Cổng thông tin điện tử

Ngành da giày túi xách việt nam

  • Làm gì để “đón sóng” cách mạng công nghiệp 4.0?
  • 25/04/2017
 Để "bắt kịp”, “đón sóng” được cách mạng 4.0, theo giới chuyên gia, cần sự thay đổi chính sách, cơ chế, cần sự tái cơ cấu đổi mới mạnh mẽ từ Chính phủ.

Lợi thế lao động giá rẻ không còn

Cách mạng công nghiệp 4.0 được chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh ví von là cuộc cách mạng công nghiệp chắp cánh cho 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước đó, giúp năng suất tăng lên đáng kể nhờ khoa học kĩ thuật nhưng chu kì sản phẩm lại ngắn đi nhiều so với hiện nay. “Chúng ta sẽ chứng kiến những chiếc áo có internet, những cái kính có internet. Chúng ta cũng sẽ chứng kiến người tiếp đón mình ở tòa án, ở bệnh viện không phải là người thật mà là người máy”, ông Doanh nói.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ như một “cơn bão”, hứa hẹn mang đến cả cơ hội và thách thức cho Việt Nam. Theo đó, công nghiệp 4.0 giúp Việt Nam tiếp tục đổi mới, tiếp tục tái cơ cấu, từ bỏ thói quen sản xuất nhỏ lẻ, manh mún với các DN chỉ chạy theo khai thác tài nguyên, buôn bất động sản để làm giàu. Sức ép từ cuộc cách mạng lần này sẽ thúc đẩy Chính phủ và DN Việt Nam thay đổi thể chế, chính sách để bắt kịp với các nền kinh tế khác trên thế giới. Tuy nhiên lợi thế lao động giá rẻ sẽ dần mất đi khi máy móc sẽ thay thế rất nhiều công việc của con người.

Ông Doanh dẫn chứng, ở Mỹ 40% luật sư mới ra trường thất nghiệp vì trí thông minh nhân tạo có thể tra cứu xem một vụ việc bất kì liên quan đến những luật nào chỉ trong vòng 60 giây trong khi việc này một luật sư có làm hàng giờ cũng chưa xong. Hay trong lĩnh vực kinh tế, hơn 40% cử nhân Mỹ mới ra trường cũng thất nghiệp do chỉ cần nhập số liệu, máy tính có thể đưa ra hầu hết các biểu đồ hay dự đoán xu hướng. Còn tại Việt Nam, trong lĩnh vực sản xuất các loại áo sơ mi giản đơn, công nhân sẽ bị thay thế bằng hệ thống dây chuyền tự động có năng suất lao động cao hơn 500% so với người bình thường.

Chứng thực điều này, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 thừa nhận, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mang lại nhiều cơ hội cho các nước đang phát triển như Việt Nam. Tuy nhiên, riêng ngành dệt may, dự báo sẽ có 86% lao động trong ngành dệt may và da giày sẽ thất nghiệp do khả năng cạnh tranh của máy móc. “Nếu có sự khác biệt mà máy móc không thay thế được thì  lúc đó chúng ta chiến thắng”, bà Huyền nhận định.

Còn theo ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc Điều hành Uber Việt Nam, bản chất cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là sự hội tụ của nền kinh tế vật lí, kinh tế số, sinh học, dựa trên nền tảng trí tuệ thông minh nhân tạo. Trong tương lai, công nghiệp 4.0 sẽ thay đổi bản chất nhiều công việc và cơ cấu nhiều ngành công nghiệp.

Cần sự đột biến

Theo các chuyên gia kinh tế, hiện nay mô hình tăng trưởng của Việt Nam đã đến giới hạn tự nhiên, nên nếu không cải cách, thay đổi thì nền kinh tế vốn nhỏ lẻ, chính sách kiểu hành chính, động lực DN chạy theo chênh lệch giá, dựa vào các điều kiện sẵn có tự nhiên…, chắc chắn Việt Nam sẽ gặp thách thức rất lớn và sẽ sớm phải đối mặt với cuộc khủng hoảng thực sự.

Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho rằng, cuộc cách mạng thứ 3 Việt Nam không bắt kịp, thì với cách mạng thứ 4 thách thức sẽ lớn hơn. Nếu để phát triển tự nhiên (cách mạng thứ 4) thì trước sau cũng tốt lên, cũng tịnh tiến, nhưng khoảng cách giữa Việt Nam và các nước không biết có rút ngắn được hay không. Vì thế, theo ông Liên, muốn bắt kịp công nghiệp 4.0 phải có sự đột biến. Công cụ để tạo ra sự đột biến không phải là người dân mà là bàn tay vô hình của chính quyền của Nhà nước và chỉ có Nhà nước mới tạo ra những đột biến. “Để bắt kịp cách mạng thứ 4, chúng ta có thể bắt kịp về tiêu dùng, tuy nhiên, để bắt kịp về sáng tạo và sản xuất thì cần phải có “bàn tay” mạnh mẽ từ Chính phủ”, ông nói.

Đồng tình với quan điểm này, ông Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương nhìn nhận, để “đón” và bắt kịp được cách mạng công nghiệp 4.0 cần 4 yếu tố: Thứ nhất là thể chế và lãnh đạo, trong đó vai trò người đứng đầu rất quan trọng; thứ hai là hệ thống giáo dục, đào tạo, kỹ năng mới và nhân lực số; thứ ba là thể chế thúc đẩy sáng tạo và trong sáng tạo thì DN phải là trung tâm, tức tính thực dụng phải rất cao; thứ tư là an ninh mạng, an ninh kết nối.

Có cái nhìn cụ thể hơn, nhìn từ việc đa số lao động ngành dệt may, da giày sẽ thất nghiệp, ông Doanh cho hay, máy móc không thể sản xuất các mẫu áo tinh xảo, không thể quyết định xem có nên tiếp tục vụ kiện hay từ bỏ, có nên thay thế thị trường hay không… Điều đó cho thấy, nếu hiểu biết về công việc thì con người vẫn còn chỗ đứng. “Cách mạng công nghiệp 4.0 không phải thứ gì cao siêu trên trời, mà từ nông nghiệp, người bán hàng cho đến ngân hàng hoàn toàn có thể thực hiện ngay cách mạng 4.0. Dù vậy, để “đón sóng” được cách mạng 4.0 cần sự thay đổi chính sách, cơ chế, cần sự tái cơ cấu đổi mới mạnh mẽ từ Chính phủ”, ông Doanh khẳng định. 

Tin tức liên quan