Cổng thông tin điện tử

Ngành da giày túi xách việt nam

  • Ngành sản xuất đồ bảo hộ hút vốn từ Nhật Bản
  • 06/08/2020
 Matsuoka Corp. dự định đầu tư 28 triệu USD vào Việt Nam để sản xuất quần áo bảo hộ trong vài tháng tới.

 Dây chuyển sản xuất khẩu trang tại Nhà máy Euro Link. Ảnh: Đức Thanh
Dây chuyển sản xuất khẩu trang tại Nhà máy Euro Link. Ảnh: Đức Thanh

Vốn FDI sản xuất đồ bảo hộ

Covid-19 đã nhấn chìm hiệu quả kinh doanh của nhiều ngành sản xuất. Tuy nhiên, trong bối cảnh này, một số mảng đã “ghi điểm” trong việc tạo cơ hội kinh doanh, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhờ thích ứng nhanh với thị trường mùa dịch. Trong đó, mảng sản phẩm khẩu trang và trang bị bảo hộ cá nhân nước ta đã ghi được dấu ấn trên bản đồ các quốc gia có năng lực cung ứng tốt và đáng tin cậy.

Matsuoka Corp., một trong số 30 công ty nằm trong danh sách nhận trợ cấp di chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc mà Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) mới công bố đã chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tư quan trọng.

Hãng tin NNA dẫn lời một phát ngôn viên của Matsuoka Corp. cho biết, tập đoàn này dự định đầu tư 3 tỷ yên (khoảng 28 triệu USD) vào Công ty May Matsuoka An Nam - một công ty con của tập đoàn này ở Việt Nam, để sản xuất quần áo bảo hộ và các sản phẩm khác trong một vài tháng tới.

Matsuoka Corp. đã thành lập công ty con ở Việt Nam vào tháng 11/2019 trước khi Covid-19 bùng phát. Đây là một phần trong chiến lược của tập đoàn này nhằm sản xuất các sản phẩm may mặc chủ yếu ở các quốc gia Đông Nam Á như Indonesia, Myanmar và Bangladesh.

Nhà máy của Matsuoka An Nam đặt tại Khu công nghiệp VISIP Nghệ An. Đây là nhà máy thứ 4 của Tập đoàn, sau 3 nhà máy ở các tỉnh Phú Thọ, Bắc Giang và Bình Dương.

Trong tài khóa 2018 (kết thúc vào tháng 3/2019), doanh thu từ các cơ sở sản xuất tại Trung Quốc chiếm khoảng 60% doanh thu ở nước ngoài của Matsuoka, trong khi con số này đối với Bangladesh và Việt Nam lần lượt là 25% và 10%.

Cuối năm ngoái, ông Michihiro Fukagawa, người phát ngôn của Matsuoka cho biết, tập đoàn này hy vọng sớm đưa nhà máy mới vào hoạt động, để giảm tỷ lệ doanh thu ở Trung Quốc xuống còn 50% từ nay tới tháng 3/2021. Đại diện Tập đoàn cũng nhấn mạnh, Việt Nam là cơ sở chủ chốt để sản xuất hàng may mặc thông thường xuất khẩu sang Nhật Bản và Trung Quốc.

Mới đây, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) đã công bố danh sách 15 doanh nghiệpnước này (trong tổng số hơn 100 công ty đăng ký dự án đa dạng hóa chuỗi cung ứng) được nhận trợ cấp để chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á, như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Lào.

Một nửa danh sách này là các công ty đăng ký chuyển sang Việt Nam, gồm doanh nghiệp quy mô lớn, nhỏ và vừa, trong đó, nhiều tên tuổi lớn chọn lĩnh vực đầu tư là sản xuất đồ bảo hộ, sản phẩm phục vụ y tế, như Công ty Able Yamauchi, Công ty TNHH Quốc tế Showe sản xuất áo choàng, găng tay, khẩu trang y tế; Công ty TNHH Techno Global sản xuất tấm chắn mặt y tế; Công ty TNHH Hashimoto Cross sản xuất mũ, khăn ướt, khẩu trang y tế; Công ty TNHH Nikkso sản xuất dây chuyền dịch.

Những chuyến bay chở đồ phòng dịch

Lãnh đạo một doanh nghiệp lớn tại Hà Nội chia sẻ, trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp đã xoay xở để thích ứng. Cụ thể, với ngành dệt may, các mặt hàng phục vụ nhu cầu phòng chống Covid-19, chủ yếu là khẩu trang và quần áo bảo hộ phòng dịch, đã giúp ngành dệt may xác lập và duy trì vị trí dẫn đầu trong sản xuất, dẫn dắt thị trường các mặt hàng này trên bản đồ các nhà cung ứng toàn cầu.

“Rất nhiều chuyến bay thương mại của Vietnam Airlines, Philippines Airlines hay Korea Air bay từ Việt Nam đến các thị trường nước ngoài trong những tháng vừa qua mang theo phân nửa là khẩu trang, tấm chắn giọt bắn và bộ quần áo mặc một lần cho khách hàng Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản”, ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) thông tin.

Theo Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 6/2020, Việt Nam đã xuất khẩu 557 triệu khẩu trang y tế sang các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Chuyển sang xuất khẩu và may khẩu trang kháng khuẩn, khẩu trang y tế và đồ bảo hộ ngay từ khi Covid-19 bắt đầu bùng phát, nhiều doanh nghiệp dệt may Việt đã liên tục nhận được đơn hàng lớn.

Điều này giúp các doanh nghiệp bù đắp các đơn hàng xuất khẩu hàng may mặc bị giảm sút. Chấp nhận chi tiền đầu tư máy móc, thiết bị, thuê luật sư nước ngoài tư vấn để đạt các chứng chỉ mà Mỹ và EU đặt ra, đến nay, sản phẩm khẩu trang y tế và đồ bảo hộ của các doanh nghiệp lớn như May 10, TNG, Giovanni… đã xuất được sang các thị trường này.

Đặc biệt, từ sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho các doanh nghiệp trong nước xuất khẩu khẩu trang, đồ bảo hộ y tế, lượng đơn hàng mà các nhà sản xuất nội địa nhận được đã tăng mạnh.

Theo nhận định của các doanh nghiệp trong ngành, sau những đơn hàng đồ phòng dịch mà Mỹ, Nhật Bản, châu Âu đặt hàng từ Việt Nam trong thời gian qua, các quốc gia này sẽ tiếp tục chọn Việt Nam để mua sản phẩm bảo hộ y tế chống dịch với số lượng lớn. Điều quan trọng là, kể cả khi dịch được khống chế, thì nhu cầu dự trữ quốc gia với nhóm hàng hóa đặc biệt này vẫn lớn, nên sản phẩm này còn nhiều dư địa để khai thác.

Thực tế đó giải thích phần nào về việc các doanh nghiệp nước ngoài chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tư sản xuất hàng phòng dịch, đồ bảo hộ y tế.

  Theo : baodautu.vn

Tin tức liên quan