Cổng thông tin điện tử

Ngành da giày túi xách việt nam

  • DÂY KHÓA KÉO: CHI TIẾT GIÚP PHÂN BIỆT TÚI XÁCH THẬT – GIẢ, SANG – DỔM
  • 17/05/2021

Muốn biết túi xách của bạn chất lượng hay rẻ mạt, xa xỉ hay là món hàng nhái, phải cần xem xét chi tiết phụ tùng và dây khóa kéo

Dây khóa kéo: Chi tiết giúp phân biệt túi xách thật – giả, sang – dổm. Ảnh: Raccagni

Ảnh: Dây khóa kéo Raccagni

Sự sang trọng của một chiếc túi xách không chỉ đến từ chất liệu hay kiểu dáng. Nó còn toát lên từ những phụ tùng thương hiệu sử dụng cho chiếc túi. Loại phụ tùng cao cấp phải sáng bóng, màu sắc đều tăm tắp, không dễ trầy xước. Hôm nay, Harper’s Bazaar sẽ cùng thảo luận về một loại phụ tùng giúp bạn phân biệt giữa túi xách cao cấp và hàng dổm: Dây khóa kéo (zipper).

Đôi nét về lịch sử dây khóa kéo

Phụ tùng này ra đời vào nửa cuối thế kỷ 1800. Có nhiều kỹ sư suy nghĩ về cách thay thế nút cài bất tiện trên trang phục. Nhưng người đầu tiên nhận tấm bằng sáng chế của một sản phẩm mang hình hài dây khóa kéo là Elias Howe (cũng là người sáng chế nên chiếc máy may). Năm 1851, ông tạo nên một “hệ thống khóa quần áo liên tiếp”. Tuy nhiên, sản phẩm này chẳng đi đến đâu, vì nó chỉ là một phụ phẩm giúp Elias Howe quảng cáo chiếc máy may của mình.

Trái: Poster quảng cáo chiếc máy may của Elias Howe. Ảnh: Bettmann Archive / Getty Images. Phải: Sơ đồ miêu tả dây khóa kéo trong bằng sáng chế cấp cho Gideon Sundback. Ảnh: Wikimedia Commons

Trái: Poster quảng cáo chiếc máy may của Elias Howe. Ảnh: Bettmann Archive / Getty Images. Phải: Sơ đồ miêu tả dây khóa kéo trong bằng sáng chế cấp cho Gideon Sundback. Ảnh: Wikimedia Commons

Bốn năm sau, kỹ sư Whitcomb Judson cho ra mắt một sản phẩm gần giống của Elias Howe. Ông giới thiệu nó tại Hội chợ Thế giới 1893, nhưng không gặp mấy thành công về mặt thương mại.

Phải đến năm 1913 thì dây khóa kéo hiện đại mới được Gideon Sundback thiết kế nên. Dựa trên ý tưởng của Whitcomb Judson, Gideon Sundback cải tiến thành một sản phẩm dễ kéo, dễ gài.

Công ty B.F. Goodrich Company đã sử dụng thành phẩm của Gideon Sundback để may vào một đôi bốt. Chính công ty này đã đặt tên cho phụ tùng này là “zipper” để nghe cho kêu. Cái tên zipper đi vào lịch sử thời trang từ đó.

Thuở đầu thế kỷ 20, dây khóa kéo được dùng chủ yếu cho giày dép và túi xách. Mãi 20 năm sau, nó mới được đón nhận rộng rãi trong ngành thời trang, khi được sử dụng để thay thế nút quần trên quần jeans nam. Xuất hiện trên tạp chí Esquire, ngay lập tức dây khóa kéo gây sốt. Từ đó, nó trở thành một phụ tùng căn bản nhất trong may mặc.

Chi tiết nhận diện đẳng cấp sản phẩm

Từ sau 1991, Louis Vuitton luôn đầu tư hết mức cho phụ tùng. Hãng luôn đóng dấu logo lên từng chiếc khóa kéo trên sản phẩm của mình. Ảnh: Louis Vuitton

Ngày nay, chúng ta chẳng để ý gì mấy đến thứ phụ tùng nhỏ nhoi này. Nhưng dây khóa kéo là một trong những tiểu tiết nói lên đẳng cấp của trang phục.

