Cổng thông tin điện tử

Ngành da giày túi xách việt nam

  • NHỮNG ĐIỂM NHẤN KINH TẾ VIỆT NAM NỬA ĐẦU NĂM 2024
  • 17/06/2024
Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, khó khăn nhiều hơn thuận lợi, kinh tế Việt Nam năm 2023 và nửa đầu năm 2024 vẫn duy trì đà tăng trưởng tích cực, với tốc độ tăng trưởng GDP thuộc nhóm dẫn đầu khu vực và thế giới. Sự phục hồi diễn ra ổn định và khá đồng đều ở các khu vực, địa phương, cũng như các lĩnh vực kinh tế. Sự cải thiện được nghi nhận đậm nét trong nhiều chỉ số kinh tế, nổi bật là xuất khẩu, du lịch, thu hút FDI, việc làm, thu nhập của người lao động và vị thế kinh tế quốc tế... Động lực và nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô tiếp tục được cải thiện Nửa đầu năm 2024, dù kinh tế, thương mại toàn cầu có dấu hiệu khả quan hơn, là cơ hội thuận lợi cho phát triển; song tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Bất ổn địa chính trị, xung đột quân sự leo thang tại một số quốc gia, khu vực, tiềm ẩn nhiều rủi ro, đe dọa sự ổn định, phát triển toàn cầu; Thiên tai, biến đổi khí hậu tiếp tục tác động nặng nề. Nhiều nền kinh tế lớn, đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của nước ta phục hồi chậm, tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ; Tỷ giá đồng USD và giá vàng tăng mạnh; giá dầu thô, hàng hóa cơ bản, dịch vụ vận tải… biến động mạnh. Kinh tế Việt Nam năm 2023 và nửa đầu năm 2024 vẫn duy trì đà tăng trưởng tích cực, với tốc độ tăng trưởng GDP thuộc nhóm dẫn đầu khu vực và thế giới. Sự phục hồi diễn ra ổn định và khá đồng đều ở các khu vực, địa phương, cũng như các lĩnh vực kinh tế. Sự cải thiện được nghi nhận đậm nét trong nhiều chỉ số kinh tế, nổi bật là xuất khẩu, du lịch, thu hút FDI, việc làm, thu nhập của người lao động và vị thế kinh tế quốc tế...Đặc biệt, 2 vấn đề nóng được quan tâm nhiều ở Việt Nam nửa đầu năm 2024 là giá vàng và cải cách tiền lương. Theo báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện phát triển kinh tế xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2024 của Chính phủ tại phiên khai mạc sáng 20/5/2024 Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, đến hết năm 2023, cả nước đã dành được khoảng 680.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách tiền lương mới. Con số này cao hơn 120.000 tỷ đồng so với 560.000 tỷ đồng Chính phủ báo cáo vào cuối năm 2023. Năm 2023 mặc dù có nhiều khó khăn, nhưng GDP tăng 5,05% (báo cáo trước là 5%). Quy mô nền kinh tế đạt 430 tỷ USD, bước vào nhóm các nước trung bình cao. CPI trung bình tăng 3,25%; thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm. Thu ngân sách Nhà nước đạt trên 1,75 triệu tỷ đồng, vượt 8,2% và tăng 133,4 nghìn tỷ đồng so với dự toán. Bội chi ngân sách khoảng 3,5% GDP; Dư nợ công khoảng 37% GDP; Dư nợ Chính phủ khoảng 34% GDP, thấp hơn nhiều so với mức trần và ngưỡng cảnh báo. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 681 tỷ USD; xuất siêu 28,3 tỷ USD. Thu hút vốn FDI đạt 39,4 tỷ USD, vốn FDI thực hiện đạt 23,2 tỷ USD, tăng 3,5%, cao nhất từ trước đến nay. Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP quý I/2024 đạt 5,66%, cao nhất trong giai đoạn 2020-2023; Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, năng suất lúa đông xuân ước đạt 72,3 tạ/ha, tăng 0,1 tạ/ha so với vụ đông xuân năm trước; diện tích một số cây như ngô, đậu tương, lạc giảm; tổng số lợn của cả nước tăng 3,8%; gia cầm tăng 3,3%; bò giảm 0,8%; tổng số trâu giảm 3,9%; rừng trồng mới tập trung tăng 1,3%; sản lượng gỗ khai thác tăng 6,6%; sản lượng thủy sản ước tăng 2,6%. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 6,8% và sản xuất công nghiệp tăng ở 55 địa phương, giảm ở 8 địa phương trên cả nước. Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng 3,2% so cùng kỳ. Cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục hồi phục: Cả nước có 98,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 19,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 97,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 19,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Thu hút FDI có nhiều bứt phá: Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/5/2024 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 11,07 tỷ USD, tăng 2,0% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm tháng đầu năm 2024 ước đạt 8,25 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều tập đoàn lớn đã cam kết đầu tư vào Việt Nam trong các ngành điện tử, chíp, bán dẫn, năng lượng tái tạo… Luỹ kế tổng thu ngân sách Nhà nước bằng 52,8% dự toán năm và tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Tổng chi ngân sách Nhà nước ước bằng 31% dự toán năm và tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước bằng 26,6% kế hoạch năm và tăng 5,0% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước tăng 8,7%, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,2% (cùng kỳ năm 2023 tăng 9,3%). Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 156,77 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 43,69 tỷ USD, tăng 20,5%, chiếm 27,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 113,08 tỷ USD, tăng 13,3%, chiếm 72,1%. Nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 137,39 tỷ USD, chiếm 87,7%. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 148,76 tỷ USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 54,95 tỷ USD, tăng 24,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 93,81 tỷ USD, tăng 14,9%. Nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 139,89 tỷ USD, chiếm 94%. Xuất siêu 8,01 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 10,2 tỷ). Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 44,0 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 54,9 tỷ USD. CPI bình quân tăng 4,03% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,78%. Chỉ số giá vàng tháng 5/2024 tăng 21,47% so với tháng 12/2023; tăng 32,18% so với cùng kỳ năm trước; Giá vàng SJC trong 2 tuần đầu tháng 6/2024 đã rút ngắn rõ rệt khoảng cách với giá thị trường thế giới, từ 19-10 tr. Đ còn 3-4 tr.đ. Chỉ số giá đô la Mỹ tăng 4,21% so với tháng 12/2023; tăng 7,85% so với cùng kỳ năm trước; Khách quốc tế đến nước ta đạt gần 7,6 triệu lượt người, tăng 64,9% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019 – năm chưa xảy ra dịch Covid-19. Thị trường xăng dầu ổn định, giá cả phù hợp xu hướng thế giới. Hoạt động dịch vụ vận tải được cải thiện, nhất là vận tải đường sắt có nhiều đổi mới. Thị trường bất động sản phục hồi chậm, tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng chưa đạt yêu cầu. Phát triển kết cấu hạ tầng KTXH được đẩy mạnh, nhất là các công trình hạ tầng giao thông, năng lượng quan trọng, trọng điểm quốc gia; Công tác quy hoạch tiếp tục được chú trọng triển khai; có 110/111 quy hoạch (trừ Hà Nội) đã hoàn thành viêc lập, thẩm định, phê duyệt; hầu hết quy hoạch ngành, lĩnh vực, tỉnh được phê duyệt, công bố và tổ chức thực hiện, đã phê duyệt toàn bộ 6 quy hoạch vùng KTXH và trình Quốc hội phê duyệt Quy hoạch không gian biển quốc gia. Đã chuẩn bị hồ sơ, điều kiện để xem xét chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém, bảo đảm an toàn hệ thống trong năm 2024. Triển vọng tăng trưởng kinh tế tích cực và Việt Nam đang thu hẹp khoảng cách với các nước khu vực Theo Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào tháng 4 năm 2024, Việt Nam là đại diện Đông Nam Á duy nhất lọt vào top 10 với dự báo tăng trưởng 6,4% từ năm 2024 đến 2029 và sẽ trải qua một giai đoạn tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, đặt đất nước vào hàng ngũ các nền kinh tế mới nổi có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy phát triển kinh tế trong khu vực và trên thế giới. Theo Báo cáo Cập nhật kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương, tiêu đề "Nền tảng Vững chắc cho Tăng trưởng" của WB công bố sáng 1/4/2024, Việt Nam được giữ nguyên dự báo mà WB đã công bố đầu năm là sẽ tăng trưởng 5,5% GDP trong năm 2024 và tiếp tục nằm trong nhóm đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng kinh tế. Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn, nằm trong số các quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao với tiềm năng tăng trưởng khoảng 8%. Theo Ngân hàng Standard Chartered, Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 6,7% GDP trong năm 2024. Dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng khi sức mạnh của đồng USD giảm. Ngày 10/6/2024, trong báo cáo có tựa đề “Vấn đề ASEAN: Những người tiên phong mới," Maybank Research Pte Ltd dự báo rằng tăng trưởng GDP của sáu quốc gia thành viên ASEAN - bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, ước đạt 4,5- 4,7% vào năm 2024 và 2025, từ mức 4,0% của năm 2023. Sự phục hồi tăng trưởng GDP sẽ được thúc đẩy bởi sản xuất và xuất khẩu, đặc biệt là mặt hàng điện tử. Maybank cũng lưu ý rằng ASEAN đã nổi lên như một trong những điểm đến ưa thích, khi các công ty đa quốc gia đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất. FDI đã tăng mạnh trong quý I/2024 tại Malaysia, Việt Nam, Thái Lan và Indonesia, cho thấy sự gia tăng cam kết FDI gần đây đang trở thành hiện thực. Báo cáo e-Conomy SEA 2023 dự báo tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam đạt 20%/năm trong giai đoạn 2023-2025. Năm 2006, các chuyên gia IMF đã thử làm một phép tính đơn thuần về mặt toán học, trong giả định các nước ASEAN ngừng phát triển thì Việt Nam có thể mất 18 năm để đuổi kịp Indonesia, 34 năm với Thái Lan và 197 năm với Singapore... về GDP/đầu người.Còn nếu dựa trên giả thiết rằng tất cả các nước giữ được tỷ lệ phát triển trung bình như trong 10 năm qua, thì thời gian để Việt Nam đuổi kịp các nước có phần lâu hơn. Năm 2023, theo IMF, GDP bình quân đầu người của: Việt Nam 4.320 USD; Philippines (3.870 USD); Indonesia 4.940 USD; Thái Lan 7.340 USD; Malaysia 12.570 USD; Singapore 84.730 USD. Tăng trưởng GDP trung bình giai đoạn 2014-2023: Việt Nam 6%; Indonesia 4,21%; Thái Lan 1,8%; Malaysia 4,08%; Singapore 3,05%. Nếu tính toán theo mức GDP bình quân đầu người năm 2023 và đặt giả thiết, các nước ASEAN ngừng tăng trưởng, Việt Nam sẽ mất khoảng 3 năm để đuổi kịp Indonesia, 10 năm với Thái Lan, 19 năm với Malaysia và 52 năm với Singapore. Còn nếu dựa trên giả thiết rằng, các nước trên giữ được tốc độ tăng trưởng trung bình như trong 10 năm qua, thì Việt Nam có thể mất 10 năm để đuổi kịp Indonesia, 14 năm với Thái Lan, 62 năm với Malaysia và 114 năm với Singapore. Các chuyên gia IMF cũng giải thích rằng, khoảng thời gian trên là kết quả của những tính toán đơn thuần về mặt cơ học. Nó có thể không phản ánh đúng sự chênh lệch thực sự giữa kinh tế Việt Nam và các nước trong khu vực. Theo báo cáo công bố trong quý I/2024 với tựa đề "Promoting Innovative Entrepreneurship in Viet Nam" của WB, Việt Nam được đánh giá là ngôi sao kinh tế toàn cầu, với tốc độ tăng GDP bình quân đầu người hàng năm là 5,3% trong 30 năm qua (năm 1990 – 2021), nhanh hơn bất cứ nền kinh tế nào trong khu vực, ngoại trừ Trung Quốc. Thành tích này có được nhờ Việt Nam có 3 yếu tố là tích lũy vốn nhanh, nguồn cung lao động dồi dào và tăng trưởng năng suất cao. Năng suất lao động của người Việt cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong giai đoạn 2010 - 2020, đạt 64%, cao hơn so với nhiều nước trong khu vực, chủ yếu nhờ sự cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và dòng vốn FDI lớn. Tuy nhiên, mức năng suất lao động tuyệt đối vẫn còn thấp so với nhiều nước trong khu vực, nhất là các nước phát