Theo lời kể của những người lớn tuổi trong làng, ngày xưa làng nghề rất phát triển nhưng do chỉ có thành phố mới đi giày, nên các thợ giỏi đã chuyển hết ra các thành phố lớn sinh sống và làm nghề.
Công đoạn bôi keo giày
Dần dần làng nghề mai một và không ai làm giày nữa, nhưng vào đầu những năm 90 của thế kỉ trước, do nhu cầu của thị trường, một số người đã quyết định quay lại với nghề gia truyền tổ tiên để lại.
Nhắc đến những người có công khôi phục làng nghề, không ai trong làng không biết đến ông Trần Huy Thắng, ông là một trong những người có công đầu khôi phục lại làng nghề và cũng là người duy nhất còn sống trong số họ.
Ông Thắng kể lại, “Năm 1990, tôi cho con trai lúc đó mới chỉ 14 tuổi vào miền Nam học làm giày, thiết kế. Sau đó năm 1995 thì con trai tôi học xong trở về, kết hợp với kinh nghiệm gia truyền của tôi thì nhà bắt đầu làm giày trở lại”.
"Lúc mới làm phải đi rất nhiều nơi để bán, nhưng sau này khách quen mối toàn tự tìm đến đặt hàng. Dần dần các nhà trong làng thấy có thể sống được bằng nghề truyền thống nên cũng quay lại làm giày da", ông Thắng cho biết.
Theo ông Thắng, ngày xưa mọi công đoạn đều làm thủ công nên năng suất khá thấp, thu nhập không đáng bao nhiêu. Nhưng bây giờ, nhiều công đoạn đã được làm bằng máy nên một năm có thể bán được vài vạn đôi giày, dép là chuyện bình thường.
Anh Cao Sĩ Nghiệp, chủ một cơ sở chuyên sản xuất giày tại làng cho biết, máy cũ bây giờ khá rẻ nên các hộ đều sắm riêng cho cơ sở tại nhà. Trung bình, máy gò đã qua sử dụng, thanh lý khoảng 100 – 200 triệu đồng, nếu mua mới nguyên là gần 1 tỉ đồng.
“Nhẹ nhàng như máy chặt cũng vài chục triệu đồng 1 máy cũ, nhưng đầu tư như vậy thì cũng thu lại vốn nhanh hơn vì năng suất tăng rất đáng kể. Nếu làm thủ công thì cùng 1 lượng công nhân chỉ có thể làm 50 – 70 đôi/ngày nhưng có thêm một vài máy móc thì có thể làm đến 400 – 500 đôi/ngày”, anh Nghiệp chia sẻ.
Theo anh Nghiệp, ở miền Bắc chỉ có 2 làng nghề đóng giày, một là làng Phú Xuyên, Hà Tây cũ và hai là ở đây. Mà làng nghề Phú Xuyên lại chủ yếu làm hàng đẹp, đắt tiền nên những đôi giày da giá rẻ được sản xuất tại đây có rất ít đối thủ cạnh tranh. Có chăng thì chỉ là cạnh tranh giữa các hộ kinh doanh trong làng, giữa các làng trong xã với nhau.
Anh Nghiệp còn cho biết, làm hàng đẹp như làng Phú Xuyên đem lại lợi nhuận cao hơn nhưng hàng nào thì cũng phụ thuộc vào thị trường nên làng nghề cũng không hướng đến sản xuất hàng quá cao cấp. Tuy nhiên, cũng có vài nhà làm hàng đắt tiền, giá bán buôn cao nhất chỉ 400 ngàn đồng/đôi, nhưng nếu bán lẻ ra ngoài giá cũng có thể lên đến tiền triệu. Giá bán lẻ thì vô vàn, nhưng nếu ai biết mua thì người bán chỉ lãi 100 ngàn đồng/đôi, còn bình thường phải lãi gấp đôi, ít thì cũng gấp rưỡi.
Anh Cao Sĩ Doanh là anh trai của anh Nghiệp cũng có 1 cơ sở kinh doanh riêng cho biết, cạnh tranh trong làng chủ yếu là về giá nên giá giày rất rẻ, giày giả da nam cao nhất cũng chỉ tầm 90.000 đồng/đôi, rẻ thì 60.000 đồng/đôi. Bán loại này rẻ mới dễ bán, chứ loại dày gia bò thật 200 - 300 trăm ngàn một đôi thì bán rất chậm.