Đơn hàng sụt giảm, xuất khẩu giày dép 7 tháng 2020 đã rời khỏi TOP các mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD. |
Báo cáo sản xuất công nghiệp và thương mại 7 tháng 2020 của Bộ Công Thương cho biết, cũng giống như ngành dệt may, ngành sản xuất, xuất khẩu giày dép là ngành chịu tác động tiêu cực do tác động của dịch bệnh Covid-19, khiến kim ngạch xuất khẩu giày dép các loại 7 tháng đầu năm ước đạt 9,53 tỷ USD, giảm 7,9% (tương đương mức giảm 770 triệu USD) so với cùng kỳ năm 2019.
Với sự sụt giảm này, đồng nghĩa với giày dép đã rời khỏi TOP các mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Trong khi cùng kỳ năm 2019, giày dép tăng trưởng trên 13,5%, đạt kim ngạch xuất khẩu 10,3 tỷ USD.
Sau khi hoàn thành 22 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2019, ngành da giày, túi xách đặt mục tiêu xuất khẩu 24 tỷ USD trong năm 2020, nhưng dịch bệnh ập đến bất ngờ đã làm lung lay mục tiêu. Thông tin từ Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, ngành phải điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu trong năm nay, với mức giảm trên 10%.
Với việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, ngành da giày kỳ vọng xuất khẩu giày dép trong quý III và quý IV/2020 sẽ tăng trưởng trở lại, giúp bù đắp lại những thiệt hại trong những tháng đầu năm.
Hiện EU là thị trường truyền thống của ngành da giày Việt Nam, chiếm tới gần 30% kim ngạch xuất khẩu, khoảng gần 6 tỷ USD mỗi năm.
Số liệu Lefaso cho thấy, xuất khẩu sang EU năm 2019 đạt 965 triệu USD với mặt hàng túi xách, ví, vali, mũ, ô, dù và 5,03 tỷ USD với mặt hàng giày dép. Tổng cộng, ngành hàng da giày đạt khoảng 6 tỷ USD sang EU.
Ngay khi áp dụng EVFTA, 37% các dòng thuế về da giầy sẽ hưởng thuế nhập khẩu về 0% và phần còn lại sẽ giảm dần từ mức thuế 12,5% về 0% theo lộ trình từ 3 - 7 năm tùy từng mặt hàng cụ thể.
Các mặt hàng có mức thuế 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực tập trung vào mặt hàng giầy thể thao, giầy vải và giầy cao su. Đây là các mặt hàng là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam.
Sản phẩm giày dép được sử dụng nguyên liệu không xuất xứ từ bên ngoài Hiệp định, ngoại trừ mũ giày đã gắn với đế lót trong hoặc với bộ phận đế khác. Tiêu chí xuất xứ này được xem là chặt hơn so với một số các FTA khác nhưng không phải là tiêu chí mới đối với ngành da giày, do trước đó doanh nghiệp da giày đã xuất khẩu sang EU với tiêu chí tương tự trong GSP.
Tăng trưởng xuất khẩu sang EU được dự báo ở mức 5 - 10% trong 5 năm đầu tiên, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành cũng sẽ tăng thêm khoảng 3%/năm. Mặc dù vậy, để tăng trưởng bền vững và mang về thặng dư thương mại cao, ngành da giày, túi xách Việt Nam vẫn phải đầu tư mạnh vào khâu thượng nguồn, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, đáp ứng những tiêu chuẩn về xuất xứ mà các FTA như EVFTA và CPTPP quy định.
Theo : baodautu.vn