Cổng thông tin điện tử

Ngành da giày túi xách việt nam

  • CÁC QUY ĐỊNH, TIÊU CHUẨN VỀ AN TOÀN ĐỐI VỚI NGUYÊN VẬT LIỆU VÀ SẢN PHẨM DA GIẦY CỦA EU
  • 29/06/2016

 - HÀNG RÀO KỸ THUẬT (TBT) CỦA EU -

CÁC QUY ĐỊNH, TIÊU CHUẨN VỀ AN TOÀN ĐỐI VỚI NGUYÊN VẬT LIỆU VÀ SẢN PHẨM DA GIẦY CỦA EU

1. GIỚI THIỆU

Tại EU các hình thức văn bản pháp lý cao nhất về tiêu chuẩn kỹ thuật là Luật (laws) và Nghị định (dcrees) do Quốc hội EC phê chuẩn. Tiếp theo là các Quy chuẩn/Quy định (Regulations) áp dụng trực tiếp và tự động trở thành một phần của bộ luật quốc gia tại các nước thành viên EU.

Chỉ thị (Directive) - là các thông tư hướng dẫn thực hiện luật, là công cụ để hài hòa hóa các tiêu chuẩn có tính pháp lý khác nhau giữa các quốc gia thành viên EU và trực tiếp áp đặt cho các nhà sản xuất và công ty thương mại hoặc các nhà nhập khẩu tại EU sau khi được chuyển thành các quy định quốc gia của các nước thành viên EU. Các Nước thành viên EU có thể phát triển các Chỉ thị bổ sung, thường là chặt chẽ hơn so với Directive của EU.

Tiêu chuẩn (standards) – là các Tiêu chuẩn quy định cụ thể về các yêu cầu đối với một sản phẩm (tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn môi trường, tiêu chuẩn lao động…) áp dụng chung cho từng loại sản phẩm, do EC ban hành áp dụng chung cho các Nước Thành viên EU.

Các yêu cầu (requirements), các tiêu chuẩn liên quan đến an toàn, bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên… áp dụng đối với các sản phẩm tiêu thụ tại thị trường EU. Các doanh nghiệp, hãng bán lẻ tại EU cũng có thể đưa ra các yêu cầu của mình đối với sản phẩm do doanh nghiêp sản xuất hay đặt hàng sản xuất, nhưng không được thấp hơn các tiêu chuẩn do EC ban hành. Các “yêu cầu” cũng thường được các nước EU sử dụng tạo thành các rào cản kỹ thuật trong thương mai (TBT) nhằm hạn chế nhập khẩu, bảo hộ sản xuất tại các nước thành viên EU.

Hầu hết các quy định về an toàn sản phẩm của các nước là áp dụng trực tiếp đối với các nhà nhập khẩu và phân phối, họ phải chịu trách nhiệm về sản phẩm mà mình nhập khẩu và đưa ra lưu thông trên thị trường. Do vậy nhà nhập khẩu phải yêu cầu các nhà cung cấp nước ngoài đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định tại thị trường nhập khẩu, thông qua các điều khoản ràng buộc trách nhiệm trong hợp đồng nhập khẩu.

2. CÁC TIÊU CHUẨN, QUY ĐỊNH AN TOÀN TIÊU DÙNG CỦA EU ĐỐI VỚI DA GIẦY NHẬP KHẨU VÀO EU

2.1. Các quy định chung:

Các tiêu chuẩn, quy định về an toàn sản phẩm tiêu dùng của EU chủ yếu liên quan tới các vấn đề bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng và bảo vệ môi trường, gồm các quy định bắt buộc và các quy định tự nguyện:

+ Các quy định bắt buộc:  Cấm hoặc hạn chế sử dụng các chất/ hóa chất nghi là có hại cho sức khỏe con người trong thành phần sản phẩm (hóa chất sử dụng trong quá trình sản xuất).

