Việt Nam hiện là một trong bốn nước sản xuất giầy, dép, cặp, túi hàng đầu thế giới. Hiện sản phẩm giày dép của Việt Nam đã có mặt trên 50 nước ở khắp các châu lục.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành da giày năm 2019 đạt gần 22 tỷ USD, tăng 12,2% so với năm 2018. Trong đó, xuất khẩu giày dép đạt 16 tỷ USD tăng 18,32%; túi cặp, vali các loại đạt 3,7 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo đại diện Viện Nghiên cứu Da Giày (Bộ Công Thương) trái ngược với doanh thu tăng trưởng khá thì lợi nhuận của ngành da giày Việt Nam vẫn ở mức thấp do còn phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu cũng như công nghệ nhập khẩu.
Với tốc độ phát triển nhanh chóng của ngành da giày, doanh nghiệp sản xuất da thuộc Việt Nam đang đứng trước thách thức vừa đảm bảo nhu cầu nguyên liệu đầu vào cho doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm có sử dụng da thuộc, vừa phải tìm hướng khắc phục, giải quyết các bài toán về nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm.
Các doanh nghiệp sản xuất da thuộc hiện đang đối mặt với các vấn đề liên quan đến nguyên vật liệu, môi trường, công nghệ sản xuất và nguồn nhân lực. Tuy nhiên, hiện nay nguyên vật liệu sản xuất trong nước chỉ đáp ứng khoảng 40-50% nhu cầu và đa phần là chất lượng chưa đáp ứng được khách hàng.
Vì vậy, phát triển công nghiệp hỗ trợ sản xuất nguyên vật liệu và nguyên vật liệu chất lượng cao là yêu cầu cấp thiết của ngành da giày, giúp doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.
Sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ này không chỉ góp phần làm giảm nhập siêu, giảm sự phụ thuộc vào bên ngoài trong sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh, mà còn tăng tính nội địa hóa sản phẩm.
Đại diện Phòng Nghiên cứu khoa học và công nghệ - Viện Nghiên cứu Da giày (Bộ Công Thương), cho biết da nốt sần là loại da trên bề mặt có các hoa văn nốt sần, các vẩy như da đà điểu, cá sấu, kỳ đà, trăn, rắn..., trong đó da được sử dụng nhiều nhất là da đà điểu, da cá sấu.
Sản phẩm này được xem là loại da quý, cá tính và thời trang, bởi trên mỗi tấm da sự sắp xếp những vẩy và những chân lông rất lạ mắt đều và đẹp tạo nên vẻ đẹp tự nhiên.
Vì thế, những người tinh tế, yêu vẻ đẹp tự nhiên, sang trọng, độc đáo, thường dùng các sản phẩm làm từ loại da này.
Bên cạnh vân da đẹp, da cá sấu, đà điểu còn có độ thoáng khí cao, không tĩnh điện, cách nhiệt tốt, bề mặt da đà điểu mềm mại, hoa văn đa diện và không trùng lặp làm cho các sản phẩm thời trang từ da cá sấu, đà điểu có màu sắc tươi tắn, tạo cảm giác tiện dụng cho người dùng.
Nguyên liệu cao cấp này gây sự chú ý mạnh trên thị trường thời trang và trở thành sản phẩm cao cấp cho đến hiện nay.
Viện Nghiên cứu Da Giày thực hiện Đề án nghiên cứu phát triển công nghệ thuộc da nốt sần tiên tiến, thân thiện với môi trường. (Ảnh: Vietnam+)Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật và công nghệ cùng với sự thay đổi trong trong nhu cầu sử dụng cũng như thị hiếu của người tiêu dùng, hiện nay có nhiều nước đã được nghiên cứu, phát triển và sản xuất các loại da thuộc nốt sần khác nhau; nhất là tại các nước có trình độ cao về lĩnh vực sản xuất và chế biến da thuộc (Italy, Đức, Hà Lan, Pháp, Trung Quốc…)
Cũng theo đại diện Viện Da giày, công nghệ thuộc da đà điểu, cá sấu rất quan trọng, quyết định đến chất lượng da thuộc thành phẩm, có thể nâng giá trị da thuộc cao lên gấp 10 -20 lần.
