Việt Nam bắt đầu quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới từ khi gia nhập ASEAN năm 1996, đến nay Việt Nam đã ký kết 14 hiệp định tự do thương mại đa phương và song phương, trong đó có Hiệp định CPTPP, EVFTA là yếu tố thu hút nhiều dự án trong và ngoài nước đầu tư vào ngành da giầy tại Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng được cắt giảm thuế ngay sau khi hiệp định có hiệu lực.
Ngày 30/06/2020, tại TP Hồ Chí Minh, Cục Xuất Nhập khẩu, Cục xuất xứ -(Bộ Công Thương), phối hợp với Hiệp hội Da, Giầy và Túi xách Việt Nam(LEFASO) tổ chức “Hội nghị Quốc Tế ngành Da, Giầy năm 2020” với chủ đề Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu da giầy từ Hiệp định EVFTA.
Hội nghị có sự tham dự của Đại diện Bộ Công thương, Đại diện Tổ chức Công đoàn Quốc tế, Đại diện các nhã hàng lớn như: Adidas, Nike , Tập đoàn Eurofin, các chuyên gia, diễn giả, các giám đốc điều hành cấp cao, Doanh nghiệp và các cơ quan thông tấn Báo chí trong và ngoài nước nhằm phân tích chuyên sâu tác động của môi trường thương mại Quốc tế đến sự phát triển của ngành da giầy Việt Nam.
Theo thống kê của Hiệp hội Da, Giầy và Túi xách Việt Nam ( LEFASO), xuất khẩu giày dép, túi xách Việt Nam đạt 22 tỷ USD năm 2019, tăng 12% so với năm 2018. Việc ký hiệp định EVFTA đã mang lại lợi ích to lớn cho ngành da giầy Việt Nam. Hiệp định mới này sẽ thúc đẩy việc phát triển kinh tế, củng cố các hoạt động thương mại và đầu tư cho ngành giày dép, túi xách tại Việt Nam.
Ngay khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực thì 42,5% dòng sản phẩm hàng dệt may và 37% các dòng thuế về da giày sẽ hưởng thuế nhập khẩu về 0% ngay lập tức. Đây là các nhóm ngành hàng được đánh giá sẽ hưởng lợi nhiều bậc nhất từ EVFTA, mặc dù ngành giày dép, túi xách Việt Nam có một số lợi thế nêu trên, nhưng trong quá trình phát triển vẫn còn nhiều thách thức , như ảnh hưởng của bảo hộ thương mại, chi phí lao động tăng và năng suất lao động thấp, ứng dụng tự động hóa và công nghiệp 4.0 còn nhiều hạn chế, việc lệ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc, đây cũng năm thách thức lớn của ngành cần được tháo gỡ. Đặc biệt, các Bộ , ban ngành lo ngại về sức bật phát triển không như kỳ vọng do ảnh hưởng của Covid-19 cũng như những khó khăn khi phải bảo đảm đáp ứng đủ và đúng yêu cầu của Hiệp định về quy tắc xuất xứ đối với hàng hóa.
Với EVFTA, hàng dệt may Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn hàng của Trung Quốc và cạnh tranh ngang bằng về giá với các nước hiện đang được hưởng thuế suất 0% như Campuchia, Bangladesh… “Thế nhưng Việt Nam có lợi thế hơn các nước này về tay nghề cao, chất lượng bảo đảm. Thêm nữa, sau khi EVFTA có hiệu lực, hàng dệt may đang được hưởng Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập GSP sẽ tiếp tục được hưởng hết 2 năm sau khi EVFTA có hiệu lực.”- Theo đại diện Bộ Công thương cho biết.
Cũng được hưởng thuế suất 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực là các sản phẩm giày thể thao, giày vải và giày cao su, đây là những mặt hàng thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam. Theo quy định, sản phẩm giày dép được sử dụng nguyên liệu không xuất xứ từ bên ngoài hiệp định, ngoại trừ các bộ phận lắp ghép từ mũi giày và đế giày. Tiêu chí xuất xứ này được xem là chặt hơn so với một số các FTA khác nhưng không phải là tiêu chí mới đối với ngành da giày, do trước đó các doanh nghiệp da giày đã xuất khẩu sang EU với tiêu chí tương tự trong GSP.
Theo Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch- Hiệp Hội da giày và Túi xách Việt Nam(LEFASO) hiện nay ngành da giày Việt Nam đang phải thực hiện hai nhiệm vụ : “cố gắng duy trì vượt qua được giai đoạn khó khăn như hiện nay dĩ nhiên đây là nhiệm vụ cũng không phải dễ làm nhưng cho tới thời điểm hiện nay thì các Doanh nghiệp da giày Việt Nam đang thực hiện tốt nhiệm vụ này. Nhiệm vụ thứ hai là công tác chuẩn bị sau dịch bệnh, chúng ta có nhiều cơ hội phát triển thông qua các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định Liên minh Châu Âu từ việc cung ứng chuỗi toàn cầu có nhiều dịch chuyển, mà trong đó Việt Nam sẽ là điểm đến an toàn từ các Doanh nghiệp Quốc tế… Đồng hành cùng Doanh nghiệp Chính Phủ đã có những kích cầu, hành động kịp thời hỗ trợ các Doanh nghiệp vượt qua thời gian khó khăn hiện nay như: yêu cầu các Ngân hàng giãn, khoanh nợ cho Doanh nghiệp; Tạm ngưng tất cả các việc thanh kiểm tra sản xuất kinh doanh; đưa ra những gói vay vốn ứng trợ kịp thời ; tạm ngưng đóng BHXH cho tất cả Doanh nghiệp sản xuất dưới 50% so với cùng kỳ năm trước”.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm hiểu kỹ lưỡng nội dung về Hiệp định, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, tài lực cũng như các điều kiện cần thiết khác để có thể đáp ứng được các yêu cầu không chỉ của Hiệp định mà của cả thị trường EU.
Liên quan đến giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), đại diện Bộ Công thương cho rằng, với những vướng mắc liên quan đến C/O, cơ quan Hải quan sẵn sàng phối hợp đầu mối với Bộ Công Thương, VCCI để rút ngắn thời gian cấp C/O cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xin cấp C/O cần tuân thủ đầy đủ quy định và minh bạch.
Về tổng thể, EVFTA sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn trong ngắn hạn và trung hạn cho Việt Nam so với các nước ASEAN tại thị trường EU. Với vị thế là quốc gia thứ 2 tại ASEAN có FTA với EU, các doanh nghiệp Việt có thể tận dụng lợi thế này để thâm nhập thị trường, xây dựng thương hiệu cho hàng hóa Việt Nam tại thị trường EU. Ở khía cạnh khác, tiếp cận thị trường EU cũng là bước đệm để hàng hóa của Việt Nam tiếp cận các thị trường phát triển khác.
Theo : doanhnghiepvadautu.info.vn