+ Các quy định tự nguyện: Các quy định về thiết kế, ghi nhãn mác, tiêu chuẩn thân thiện môi trường, nhãn sinh thái. Các tiêu chuẩn ISO, Tieu chuẩn tư nhân…

EU có những quy định pháp lý và hướng dẫn chung đối với một số nhóm sản phẩm có rủi ro tiềm tàng, nhưng không có quy định cụ thể về các yêu cầu cần tuân thủ cho từng nhóm sản phẩm nên các doanh nghiệp xuất khẩu sản phảm vào EU phải tự cập nhật các yêu cầu của EU liên quan đến sản phẩm.

Hiên nay thuế nhập khẩu hàng hóa vào EU đang giảm dần theo các Hiệp đinh FTA. Nhiều nước đang phát triển cũng được EU cho hưởng ưu đãi thuế quan theo GSP, vì vậy EU sử dụng hàng rào kỹ thuật là biện pháp chủ yếu để bảo vệ vệ người tiêu dùng và bảo hộ sản xuất tại các nước thành viên EU. Ngoài việc phải vượt qua hàng rào kỹ thuật chung của EU, các nhà xuất khẩu nước ngoài còn phải vượt qua những rào cản riêng của các nước thành viên EU, các tiêu chuẩn kỹ thuật ngành, các tiêu chuẩn và yêu cầu của hệ thống kinh doanh phân phối, bán lẻ tại nước nhập khẩu.

2.2. Quy định an toàn hóa chất của EU đối với da thuộc

2.2.1. Quy chuẩn REACH:

EU không có quy định pháp lý cụ thể nào về da và da thuộc. Tuy nhiên, sản phẩm thuộc da có thể được điều chỉnh bởi các quy định chung về bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, bao gồm các quy định về việc kinh doanh và sử dụng các chất/hóa chất nguy hại và quy định về sản phẩm làm từ động vật khi nhập khẩu vào EU. Trong đó quan trọng nhất là Quy chuẩn (EC) 1907/2006 (Regulation 1907/2006) ban hành ngày 18/12/2006, quy định hạn chế sử dụng một số hóa chất trong quá trình sản xuất và dư lượng tối đa cho phép trong thành phẩm, còn gọi là Quy chuẩn REACH).

Quy chuẩn REACH đặc biệt tác động đến ngành thuộc da, vì hệ thống báo cáo Đánh giá an toàn hóa chất (chemical safety assessment - CSA) yêu cầu phải đánh giá các đặc thù và tính năng có thể phơi nhiễm của hóa chất, là tài liệu không thể thiếu trong hồ sơ đăng ký. Ví dụ như các tính năng liên quan đến nước thải, cần đưa ra các biện pháp để giảm thải ra môi trường khi hàm lượng có thể gây ô nhiễm môi trường vượt trên mức vô hại.

            Đối với một số chất phụ gia dùng trong chế biến da thuộc, Báo cáo đánh gía an toàn hóa chất yêu cầu mô tả đặc thù các chất có nguy cơ gây ô nhiễm, bao gồm tác động nguy hại đến sức khỏe con người tại nơi làm việc (còn gọi là “các yếu tố an toàn nghề nghiệp”) và một số chất hỗn hợp được cho là sẽ tồn dư trong hoặc trên sản phẩm da hoàn thiện có nguy cơ gây hại khi sản phẩm đó được người tiêu dùng sử dụng. Do đó, việc mô tả đặc thù và nguy cơ gây hại của các thành phần liên quan bắt buộc phải là một phần của báo cáo đánh giá an toàn hóa chất, cùng với các nội dung khác mô tả tác động có hại đến sức khỏe con người (còn gọi là “các yếu tố bảo vệ người tiêu dùng”).

Quy định REACH còn áp dụng cho da và sản phẩm da liên quan đến các chất: nickel trong phụ kiện kim loại của giầy và đồ trang trí; chất nhuộm azo trong sản phẩm da; cadmium (còn gọi là carcinogen), trong một số đồ da và đồ phụ kiện bằng da.

