Tính chung 10 tháng đầu năm 2016, kim ngạch NK cả nước đạt 140,6 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 57,3 tỷ USD, tăng 2,4%, khu vực DN FDI ước đạt 83,2 tỷ USD, tăng 1,9%. Với tốc độ NK tăng chậm hơn XK nên trong 10 tháng Việt Nam có xuất siêu ước khoảng 3,3 tỷ USD, bằng khoảng 2,4% kim ngạch XK. |
Điểm sáng trong bức tranh XK 10 tháng đầu năm 2016 là sự bứt phá của nhóm hàng nông- thủy sản khi kim ngạch XK 10 tháng ước đạt 18,3 tỷ USD, tăng 7,9%. Đây là mức tăng trưởng khá nếu so với cùng kỳ năm trước (10 tháng năm 2015 XK của nhóm giảm 9,7%), theo đánh giá của Bộ Công Thương.
Dẫn đầu về mức tăng trưởng của nhóm mặt hàng này là rau quả với mức tăng 30% về trị giá, đạt 1,992 tỷ USD. Tiếp đến là XK cà phê đạt 1,518 triệu tấn với kim ngạch 2,758 tỷ USD, tăng gần 40% về lượng và 25,3% về trị giá. Mặt hàng hạt tiêu trong 10 tháng qua đã XK được 1,288 tỷ USD, tăng 35,4% về lượng và 15,1% về trị giá. Mặt hàng hạt điều tuy không tăng trưởng nhiều chỉ 5,8% về lượng và 16,9% về trị giá nhưng đã thu về cho Việt Nam 2,34 tỷ USD. Hàng thủy sản cũng có tăng trưởng nhẹ 6,4% với kim ngạch 5,73 tỷ USD.
Nếu tính chung trong tổng số các mặt hàng thống kê được, thì đây cũng chính là những mặt hàng có mức tăng trưởng cao nhất. Tuy nhiên, XK các mặt hàng nông- thủy sản vẫn gặp khó do các rào cản về kỹ thuật khi XK sang một số thị trường lớn như Nhật Bản, Mỹ...; Trung Quốc liên tục tăng rào cản đối với nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản Việt Nam. Thậm chí, một số mặt hàng không được đưa vào danh mục được phép NK như cá hồi, sắn... nhưng lại tăng mua sản phẩm của các nước khác, khiến XK nông, thủy sản của Việt Nam ảnh hưởng nhiều.
Các sản phẩm thuộc nhóm công nghiêp chế biến vài năm trở lại đây được coi là trụ cột của XK nhưng gần đây XK của nhóm hàng này đã chững lại, 10 tháng XK đạt 115,3 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ, đây là mức tăng trưởng thấp, chưa bằng một nửa so với cùng kỳ năm 2015 (cùng kỳ tăng 17,6%). Trong nhóm, có 16 mặt hàng có kim ngạch XK trên 1 tỷ USD, tuy nhiên, các mặt hàng XK chính như dệt may, giày dép, đồ gỗ... có mức tăng trưởng thấp hơn nhiều so cùng kỳ đã khiến cho kim ngạch XK của nhóm giảm mạnh.
Nguyên nhân là do nhu cầu tiêu dùng giảm, sự cạnh tranh gay gắt của các nước như Campuchia, Lào, Myanmar... Chưa kể, một số nhóm hàng như hóa chất, phân bón, sản phẩm chất dẻo, clanhke và xi măng XK giảm cả về lượng và giá do cầu NK giảm và cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm cùng loại với Trung Quốc. Hơn nữa, các mặt hàng thuộc nhóm do DN FDI sản xuất, XK giảm tốc khi đã tới ngưỡng. Ví dụ, điện thoại các loại và linh kiện chỉ tăng 10,4%, trong khi những năm trước có khi còn tăng tới trên 20%; nhóm sản phẩm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện cũng vậy. Chính điều này đã khiến kim ngạch XK của nhóm giảm sâu.
Giải pháp dù muộn nhưng vẫn cần làm
Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là kết thúc năm 2016 nhưng XK mới chỉ đạt gần 144 tỷ USD. Do vậy, để hoàn thành mục tiêu XK 181 tỷ USD như Quốc hội đề ra từ đầu năm là một nhiệm vụ rất khó khăn đối với Bộ Công Thương. Bởi lẽ, XK mỗi tháng cao nhất cũng chỉ đạt 17 tỷ USD, trong khi muốn đạt mục tiêu XK năm 2016, ít nhất mỗi tháng còn lại cũng phải đạt 18-20 tỷ USD.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, kinh tế Việt Nam trong 10 tháng qua đã có chuyển biến song vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức: Kinh tế thế giới phục hồi chậm chưa vững chắc; tình trạng đầu tư công kém hiệu quả đang diễn ra phổ biến; hoạt động của các DN vẫn còn nhiều khó khăn…, đặc biệt, khả năng đạt mục tiêu kế hoạch tăng trưởng năm 2016 là rất khó. Vì vậy, Bộ Công Thương xác định đi thẳng vào những vấn đề cụ thể để giải quyết những khó khăn vướng mắc của các DN.
Bên cạnh việc đảm bảo nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất như điện, than, Bộ Công Thương cũng chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan theo dõi tình hình triển khai thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy XK những tháng cuối năm đã được Bộ Công Thương tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 6907/BCT-CNK ngày 27-7-2016. Theo đó, Bộ Công Thương đang tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, XK của DN như: Bãi bỏ Thông tư 37/2015/TT-BCT về kiểm tra hàm lượng formaldehyt trong sản phẩm dệt may, sửa đổi quy định liên quan đến dán nhãn năng lượng, quy định về hóa chất…, cải cách thủ tục hành chính để giảm bớt phiền hà cho DN.
Cùng với đó, các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu cho từng ngành hàng XK lớn như thủy sản, rau quả, gạo, gỗ và sản phẩm gỗ, dệt may, da giày, sắn và các sản phẩm từ sắn… đang được tiến hành. Cụ thể, với mặt hàng thủy sản, tiếp tục theo dõi sát và vận động Hạ viện Mỹ thông qua Nghị quyết hủy bỏ Chương trình giám sát cá da trơn; đôn đốc AQSIQ thực hiện các biện pháp đã trao đổi tại buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương với Tổng cục trưởng AQSIQ nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong XK thủy sản. Đối với mặt hàng rau quả- nhóm hàng XK mới nổi của Việt Nam, tập trung tháo gỡ rào cản kỹ thuật, đẩy nhanh tốc độ xem xét các báo cáo phân tích nguy cơ dịch hại và quy định kiểm dịch thực vật (PRA) để mở cửa XK chính thức một số loại trái cây, cụ thể tại Trung Quốc (bưởi da xanh, sầu riêng, măng cụt, roi), tại Đài Loan (xoài, nhãn, bưởi, chôm chôm); tại Nhật Bản (thanh long ruột đỏ, vải thiều); Hàn Quốc (vú sữa, nhãn, vải, chôm chôm); tại Australia (thanh long); tại Mỹ (xoài, vú sữa).
Có thể thấy, dù các giải pháp được đặt ra rất nhiều nhưng mục tiêu XK khó có khả năng hoàn thành. Song những giải pháp này vẫn cần tiếp tục thực hiện để làm bàn đạp tiếp sức cho niên vụ XK 2017 tới.
theobaohaiquan