Bạn có để ý, ở những chiếc đầm dạ hội cao cấp, dây khóa kéo rất dễ kéo, không dễ bị tuột mắt xích hay bị mắc kẹt? Ở những chiếc túi hàng hiệu, dây khóa kéo trơn láng, khi kéo không tạo nên âm thanh rột roạt khó nghe? Chiếc móc khóa cầm nặng tay. Về lâu dài không dễ bị xi, phai màu, trầy xước.

Những yếu tố này bạn có thể không để ý đến. Nhưng nó giúp sản phẩm tạo ấn tượng trong tiềm thức của bạn. Ấn tượng về thế nào là sự cao cấp.

Đặc biệt, trong ngành chế tác túi xách cao cấp, nhìn vào dây khóa kéo đủ biết chiếc túi này là món đồ hàng hiệu thật hay chỉ là thứ hàng nhái dổm. Trích dẫn nhà giám định túi xách tại công ty kinh doanh hàng hiệu second hand The Real Real:

“Dây khóa kéo trên túi hàng hiệu thật tạo cảm giác chắc chắn. Khi kéo có cảm giác êm mượt. Các thương hiệu cũng sẽ chi trả thêm tiền để khắc logo của nhà mốt lên phần đầu móc khóa của dây khóa kéo. Tuy nhiên, thương hiệu luôn đặt hàng từ các nhà sản xuất khóa kéo cao cấp. Nên đôi khi, dây khóa sẽ có logo của nhà sản xuất”.

Những nhà sản xuất dây khóa kéo hạng sang

Dây khóa kéo: Chi tiết giúp phân biệt túi xách thật – giả, sang – dổm: Ảnh: Raccagni

Ảnh: Raccagni

Nói như vậy để thấy, trong ngành xa xỉ phẩm, đến cả một phụ tùng bé xíu cũng là một sản phẩm có thương hiệu! Đây là một mẹo giúp bạn kiểm tra chất lượng của chiếc túi xách hay trang phục muốn mua. Nhất là bây giờ, khi trào lưu mua hàng xách tay, hàng second-hand qua mạng ngày càng thịnh, hiểu thêm về những cách thức nhận diện hàng nhái, hàng dổm, kém chất lượng, là một cách bảo vệ bản thân thông minh.

Vậy, đâu là những dây khóa kéo uy tín được tin dùng trong ngành xa xỉ phẩm? Có bốn cái tên nổi trội: YKK, Riri, Lampo, và Raccagni.

YKK

Loại dây khóa kéo YKK có răng cưa ẩn, màu nuy tiệp với sắc da

Loại dây khóa kéo YKK có răng cưa ẩn, màu nuy tiệp với sắc da

YKK, viết tắt cho Yoshida Kogyo Kabushikikaisha, ra đời từ năm 1934 ở Nhật Bản. Công ty này sản xuất các mẫu nút bấm, nút quần jeans, và nhiều mẫu khóa kéo đa dạng nhất. Giá thành cũng dao động mạnh tùy vào chất lượng sản phẩm mà công ty cung cấp.

Thế mạnh của YKK là sự đa dạng về chất liệu, kiểu dáng, và màu sắc sản phẩm. Hãng có dòng Excella bằng kim loại được đánh bóng sáng loáng, có thể mạ màu sắc đặc biệt; dòng Conceal bằng nhựa, răng cưa được ẩn đi; hay dòng Vislon làm từ resin tổng hợp đặc biệt cứng cáp và phù hợp cho thời trang thể thao.

Do đa dạng về mặt hàng, dây khóa kéo của YKK có thể được tìm thấy cùng hàng loạt thương hiệu từ bình dân đến cao cấp. Xa xỉ thì có áo khoác Rick Owens hay giày bốt của Saint Laurent. Tầm trung thì Brook Brothers và quần jeans Levi’s. Bình dân thì có Uniqlo.

