành khai khoáng giảm 6,0%, làm giảm 0,9 điểm phần trăm. Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/8/2024 tăng 0,9% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 4,5% so với cùng thời điểm năm trước.

Cả nước có 168,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động; bình quân một tháng có hơn 21 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 135,3 nghìn doanh nghiệp; bình quân một tháng có hơn 16,9 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 363,1 nghìn tỷ đồng, bằng 47,8% kế hoạch năm và tăng 2,0% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 bằng 48,6% và tăng 24,5%).

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 31/8/2024 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 20,52 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam tám tháng năm 2024 ước đạt 14,15 tỷ USD, tăng 8,0% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, thị trường trong nước khá trầm lắng, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4.148,4 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 10,3%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,3% (cùng kỳ năm 2023 tăng 8,0%).

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 265,09 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 73,88 tỷ USD, tăng 21%, chiếm 27,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 191,21 tỷ USD, tăng 13,9%, chiếm 72,1%. Nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt 233,33 tỷ USD, chiếm 88%. Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 246,02 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 89,58 tỷ USD, tăng 19,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 156,44 tỷ USD, tăng 16,5%. Nhóm hàng tư liệu sản xuất đạt 230,95 tỷ USD, chiếm 93,9%. Cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ xuất siêu 19,07 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 19,9 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 15,7 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 34,77 tỷ USD. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 77,9 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 92,3 tỷ USD.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tám tháng tăng 4,04% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,71%. Chỉ số giá vàng tháng 8/2024 tăng 20,4% so với tháng 12/2023; tăng 31,05% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 8/2024 tăng 3,55% so với tháng 12/2023; tăng 5,86% so với cùng kỳ năm trước.

Khách quốc tế đến nước ta đạt hơn 11,4 triệu lượt người, tăng 45,8% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,0% so với cùng kỳ năm 2019 – năm chưa xảy ra dịch Covid-19.

II/. Những khởi sắc, thách thức và giải pháp cần có cho ngành da giầy năm 2024

Trong bối cảnh đó, ngàng da giày cũng có nhiều khởi sắc về lượng đơn hàng xuất khẩu và với tốc độ tăng trưởng hiện tại, kim ngạch xuất khẩu cả năm 2024 của ngàng da gầy dự báo sẽ đạt khoảng 26 - 27 tỷ USD...Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp đã ký được hợp đồng xuất khẩu cho cả năm 2024 và đã tận dụng tốt lợi thế của các hiệp định thương mại tự do, nhất là khối các thị trường EVFTA, CPTPP..

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu giày dép trong 7 tháng năm 2024 đạt 10,147 tỷ USD, tăng 10,4% và xuất khẩu túi xách đạt 1,621 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh nghiệp FDI chiếm 77,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (giày dép 79,3%, túi xách 70%). Ngành da giày vẫn tập trung vào 5 thị trường chính chiếm 97,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (giầy dép 97,3 %, túi xách 94,8 %), gồm: Bắc Mỹ chiếm tỷ trọng lớn nhất (giầy dép 41,4 %, túi xách 47%), tiếp đến là EU (giầy dép 29,5 %, túi xách 25,4 %). Châu Á hiện chiếm 22,2 % về giầy dép và 24,5% về túi xách. Tổng xuất khẩu da giày sang 16 nước lớn nhất (gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Bỉ, Hà Lan, Đức, vương quốc Anh, Hàn Quốc, Canada, Pháp, Tây Ban Nha, Italy, Australia, Mexico, UAE và Đài Loan) chiếm trên 88,4% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Xuất khẩu sang thị trường EVFTA tăng 23,8%; thị trường CPTPP tăng 13,9%; thị trường Asean tăng 2,4%. Riêng khu vực các nước EAEU không có xuất khẩu do ảnh hưởng của xung đột Nga – Ucraina.

Việt Nam hiện là nước đứng thứ 3 trên thế giới (sau Trung Quốc và Ấn Độ) về sản xuất và đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu giày dép, với kim ngạch xuất khẩu gần 24 tỷ USD năm 2023 và đang hướng tới mục tiêu xuất khẩu đạt 26 - 27 tỷ USD năm 2024.

Từ chiều ngược lại, trong trong 7 tháng năm 2024, nhập khẩu thiết bị đạt 85,9 triệu USD, tăng 218% so với cùng kỳ năm 2023. Nhập khẩu da thuộc đạt 1.068 triệu USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2023. Những con số này phản ánh đầu tư mới và sản xuất của các doanh nghiệp đang trên đà khôi phục.

Năm 2024 là năm ngành da giày tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, trong đó nổi bật là xu hướng nhiều quốc gia nhập khẩu giày dép lớn đưa ra hàng loạt yêu cầu mới về việc nhập khẩu các sản phẩm có trách nhiệm về xã hội và môi trường ngày càng cao. Điển hình như thị trường EU, từ tháng 3/2024, thị trường này đã bắt đầu đưa ra các yêu cầu mới như thiết kế sinh thái với các thiết kế bền vững và đòi hỏi truy xuất và minh bạch chuỗi cung ứng…

Đặc biệt, Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon (Carbon Border Adjustment Mechanism-CBAM) là một cơ chế của EU nhằm kiểm soát lượng khí nhà kính được thải ra từ hàng hóa nhập khẩu vào các quốc gia trong liên minh. CBAM điều chỉnh trực tiếp một loại thuế carbon sẽ được áp dụng cho một nhóm mặt hàng có lượng phát thải cao.

