Mô hình bắt tay trong làng thời trang quan trọng về cả yếu tố sáng tạo lẫn kinh doanh, nhưng chưa được áp dụng nhiều ở Việt Nam
NTK Công Trí và Hà Hồ trong quá trình sáng tạo ra bộ sưu tập son M.O.I
Năm 2020 và 2021 chứng kiến nhiều cú bắt tay (collab) ngoạn mục trong làng thời trang. Các thương hiệu xa xỉ và bình dân kết hợp để cho ra mắt những bộ sưu tập “đá chéo sân”.
Nổi bật nhất có lẽ là đôi giày Air Jordan 1 High OG do Dior và Nike hợp tác, khi nhận đến 5 triệu lượt đăng ký mua dù chỉ sản xuất vỏn vẹn có 13.000 đôi. Valentino x Onitsuka Tiger, Adidas x Prada, Gucci x The North Face… là một vài những màn hợp tác đáng nhớ khác.
Tại Việt Nam, nhà thiết kế Công Trí và Biti’s cũng tiên phong cho ra mắt đôi giày thể thao Limitless gam màu thuần trắng. Đây là lần đầu tiên, hai cái tên có sức ảnh hưởng trong làng mốt Việt cộng tác cho một dự án thời trang. Tháng 03/2021, Công Trí cũng hợp tác với Hồ Ngọc Hà cho một bộ sưu tập phiên bản giới hạn cho mỹ phẩm M.O.I của nữ ca sỹ.
Điều này khiến chúng ta suy ngẫm: Vì sao thế giới có vô vàn màn hợp tác, trong khi tại Việt Nam còn quá ít ỏi? Và do đâu những màn bắt tay này khai sinh trong làng thời trang?
Đôi giày Công Trí hợp tác cùng Biti’s. Ảnh: Biti’s.
Trong tiếng Anh có câu ngạn ngữ, “Hai cái đầu thì luôn tốt hơn chỉ một” (two heads are better than one). Ám chỉ rằng sự hợp tác giữa nhiều người sẽ mang lại kết quả tốt hơn cách làm việc đơn lẻ.
Trong thời trang, những màn bắt tay giúp mở rộng khả năng sáng tạo. Mời một đối tác có cái nhìn khác với bản thân giúp mang lại nhiều kết quả ngẫu hứng, bất ngờ cho thương hiệu.
Đôi giày thể thao Air Jordan 1 High OG, gọi vắn tắt là Air Dior, kết hợp nhiều ý tưởng sáng tạo mới lạ như đế trong suốt để lộ chữ DIOR, hay logo Nike được trang trí bằng họa tiết monogram Dior Oblique.
Mỗi thương hiệu thường có một đối tượng khách hàng riêng biệt. Khi bắt tay với nhau, họ đang tiếp cận nhóm khách hàng của nhau, từ đó giúp mở rộng thị trường khách hàng tiềm năng.
Hãy lấy ví dụ của bộ sưu tập LV², màn bắt tay giữa Louis Vuitton và Nigo trong năm 2020.
Nigo là người sáng lập thương hiệu thời trang đường phố A Bathing Ape, viết tắt là BAPE. Trong giới sưu tầm streetwear, sản phẩm của anh được đánh giá cao, luôn cháy hàng khi vừa được tung ra. Khi bắt tay với Nigo, Louis Vuitton đang tiếp cận một thị trường những người cuồng nhiệt streetwear. Bù lại, Nigo sẽ được công chúng biết đến rộng rãi hơn khi hợp tác cùng Louis Vuitton. Có thể thấy màn bắt tay thời trang này mang lại lợi ích cho cả đôi bên.
Sơn Tùng và Ngô Diệc Phàm mặc thiết kế denim thuộc bộ sưu tập Louis Vuitton x Nigo, LV²
Những màn bắt tay trong thời trang không chỉ bị hạn chế giữa thương hiệu và thương hiệu. Các thương hiệu có thể tìm đến những nghệ sỹ, nhạc sỹ, họa sỹ… để tạo nên những bộ sưu tập muôn hình vạn trạng. G-Dragon và Nike là một điển hình.
Vậy những màn bắt tay trong thời trang đến từ đâu? Ai là người đã khai sinh khái niệm này? Lịch sử những màn hợp tác của giới thời trang cho thấy mô hình này có tuổi đời khá ngắn, và vẫn đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ.
Thương hiệu Elsa Schiaparelli không quá nổi tiếng ngày nay, nhưng vào đầu thế kỷ 20, bà là một trong những nhà thiết kế haute couture có sức ảnh hưởng nhất trong làng thời trang. Tương truyền, Elsa Schiaparelli là người đã phát minh ra bộ jumpsuit đầu tiên.
