Cổng thông tin điện tử

Ngành da giày túi xách việt nam

  • Tìm giải pháp để da giày phát triển bền vững
  • 24/04/2017
 Theo mục tiêu của đề án, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp ngành da giày giai đoạn 2016-2020 đạt 11,62%/năm, phấn đấu đến năm 2020 kim ngạch XK đạt 24-26 tỷ USD; giai đoạn 2021-2025 tăng trưởng 8,87%/năm, đến năm 2025 đạt 35-38 tỷ USD; giai đoạn 2026-2035 tăng trưởng 6,04%/năm và đến năm 2035 kim ngạch XK đạt 50-60 tỷ USD. Nâng dần tỷ lệ nội địa hoá các loại sản phẩm. Phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ nội địa hoá đạt 45%, năm 2025 đạt 47% và năm 2035 đạt 55%.

Để đạt được những mục tiêu trên, theo Nguyễn Mạnh Khôi, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu da giày, cần thực hiện nhiều giải pháp như: Tiếp tục đẩy mạnh việc cải cách hành chính trong các thủ tục về hải quan, chính sách thuế trực tiếp liên quan đến ngành da - giày, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Phát triển thị trường và xây dựng thương hiệu sản phẩm. Kiểm tra, giám sát hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu nhằm chiếm lĩnh thị trường nội địa. Khuyến khích các DN đầu tư vào các dự án sản xuất nguyên phụ liệu, các dự án sản xuất hàng thời trang trung cao cấp nhằm góp phần chuyển đổi nhanh cơ cấu sản phẩm, tăng giá trị XK của sản phẩm. Tập trung xây dựng trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại, có vị trí được đặt tại những địa điểm thuận lợi cho quá trình phối hợp giữa các nhà: Nhà khoa học - DN - Nhà nước, trong đó, phải lấy DN là đối tượng thụ hưởng các kết quả nghiên cứu. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ sản xuất sạch hơn trong các DN và các cơ sở thuộc da hiện có đảm bảo sản xuất các loại da thuộc thành phẩm có chất lượng cao, thân thiện về mặt môi trường.

Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày- Túi xách Việt Nam cho rằng, để có một quy hoạch chắc chắn cho ngành da giày, đề án phải có sự phân tích bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam giai đoạn từ 2017-2035, dự báo được các chính sách của các nước và các khu vực lớn trên thế giới. Bên cạnh đó phải làm việc với các nhà đặt hàng về chiến lược phát triển và xu hướng tiêu thụ sản phẩm trong 5 năm tới. Đồng thời phải có sự phân tích về các DN FDI vì các DN này đang chiếm tới 80% năng lực sản xuất của ngành da giày.

Theo nhận định của ông Diệp Thành Kiệt, tình hình của ngành da giày ở trong nước và trên thế giới đã có nhiều thay đổi. Ở trong nước là xu hướng dịch chuyển sản xuất về các vùng có chi phí lao động thấp (miền Trung, miền Tây Nam bộ). Trên thế giới, sản xuất da giày đang cạnh tranh bằng năng suất lao động nhiều hơn thông qua quản trị DN. Bên cạnh đó, các nhà máy cùng tham gia thiết kế sản phẩm để sản xuất ra sản phẩm có năng suất cao hơn, đảm bảo thời gian sản xuất thấp nhất. Việc áp dụng tự động hóa cũng ngày càng phổ biến, trong khi các DN Việt Nam chỉ sản xuất được khoảng 6 đôi giày thể thao/người/ngày thì ở các DN FDI đã sản xuất được từ 15-20 đôi/người/ngày nhờ tự động hóa. Các nhà đặt hàng ngày càng kiểm soát chặt chuỗi cung ứng. Việc bảo hộ sản xuất bằng việc áp dụng các rào cản kĩ thuật tại các nước NK ngày càng gia tăng. Xu hướng tiêu thụ sản phẩm sạch sản xuất theo công nghệ xanh, đơn hàng ngày càng nhỏ, sản phẩm ngày càng trở nên đa dụng…

Ông Diệp Thành Kiệt còn cho rằng, đề án phải xác định cụ thể các mục tiêu mà quy hoạch hướng đến về tỉ trọng của DN Việt Nam, khả năng cung cấp nguyên phụ liệu, khả năng chiếm lĩnh thị trường nội địa. Về giải pháp cũng phải chia làm hai nhóm: Một nhóm giải pháp chung mang tính lâu dài mang tính phát triển bền vững, một nhóm giải pháp tập trung vào các mục tiêu cụ thể và có phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể cho các bên tham gia.

Liên quan đến việc phát triển nguồn nguyên liệu và công nghiệp hỗ trợ cho ngành da giày, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty Vinh Thông cho rằng, đối với việc phát triển công nghiệp hỗ trợ hiện nay các DN vẫn đang phải tự “bơi”, nguyên phụ liệu cũng vẫn phụ thuộc 70% vào nước ngoài. Do vậy, để các mục tiêu của đề án mang tính thực tế, Nhà nước phải có tiêu chuẩn cụ thể, có hướng phát triển rõ ràng cho DN về phát triển công nghiệp phụ trợ. Việc đổi mới máy móc thiết bị của DN cũng còn nhiều khó khăn do thiếu vốn và nhiều rủi ro, nhà nước nên khoanh vùng DN phát triển bền vững để hỗ trợ  vốn hoặc hỗ trợ về chính sách giúp DN đầu tư về công nghệ, máy móc.

Phản ánh những khó khăn mà DN đang phải đối mặt, đại diện Công ty Việt Á Châu cho biết, việc tăng lương tối thiểu hàng năm từ 10-15% đang làm giảm lợi thế nhân công giá rẻ của Việt Nam và giảm sức cạnh tranh của DN. Việc đầu tư tăng năng suất lao động của DN cũng không  khó khăn về vốn. Để hỗ trợ DN, bên cạnh chính sách chung áp dụng  cho ngành, cần có các chính sách riêng về áp dụng cho các đối tượng DN cụ thể. Ngoài ra, để DN không thua ngay trên sân nhà, cần có các chính sách phù hợp để bảo hộ cho sản xuất trong nước và kiểm soát chặt chẽ đối với  hàng tiểu ngạch, hàng giả, hàng nhái…

Tin tức liên quan