Cổng thông tin điện tử

Ngành da giày túi xách việt nam

  • Xuất khẩu giày dép: Doanh nghiệp FDI đi lên, doanh nghiệp nội tụt lùi
  • 07/04/2017
 Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng giày dép các loại của doanh nghiệp Việt Nam tăng liên tục các năm gần đây. Nhưng tỷ trọng trong xuất khẩu toàn ngành của khối doanh nghiệp FDI đang lớn hơn rất nhiều so với doanh nghiệp trong nước và giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước có xu hướng giảm.

Thị trường Hoa Kỳ luôn dẫn đầu tiêu thụ

Cụ thể, tổng giá trị xuất khẩu cà phê trong năm 2011 là 6,5 tỷ USD; năm 2012 là 7,3 tỷ USD; năm 2013 là 8,4 tỷ USD; năm 2014 là 10,3 tỷ USD; năm 2015 là 12 tỷ USD và năm 2016 sơ bộ đạt 13 tỷ USD, tăng 8,3 % so với năm 2015.

Trong số các thị trường, Hoa Kỳ luôn dẫn đầu về giá trị kim ngạch nhập khẩu cà phê từ Việt Nam: Năm 2011 đạt 1,90 tỷ USD; năm 2012 đạt 2,24 tỷ USD; năm 2013 đạt 2,62 tỷ USD; năm 2014 đạt 3,32 tỷ USD; năm 2015 đạt 4,07 tỷ USD; năm 2016 đạt 4,48 tỷ USD.

Hoa Kỳ luôn là thị trường dẫn đầu về nhập khẩu hàng giày dép của Việt Nam. Xuất khẩu nhóm hàng này sang Hoa Kỳ luôn chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng giày dép của cả nước. Xét về tỷ trọng xuất khẩu giày dép sang Hoa Kỳ trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước vào thị trường này từ năm 2011 đến 2016 thì cũng luôn chiếm 11% đến 12%.

Trong năm 2016, Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất nhập khẩu hàng giày dép từ Việt Nam với kim ngạch 4,483 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2015. Đứng thứ hai là thị trường Trung Quốc với kim ngạch 904,9 triệu USD, tăng 20%; tiếp theo là thị trường Bỉ với kim ngạch 825,4 triệu USD, tăng 14%; thị trường Đức: 764,7 triệu USD, tăng 8,4% và thị trường Nhật Bản: 674,9 triệu USD, 12,9%.

Tổng cục Hải quan cũng cho biết, xét về chu kỳ, xuất khẩu hàng giày dép thường bắt đầu tăng trưởng vào quý 2 và đạt mức cao nhất vào quý 3. Trong năm 2016, xuất khẩu hàng giày dép đạt trung bình là 1,083 tỷ USD/tháng.

Doanh nghiệp nội tụt lùi

Theo Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam (LEFASO), dự báo năm 2017 sản xuất và xuất khẩu của ngành sẽ có tốc độ tăng trưởng cao hơn so với năm 2016, dự kiến đạt 5%, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 18 tỷ USD, tăng trên 10%.

 

Theo Bộ Công Thương, tính chung 2 tháng đầu năm 2017, sản lượng giầy, dép da ước đạt 32,9 triệu đôi, tăng 0,1% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu giầy, dép các loại ước đạt 2 tỷ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ. Việt Nam nằm trong Top 4 nước sản xuất giày dép lớn nhất thế giới về số lượng (sau Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil), nhưng là nước xuất khẩu lớn thứ 3 trên thế giới về trị giá (sau Trung Quốc và Italia).

 

Sản phẩm giày dép của Việt Nam đã xuất khẩu tới trên 50 nước. Tại Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản, giày dép Việt Nam tiếp tục tăng thị phần và đứng vị trí thứ hai sau Trung Quốc.

Cũng theo LEFASO, khối doanh nghiệp FDI đóng góp tới 80,8% trong tỷ trọng xuất khẩu toàn ngành, chủ yếu là các tập đoàn đến từ Đài Loan, Hàn Quốc, như: Tập đoàn Yuan Chi, Pou Chen Group, Feng Tay… với kim ngạch xuất khẩu mỗi năm hàng tỷ USD.