Elsa Schiaparelli cũng là người đã kết nối hai thế giới mỹ thuật và thời trang. Bà luôn nói nghệ thuật chính là nguồn cảm hứng bất tận của mình. Trong số đó có các tác phẩm trường phái Siêu thực, từ một số những nghệ sỹ như Jean Cocteau, Christian Bérard, và Salvador Dalí.
Từ trái sang: Đầm con tôm hùm, đầm có họa tiết bị xé, và chiếc mũ giày
Khi biết được điều này, danh họa Salvador Dalí đã cộng tác cùng Elsa Schiaparelli. Theo Artspace ghi nhận, màn bắt tay giữa hai người đã tạo ra chiếc đầm organza vẽ họa tiết tôm hùm (1937) và chiếc váy bị xé (1938). Đáng nhớ hơn là chiếc mũ hình chiếc giày úp ngược ra mắt mùa Thu Đông 1937 của bà.
Các thiết kế này đánh dấu sự một cột mốc quan trọng trong lịch sử ngành thời trang. Nó tạo nên tiền đề cho những cú bắt tay khác giữa thời trang và nghệ thuật về sau.
Vào đến thập niên 1960, thời trang và nghệ thuật tìm cách tiếp cận đám đông, bỏ qua truyền thống kiêu ngạo chỉ dành cho tầng lớp thượng lưu.
Dẫn đầu làn sóng này là Yves Saint Laurent và Piet Mondrian. Yves Saint Laurent đã đưa những đường kẻ đa sắc phong cách tối giản của Piet Mondrian lên trang phục của mình. Khi ra mắt bộ sưu tập Thu Đông 1966, chiếc đầm Mondrian đã khiến giới mộ điệu thán phục.
Ba chiếc đầm cocktail chữ A họa tiết Mondrian. Ảnh: Eric Koch (1966), tô màu bởi Retrograph
Màn hợp tác giữa Yves Saint Laurent và Piet Mondrian cho thấy sự bắt tay giữa nghệ thuật và thời trang có thể mang lại những giá trị kinh doanh tốt. Nó khác biệt với các thiết kế Elsa Schiaparelli kết hợp cùng Salvador Dalí, dù nghệ thuật nhưng lại khó mặc.
Vì đã thay đổi tính chất của cách nghệ thuật bắt tay với thời trang, chiếc đầm Mondrian của Yves Saint Laurent được vinh danh là một trong những trang phục có sức ảnh hưởng nhất thế kỷ.
Việc các nhà thiết kế bắt tay cùng họa sỹ dễ chấp thuận vì họ thuộc hai lĩnh vực hoạt động nghệ thuật khác nhau.
Nhưng, năm 1996, Louis Vuitton phá vỡ truyền thống này. Năm 1996 kỷ niệm 100 năm tuổi họa tiết monogram của nhà mốt Pháp. Louis Vuitton đã tìm đến những nhà thiết kế khác, mời họ thiết kế sản phẩm gì đó hay hay, là lạ sử dụng họa tiết kinh điển của mình.
Điều đáng để ý là: Tất cả những người Louis Vuitton mời cộng tác đều có thương hiệu thời trang riêng! Nhà mốt Pháp không hề sợ tuyên truyền cho đối thủ cạnh tranh. Mà hãng xem như đó là một cách hay để nâng tầm sức sáng tạo trong thời trang.
Bảy người tham gia dự án này là: Helmut Lang, Isaac Mizrahi, Romeo Gigli, Vivienne Westwood, Azzedine Alaia, Sybilla và Manolo Blahnik. Mỗi người sẽ thiết kế một sản phẩm tùy thích với họa tiết monogram của Louis Vuitton.
Quảng cáo cho chiếc hộp đựng đĩa vinyl mà Helmut Lang thiết kế cho Louis Vuitton. Ảnh: Collater.al
Kết quả là những sản phẩm đầy chất ngẫu hứng. Ví dụ, Helmut Lang thiết kế nên hộp đựng đĩa nhạc LP. Sybilla làm balo có gắn dù che mưa bên trên. Manolo Blahnik lại thiết kế nên hộp đựng giày (như một cách gợi nhắc hài hước về hộp đựng mũ nón thời xưa). Isaac Mizrahi lại làm nên một chiếc túi tote bằng nhựa trong suốt. Chất liệu này chưa từng xuất hiện trong lịch sử Louis Vuitton – và cũng khiến hãng phải nghiên cứu để tạo ra loại chất liệu nhựa không bị biến màu, ngả vàng dưới ánh nắng mặt trời.
Các sản phẩm trong bộ sưu tập kỷ niệm 100 năm sinh nhật họa tiết monogram Louis Vuitton trên chuyên san thời trang WWD. Ảnh: WWD
Có thể thấy, những sản phẩm này bây giờ đã khá bình thường đối với các nhà mốt xa xỉ (tôi đang nghía chiếc túi da thuộc đựng bình nước của Chanel khi viết câu này). Nhưng thời bấy giờ, chúng vô cùng bứt phá. Màn bắt tay này đã giúp đề ra nhiều ý tưởng sáng tạo mới cho giới thời trang.
