Cụ thể, theo số liệu thống kê tháng 7 và 7 tháng đầu năm của Bộ Công Thương cho thấy, sản xuất dệt tháng 7 tăng 7% so với tháng 6. Tính chung 7 tháng đầu năm tăng 1,8%. Sản xuất trang phục tháng 7 tăng 13,2% so với tháng trước, nhưng tính chung 7 tháng vẫn giảm 4,6% so với cùng kỳ năm 2019.
"Có thể nói, do ảnh hưởng của dịch Covid - 19, tình hình sản xuất, xuất khẩu ngành dệt may vẫn gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt đơn hàng xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc 7 tháng ước đạt 16,18 tỷ USD, giảm 12,1%. Vải mạnh, vải kỹ thuật khác giảm 40%, xơ, sợi dệt các loại giảm 20,9% so với cùng kỳ năm 2019", đại diện Bộ Công Thương cho hay.
Tính đến tháng 7, nhiều doanh nghiệp dệt may gần như chưa có đơn hàng cho 2 quý cuối năm. Đặc biệt là đơn hàng cho các sản phẩm có giá trị cao như veston, sơ mi cao cấp.
Trong khi đó, mặt hàng khẩu trang và đồ bảo hộ được coi là cứu cánh cho nhiều doanh nghiệp may trong quý II. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, giá các mặt hàng trên đã giảm mạnh do dư thừa nguồn cung trên toàn thế giới.
Theo dự báo từ Tập đoàn Dệt may (Vinatex), xuất khẩu dệt may của Việt Nam 6 tháng cuối năm tiếp tục giảm khoảng từ 14-18% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 vào khoảng 32,75 tỷ USD, giảm khoảng 16% so với năm 2019.
"Theo đó, nửa cuối năm doanh nghiệp dệt may cần bù đắp sự thiếu hụt đơn hàng xuất khẩu bằng cách đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa. Đồng thời, tối thiểu hóa sự sụt giảm doanh thu và lợi nhuận bằng việc quản trị chi phí sản xuất, giữ vững chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, bố trí lại lực lượng sản xuất, xác định lực lượng lao động chủ lực cần duy trì việc làm và thu nhập để người lao động đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn khi thị trường chưa hồi phục", đại diện Bộ Công Thương thông tin.
Về ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan, số liệu xuất khẩu tháng 7 tăng 7,6% so với tháng trước, nhưng giảm 4,4% so với cùng kỳ. Tính chung 7 tháng đầu năm giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2019.
"Cũng giống như ngành dệt may, ngành sản xuất, xuất khẩu giày dép là ngành chịu tác động tiêu cực do tác động của dịch bệnh Covid-19. Kim ngạch xuất khẩu giày dép các loại 7 tháng đầu năm ước đạt 9,53 tỷ USD, giảm 7,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Hiện EU là thị trường truyền thống của ngành da giày Việt Nam, chiếm tới gần 30% kim ngạch xuất khẩu, khoảng gần 6 tỷ USD mỗi năm. Với việc Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8, ngành da giày kỳ vọng xuất khẩu giày dép trong quý III và quý IV-2020 sẽ tăng trưởng trở lại, giúp bù đắp lại những thiệt hại trong những tháng đầu năm", đại diện Bộ Công Thương thông tin thêm.
Theo : danviet.vn