2.2.2.   Các quy định khác có thể liên quan đến sản phẩm da nhập vào EU:

-  Chỉ thị 2003/53/EC của Nghị viện và Hội đồng châu Âu (sửa đổi Chỉ thị 76/769/EEC) về việc hạn chế kinh doanh và sử dụng một số chất và hợp chất hóa học nguy hiểm (nonylphenol, nonylphenol ethoxylate (NPEs) là những hóa chất có ảnh hưởng đến tuyến nội tiết nếu sử dụng trong các sản phẩm dệt may, da giầy.

- Chỉ thị 2000/29/EC về các biện pháp ngăn chặn việc đưa vào EU các chất hữu cơ có hại đến thực vật và sản phẩm thực vật, đồng thời chống lại việc lây lan các chất đó trên lãnh thổ EU. Cụ thể là quy định về chất liệu bao bì gỗ sử dụng trong vận chuyển, ngăn ngừa ảnh hưởng đến da và sản phẩm da vì chúng được đóng gói hoặc hỗ trợ bằng các chất liệu gỗ này. Vật liệu bao bì gỗ sử dụng trong vận chuyển cần tuân thủ một số quy định ngăn ngừa việc thâm nhập các loại sâu bệnh vào EU, và chủ yếu liên quan đến việc bóc vỏ gỗ (chất liệu gỗ phải không chứa vỏ cây), xử lý gỗ (bằng một trong những phương pháp được EU cho phép) và đóng dấu (tất cả các chất liệu bao bì gỗ phải có dấu chứng nhận tuân thủ quy định của EU);  

- CITES - Công ước về Thương mại quốc tế về các loài động - thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng (Convention on International Trade in Endangered Species of Wild Fauna and Flora) điều chỉnh các hoạt động thương mại đối với động, thực vật đang có nguy cơ tuyệt chủng và các sản phẩm đi kèm (như da và các bộ phận khác của động vật có nguye cơ tuyệt chủng). Quy định CITES thường được gọi là “Quy định về thương mại động - thực vật hoang dã”. Để thực thi CITES, EU có: Quy định số 338/97 đưa ra danh mục chi tiết các loài động-thực vật cấm hoặc hạn chế giao dịch thương mại, kể cả da và các bộ phận của chúng; Quy định số 865/2006 đưa ra các quy tắc cụ thể triển khai Quy định số 338/97, trong đó quy định chi tiết thủ tục hành chính và kỹ thuật để quản lý việc buôn bán các loài có nguy cơ tuyệt chủng.

- Quyết định số 2009/251/EC ngày 17/3/2009 của Ủy ban EC yêu cầu các nước thành viên đảm bảo sản phẩm chứa dimethylfumarate bi-ô-xít không được đưa vào thị trường có nội dung cấm dimethylfumarate (DMF), một hóa chất dùng trong bao bì sản phẩm để tránh làm hư hại vải và da khi để trong môi trường ẩm ướt. Khi bốc hơi, chất này ngấm vào hàng hóa và có thể thâm nhập vào da của người sử dụng, gây ra các vấn đề về sức khỏe;

- Chỉ thị 94/11/EC về việc hài hòa hóa các luật, quy định và thủ tục hành chính của các nước thành viên liên quan đến các yêu cầu về ghi nhãn nguyên liệu sử dụng trong các phần chính của giày dép, không chỉ đối với nguyên liệu da mà cả bằng chất liệu khác. Chỉ thị quy định nhãn mác phải đảm bảo tính xác thực của thông tin về nguyên liệu da dùng để làm giày dép. Đặc biệt, quy định bắt buộc truyền tải thông tin qua các hình vẽ biểu tượng (hình vẽ tấm da bò) đơn giản và dễ nhận biết.

- Quy định số 142/2011 của EU ngày 25/02/2011 để triển khai Quy định số 1069/2009 “về các quy tắc y tế đối với các phụ phẩm và sản phẩm có nguồn gốc từ động vật không dùng cho người” và thực thi Chỉ thị số 97/78/EC (Điều 16 (1) (e) và (e)) của Hội đồng Châu Âu “về các mẫu và các mặt hàng được miễn kiểm tra thú y tại biên giới EU”. Các quy định mới này thay thế cho Quy định số 1774/2002 của EU – có thể áp dụng đối với da dùng làm nguyên liệu thô có xuất xứ từ động vật không phải là vật nuôi trong chuỗi thức ăn cho con người, trong đó có các quy tắc về sức khỏe liên quan đến sản phẩm làm từ động vật không vì mục đích tiêu dùng của con người.

