ông Phạm Tuấn Anh– Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính. |
Xin ông cho biết một số nội dung cơ bản của Biểu thuế EVFTA mới
được ban hành?
- Nghị định về Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) giai đoạn 2020-2022 gồm 7 Điều và 3 Phụ lục đính kèm.
Trong đó, Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi EVFTA quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định gồm mã hàng, mô tả hàng hóa, thuế suất cho giai đoạn 2020-2022, áp dụng đối với 526 dòng thuế, các mặt hàng còn lại thuộc Biểu thuế xuất khẩu theo Danh mục nhóm hàng chịu thuế hiện hành được cam kết xoá bỏ thuế xuất khẩu ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.
Về mức thuế xuất khẩu ưu đãi: Thuế suất trung bình năm 2020 là 9,32%; năm 2021 là 9,01%; năm 2022 là 8,71%.
Nghị định cũng quy định điều kiện và thủ tục áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi theo Hiệp định EVFTA tương tự quy định tại Nghị định số 57/2019/NĐ-CP ngày 26/6/2019 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) giai đoạn 2019-2022.
Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định EVFTA quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định gồm mã hàng, mô tả hàng hóa, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt áp dụng đối với 10.857 dòng thuế, trong đó có 10.773 dòng thuế theo cấp độ 8 số và 84 dòng thuế được chi tiết theo cấp độ 10 số.
Về mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt, thuế suất trung bình năm 2020 là 9,26%; năm 2021 là 7,73%; năm 2022 là 6,2%.
Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/9/2020. Tuy nhiên, để đảm bảo hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đáp ứng đủ quy định hưởng ưu đãi thuế EVFTA kể từ ngày Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, Khoản 3 Điều 6 Nghị định có quy định: đối với các tờ khai hải quan của các mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu đăng ký từ ngày 1/8/2020 đến trước ngày 18/9/2020, nếu đáp ứng đủ các quy định để được hưởng thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi, thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam tại Nghị định này và đã nộp thuế theo mức thuế cao hơn thì được cơ quan Hải quan xử lý tiền thuế nộp thừa theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Việc Biểu thuế ưu đãi để thực hiện EVFTA được ban hành sẽ chính thức mở ra cánh cửa cơ hội đối với các DN của Việt Nam. Ông có thể chia sẻ về những tác động cụ thể đối với từng ngành nghề?
- Có thể thấy, FTA này mang lại nhiều cơ hội cho các DN Việt Nam, đặc biệt là đối với các DN xuất khẩu những mặt hàng chủ lực của Việt Nam như thủy sản, dệt may, giày dép, nông sản nhiệt đới,…
Đối với ngành thủy sản, mặt hàng thủy sản là mặt hàng chịu thuế cao của EU. Việc EU xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay hoặc có lộ trình với hầu hết các mặt hàng thủy sản, đặc biệt là mặt hàng tôm sẽ tạo điều kiện cho thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU có sức cạnh tranh hơn so với các nước có lợi thế xuất khẩu thủy sản như Thái Lan, Philippines,…
Đối với ngành da giày, mức thuế suất bình quân gia quyền EU áp dụng đối với giày dép nhập khẩu từ Việt Nam hiện là 12,4%. Theo đó, EU cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với giày dép có đế ngoài bằng cao su, plastic, da thuộc hoặc da tổng hợp và mũ giày bằng da thuộc có xuất xứ Việt Nam sau 3-7 năm kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Các sản phẩm giày dép còn lại sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực.
Đối với ngành dệt may, mức thuế suất bình quân EU đang áp dụng đối với hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam là 12%. Theo cam kết trong Hiệp định EVFTA, EU sẽ xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với hầu hết nguyên vật liệu ngành dệt may, và xóa bỏ thuế nhập khẩu với lộ trình 3-7 năm đối với quần áo thành phẩm các loại.
Các sản phẩm nông sản nhiệt đới là mặt hàng thế mạnh của Việt Nam lại không phải là mặt hàng được bảo hộ lớn của EU. Vì vậy, khi EU xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực theo cam kết EVFTA, Việt Nam sẽ có cơ hội tăng kim ngạch hàng nông nghiệp xuất khẩu chủ lực vào thị trường này.
Bên cạnh đó, một số ngành hàng sẽ chịu sức ép cạnh tranh hơn như: ô tô, dược phẩm, chăn nuôi,... Ngoài ra, các mặt hàng nông thủy sản của Việt Nam dù có lợi thế khi EU giảm thuế nhập khẩu nhưng cũng vẫn phải đáp ứng yêu cầu của EU về an toàn thực phẩm.
Là cơ hội đối với DN nhưng liệu có là thách thức đối với ngành Tài chính hay không khi hàng loạt các nhóm hàng sẽ liên tiếp giảm thuế suất xuống còn 0% dẫn đến nguồn thu từ XNK đối diện với sự sụt giảm, thưa ông?
- Thực tế, thu thuế từ hoạt động XNK giai đoạn trước năm 2015 tăng tương đối nhanh. Có được kết quả này là nhờ kim ngạch XNK tăng mạnh qua các năm và thuế nhập khẩu nói chung, trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) nói riêng đang trong lộ trình giảm dần, chưa xoá bỏ hoàn toàn. Sau năm 2015, tỷ trọng thu NSNN từ thuế nhập khẩu trên tổng thu NSNN có xu hướng giảm do thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ngày càng vào lộ trình cắt giảm sâu.
Mặc dù vậy, quy mô thu NSNN từ thuế tăng nhanh. Tính chung giai đoạn 2001-2010, thu nội địa tăng khoảng 5,1 lần, thu từ dầu thô tăng khoảng 1,3 lần và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng khoảng 2,9 lần. Cơ cấu thu đã thay đổi theo hướng tích cực tăng tỷ trọng từ nguồn thu nội địa, từ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thu nội địa chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng thu NSNN, cụ thể: giai đoạn 2001-2010 bình quân đạt 55,2%, giai đoạn 2016-2018 bình quân đạt 74,8% (trong đó, năm 2018 là 80,6%, dự kiến đến năm 2020 đạt khoảng 84%) và dự kiến sẽ hoàn thành mục tiêu theo Nghị quyết số 07-NQ/TƯ ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị (mục tiêu dự kiến là 84-85%).
Xu hướng giảm thu ngân sách do tác động từ việc thực hiện cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu của Việt Nam trong các FTA là không tránh khỏi nhưng sẽ được bù đắp bằng kết quả của việc thực hiện các biện pháp điều hành chính sách liên quan đến thuế nội địa một cách hợp lý và hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng tốt.
Trong thời gian tới, nhằm hạn chế tác động của việc thực hiện cam kết cắt giảm thuế quan trong các FTA của Việt Nam, cần thực hiện các giải pháp để tái cơ cấu nguồn thu, mở rộng cơ sở thu thuế, tăng thu nội địa theo tinh thần của Nghị quyết số 07-NQ/TƯ ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nguồn tài chính quốc gia an toàn, bền vững và Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020.
Theo : haiquanonline.com.vn