Người đã có công gầy dựng mô hình những bộ sưu tập phiên bản giới hạn được ưa chuộng ngày nay hẳn là Marc Jacobs, khi ông còn là Giám đốc sáng tạo của Louis Vuitton (1997 – 2014).
Sức hút của limited edition là gì? Sản phẩm được sản xuất với số lượng cực kỳ giới hạn. Một khi bán hết, nhà mốt sẽ không sản xuất thêm. Nhờ số lượng có hạn mà các thiết kế được bày bán ở mức giá cao hơn dòng sản phẩm bình thường.
Bộ sưu tập Louis Vuitton x Stephen Sprouse năm 2001. Ảnh: Getty Images/Heritage Auction
Bốn năm sau khi trở thành giám đốc sáng tạo của Louis Vuitton, Marc Jacobs đã mời bạn thân, nghệ sỹ đương đại Stephen Sprouse, để tái thiết kế logo Louis Vuitton. Kết quả là những chiếc túi được phủ dòng chữ Louis Vuitton viết theo phong cách graffiti rất ngầu và quậy.
Các mẫu túi Louis Vuitton x Stephen Sprouse mau chóng bán sạch. Chúng cũng khai mở một thị trường second hand cho hàng xa xỉ, khi được bán lại với mức giá không giảm, hoặc thậm chí cao hơn, so với giá xuất xưởng của sản phẩm.
Trong truyền thống, có một sự cạnh tranh lớn giữa thời trang cao cấp (high fashion) và thời trang nhanh (fast fashion). Giới thiết kế thời trang cực kỳ ghét những thương hiệu như Zara, H&M, Forever21 vì họ chuyên môn đạo nhái thiết kế từ sàn diễn thời trang cao cấp.
Tuy nhiên, năm 2004, Karl Lagerfeld trở thành nhà thiết kế đầu tiên công khai bắt tay với thương hiệu thời trang nhanh H&M. Bộ sưu tập giá tương đối bình dân, nhưng mang phong cách cao cấp đúng chất Karl Lagerfeld.
Karl Lagerfeld xuất hiện trên quảng cáo của H&M. Ảnh: H&M
Trước khi bộ sưu tập mở bán ngày 12/11/2004, các tín đồ thời trang đã cắm trại qua đêm tại cửa hàng H&M vòng quanh thế giới (thời bấy giờ chưa có khái niệm bán hàng qua mạng như ngày nay). Ngay khi mở cửa, họ ùa vào cửa hàng, dọn sạch sẽ các sản phẩm chỉ trong…30 phút.
Kết quả của màn bắt tay này đã tạo ra một trào lưu kết hợp giữa thời trang cao cấp và bình dân trong nhiều thập kỷ kế tiếp. H&M tiếp tục tìm đến những nhà mốt lớn như Versace, Balmain, Giambattista Valli, Kenzo… để tái thực hiện mô hình này. Chuỗi bán lẻ bình dân Target thì hợp tác thành công cùng Missoni, Tory Burch, Thakoon, Rodarte, Jason Wu, Carolina Herrera…
Màn bắt tay giữa hai thương hiệu – một xa xỉ, một streetwear – khiến cả thế giới thời trang bị sốc. Nhất là vì Louis Vuitton từng muốn kiện Supreme ra toà năm 2001.
Lúc ấy, Supreme, một cửa hàng streetwear nhỏ bé, quyết định dán hoa văn monogram của Louis Vuitton khắp ván trượt, vì họa tiết monogram ấy được xem là cool đối với giới trẻ. Louis Vuitton đáp trả bằng một lá thư dọa sẽ kiện Supreme ra toà vì dám sử dụng trái phép quyền thương hiệu của mình.
Những chiếc ván trượt Supreme “đạo nhái” họa tiết monogram của Louis Vuitton từ năm 2001. Ảnh: Supreme
17 năm sau, Supreme đã trở thành “ông lớn”, dẫn đầu thị trường streetwear đang bùng nổ. Nhận ra cơ hội để tiếp cận giới trẻ đang là fan của streetwear, Louis Vuitton đã mời Supreme bắt tay. Lá thư dọa nạt mà Louis Vuitton gửi cho Supreme cũng được in ra và dùng trang trí sàn runway năm 2017!
Màn bắt tay giữa Louis Vuitton và Supreme đánh dấu việc làng thời trang cao cấp chấp nhận thời trang đường phố là một xu hướng giúp trẻ hóa thương hiệu.
Rương Louis Vuitton x Supreme trong bộ sưu tập ra mắt năm 2017