Lộ trình áp dụng của CBAM như sau:

Thời kỳ chuyển đổi áp dụng từ ngày 01/10/2023, theo đó các doanh nghiệp nhập khẩu vào EU bắt phải khai báo hàng quý khối lượng nhập khẩu và lượng phát thải khí nhà kính có trong hàng hóa nhập khẩu với 6 nhóm sản phẩm bao gồm nhôm, sắt và thép, phân bón, xi măng, điện và hydro nhưng không phải trả thêm bất kỳ khoản phí nào ở giai đoạn này.

Từ ngày 01/01/2026, CBAM chính thức có hiệu lực. Trong giai đoạn vận hành từ 2026-2034, trước ngày 31/5 hàng năm, nhà nhập khẩu vào EU phải khai báo về số lượng hàng hóa và lượng phát thải tích hợp trong những hàng hóa được nhập khẩu của năm trước. Đồng thời, nhà nhập khẩu nộp lại số lượng chứng chỉ CBAM tương ứng với lượng phát thải khí nhà kính có trong sản phẩm. Trong giai đoạn này, EU sẽ dần dần loại bỏ việc phân bổ miễn phí hạn ngạch phát thải khí nhà kính.

Nếu không thực hiện giảm thải tương ứng các nhà nhập khẩu hàng hóa thuộc phạm vi điều chỉnh của CBAM tại EU sẽ phải mua chứng chỉ CBAM. CBAM không phải là thuế, nhưng nó tạo ra các chi phí bổ sung để khuyến khích hoặc buộc doanh nghiệp thay đổi công nghệ sản xuất và giảm phát thải.

Có thể thấy, CBAM thực sự là thách thức rất lớn đối với các nhà sản xuất, bao gồm Việt Nam; trong đó ngành da giày được đánh giá là lĩnh vực gây ra nhiều phát thải carbon trong quá trình sản xuất.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp giày dép còn chưa tham gia được vào chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp FDI cũng như chuỗi giá trị toàn cầu. Không những vậy, thiết bị công nghệ của ngành da giày mới ở mức trung bình, chủ yếu được nhập khẩu từ Đài Loan, Trung Quốc và một tỷ lệ nhỏ từ Nhật Bản, Đức, Ý.

Năng suất lao động cũng như hiệu quả sản xuất của ngành còn hạn chế về ngắn hạn và dài hạn. Sản xuất phần lớn vẫn là gia công cho các hàng giày dép, túi xách nước ngoài. Giày dép, túi xách xuất khẩu mới chỉ tăng về lượng, chưa tăng nhiều về chất. Khả năng đáp ứng các quy định đối với mặt hàng này theo cam kết trong các Hiệp định Thương mại tự do chưa cao… Những điều này dẫn đến nguy cơ làm giảm sự cạnh tranh của ngành giày dép trên thị trường quốc tế.

Đặc biệt, xu hướng xanh hóa trên thế giới đang ngày càng đòi hỏi khắt khe đối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu. Nếu không muốn bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp da giày Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc cách mạng 4.0, sản xuất tự động, trí tuệ nhân tạo (AI), phát triển xanh.

Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng cải thiện minh bạch thông tin chuỗi cung ứng sản phẩm của mình bắt đầu từ khâu nguyên liệu, sản xuất bền vững hướng đến kinh tế tuần hoàn, có trách nhiệm với xã hội và môi trường.

Đồng thời, ngành cũng cần nhiều động lực mới thực chất hơn để phát triển công nghiệp hỗ trợ và nguyên phụ liệu ngành da giày trong nước thông qua hình thành các khu công nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chuyên biệt cho ngành da giày, tập trung sản xuất da thuộc, vải kỹ thuật, phụ kiện làm khuôn, đế,… thuận tiện cho bảo vệ môi trường và tổ chức sản xuất tập trung; tăng cường thu hút đầu tư từ những tập đoàn đa quốc gia. Kết nối doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; lập các nhóm kết nối giữa các doanh nghiệp xuất khẩu với các cơ quan liên quan; tập trung xây dựng thương hiệu và có chiến lược xây dựng bài bản, hiệu quả; xây dựng hệ sinh thái cho ngành (cơ quan tư, địa phương, hiệp hội, công ty xuất khẩu chính, công ty tư vấn, nông dân, công ty cung cấp nguyên liệu đầu vào...); tập trung nâng cao chất lượng, chú ý phát triển bền vững...

Ngoài ra, các doanh nghiệp ngành da giầy cần chú ý cập nhật những thay đổi và yêu cầu của thị trường; trong đó có các quy định về “Nhãn sinh thái thiên nga Bắc Âu”, nơi mà người tiêu dùng không chỉ xem xét về giá mà còn xem xét về bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Theo TS.Nguyễn Minh Phong

Tin tức liên quan