RiRi

Ảnh: RiRi

Thương hiệu này có biệt danh là “Rolls Royce của thị trường dây khóa kéo”. Đúng với biệt danh này, RiRi là loại dây khóa thượng hạng, chỉ cần nhìn thấy hay cầm vào tay là đủ biết đẳng cấp sản phẩm. Là một công ty liên doanh giữa Ý và Thụy Sỹ, sản phẩm của RiRi đến bây giờ vẫn được sản xuất tại hai quốc gia này.

RiRi nổi tiếng với các sản phẩm công nghệ cao. Năm 1950, hãng là đơn vị đầu tiên sản xuất loại dây khóa kéo được gắn sẵn với dải nylon, giúp các nhà sản xuất thời trang dễ may dây khóa kéo vào trang phục và phụ kiện. Năm 2004, hãng thắng giải công nghệ Thụy Sỹ khi sáng chế nên mẫu dây khóa kéo Storm chống nước, chống thấm. RiRi có hàng loạt các mẫu dây khóa kéo siêu nhẹ, siêu bền, đủ màu, có thể tích hợp với bất cứ phong cách nào.

Vì vậy, RiRi là lựa chọn yêu thích của các thương hiệu thời trang đề cao tính sáng tạo, đậm chất avant-garde, như Maison Martin Margiela và Fear of God. Đồng thời cũng là lựa chọn của các nhà mốt xa xỉ như Louis Vuitton và Gucci. Tuy nhiên, RiRi đồng ý sản xuất nhiều mẫu dây khóa kéo độc quyền cho các thương hiệu xa xỉ, nên logo RiRi sẽ không xuất hiện trên sản phẩm của các hãng này.

Lampo

Khóa Lampo trên chiếc túi City Bag của Balenciaga

Đây là một thương hiệu thuộc công ty The Lanfranchi Company đến từ nước Ý. Thương hiệu Lampo có tuổi đời lâu nhất trong số các hãng sản xuất phụ tùng cao cấp. Ra mắt năm 1887 ở Ý như một đơn vị sản xuất nút áo, khi đổi qua kinh doanh dây khóa kéo năm 1943 thì công ty mới trở nên thành công vượt bậc. Sản phẩm làm nên tên tuổi của Lampo là loại dây khóa kéo có thể đóng mở từ hai đầu.

Đúng với chỉ tiêu của Ý, công ty đến ngày nay vẫn sản xuất tất cả sản phẩm tại quốc gia châu Âu này. Điểm đặc biệt của Lampo là vô cùng chú tâm đến hướng phát triển bền vững. Vì vậy, Lampo được ưa chuộng bởi Stella McCartney và Chanel, hai thương hiệu để tâm đến việc bảo vệ môi trường. Lampo còn xuất hiện trên sản phẩm của Alexander McQueen, Balmain, Prada và Moncler.

Raccagni

Ảnh: Raccagni

Đây là thương hiệu non trẻ nhất trong bộ tứ các nhà sản xuất dây khóa kéo cao cấp. Raccagni khai sinh năm 1983 ở Bergamo, miền Bắc Ý.

Tương tự với RiRi, Raccagni cũng tập trung vào dòng sản phẩm công nghệ cao. Ví dụ loại dây khóa kéo Simmetrica được thiết kế riêng cho phụ kiện da thuộc. Super “R”, loại có răng cưa được đánh bóng bằng tay trước khi gửi đến khách hàng. Gần đây, hãng còn ra mắt các loại dây khóa kéo được nối bằng chất liệu nylon hoặc cotton tái chế.

Vì chất lượng của mình, Raccagni là đối tác độc quyền của Tom Ford. Từ năm 2008, tất cả sản phẩm của Tom Ford đều dùng dây khóa kéo Raccagni. Nhà sản xuất này cũng là đơn vị cung cấp phụ tùng cho Christian Dior, Lanvin, MCM, Brunello Cucinelli, và Alexander Wang.

 

Harper’s Bazaar Việt Nam

Tin tức liên quan