Chỉ có 30-40% doanh nghiệp (DN) trong ngành da giày tự chủ được nguyên liệu, 60-70% DN còn lại chủ yếu làm gia công. Mặc dù được đánh giá là cơ hội rất lớn từ Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên hiệp châu Âu và Việt Nam (EVFTA), song ngành da giày Việt Nam cũng đối diện với những thách thức không nhỏ.
Những thông tin trên được các đại biểu đưa ra tại Hội nghị quốc tế ngành da giày năm 2020 do Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO) tổ chức ngày 30-6 tại TP Hồ Chí Minh.
Thống kê của LEFASO, xuất khẩu giày dép, túi xách Việt Nam đạt 22 tỷ USD trong năm 2019, tăng 12% so với năm 2018. Việc ký hiệp định EVFTA đã mang lại lợi ích to lớn cho ngành da giày Việt Nam. Hiệp định mới này sẽ thúc đẩy việc phát triển kinh tế, củng cố các hoạt động thương mại và đầu tư cho ngành giày dép, túi xách Việt Nam.
Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch LEFASO cho rằng, thách thức cụ thể của ngành phải đối mặt là ảnh hưởng của bảo hộ thương mại, chi phí lao động tăng cao và năng suất lao động thấp, ứng dụng tự động hóa và công nghiệp 4.0 còn hạn chế. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến cả chuỗi cung ứng và chuỗi phân phối của ngành.
Ông Nguyễn Xuân Tú, Giám đốc một DN sản xuất, kinh doanh da giày cho biết, lâu nay sản phẩm công ty làm ra được xuất khẩu đi thị trường châu Âu chủ yếu theo dạng FOB (miễn trách nhiệm trên boong tàu - free on board), nên các khoản thuế đều do nhà nhập khẩu lo.
Ông Tú nhận định rằng, khi EVFTA được thông qua sẽ có lợi cho hàng hóa Việt Nam khi thuế suất áp vào thị trường này được giảm đáng kể. Ông Tú kỳ vọng, sau khi EVFTA có hiệu lực sản phẩm giày dép của công ty ông sẽ nhận được nhiều đơn đặt hàng từ các nhà nhập khẩu châu Âu.
Theo quy định của EVFTA, EU cam kết loại bỏ thuế nhập khẩu ngay khi hiệp định có hiệu lực cho 37% số dòng thuế ngành giày dép (các loại giày chống thấm cao-su/nhựa, dép lê và dép đi trong nhà, nguyên phụ liệu ngành giày dép…).
Đáng chú ý, mức thuế cho giày thể thao, loại sản phẩm chiếm một lượng lớn giày xuất khẩu vào châu Âu sẽ được giảm ngay khi Hiệp định có hiệu lực chứ không chịu mức bảo hộ bảy năm như sản phẩm giày da.
Mặc dù vậy, các chuyên gia đánh giá, nhóm sản phẩm giày dép được EU cam kết loại bỏ thuế ngay là các sản phẩm mà doanh nghiệp thuần Việt ít gia công hoặc xuất khẩu vào thị trường khu vực EU. Số còn lại sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình từ 3 đến 7 năm.
Hiện tại, hàng hóa của Việt Nam được hưởng hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập của EU (GSP). Theo đó, các nước đang phát triển phải trả thuế thấp hơn đối với hàng hóa xuất khẩu sang EU.
Nhóm này đang được hưởng mức thuế ưu đãi trung bình là 3-4% theo quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập GSP. Khi EVFTA có hiệu lực, GSP sẽ tự động chấm dứt, các mức thuế nhập khẩu đối với giày dép sẽ giảm dần đều xuống 0% theo lộ trình 3-7 năm tính từ mức 12,4% MFN (tối huệ quốc - Most Favoured Nation).
Các chuyên gia và những công ty chứng khoán trước đây đã từng phân tích, trong một vài năm đầu thực hiện EVFTA, phần lớn các sản phẩm giày da trong nước sản xuất sẽ chưa thể được hưởng lợi ngay từ EVFTA.
Xét về thời gian sau hai năm có hiệu lực, các cam kết ưu đãi giảm thuế của Hiệp định EVFTA sẽ giúp sản phẩm da giày Việt Nam cạnh tranh hơn các sản phẩm Trung Quốc tại thị trường châu Âu.
Tuy nhiên, các DN da giày chỉ được hưởng lợi nếu tự chủ được nguyên liệu và để được hưởng thuế suất thấp, các DN sẽ phải đáp ứng được quy định về xuất xứ thông qua hàm lượng giá trị trong khu vực (RVC) khi sử dụng nguyên liệu từ Việt Nam và các nước thành viên trong EVFTA.
Một vấn đề đặt ra nữa theo giới phân tích là phía châu Âu sẽ áp dụng những điều luật mới cho việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Trong đó, các rào cản kỹ thuật áp đặt từ phía EU cùng với các yêu cầu về trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường và tuân thủ các thủ tục để được hưởng lợi thuế cũng làm tăng chi phí cho DN.
Để làm được điều này, theo LEFASO, tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm được DN Việt Nam sản xuất phải nâng lên mức 60% để đáp ứng được điều kiện về quy tắc xuất xứ trong EVFTA, đồng thời, giúp giảm các chi phí kho vận và nâng cao sự chủ động của DN Việt.
Theo : nhandan.com.vn