triển. Theo số liệu của Tổ chức Năng suất châu Á (APO), năm 2020, giá trị sản xuất mỗi giờ lao động của người Việt Nam chỉ đạt 6,4 USD, so với 14,8 USD ở Thái Lan và 68,5 USD ở Singapore. Tỷ lệ việc làm cần trình độ cao chỉ chiếm khoảng 7% tổng lực lượng lao động của Việt Nam; Nhóm các doanh nghiệp FDI chỉ chiếm khoảng 3,3% tổng số lượng các doanh nghiệp tại Việt Nam, nhưng lại chiếm đến 30% tổng số lượng việc làm và doanh thu, năng suất lao động cao gấp 5 lần so với doanh nghiệp nội địa. Năng suất lao động (NSLĐ) quốc gia là thước đo hoạt động kinh tế của một quốc gia, so sánh lượng giá trị gia tăng được tạo ra tính trên một đầu vào lao động và được tính bằng GDP chia cho số lao động có việc làm trong năm. Theo số liệu của WB thì NSLĐ của Việt Nam năm 2022 tính bằng USD 2017 theo ngang giá sức mua PPP là 2.400 USD, chỉ bằng 11,4% so với Singapore, 35,4% so với Malaysia, 79% so với Indonesia… Theo Ban Kinh tế TW, trong cơ cấu nền kinh tế Việt Nam, số lượng lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp chỉ chiếm 29,2% lao động có việc làm trong năm 2022 và tạo ra khoảng 60% GDP (khu vực doanh nghiệp tư nhân tạo ra khoảng 10%, khu vực doanh nghiệp FDI tạo ra khoảng 20,14% và khu vực doanh nghiệp nhà nước tạo ra khoảng 29% GDP). Các doanh nghiệp tư nhân tạo ra khoảng 59% việc làm trong khu vực doanh nghiệp, nhưng chỉ đóng góp giá trị gia tăng bằng 1/6 của toàn bộ khu vực doanh nghiệp, nên NSLĐ trong khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam chỉ bằng 3,6% khu vực DNNN và 28,5% khu vực doanh nghiệp FDI (tính toán dựa trên số liệu GDP năm 2021 và tỉ lệ đóng góp vào GDP của các khu vực kinh tế năm 2021 không thay đổi đáng kể so với năm 2020). Trong giai đoạn 2018-2022 mặc dù bị ảnh hưởng bởi COVID-19, nhưng năng suất lao động của Việt Nam vẫn tăng bình quân 7,06%/năm. Những ngành có NSLĐ cao vượt trội so với mức trung bình của cả nước lại có tỷ trọng lao động rất thấp trong tổng lao động, các ngành này, chỉ chiếm 10,28% tổng số lao động có việc làm. Việt Nam liên tục cải thiện vị trí xếp hạng quốc tế Vị thế quốc tế của Việt Nam đã và đang tiếp tục được củng cố trên cơ sở những thành quả được ghi nhận đậm nét từ năm 2023 và mới nửa đầu năm 2024: Xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam trong Báo cáo môi trường kinh doanh toàn cầu tháng 5/2023 của Economist Intelligence Unit tăng 12 bậc. Theo JETRO, trong hai năm 2024-2025 hơn 60% công ty Nhật Bản tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng kinh doanh Việt Nam do coi Việt Nam là điểm phát triển kinh doanh hấp dẫn nhất trong ASEAN. Việt Nam tăng 4 bậc trong danh sách quốc gia an toàn nhất thế giới (xếp thứ 41) theo Báo cáo Chỉ số Hòa bình Toàn cầu (GPI) 2023 của Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP). Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín thế giới tiếp tục duy trì tín nhiệm quốc gia của Việt Nam: Tháng 5/2023, Moody’s giữ xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam ở mức Ba2, triển vọng “Ổn định”. Tháng 6/2023, S&P duy trì xếp hạng tín nhiệm của VN ở mức BB+, triển vọng “Ổn định”.Tháng 12/2023, Fitch Ratings đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, với triển vọng “Ổn định”. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam năm 2023 tăng 2 bậc, xếp thứ 46/132 nền kinh tế, theo Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2023 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO). Việt Nam đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á, duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm 36 nền kinh tế thu nhập trung bình thấp; là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về Đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua. Theo bà Pauline Tamesis, Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc và Trưởng đại diện các tổ chức của Liên hợp quốc tại Việt Nam phát biểu: “ Tầm nhìn của Việt Nam về đổi mới, công nghệ và chuyển đổi số ngày càng được nâng cao và đã cho thấy những tiến bộ vượt trội. Đặc biệt, Việt Nam xếp ở vị trí thứ 46/132 quốc gia, đứng đầu trong số các quốc gia có thu nhập trung bình thấp trong bộ Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2023. Sự tiến bộ này là điều tối quan trọng để Việt Nam đạt được tầm nhìn trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 và Liên Hợp Quốc hỗ trợ hành trình của Việt Nam hướng tới mục tiêu này. