Nhiều doanh nghiệp Việt đã đầu tư công nghệ để xây dựng và phát triển thương hiệu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp da giày trong nước ngay từ quý đầu năm.
Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam (lefaso), xuất khẩu và nhiều đơn hàng sụt giảm, cùng với đó nguồn cung nguyên phụ liệu bị gián đoạn.
Để hiểu rõ hơn, bà Phan Thị Thanh Xuân đã có một số trao đổi với phóng viên về tác động của dịch bệnh đối với ngành cũng như những giải pháp để ổn định sản xuất và vượt qua giai đoạn khó khăn.
Khó chồng khó
- Tình hình dịch bệnh đã tác động đến nhiều ngành kinh tế, mà ngành da giày cũng không ngoại lệ. Vậy kết quả sản xuất, kinh doanh của ngành trong quý đầu năm đã bị ảnh hưởng cụ thể như thế nào, thưa bà?
Bà Phan Thị Thanh Xuân: Có thể thấy kim ngạch xuất khẩu quý 1/2020 sụt giảm mạnh so với năm 2019. Riêng tháng 1 giảm đến 30%; tháng 2 chỉ đạt chưa đầy 1 tỷ USD, giảm rất mạnh so với con số 3,1 tỷ USD của cùng kỳ năm 2019.
Qua thống kê của Bộ Công Thương, xuất khẩu giày, dép các loại quý 1 giảm 1,9% (cùng kỳ tăng 14%), trong khi túi xách, vali, mũ, ô dù giảm 5,5% (cùng kỳ tăng 10,2%).
Khi các thị trường xuất khẩu vẫn đóng lại do kiểm soát dịch bệnh, kéo theo nhu cầu tiêu dùng sụt giảm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh của ngành da giày.
Điều đáng lo ngại nhất là các quý cuối năm, một khi các thị trường xuất khẩu vẫn đóng lại do các nước phải kiểm soát dịch bệnh và hạn chế việc đi lại của khách du lịch cũng như dân chúng, dẫn đến nhiều cửa hàng tiếp tục đóng cửa đã khiến nhu cầu tiêu dùng sụt giảm, ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp da giày.
Theo tôi có ba vấn đề lớn xảy ra, đầu tiên là nguồn cung nguyên liệu mặc dù đã cung ứng trở lại và đã đáp ứng được cho việc sản xuất, nhưng lại không đa dạng. Bởi vậy, mà các đơn hàng sắp tới cũng không đủ chủng loại để đáp ứng cho việc sản xuất của các doanh nghiệp.
Tiếp đến, các doanh nghiệp dù đã sản xuất được đơn hàng nhưng lại không thể xuất khẩu vì phía khách hàng lượng hàng bán ra giảm. Do vậy, những đơn hàng đã sản xuất xong cũng không được giao nhận vì khả năng khách hàng sẽ hủy đơn hàng là cao. Cuối cùng, việc khách hàng không tiếp tục đặt hàng do tình hình dịch bệnh dẫn đến việc mua bán bị ảnh hưởng.
Chính ba thách thức này đã ảnh hưởng cực kỳ lớn tới các doanh nghiệp của ngành da giày Việt Nam.
- Bà có thể chia sẻ rõ hơn về những khó khăn mà ngành da giày đang phải đối mặt cũng như những kịch bản ứng phó mà các doanh nghiệp đã chuẩn bị?
Bà Phan Thị Thanh Xuân: Các quý 1, quý 2 hiện nay, doanh nghiệp vẫn đang cố gắng đáp ứng để kịp giao cho khách hàng, nhưng cũng thấy rất rõ rằng các thị trường đang đóng lại.
Chính vì thế, các doanh nghiệp đang rất lo ngại về việc giao hàng của quý 2, đó là với tình hình còn diễn biến phức tạp và kéo dài, khả năng khách hàng từ chối đơn hàng là rất cao.
Bởi lẽ khách hàng không thể mở các cửa hàng tại các thị trường mà họ đã có những chuỗi cung ứng. Do vậy, doanh nghiệp Việt đang đứng trước nguy cơ rủi ro cao.
Còn đối với quý 3 và quý 4, hiện nay các khách hàng vẫn đang nhìn diễn biến của tình hình dịch bệnh. Nếu như dịch bệnh giảm và kiểm soát tốt thì việc mở cửa hàng trở lại sẽ có hứa hẹn tốt, đồng nghĩa các doanh nghiệp của chúng ta còn có cơ hội tiếp tục nhận được đơn hàng.
Ngược lại, nếu như tình trạng dịch bệnh kéo dài thì đơn hàng sẽ giảm, tối thiểu là 30% và nhiều doanh nghiệp có thể không có đơn hàng nữa. Điều này ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới doanh nghiệp sản xuất da giày.
