Cổng thông tin điện tử

Ngành da giày túi xách việt nam

  • Da giày Việt Nam thêm cơ hội khi thế giới 'định vị' lại chuỗi cung ứng từ Trung Quốc
  • 01/07/2020
 

Chuỗi cung ứng giày dép, túi xách toàn cầu buộc phải định vị lại nhà cung cấp do dịch COVID-19, giảm vị trí thống lĩnh ở mức 60-70% thị phần thế giới của Trung Quốc xuống còn 45-50%. Việt Nam cùng 7 quốc gia khác sẽ cân bằng tỉ lệ còn lại này.


Da giày Việt Nam thêm cơ hội khi thế giới định vị lại chuỗi cung ứng từ Trung Quốc - Ảnh 1.  

Lefaso đưa ra hai kịch bản xuất khẩu ngành da giày Việt Nam với kim ngạch đạt được chỉ từ 11,3-13,4 tỉ USD, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu 24 tỉ USD đặt ra hồi đầu năm 2020 - Ảnh: T.V.N

Thông tin trên được ông Diệp Thành Kiệt, phó chủ tịch Hiệp hội da giày Việt Nam (Lefaso) đưa ra trong "Hội nghị quốc tế ngành da giày năm 2020" tổ chức ngày 30-6 tại TP.HCM, khi đánh giá tác động mà dịch COVID-19 để lại cho các thị trường xuất khẩu lớn của thế giới, trong đó có Việt Nam phải hứng chịu trong thời gian qua.

Tính đến tháng 6-2020, xuất khẩu da giày của Việt Nam hiện chỉ bằng 50% so với cùng kỳ năm ngoái, khi toàn bộ cửa hàng từ châu Âu sang Mỹ đều đóng cửa hàng loạt, doanh thu rơi tự do.

Còn nếu tính riêng tháng 5-2020, xuất khẩu của ngành da giày đã giảm đến 39% so với cùng kỳ năm 2019, trong khi "một số nhãn hàng lớn trên toàn cầu đưa ra dự báo tiêu thụ sản phẩm giày dép sẽ giảm đến 40% so với năm 2019, trở về mức tiêu thụ thấp mà năm 2014 đã ghi nhận", ông Kiệt thông tin.

Phó chủ tịch Lefaso cũng đưa ra hai kịch bản cho ngành da giày xuất khẩu của Việt Nam từ đây đến hết năm 2020.

Kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành sẽ đạt mức "trung bình", tương ứng với 13,4 tỉ USD (bằng kim ngạch xuất khẩu năm 2016), và dần hồi phục thông qua việc đặt hàng trở lại từ tháng 7-2020 khi các yếu tố đỉnh dịch, mức độ lây nhiễm và khả năng hồi phục bán hàng từ các nhà đặt hàng trở lại mức bình thường.

 

Với kịch bản "xấu" hơn, khả năng hồi phục đơn hàng bắt đầu từ tháng 9-2020 và sản xuất sẽ khôi phục 100% từ tháng 2-2021 trở đi, khi đó kim ngạch xuất khẩu của ngành trở về mức năm 2014, tương ứng 11,3 tỉ USD.

Cũng theo ông Kiệt, sau sự việc dịch COVID-19, ngành sản xuất da giày túi xách thế giới đã buộc phải "phân công" lại chuỗi cung ứng toàn cầu, theo đó theo đó, vị trí thống lĩnh ở mức 60-70% thị phần thế giới của Trung Quốc sẽ giảm xuống còn 45-50%. 

Trong khi Việt Nam cùng với các quốc gia khác, gồm Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Myanmar, Bangladesh và Campuchia sẽ cân bằng tỉ lệ còn lại của thế giới.

Còn với đánh giá của của ông Nguyễn Đức Thuấn, chủ tịch Lefaso, Việt Nam hiện đang chiếm lợi thế là nước an toàn về các mặt trong và sau dịch COVID-19.

Theo ông Thuấn, để nắm bắt được cơ hội phát triển chuỗi cung ứng, tăng trưởng đơn hàng, thu hút đầu tư, giảm phụ thuộc vào nguồn cung nguyên phụ liệu từ Trung Quốc, nhất thiết các doanh nghiệp phải có kế hoạch phục hồi và xác lập chiến lược kinh doanh phù hợp ngay từ bây giờ hòng có năng lực đón đầu, tiếp nhận sự dịch chuyển.
 
Theo : tuoitre.com.vn

Tin tức liên quan