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam còn nhiều dư địa để thúc đẩy ĐMST trong doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hiện nay, tại Việt Nam, hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ ngày càng hoàn thiện, từ năm 2022 thuộc nhóm nước có độ tin cậy về sở hữu trí tuệ; từ đó tạo động lực thúc đẩy, hỗ trợ các hoạt động ĐMST, ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Năm 2023 chỉ số phát triển con người của Việt Nam tăng 8 bậc, xếp thứ 107/193. Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 11 bậc, xếp thứ 54/143. Năm 2023 và nửa đầu năm 2024 tiếp tục ghi nhận những hoạt động hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, văn hóa, đào tạo nhân lực, môi trường, biên đổi khí hậu của Việt nam với các nướcd; các cơ hội mới được mở ra cho các lĩnh vực chíp, bán dẫn, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, khoa học công nghệ. Ngày 26/5/2024, tạp chí du lịch Travel+Leisure của Mỹ đã công bố lựa chọn Việt Nam là một trong 8 quốc gia đáng sống có chi phí phải chăng dành cho những người về hưu. Travel+Leisure đã phân tích dữ liệu từ Numbeo (cơ sở dữ liệu chuyên thống kê về chỉ số mức sống tại các thành phố và quốc gia trên thế giới thông qua các cuộc khảo sát) được cập nhật tính đến tháng 5/2024, để so sánh chi phí sinh hoạt và đưa ra danh sách 8 quốc gia đáng sống có chi phí phù hợp dành cho khách hưu trí. Việt Nam có chi phí sinh hoạt thấp hơn khoảng 59,3% so với ở Mỹ và giá thuê nhà thấp hơn khoảng 78,5% tùy thuộc vào địa điểm. TP. Hồ Chí Minh là nơi có cộng đồng người nước ngoài lớn nhất, chi phí sinh hoạt thấp hơn khoảng 69,9% so với New York và chi phí cho nhà ở thấp hơn khoảng 87,4%. Việt Nam cũng nhận được sự đánh giá cao về sức hấp đãn của những bãi biển, phong cảnh, ẩm thực, lịch sử và văn hóa của Việt Nam. Dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao ở Việt Nam có giá rất phải chăng ở cả hệ thống công và tư. Hầu hết người nước ngoài đều có bảo hiểm y tế quốc tế và tận dụng các bệnh viện tư nhân. Bên cạnh đó, du khách có thể xin thị thực dài hạn dành cho người nước ngoài với thủ tục không quá phức tạp. Trước đó, Travel+Leisure cũng đề xuất Nha Trang là một trong 8 điểm đến nghỉ dưỡng biển tuyệt vời để tận hưởng thời gian nghỉ hưu, với khung cảnh tươi đẹp, thời tiết ôn hòa, dễ chịu và thoải mái. Theo Bảng xếp hạng hộ chiếu toàn cầu Henley Passport Index của Henley and Partners dựa trên dữ liệu độc quyền do Cơ quan Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cung cấp, hộ chiếu của Nhật Bản, Singapore, Pháp, Đức, Italy và Tây Ban Nha cùng đạt 194 điểm. Công dân của các nước này có thể đến thăm 194 điểm đến trên toàn cầu mà không cần xin thị thực. Hộ chiếu Việt Nam được xếp hạng thứ 87, với 55 điểm đến được miễn thị thực trong năm 2024. Việt Nam còn rất tiềm năng về sức mua, dân số và vị trí địa chiến lược; là một trong bẩy quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua, bao gồm Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Việt Nam, Philippines, Indonesia và Iran. Việt Nam cũng là một trong ba quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp (gồm Ấn Độ, Cộng hòa Moldova và Việt Nam). Đến nay, Việt Nam đã ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do (CPTPP, EVFTA, RCEP,..,) với trên 60 quốc gia, đối tác