Cụ thể nhất là vấn đề việc làm cho người lao động sẽ không được đảm bảo. Theo đó, từ tháng 4, tháng 5 nhiều doanh nghiệp phải giãn vụ, giãn việc cho công nhân; thậm chí là cho công nhân nghỉ luân phiên hoặc yêu cầu công nhân nghỉ hết phép để trong kỳ dịch bệnh này vẫn giữ được công nhân, chờ thời điểm khôi phục trở lại.
Tuy nhiên, điều này lại đang rất mông lung, các doanh nghiệp phải chờ đợi xem tình hình dịch bệnh sẽ diễn biến như thế nào. Bởi vì, vấn đề này ảnh hưởng rất nghiêm trọng đối với quá trình sản xuất kinh doanh.
Hiện tại, vấn đề lớn của ngành da giày chính là vấn đề về đơn hàng, cụ thể là tại các thị trường xuất khẩu đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
- Khó khăn của doanh nghiệp da giày ngoài yếu tố thị trường còn có vấn đề phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Chính điều này đã tác động trực tiếp đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thời điểm hiện tại. Vậy bà nhận định thế nào về ý kiến này?
Bà Phan Thị Thanh Xuân: Hiện nay, thị trường Trung Quốc đã khôi phục trở lại, tức là các nhà máy đã quay trở lại làm việc. Tuy nhiên, do vấn đề thiếu công nhân cũng như việc ảnh hưởng của giai đoạn trước cho nên vấn đề nguyên liệu họ cũng chưa đáp ứng được công suất 100% như trước kia.
Tuy nhiên, điều này hiện nay không phải vấn đề lớn, bởi trước đây vấn đề lớn của chúng ta là thiếu nguyên liệu nhưng bây giờ vấn đề lớn của ngành da giày chính là vấn đề về đơn hàng, chính là những thị trường xuất khẩu đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh này.
Chính sách cần phải linh hoạt
- Với đặc thù của ngành da giày, phía Hiệp hội đã có đề xuất gì về chính sách cho ngành?
Bà Phan Thị Thanh Xuân: Da giày và dệt may là ngành công nghiệp thời trang. Nói đến ngành công nghiệp thời trang thì sự thay đổi rất nhanh và rất đa dạng chứ không chỉ tập trung vào một số chủng loại sản phẩm để phục vụ cho ngành.
Đơn cử như đối với ngành da giày, hiện nay để sản xuất nguyên liệu phục vụ cho ngành có hàng trăm loại, chưa kể những phát minh mới trong thời gian tới. Vì vậy, nếu chúng ta ra chính sách chỉ tập trung vào loại đã hiện hữu và đã có từ lâu đời thì chúng ta sẽ không thể kịp nắm bắt sự thay đổi của thời cuộc.
Từ đó cho thấy, trong vấn đề về chính sách, chúng ta cần rất cởi mở và hiểu rõ về thực tế đó thì mới khuyến khích được các doanh nghiệp.
Ví dụ như các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, họ có thể tạo ra những vật liệu mới chưa có chuẩn nào cả, nhưng nó lại là cái nắm bắt thị trường rất tốt. Vậy chúng ta phải có sự đột phá, mạnh dạn. Nếu chúng ta vẫn theo lối mòn trước là phải có nguyên liệu đạt tiêu chuẩn này, tiêu chuẩn kia nhưng rõ ràng điều đó đối với ngành thời trang là rất bó hẹp.
Nếu chúng ta có chính sách tốt, chúng ta sẽ thu hút được những công nghệ để sản xuất và phát triển loại vật liệu đó.
Thời gian tới, các nước phát triển sẽ áp dụng những tiêu chuẩn về khí phát thải trong quá trình sản xuất, vậy khí phát thải đó sẽ liên quan đến những vật liệu nào? Nếu chúng ta có chính sách tốt, chúng ta sẽ thu hút được những công nghệ để sản xuất và phát triển loại vật liệu đó.
Hay chúng ta phát triển đổi mới sáng tạo, các mô hình khởi nghiệp để tạo ra những nguyên liệu mới. Vậy chúng ta nên có những chính sách tập trung chủ yếu vào cái yêu cầu hơn là chúng ta quy định quá ngặt nghèo về các tiêu chuẩn cụ thể. Điều đó sẽ hạn chế, bó hẹp rất nhiều cho sự sáng tạo phát triển trong công nghiệp hỗ trợ ngành da giày.
Tiếp đến, chúng ta cũng cần có những chính sách cởi mở hơn nữa, không phải chỉ dành cho các doanh nghiệp trong ngành mà ngay cả trong hệ thống quản lý nhà nước. Từ địa phương đến trung ương, chúng ta phải có cái nhìn cởi mở hơn thì chính sách của chúng ta mới đi vào cuộc sống, nếu không sẽ rất bó hẹp.