2.3. Các quy định về an toàn của EU đối với sản phẩm giầy dép

Các quy đinh an toàn/hay hàng rào kỹ thuật của EU đối với giày dép chủ yếu liên quan đến vật liệu sử dụng vàyêu cầu nhãn hàng hóa. EU không có quy định pháp lý cụ thể nào cho giày dép. Tuy nhiên, sản phẩm giầy dép được điều chỉnh bởi các quy định về an toàn, sức khỏe, bảo vệ môi trường và bảo vệ người tiêu dùng, như sử dụng hóa chất, các chất nguy hiểm và sản phẩm làm từ động vật.

 

2.3.1. Một số quy định an toàn phổ biến đối với giầy dép tại EU

 

(1). Điều kiện Chung về An toàn Sản phẩm

(General Product Safety Directive - GSPD) (Sửa đổi lần cuối 01/06/2015)

Các sản phẩm lưu thông trên thị trường và tiêu thụ tại EU, kể cả các sản phẩm để thực hiện các dịch vụ, trừ đồ đã qua sử dụng có giá trị như đồ cổ hay sản phẩm nhập khẩu để sửa chữa, phải phù hợp với các quy định tại Điều kiện Chung về An toàn Sản phẩm (GPSD) Directive 2001/95/EC của Quốc hội châu Âu và quy định (OJ L-11 15/01/2002) (CELEX 32001L0095) của EC, để bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của người tiêu dùng.

GPSD thiết lập các điều khoản chung về các vấn đề sau:

a. Yêu cầu chung về an toàn sản phẩm

Nhà sản xuất chỉ được bán các sản phẩm đảm bảo an toàn. Nếu là nhà sản xuất ở ngoài khối EU, thì người đại diện tại EU của nhà sản xuất, hoặc nhà nhập khẩu sản phẩm đó sẽ phải chịu trách nhiệm về sự an toàn của sản phẩm. Sản phẩm an toàn là sản phẩm không tạo ra những mối nguy hại, kể cả nhỏ nhất, do việc sử dụng sản phẩm đó gây ra và được chấp nhận lưu thông nếu đảm bảo mức độ an toàn cao và bảo vệ sức khỏe cho người sử dụng, theo các nội dung:

-          Các tính chất của sản phẩm, kể cả linh kiện tạo thành phần sản phẩm, bao bì đóng gói, hướng dẫn lắp ráp, lắp đặt và bảo trì sản phẩm;

-          Tác động của sản phẩm này đối với các sản phẩm khác mà nó cùng sử dụng;

-          Việc giới thiệu sản phẩm, ghi nhãn mác, ghi chú cảnh báo và hướng dẫn sử dụng và bất cứ chỉ dẫn hoặc thông tin  khác về sản phẩm;

-          Lưu ý các tầng lớp người tiêu dùng có thể gặp rủi ro khi sử dụng sản phẩm, đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi.

GPSD thiết lập các quy định hợp chuẩn nhằm xác định sự phù hợp với các yêu cầu về an toàn chung, trong đó các tiêu chuẩn châu âu European Standards (CEN) được sử dụng để xác định sự phù hợp của sản phẩm với các quy định về an toàn của EU.

b. Trách nhiệm bổ sung đối với nhà sản xuất và phân phối

Ngoài các yêu cầu cơ bản về việc chỉ được lưu thông sản phẩm an toàn trên thị trường, các nhà sản xuất phải thông báo cho người tiêu dùng về những rủi ro liên quan tới các sản phẩm mà họ đang cung cấp, mặc dù không dễ thấy. Nhà sản xuất phải có các biện pháp để thông tin cho người tiêu dùng về rủi ro khi sử dụng sản phẩm và có các biện pháp phù hợp để ngăn chặn các rủi ro này (ví dụ như ngừng lưu thông sản phẩm trên thị trường, cảnh báo người tiêu dùng, thu hồi các sản phẩm đã đưa vào lưu thông trên thị trường…). 