lớn trên toàn cầu. Nhờ đó, năm 2023, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa ước đạt 355,5 tỷ USD và tiếp tục xuất siêu. Tổng FDI đăng ký đạt gần 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% (đăng ký mới đạt gần 20,19 tỷ USD, tăng 62,2%) so với năm 2022. FDI thực hiện ước đạt khoảng 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022 và cao nhất 5 năm qua; thu hút 12,6 triệu lượt khách quốc tế, gấp 3,4 lần năm 2022. Sự bứt phá về giá trị thương hiệu quốc gia và doanh nghiệp Việt Nam Xếp hạng giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam có mức tăng trưởng nhanh nhất thế giới tính từ năm 2019 đến nay (74%), và năm nay tăng 01 bậc, lên xếp thứ 32 trên 100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới, đạt 431 tỷ USD trong bảng xếp hạng của hãng Brand Finance, công ty định giá thương hiệu và tư vấn chiến lược hàng đầu thế giới có trụ sở tại Anh. Cũng theo Bảng xếp hạng giá trị thương hiệu toàn cầu do Brand Finance đã công bố cuối quý I/2024, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) có Chỉ số sức mạnh thương hiệu (Brand Strength Index – BSI) của Viettel đạt 89,4/100, xếp hạng AAA – mức cao nhất trong các năm và tăng 4,2 điểm so với năm 2023; Viettel trở thành thương hiệu viễn thông mạnh thứ 2 thế giới, trị giá xấp xỉ 9 tỷ USD, vượt qua nhiều nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn như Swisscom (Thụy Sĩ), Jio (Ấn Độ), STC (Saudi Arabia)… và chỉ đứng sau Etisalat – tập đoàn viễn thông hùng mạnh của UAE được thành lập từ năm 1976, đã hoạt động tại 16 quốc gia thuộc Trung Đông, châu Á và châu Phi. Chỉ số BSI được xác định dựa trên kết quả khảo sát, phân tích và đánh giá các thuộc tính, bao gồm: Cảm nghĩ của khách hàng về thương hiệu (nhận thức, yêu mến…); Hành vi của khách hàng với thương hiệu (sử dụng các sản phẩm dịch vụ, sẵn sàng giới thiệu đến người khác, sẵn sàng trả giá cao….). Theo Giám đốc điều hành Brand Finance châu Á – Thái Bình Dương, sự gia tăng vượt bậc về chỉ số BSI của Viettel là do những cam kết mạnh mẽ của Viettel trong việc chuyển đổi số và phát triển bền vững, giúp gia tăng giá trị cảm nhận của khách hàng về sự đổi mới sáng tạo, các chỉ số môi trường và cộng đồng tại thị trường Việt Nam. Hiện nay, Viettel cung cấp dịch vụ trên 6 lĩnh vực: Hạ tầng số; Giải pháp số; Tài chính số; Nội dung số; An ninh mạng và Sản xuất công nghệ cao. Các giải pháp, dịch vụ số của Viettel giữ thị phần số 1 trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, chính quyền tỉnh. Ngoài ra, từ nhiều năm nay, EVN Việt Nam vẫn duy trì vị trí thứ 27 trên thế giới về Chỉ số tiếp cận điện năng. Những thách thức nổi bật với kinh tế Việt Nam trong năm 2024 Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV sáng 20/5, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chỉ ra 6 vấn đề kinh tế được coi là nổi bật năm 2024 ở Việt Nam: GDP quý I/2024 chưa đủ để cao; Các cực tăng trưởng chưa thực sự phát huy được vai trò liên kết và thúc đẩy các vùng. Tổng cầu trong nước yếu, lạm phát có dấu hiệu tăng; cầu tiêu dùng tăng 5,3% thấp hơn kỳ vọng, cầu đầu tư tư nhân tăng thấp 4,2%; giá vé máy bay tăng cao; nhập siêu dịch vụ chưa được cải thiện... Cộng đồng doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, số doanh nghiệp trung bình hàng tháng rút lui khỏi thị trường xấp sỉ (ít hơn 300) số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường. Thị trường tài chính, tiền tệ còn tiềm ẩn rủi ro, thách thức, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng gia tăng. Tăng trưởng tín dụng thấp trong bối cảnh mặt bằng lãi suất đã giảm cho thấy khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn hạn chế. Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 và phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, các dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài còn chậm. Nhiều dự án cao tốc, đường giao thông trọng điểm và giải ngân vốn đầu tư công còn chậm tiến độ. Thị trường bất động sản có tín hiệu phục hồi, nhưng còn khó khăn nhất là về quy trình, thủ tục phát triển các dự án nhà ở xã hội; doanh nghiệp bất động sản tiếp tục đối mặt khó khăn về thanh khoản, dòng tiền. Giá nhà chung cư, kể cả nhà ở xã hội tại một số địa bàn tăng cao đột biến do nguồn cung khan hiếm, cơ cấu sản phẩm trên thị trường mất cân đối. Giá đất nền có dấu hiệu tăng trở lại ở các thành phố lớn, thậm chí tăng giá cao cục bộ do đầu cơ gây ảnh hưởng đến nhu cầu về nhà ở của người dân, người lao động. Cải cách thủ tục hành chính còn nhiều tồn tại gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.Tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm chưa được xử lý dứt điểm, kỷ luật, kỷ cương có lúc, có nơi còn chưa nghiêm; tình trạng cán bộ, công chức, viên chức thôi việc vẫn diễn ra... Bên cạnh đó, cùng với thế giới, Việt Nam đang đứng trước sự gia tăng sức ép phát triển bền vững. Năm 2024 sẵn sàng là năm bản lề trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường của thế giới. Các doanh nghiệp, các chính phủ và các cá nhân ngày càng tăng cường hành động theo các xu hướng nổi bật: - Gia tăng các khoản đầu tư, quy mô tài chính và tín dụng xanh; - Tăng cường ứng dụng AI tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên và cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng, bảo tồn đa dạng sinh học, phân tích dữ liệu lớn cho khoa học môi trường, đơn giản hóa các mô hình quản lý dữ liệu về ESG cho các doanh nghiệp; - Đẩy nhanh việc công bố bắt buộc và được chuẩn hóa các thông tin về môi trường, đặc biệt là liên quan đến Chỉ thị về báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp (CSRD) tại Liên minh châu Âu và của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch tại Mỹ (SEC); - Tăng cường đánh giá lượng phát thải phạm vi 3 và quản lý rủi ro khí hậu... Các xu hướng này đưa đến không chỉ là sự thay đổi về hoạt động của doanh nghiệp, mà lớn hơn là hành động tập thể hướng tới một thế giới bền vững hơn để đảm bảo tương lai của họ và góp phần tích cực vào chương trình nghị sự bền vững của toàn cầu. Những giải pháp cần có cho nửa cuối năm 2024 Theo tinh thần Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 21/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian còn lại của năm, các Bộ, cơ quan, địa phương cần thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau đây: Thứ nhất, chủ động theo dõi và phản ứng chính sách sát diễn biến tình hình quốc tế, khu vực và trong nước, nhất là trong chính sách về tiền tệ, tài khóa, thương mại, đầu tư, đảm bảo ổn định thị trường giá cả hàng hóa, nhất là xăng, dầu, các hàng hóa thiết yếu, nhà ở và lương thực, thực phẩm; ưu tiên tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; Đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành để hỗ trợ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân. Thứ hai, đẩy mạnh xúc tiến, thu hút các dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao, nhất là trong phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn, Hydrogen... Thứ ba, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, quyết liệt triển khai chuyển đổi số, quy định về hóa đơn điện tử, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thu, chi ngân sách nhà nước; bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, mở rộng cơ sở thu và chống thất thu thuế, nhất là đối với các dịch vụ kinh doanh ăn uống, nhà hàng, thương mại điện tử, kinh doanh trên các nền tảng xuyên biên giới…; triệt để và cương quyết cắt giảm các khoản chi thường xuyên, các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp bách. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt và thu hút mọi nguồn lực xã hội, hiệu quả và có sức lan tỏa cao; tăng cường thu hút đầu tư toàn xã hội, đầu tư theo phương thức đối tác công tư, thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc; tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, giảm tiền thuê đất, mặt nước; tuyệt đối không để thiếu điện, thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống. Thứ tư, phát triển lành mạnh, an toàn, hiệu quả các thị trường tài chính, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong năm 2024; điều hành linh hoạt, hài hòa, hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ; tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tăng trưởng tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn của nền kinh tế hiệu quả, khả thi, kịp thời; thúc đẩy giải ngân gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay đối với chủ đầu tư, người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội; bảo đảm thị trường vàng cạnh tranh lành mạnh, hoạt động ổn định, công khai, minh bạch, hiệu quả; khắc phục ngay, hiệu quả tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng miếng trong nước và quốc tế; xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực, buôn lậu, thổi giá vàng; điều tiết kịp thời, hiệu quả, đáp ứng các nhu cầu ngoại tệ của doanh nghiệp, người dân. Thứ năm, phát triển thị trường trong nước, mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là đối với các thị trường lớn, tiềm năng, phát huy hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận thương mại đã ký kết; đẩy mạnh đàm phán, ký kết các FTA mới. Thông tin kịp thời cho doanh nghiệp về việc điều chỉnh các chính sách, quy định của các nước về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản chủ lực như gạo, cà phê,... Thứ sáu, chủ động triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp cụ thể phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, đẩy mạnh các giải pháp về chống khai thác IUU; Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII bảo đảm vững chắc cung ứng đủ điện cho quốc gia và các vùng, miền theo dự báo nhu cầu hàng năm. Khẩn trương xây dựng, trình, ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các Luật, Nghị quyết đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, nhất là Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở… bảo đảm chất lượng, tiến độ. Thứ bẩy, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội; quan tâm hỗ trợ kịp thời người có công, đối tượng chính sách; tổ chức triển khai quyết liệt, hiệu quả Phong trào thi đua "Xóa nhà tạm, nhà dột nát", hoàn thành mục tiêu đề ra trên cả nước trong năm 2025; phát triển thị trường lao động; chú trọng đào tạo ngành nghề mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Thứ tám, thực hiện tốt công tác dự báo, chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu, xử lý hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ; bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội quan trọng của đất nước, hoạt động của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; tăng cường công tác phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm hình sự, ma túy; đẩy nhanh tiến độ công tác điều tra các vụ án do Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo. Thứ chín, làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, nhất là truyền thông chính sách, góp phần tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin, tạo khí thế, truyền cảm hứng cho người dân, doanh nghiệp; kiên quyết đấu tranh, phản bác các quan điểm, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động; thông tin phản hồi kịp thời những vấn đề dư luận quan tâm; triệt phá, gỡ bỏ, ngăn chặn các thông tin xấu, độc, sai sự thật; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm. Tăng cường thông tin đối ngoại, vận động sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của đất nước.../. TS.Nguyễn Minh Phong

Tin tức liên quan