Cổng thông tin điện tử

Ngành da giày túi xách việt nam

  • Doanh nghiệp Mỹ hướng đến Việt Nam
  • 23/10/2020
 

Việt Nam được đánh giá cao trong chuỗi cung ứng ngành may mặc, giày dép, điện tử với các doanh nghiệp Mỹ

   

Ngày 21-10, Ngày hội các nhà cung cấp của AmCham (Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam) diễn ra tại TP HCM với quy mô khá khiêm tốn so với mọi năm, chỉ khoảng 100 doanh nghiệp (DN) là thành viên của AmCham và hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến chuỗi cung ứng (gồm 70 DN tham gia trực tiếp và 30 DN tham gia trực tuyến), không có các nhà cung cấp.

An toàn trong đại dịch

Tại sự kiện, các diễn giả nhìn nhận Việt Nam vẫn đang phát triển năng động trong và sau dịch Covid-19 nên là điểm đến hấp dẫn của nhiều công ty. Chính phủ Việt Nam đang tập trung thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào những lĩnh vực công nghệ cao, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững để kết nối, giúp DN có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Doanh nghiệp Mỹ hướng đến Việt Nam - Ảnh 1.

Đại diện các doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động tại Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm phát triển nhà cung cấp nội địa tại Ngày hội các nhà cung cấp

Bà Lan Phuong Nguyen, đại diện Công ty Luật Baker & McKenize, thông tin dù cả thế giới đang gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 nhưng mức quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam hiện rất lớn. Trong năm nay, Baker & McKenize hỗ trợ một số khách hàng thiết lập hệ thống phân phối, cơ sở sản xuất... cũng như một số dự án về bất động sản, logistics, khu công nghiệp, kho bãi ở Hà Nội, TP HCM và những địa phương khác.

Cho rằng việc tổ chức sự kiện vào thời điểm này là "điều kỳ diệu" của Việt Nam - trong lúc các nước khác còn tất bật chống dịch Covid-19, ông Robert Greenan, Phó Tổng lãnh sự Mỹ tại TP HCM, cho rằng Việt Nam được đánh giá cao trong chuỗi cung ứng ngành may mặc, giày dép, điện tử với các DN Mỹ. Đặc biệt thành tựu chống dịch là một trong những yếu tố thu hút nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình lúc này. Trong bối cảnh hiện nay, sau những rủi ro từ đại dịch Covid-19, DN Mỹ nhận ra việc đa dạng chuỗi cung ứng là rất cần thiết, nếu chỉ dựa vào một nguồn cung ứng thì không an toàn. Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc này và đang thu hút đa dạng các nhà đầu tư để mở rộng chuỗi cung ứng.

Ông Jonathan Moreno, thành viên ban lãnh đạo AmCham Vietnam, cũng cho biết AmCham muốn thúc đẩy mối quan hệ giữa các DN nhỏ và vừa Việt Nam và các công ty đa quốc gia trong chuỗi cung ứng, đồng thời kết nối DN nhỏ và vừa vào chuỗi cung ứng sản xuất, hỗ trợ nâng cao hàm lượng nội địa tại Việt Nam và giá trị gia tăng cho nền kinh tế. "Việt Nam trở thành lựa chọn tốt nhất cho các DN. Các công ty Mỹ có cơ sở sản xuất khắp nơi và bây giờ họ đang đổ dồn về Việt Nam. Trong lúc thế giới vẫn đang thực hiện giãn cách, hạn chế đi lại, Việt Nam cần chuẩn bị kỹ để đón dòng vốn trong lĩnh vực này" - ông Jonathan Moreno gợi ý.

 

Ông Ian Spaulding, CEO công ty hoạt động trong lĩnh vực chuỗi cung ứng Elevate, nhận định Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia điểm đến chiến lược của các nhà đầu tư Mỹ, châu Âu. "Chúng tôi đại diện cho những DN lớn trong lĩnh vực linh kiện điện tử, hằng năm thăm cả ngàn DN sản xuất điện tử tại Việt Nam để khảo sát các vấn đề về thực hiện trách nhiệm xã hội của họ và nhận thấy các DN đã có nhiều cải thiện so với trước đây. Đó là những điểm cộng thu hút các nhà đầu tư đến Việt Nam nhiều hơn nữa" - ông Ian Spaulding lý giải.

Hỗ trợ doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi cung ứng

Trả lời câu hỏi làm sao tạo kết nối tốt hơn giữa DN FDI với DN Việt trong thời gian tới, cách nào để các DN nhỏ và vừa Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi cung ứng, các nhà sản xuất lớn của Mỹ như Intel, First Solar, Teramo BCT, Datalogic... có cùng đáp án là nhà cung cấp Việt phải đáp ứng được cam kết chất lượng lâu dài và tiến độ giao hàng, giá cạnh tranh...

Các nhà sản xuất đầu cuối Mỹ rất muốn đa dạng nguồn cung, đặc biệt là phát triển nhà cung cấp nội địa nhằm giảm thiểu rủi ro phụ thuộc một nguồn nên rất tích cực tìm kiếm, hỗ trợ các nhà cung cấp tiềm năng cải thiện năng lực sản xuất, kỹ thuật, công nghệ... để trở thành nhà cung cấp chính thức. Do vậy, tỉ lệ nội địa hóa tại nhiều DN trong những năm gần đây gia tăng đáng kể. Như First Solar, từ 30% nhà cung ứng nội địa năm 2017 đã tăng lên mức 63% trong năm nay. Intel đến hết năm 2019 đã phát triển được 150 nhà cung ứng địa phương trong tổng số 459 nhà cung ứng trên khắp thế giới. "Cơ hội rất lớn cho các nhà cung cấp vì Intel đang chuẩn bị mở nhà máy thứ 2 tại Việt Nam. Ngoài ra, chính sách của Intel là khi nhà cung cấp đạt yêu cầu có thể bán hàng cho Intel toàn cầu. Tuy nhiên, đa số nhà cung cấp tại Việt Nam chỉ muốn bán hàng cho Intel Việt Nam và không có lợi thế cạnh tranh về chi phí khi tham gia cung cấp cho những nhà máy Intel tại các quốc gia khác" - ông Vu Nguyen, đại diện Intel Việt Nam, thông tin.

Ông Kyle Kelhofer, đại diện International Finance Corporation - một quỹ chuyên về hỗ trợ phát triển thương mại tư nhân và kết nối DN tư nhân Việt Nam vào chuỗi cung ứng, cho biết quỹ này đang có những chương trình cụ thể để hỗ trợ các công ty tư nhân Việt Nam. 

 Theo : nld.com.vn

Tin tức liên quan