Trách nhiệm của nhà sản xuất được áp dụng đối với mọi công đoạn trong chuỗi cung ứng có ảnh hưởng tới các tính chất an toàn của sản phẩm. Nhà sản xuất có nghĩa vụ giám sát sự an toàn của sản phẩm và cung cấp các tài liệu để có thể truy tìm sản phẩm đang được người mua sử dụng.

Các nhà sản xuất hoặc nhà phân phối không được cung cấp các sản phẩm mà họ biết là có, hoặc có thể giả định được về sự nguy hại khi sử dụng sản phẩm. Nếu phát hiện sản phẩm có thể gây nguy hại, nhà sản xuất phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyền của nước thành viên EU nơi sản phẩm đang được tiêu thụ và nếu cần, phải hợp tác với cơ quan có thẩm quyền để có hành động ngay tránh các nguy hiểm của sản phẩm đối với người tiêu dùng.

c. Giám sát thị trường

Các cơ quan có thẩm quyền của nước thành viên EU được giao nhiệm vụ kiểm tra sản phẩm để đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn. Các Cơ quan này sẽ có các biện pháp thích hợp để ban hành các quy định hạn chế thị trường, yêu cầu hủy bỏ hoặc thu hồi sản phẩm khi có đầy đủ chứng cơ về bất kỳ mối nguy hại nào.

GPSD của EU cũng thiết lập một hệ thống trao đổi thông tin nhanh (RAPEX-system) giữa các cơ quan có thẩm quyền của các Nước Thành viên EU và với Ủy Ban châu Âu về việc đưa ra các biện pháp phòng tránh, hạn chế hoặc áp đặt các điều kiện đối với thị trường khi thấy việc lưu thông, sử dụng sản phẩm là có thể gây ra nguy hại.

 

Các nguồn thông tin về GPSD:

§  Summaries of legislation on General Product Safety: http://ec.europa.eu/consumers/consumers_safety/product_safety_legislation/general_product_safety_directive/index_en.htm

§  Summary list of titles and references harmonised standards related to general product safety can be found in Directorate General for Internal Market, Industry, Entrepreneurship and SMEs website: http://ec.europa.eu/growth/single-market/european-standards/harmonised-standards/general-product-safety/index_en.htm

§  Further information on RAPEX-system, including the notifications of measures adopted by Member States and the list of contact points: http://ec.europa.eu/consumers/consumers_safety/safety_products/rapex/index_en.htm

(2). Quy định về các hóa chất hạn chế sử dụng trong sản phẩm dệt may và da giầy (Quy Chuẩn REACH)

(Restriction on the use of certain chemical substances in textile and leather products - Sửa đổi lần cuối 1/6/2015)

Các chất sau bị cấm hoặc bị hạn chế chặt chẽ việc sử dụng để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ môi trường, theo các quy định tại Annex XVII của Quy chuẩn REACH:

Tris (2,3 dibromopropyl) phosphate: - đối với các sản phẩm dệt sẽ tiếp xúc với da người;

Tris (aziridinyl) phosphinoxide: - đối với các sản phẩm dệt sẽ tiếp xúc với da người;

Polybrominated biphenyls (PBB): - đối với các sản phẩm dệt sẽ tiếp xúc với da người;

Mercury compounds: - đối với các sản phẩm dệt dùng cho người mang thai sản

Dioctyltin (DOT) compounds– đối với các sản phẩm dệt, giầy dép hoặc bộ phận của giầy dép sẽ tiếp xúc với da người;

Nickel: - đối với các sản phẩm sẽ tiếp xúc trực tiếp và lâu với da người, như các đinh, vít, khóa kéo, miếng thép ghi nhãn mác sử dụng khi may quần áo, làm giầy dép

Azodyes: - có thể phát tán một hoặc nhiều loại amin thơm ghi trong danh mục Appendix 8, trong quần áo và đồ da sẽ tiếp xúc trực tiếp và lâu với da hoặc vòm họng.

