- Những lưu ý để da giày tăng trưởng mạnh ở thị trường châu Âu
-
27/04/2017
Ngày 27/4, tại TP.HCM, Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (Mutrap) phối hợp với Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso) tổ chức hội thảo tập huấn về quy tắc xuất xứ trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA) và Hiệp định liên minh kinh tế Á – Âu (VN-EAEU FTA) cho các DN ngành da giày.
Tại hội thảo ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Lefaso cho biết, dự kiến kim ngạch xuất khẩu da giày năm 2017 đạt 18 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ. Riêng thị trường EU, trước đây lượng xuất khẩu da giày vào thị trường này chiếm 60%, sau đó giảm dần khi thị trường Hoa Kỳ mở rộng. Tuy nhiên, theo đại diện Lefaso, năm 2017 mở ra nhiều cơ hội cho da giày tìm kiếm, đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng của EU như Nga, Kazakhsta, Belarus,…
Mặc dù thị trường tiềm năng đang “rộng cửa” đối với ngành da giày khi thuế suất giảm, song theo bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, muốn chen chân và phát triển sản phẩm da giày ở thị trường EU phải đảm bảo xuất xứ hàng hóa. Trường hợp vi phạm xuất xứ, hoặc bất ngờ tăng vọt lượng xuất khẩu chắc chắn phía đối tác sẽ ngưng nhập hàng và tạm dừng ưu đãi.
Đặc biệt, khi bên nhập khẩu phát hiện trường hợp vi phạm sẽ áp dụng ngừng ưu đãi đối với toàn bộ hàng hoá giống hệt theo phân loại danh mục hàng hoá (HS cấp độ 8-10 số) nếu các biện pháp trước không đủ để ngăn chặn các hành vi gian lận.
Tại buổi hội thảo, các chuyên gia cũng lưu ý DN ngành da giày một số lỗi liên quan đến chứng nhận xuất xứ cần tránh như: C/O trùng số, ngôn ngữ khai báo, mẫu chữ ký và con dấu, tiêu chí xuất xứ, năng lực sản xuất bán thành phẩm.
Ngoài ra, theo đại diện Cục Giám sát quản lý, Tổng cục Hải quan, điều kiện áp dụng thuế suất ưu đãi được biệt theo các hiệp định EVFTA và VN-EAEU FTA gồm: hàng hóa thuộc biểu thuế ưu đãi đặc biệt, nhập khẩu từ nước thành viên; vận chuyển trực tiếp từ nước xuất khẩu và đáp ứng các quy định về quy tắc xuất xứ.
Việc kiểm tra xác định xuất xứ hàng xuất khẩu do người khai hải quan tự khai, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Xuất xứ hàng hóa xuất khẩu được xác định dựa trên nội dung khai của người khai hải quan, chứng từ thuộc hồ sơ hải quan và thực tế hàng hóa. Tuy nhiên, khi có nghi vấn về xuất xứ hàng hóa, đề nghị DN giải trình, cung cấp chứng từ liên quan...