Theo thống kê sơ bộ vừa được Tổng cục Hải quan công bố, hết tháng 5, cả nước chi tới gần 19 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc.
Mặc dù con số trên có giảm hơn 750 triệu USD so với cùng kỳ năm 2015, song Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của nước ta, với tỷ trọng chiếm gần 29% tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu cả nước (cả nước nhập khẩu 65,8 tỷ USD).
Trong số hàng chục nhóm hàng hóa nhập khẩu chính từ Trung Quốc được cơ quan Hải quan thống kê có 5 nhóm hàng đạt giá trị từ 1 tỷ USD.
Đứng đầu là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng với trị giá kim ngạch gần 3,4 tỷ USD. Tiếp theo là điện thoại các loại và linh kiện đạt gần 2,5 tỷ USD; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày gần 2,2 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện gần 2,1 tỷ USD; sắt thép hơn 1,6 tỷ USD.
Ở chiều ngược lại, cùng thời điểm trên nước ta mới xuất khẩu được lượng hàng hóa trị giá gần 7,5 tỷ USD vào thị trường Trung Quốc. Trong đó mới có một mặt hàng đạt trị giá 1 tỷ USD trở lên là điện thoại và linh kiện (đạt hơn 1,1 tỷ USD).
Năm 2015, nước ta đã nhập khẩu lượng hàng hóa từ Trung Quốc đạt trị giá gần 49,5 tỷ USD, trong khi xuất khẩu của Việt Nam sang quốc gia này chỉ đạt 17,1 tỷ USD, đồng nghĩa với việc nước ta nhập siêu tới 32,4 tỷ USD.
Theo dõi hoạt động nhập khẩu từ Trung Quốc những năm gần đây cho thấy, kết quả nhập khẩu những tháng vừa qua có dấu hiệu chững lại so với quy luật.
Cụ thể, mức nhập khẩu từ Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2016 chỉ là 3,8 tỷ USD/tháng.
Trong khi năm 2015 trung bình 4,125 tỷ USD/tháng; năm 2014 nhập 43,7 tỷ USD (trung bình 3,64 tỷ USD/tháng); 2013 nhập 36,9 tỷ USD (trung bình 3,07 tỷ USD/tháng); năm 2012 nhập 28,8 tỷ USD (trung bình 2,4 tỷ USD/tháng).
theo baohaiquan