Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng phát biểu tại Hội thảo
Hiện nay, Việt Nam đang phát triển nền kinh tế tuyến tính, hàng hóa sau khi sử dụng sẽ bị thải bỏ, trong khi nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, nước ngọt khan hiếm, nhiên liệu hóa thạch có hạn và chi phí các DN, Chính phủ, xã hội gánh chịu ngày càng nặng nề hơn. Vì vậy, chúng ta cần thay đổi hành vi, chuyển sang mô hình tiêu dùng bền vững và khái niệm về một nền kinh tế mới - nền KTTH đang nhận được sự ủng hộ từ phía Chính phủ, tổ chức, nhà kinh tế và các Tập đoàn lớn trên thế giới. Đây là mô hình tăng trưởng kinh tế lấy việc tái sử dụng tuần hoàn nguồn nguyên liệu làm trọng tâm, giảm tiêu hao nguyên liệu, nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm tối đa ảnh hưởng môi trường. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả nền KTTH, cần có sự đồng thuận của Nhà nước, nhân dân và cộng đồng DN, bởi nguyên lý của nền KTTH vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Quá trình biến nhận thức về 3R (Giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng) thành hành vi và hành động cần nhiều thời gian, hơn nữa, quá trình xây dựng nền KTTH cần có công nghệ và khả năng đổi mới nhằm tái sử dụng các nguồn lực hiệu quả.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thế Đồng cho rằng, sự quan tâm, chủ động tìm hiểu của DN về đổi mới phương thức kinh doanh thông qua nhiều hình thức khác nhau và việc tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật về BVMT sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với việc gia tăng năng suất lao động, tăng khả năng cạnh tranh, góp phần củng cố hình ảnh và vị thế của DN trên thị trường. Với chủ đề “Nền KTTH: Hướng tiếp cận mới nâng cao sức cạnh tranh, giảm chất thải ra môi trường”, Hội thảo do VCCI tổ chức có ý nghĩa thiết thực, là diễn đàn để các DN, nhà quản lý, khoa học trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc giảm thiểu chất thải, gia tăng tái sử dụng và tái chế chất thải, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
Theo ông Sebastian Egerton-Read, Điều phối viên, Quỹ Ellen MacArthur, có 4 trụ cột nền tảng trong nền KTTH mà các DN cần phải xác định trước khi triển khai thực hiện. Đó là thiết kế và sản xuất tuần hoàn; Các mô hình kinh doanh mới; Xác định chu kỳ ngược và đánh giá được tác nhân hỗ trợ, cũng như các điều kiện thuận lợi để triển khai chu trình khép kín này. Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi thành hành vi, hành động để thúc đẩy nền KTTH cũng đòi hỏi có nhiều thời gian, vì đây là quá trình cần có sự đầu tư về công nghệ và năng lực đổi mới của các DN, trong khi 95% trên tổng số hơn 500.000 DN Việt Nam hiện nay có quy mô nhỏ và vừa, thường là thiếu vốn, hạn chế về nguồn nhân lực cũng như chậm đổi mới để thích ứng với yêu cầu phát triển.
Toàn cảnh Hội thảo
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng thư ký VCCI nhấn mạnh, lợi ích lớn nhất khi thúc đẩy nền KTTH là các nguồn lực được sử dụng hiệu quả, góp phần BVMT và thúc đẩy sự phát triển bền vững với chiến lược dài hạn mà Chính phủ đang coi trọng, nhằm loại bỏ tư duy trong kinh doanh như sản xuất - sử dụng và loại bỏ. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả nền KTTH, không chỉ đòi hỏi sự đồng thuận, mà còn phải có những cơ chế, chính sách khuyến khích các hoạt động có lợi cho xã hội, cũng như các chế tài xử phạt những hành vi vi phạm hay gây hại cho môi trường và con người.
Các đại biểu tham dự Hội thảo đã trao đổi, thảo luận, làm rõ bản chất, vai trò của nền KTTH trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế; Đánh giá thực trạng hoạt động tái chế, tái sử dụng chất thải ở Việt Nam và chỉ ra những cơ hội, thách thức đặt ra trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm thiểu tối đa việc phát sinh chất thải trong chu trình sản xuất; Đề xuất những giải pháp thúc đẩy phát triển KTTH nhằm nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, giảm thiểu chất thải ra môi trường trong thời gian tới.
theo tapchimoitruong.vn