Từ da cá sấu, đà điểu với chất lượng tốt có thể tạo được rất nhiều mặt hàng tiêu dùng có giá trị cao, mỗi mặt hàng lại đòi hỏi tính chất cơ lý hoá và cảm quan khác nhau.
Nắm bắt được nhu cầu đó, năm 2019 - 2020 Viện Nghiên cứu Da Giày thực hiện Đề án: “Nghiên cứu phát triển công nghệ thuộc da nốt sần tiên tiến, thân thiện với môi trường và sản xuất thử nghiệm tạo ra sản phẩm phù hợp nhu cầu thời trang cao cấp,” nhằm nghiên cứu, phát triển công nghệ thuộc da nốt sần (da đà điểu, cá sấu) bằng việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu các mặt hàng thời trang cao cấp và gia tăng giá trị cho các sản phẩm.
Trong thời gian thực hiện đề án, Viện đã tổ chức nhiều hoạt động khoa học và công nghệ, hợp tác với các chuyên gia thuộc da trong và ngoài nước. Đặc biệt hợp tác quốc tế về công nghệ và thiết bị thuộc da. Các chuyên gia nghiên cứu của các tổ chức và doanh nghiệp đều là những thành viên có trình độ cao trong lĩnh vực chuyên ngành thuộc da.
"Nhờ đó, nhóm thực hiện đề án đã học hỏi thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm, trao đổi để bổ sung kiến thức nhằm rút ngắn được thời gian nghiên cứu mà vẫn đạt được kết quả cao,” đại diện Viện nghiên cứu Da Giày thông tin.
Từ da cá sấu, đà điểu với chất lượng tốt có thể tạo được rất nhiều mặt hàng tiêu dùng có giá trị cao. (Ảnh: Vietnam+)Cụ thể, Nhóm nghiên cứu đã tổ chức triển khai đề án hết sức bài bản và khoa học cùng với việc khảo sát đánh giá những hạn chế của công nghệ, thiết bị cũ đã có từ đó đưa ra những đối tượng cần giải quyết; phương pháp triển khai mới; ứng dụng công nghệ mới vào thực nghiệm và sản xuất.
Bên cạnh đó nhóm nghiên cứu còn sử dụng những hóa chất mới nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, thân thiện với môi trường, như: Quy trình thuộc kết hợp nhiều tác nhân trong nhiều công đoạn nhằm tăng cường hiệu quả công đoạn tẩy mỡ (tẩy vôi, axit hóa, trung hòa,..), đã tẩy mỡ triệt để cho da đà điểu.
Quy trình kết hợp Crom-syntan và Granofin Easy F-90 sẽ giảm thiểu phát thải crom - tác nhân có khả năng gây độc hại tới môi trường. Sử dụng (Synektan WLF new; Synektan SPP) cho thuộc lại làm da mộc sáng màu hơn, có độ bền sáng cao hơn tạo điều kiện để nhuộm các màu sáng cho da thành phẩm. Dùng chất trợ nhuộm mặt (FC Fixing New) nhăm tăng cường độ sắc màu cho da nhuộm.
Công nghệ trau chuốt hoàn thiện theo hướng thân thiện với môi trường cho da thuộc không sử dụng các dung môi hữu cơ dễ bay hơi và và an toàn cho người sử dụng.
Kết thúc quá trình thực nghiệm và sản xuất nhóm nghiên cứu đã hoàn thiện công nghệ thuộc da đà điểu và công nghệ thuộc da cá sấu thân thiện môi trường. Công nghệ tạo ra trong đề án dễ sử dụng, an toàn cho người lao động, giảm thời gian tạo ra sản phẩm và chất lượng sản phẩm tốt đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Kết quả nghiên cứu là công nghệ thuộc da đà điểu, cá sấu với những thành công nhất định góp phần phát triển công nghệ thuộc da tại Việt Nam, đồng thời phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành da - giày, giúp doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm./.
Theo : vietnamplus.vn