Mức đóng góp của khối doanh nghiệp FDI tăng nhanh theo từng năm. Nếu như năm 2013, khối doanh nghiệp này chiếm 75% tỷ trọng, năm 2015 tăng lên 78% và năm 2016 chiếm 80,8%. Xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI liên tục tăng cao là do các doanh nghiệp tiếp tục mở rộng công suất nhà máy hiện có và xây dựng các nhà máy mới tại Việt Nam nhằm đón đầu cơ hội được giảm thuế từ các hiệp định thương mại tự do.

Trái ngược với sức tăng trưởng từ khối doanh nghiệp FDI, xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước có xu hướng giảm, năm 2013 chiếm 25% tỷ trọng, năm 2015 giảm còn 21,4%, năm 2016 còn 19,2%.

Về nguyên nhân, LEFASO cho rằng, do khó khăn về nguồn vốn và tiếp cận thị trường khiến doanh nghiệp trong nước chậm chân hơn trong việc mở rộng sản xuất, yếu sức cạnh tranh.

Năm 2016, ngành da giày chỉ đạt mức tăng trưởng 8,2% thay vì 10% như mục tiêu là do: những bất ổn về chính trị, cụ thể là sự kiện Anh rời châu Âu (Brexit), khiến sức tiêu dùng tại thị trường EU, nhất là thị trường Anh chững lại. Các nhà nhập khẩu theo đó đặt hàng cầm chừng với số lượng ít đã khiến đơn hàng về Việt Nam giảm mạnh. Một số đơn hàng lớn, gia công đơn giản bị dịch chuyển sang Myanmar, Bangladesh càng khiến tình trạng đơn hàng giảm đi.

Các chuyên gia quốc tế dự báo kinh tế thế giới năm 2017 có xu hướng khởi sắc hơn năm 2016. Trung Quốc tiếp tục chủ trương cắt giảm ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực da giày để tập trung cho các ngành có công nghệ cao hơn. Vì vậy, có khả năng một số đơn hàng gia công sẽ chuyển dịch về Việt Nam.

Doanh nghiệp nội cần vươn lên

Giới chuyên gia dự báo, năm 2017 có triển vọng tốt hơn cho xuất khẩu giày dép của Việt Nam. Bởi vì Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu (FTA VN-EAEU) có hiệu lực, với những quy định mới về thuế, sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn về thị trường cho giày dép Việt Nam, nhất là thị trường Nga giàu tiềm năng.

Cùng với đó, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực vào đầu năm 2018 cũng được kỳ vọng sẽ giúp thu hút đầu tư nước ngoài và đơn hàng vào ngành giày dép mạnh mẽ hơn.

Tuy nhiên, những cơ hội về thị trường mới chỉ là điều kiện cần, ngành giày dép Việt Nam muốn tăng trưởng mạnh hơn, tất nhiên cần có chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn thuận lợi hơn và tiếp cận thị trường. Đồng thời, cần sự nỗ lực của bản thân khối doanh nghiệp trong nước để cải thiện năng lực sản xuất, gia tăng chất lượng sản phẩm, tăng cường xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường.

Điều này đặc biệt quan trọng cho sự phát triển bền vững của khối doanh nghiệp sản xuất trong nước nói chung và ngành giày dép nói riêng. Bởi với con số tỷ trọng khối doanh nghiệp FDI đang chiếm hơn 80% xuất khẩu toàn ngành và có xu hướng tăng, thì doanh nghiệp nội địa phải rất nỗ lực để vươn lên. Nếu không thay đổi tỷ trọng này, dù cho tăng trưởng chung về xuất khẩu giày dép hằng năm có vượt xa hơn nữa, thực chất giá trị kinh tế mà doanh nghiệp nội địa ngành này đóng góp cho GDP, tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế không nhiều. 

theovov.vn
 

 

Tin tức liên quan