Bên cạnh đó, nếu chúng ta đưa ra những tiêu chuẩn quá cao, quá ngặt nghèo thì các doanh nghiệp nhỏ và vừa của chúng ta sẽ không thể với tới được. Vô hình chung, những chính sách đó lại chỉ phù hợp với các doanh nghiệp có tiềm lực như các doanh nghiệp FDI hoặc các doanh nghiệp lớn.
Trong khi đó, những doanh nghiệp đó không phải là những đối tượng mà chúng ta cần phải nhắm tới. Do đó, vô hình chung, những chính sách này lại không phục vụ được cho những đối tượng mà chúng ta cần phát triển.
Tôi nhấn mạnh điều đó phải được nhìn nhận một cách khách quan và thực tế hơn. Mong muốn của chúng ta là tập trung những khu vực nào để chúng ta phát triển.
- Nhưng về lâu về dài chúng ta phải xây dựng được chuối cung ứng, làm chủ được thương hiệu để phát triển bền vững, vậy quan điểm của bà về vấn đề này thế nào?
Bà Phan Thị Thanh Xuân: Hai phương thức đó, mỗi một phương thức đều có ưu, nhược điểm khác nhau.
Hiện nhiều đơn vị đang làm gia công cho các thương hiệu lớn, toàn cầu. Đây là những thương hiệu đã có được thị phần khách hàng lớn trên thế giới. Để đạt được điều đó thì doanh nghiệp cần có tiềm lực, nguồn lực lớn mới và có sự phân công chuỗi cung ứng rõ ràng, đầy đủ. Cách thức này hiện vẫn đang phát triển. Bên cạnh đó, đối với các đơn vị gia công, thị trường là rất rộng.
Còn phát triển thương hiệu riêng cũng rất tốt. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt có làm được hay không? Chưa kể là thị phần của những thương hiệu mà chúng ta tự phát triển sẽ chiếm được bao nhiêu?
Ví dụ như thương hiệu Nike thị phần lớn như vậy, chúng ta gia công cho Nike cũng là được gia nhập vào chuỗi toàn cầu.
Còn tự phát triển thương hiệu là điều tốt nhưng vấn đề là khả năng của chúng ta rất hạn chế, thị trường của chúng ta chủ yếu là trong nước, chưa vươn được ra toàn cầu. Cho nên, tùy chiến lược kinh doanh của mỗi công ty mà chọn hướng làm gia công hay phát triển thương hiệu.
- Vậy Hiệp hội có lưu ý gì đối với doanh nghiệp để vượt qua thời điểm này cũng như có thể đứng vững trước biến động của thị trường?
Bà Phan Thị Thanh Xuân: Theo tôi, thời điểm hiện nay nguồn nguyên liệu chưa phải quá là bức xúc như 3 tháng trước đây. Các doanh nghiệp vẫn có thể có nguyên liệu để tiếp tục sản xuất đơn hàng, nhưng vấn đề khó khăn lớn nhất là đơn hàng tại các thị trường xuất khẩu.
Tự phát triển thương hiệu là điều tốt nhưng khả năng của chúng ta rất hạn chế, thị trường chủ yếu là trong nước, chưa vươn được ra toàn cầu.
Nếu như không có các đơn hàng đó, chắc chắn công ăn việc làm của người lao động sẽ bị ảnh hưởng. Bởi doanh nghiệp phụ thuộc doanh số từ việc có đơn hàng, nên nếu đơn hàng bị cắt đương nhiên kéo theo lợi nhuận giảm, thậm trí nhà máy còn bị đóng cửa và công nhân phải nghỉ việc.
Vì vậy, sự hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước trong giai đoạn này là rất cần thiết. Cụ thể là những chính sách đối với người lao động, đơn cử như cho doanh nghiệp được chậm hoặc giảm đối với bảo hiểm, chi phí công đoàn... hoặc những chi phí vay ngân hàng, hay chậm nộp thuế cho đến khi các đơn hàng được ổn định trở lại.
Thực tế một số doanh nghiệp đã phải cho công nhân nghỉ bằng cách nghỉ phép, song nghỉ hết phép mà đơn hàng vẫn chậm chễ như thế này thì lại tiếp tục cho nghỉ giãn vụ (làm 1 ngày nghỉ 2 ngày) hoặc nếu như tiếp tục không có đơn hàng nữa thì phải cho nghỉ không lương hoặc phải trả lương cơ bản…, như vậy người lao động rất khó khăn.
Về phía doanh nghiệp, họ đều đang vật lộn để cố gắng giữ công nhân và tìm cách vượt qua, với mong muốn sau này khi các đơn hàng khôi phục trở lại sẽ có đủ lao động để tiếp tục sản xuất.
Theo : vietnamplus.vn