Cổng thông tin điện tử

Ngành da giày túi xách việt nam

  • Hàng Việt còn nhiều dư địa xuất khẩu sang Đức
  • 21/10/2020
 9 tháng 2020, Đức là một trong những thị trường trong khối EU duy trì nhập khẩu hàng hóa Việt Nam với mức tăng trưởng dương, đạt 5 tỷ USD, trong khi nhiều thị trường trong khối sụt giảm mạnh


Xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Đức vẫn duy trì tăng trưởng dương dù bị ảnh hưởng của đại dịch covid-19.
Xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Đức vẫn duy trì tăng trưởng dương dù bị ảnh hưởng của đại dịch covid-19.


















9 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu hàng hóa của nước ta sang EU chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh, chỉ đạt 29 tỷ USD giảm 2,6% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn trong khối đều chung mức giảm, như Italia đạt 2,3 tỷ USD, giảm 11,5%, Pháp 2,506 tỷ USD, giảm 12,9%, Áo đạt 2,304 tỷ USD, giảm 6,2%.

Nhưng, thị trường Đức vẫn duy trì nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam với kim ngach trên 5 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ. 

Hội nghị Xúc tiến thương mại và hợp tác giữa các DN Việt Nam với CHLB Đức do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) chủ trì, phối hợp với Vụ Thị trường Châu Âu – Châu Mỹ, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức diễn ra trong 2 ngày 15 và 16/10 đã đưa ra nhiều thông tin cho các DN trong nước chớp thời cơ xuất khẩu tận dụng EVFTA.

Hơn 30 doanh nghiệp Việt Nam đã giới thiệu tới các đối tác Đức nhiều sản phẩm có chất lượng gồm: đồ uống (trà, cà phê, sữa, rượu, nước ép trái cây), nông sản - thực phẩm (trái cây, gạo, mì, miến, thủy sản, gia vị...), hàng gia dụng, đồ thủ công mỹ nghệ...

Ông Graf Ludwig, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Đức cam kết sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Đức, tư vấn cho doanh nghiệp về văn hóa, cách thức làm ăn để thành công tại thị trường trường lớn và tiềm năng này.

Ông Bùi Vương Anh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại CHLB Đức đánh giá, các doanh nghiệp hai nước đang đứng trước những cơ hội rất to lớn của Hiệp định EVFTA và EVIPA. Các hiệp định này đã trở thành nội hàm quan trọng đưa quan hệ hợp tác đối tác chiến lược giữa hai nước đi vào chiều sâu và thực chất. 

Đặc biệt, các doanh nghiệp Việt Nam có thể xem cộng đồng gần 200.000 người Việt tại Đức là một kênh để kết nối sản phẩm, hàng hóa của mình vào thị trường tiềm năng này.

Ông Võ Văn Long, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Đức cho rằng, Việt Nam có nguồn lương thực, thực phẩm phong phú, tiềm năng, trong khi người tiêu dùng Đức có nhu cầu về những mặt hàng này. Tuy nhiên, để hàng Việt Nam đứng vững tại thị trường Đức, trước hết sản phẩm phải tốt, đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, để phát triển thị phần tại thị trường tiềm năng này, doanh nghiệp Việt Nam cần tìm các kênh để đưa sản phẩm vào chuỗi các siêu thị, nhà hàng, khách sạn…

Theo ông Phạm Trường Giang, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Frankfurt (Đức), trong bối cảnh dịch Covid-19 gây khó khăn cho các hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống, hai bên cũng cần tìm ra cách hợp lý để có những triển lãm trưng bày, giới thiệu hàng hóa của doanh nghiệp hai nước.

"Cần xây dựng hệ thống các kho bãi ở Đức để tập kết hàng hóa của Việt Nam, làm cơ sở cho hàng Việt Nam thâm nhập thị trường Đức và sang các nước châu Âu khác", ông Giang lưu ý.

Năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Đức đạt 10,25 tỷ USD, giảm 4,05% so với năm 2018. Trong đó, Đức xuất khẩu 6,56 tỷ USD giá trị hàng hóa vào Việt Nam, giảm 4,6% so với năm 2018 và nhập khẩu 3,7 tỷ USD giá trị hàng
hóa từ Việt Nam, giảm 3%.

Các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu sang Đức giảm đáng kể bao gồm: điện thoại di động, hàng điện tử (đạt 1,66 tỷ USD, giảm 15% so với năm 2018); mặt hàng cà phê, chè giảm mạnh. Xuất khẩu tăng ở các mặt hàng giày dép (đạt 1 tỷ USD, tăng 6,6% so với năm 2018), túi xách, vali, mũ, ô, dù (đạt 194 triệu USD, tăng 14,2% so với năm 2018); đồ gỗ (đạt 118 triệu USD, tăng 9% so với năm 2018)...

 Theo : baodautu.vn

Tin tức liên quan