Nonylphenol and nonylphenol ethoxylates: -sử dụng trong dệt vải, thuộc da.

Tất cả các nhà sản xuất và nhà nhập khẩu sản phẩm có chứa các hóa chất phải phân biệt và xử lý rủi ro liên kết với các chất được sản xuất và tiêu thụ tại EU. Cơ quan Quản lý Hóa chất châu Âu (ECHA) chịu trách nhiệm điều chỉnh và quản lý việc đăng ký, đánh giá, cấp phép và thực thi quy trình hạn chế các hóa chất đảm bảo sự quản lý liên tục các hóa chất tại EU.

 

Thông tin cơ bản về Quy chuẩn REACH:

Quy chuẩn REACH có các quy định bắt buộc về nghĩa vụ của nhà sản xuất giầy trong mối liên quan với da, vải và các công đoạn trong sản xuất giày, cũng như các quy tắc đảm bảo việc xử lý hóa chất quy mô công nghiệp không gây hại đến sức khỏe con người và môi trường. Các nhà sản xuất cần hiểu rõ về các quy trình sản xuất có sử dụng Nonyl Phenols (NP) và Nonyl Phenol Ethoxylates (NPEs) trong vải và da khi được dùng làm chất hoạt động bề mặt hoặc chất tẩy rửa trong sản xuất giày. Quy định REACH liên quan đến các sản phẩm giày dép có sử dụng da và vải vì nó còn điều chỉnh việc sử dụng các loại hóa chất như nickel, thuốc nhuộm azo, hay cadmium (còn gọi là carcin-ogen) trong sản phẩm giày dép và các bộ phận giày dép.

REACH yêu cầu đăng ký các hóa chất được sản xuất hay nhập khẩu vào EU đối với từng loại hóa chất và từng nhà sản xuất/nhà nhập khẩu với số lượng trên 1 MT (tấn)/năm. Việc thực hiện đăng ký đối với hóa chất trong các chế phẩm (còn gọi là hỗn hợp “mixtures”) và, trong một số điều kiện, đối với hàng hóa (thành phẩm) có chứa hóa chất.

REACH quy định trách nhiệm đăng ký thuộc về Nhà sản xuất hay Nhà nhập khẩu ở tại EU. Các công ty ngoài-EU hoặc công ty tại EU có thể chỉ định một “đại diện duy nhất” để thay mặt cho công ty đứng tên đăng ký. Việc đăng ký được thực hiện với Cơ quan Hóa chất Châu Âu (European Chemical Agency (ECHA), qua website của IUCLID (http://iuclid.eu/).

Các hóa chất được miễn đăng ký theo quy định REACH:

- Hóa chất nhập khẩu vào EU hoặc sản xuất tại EU với số lượng dưới 1 MT;

- Hóa chất sử dụng trong nghiên cứu và phát triển;

- Chất thải;

- Hóa chất sử dụng trong các ngành có các quy định riêng của EU, như các dược phẩm và thực phẩm;

- Thuốc trừ sâu và các chất vi sinh;

- Các chất polymer (tuy nhiên, các đơn chất monomer trong thành phần polimer sẽ phải đăng ký);

-Các công ty đã thông báo viêc đăng ký theo các quy định trước đó của EU (như theo Directive 67/548/EEC).

 

Phụ lục IV và V của Quy chuẩn REACH liệt kê các hóa chất không phải đăng ký, gồm: các khoáng chất, quặng, clinker sản xuất xi măng, dầu mỏ thô, than đá và coke, với điều kiện là chúng chưa bị biến đổi thành phần hóa chất.

Sau khi hoàn tất thủ tục đăng ký, hóa chất được ECHA và các cơ quan liên quan đánh giá, trên cơ sở đó ECHA sẽ “cấp phép sử dụng” hay đưa vào danh sách các hóa chất bị “hạn chế sử dụng” tại EU:

 

(a)   Hóa chất được cấp phép sử dụng:

Các hóa chất sản xuất tại EU hoặc nhập khẩu vào EU, nếu thuộc diện “hóa chất có mức quan ngại rất cao” (substance of very high concern – SVHC), sẽ phải xin cấp phép sử dụng (use-authorization). Mục đích cấp phép là để đảm bảo sự kiểm soát phù hợp và theo dõi quá trình thay thế việc sử dụng các hóa chất này. Quy trình cấp phép độc lập với quy trình đăng ký và đánh giá và được áp dụng đối với các hóa chất mà ECHA xác định là chất SVHC và chỉ cấp phép theo mục đích sử dụng. Theo Quy định của REACH việc cấp phép là tự động đối với các chất có số lượng sản xuất và nhập khẩu dưới 1 tấn/năm.

Công ty làm đơn đề nghị cấp phép sử dụng hóa chất cần chứng minh rằng rủi ro mà các chất này mang lại sẽ được kiểm soát tốt hoặc lợi ích kinh tế và xã hội từ việc sử dụng các chất này cao hơn rủi ro và việc sử dụng hóa chất này là an toàn đối với người tiêu dùng và môi trường. 

            Danh sách các chất SVHC được công bố từ tháng 1/2009 và cập nhật 6 tháng một lần. Các doanh nghiệp muốn biết các hóa chất nào cần phải xin cấp phép có thể tìm trong:

- Bảng “candidate list” (là danh mục “các hóa chất ứng cử” mà EU có thể xem xét xem có cần xin phép sử dụng không) tại:

  http://echa.europa.eu/web/guest/candidate-list-table,

- Bảng “hóa chất phải xin cấp phép sử dụng “authorization list” (REACH Annex XIV): http://echa.europa.eu/web/guest/addressing-chemicals-of-concern/authorisation/recommendation-for-inclusion-in-the-authorisation-list/previous-recommendations.

Doanh nghiệp xin cấp phép sử dụng có thể tìm thêm thông tin trên website:

http://echa.europa.eu/web/guest/regulations/reach/authorisation/applications-for-authorisation

Nhà nhập khẩu hàng hóa có chứa hóa chất trong bảng “Candidate List” trong thành phần sản phẩm có trách nhiệm pháp lý và phải thông báo cho ECHA và cung cấp thông tin về an toàn sử dụng (guidance on substances in articles): http://echa.europa.eu/documents/10162/13632/articles_en.pdf

(b)   Hóa chất bị hạn chế (cấm) sử dụng:

            Các quy định hạn chế sử dụng đang có hiệu lực trên toàn lãnh thổ khối EU thực hiện theo Directive 76/769/EEC đối với việc bán và sử dụng các chất và các chế phẩm nguy hiểm, đã được đưa toàn bộ vào Phụ lục 17 (Annex XVII) của REACH. Các chất liệt kê trong Phụ lục 17 sẽ không được sản xuất, tiêu thụ hoặc sử dụng tại EU, trừ khi chúng tuân thủ với các điều kiện hạn chế chất đó.

Điều khoản “hạn chế sử dụng” là biện pháp của EC để quản lý việc sử dụng hóa chất nguy hại lưu thông trên thị trường EU. Bất cứ loại hóa chất nào, dù trong trạng thái lưu chứa hay có trong thành phẩm cuối cùng đều có thể bị hạn chế sử dụng trên toàn bộ lãnh thổ các nước EU để giới hạn, cấm sản xuất hoặc sử dụng.

Phụ lục 17 (Annex XVII) của REACH, có thể tìm trên ECHA website: http://ec.europa.eu/enterprise/sectors/chemicals/reach/restrictions/index_en.htm

Thông tin thêm về Quy chuẩn REACH có thể tìm tại website của ECHA:

-Tài liệu hướng dẫn của ECHA:   http://echa.europa.eu/support/guidance

-Phần hỏi/đáp trên website của ECHA: http://echa.europa.eu/web/guest/support/faqs/frequently-asked-questions/frequently-asked-questions-about-reach

-Hoặc gửi các câu hỏi trực tiếp cho ECHA: http://echa.europa.eu/contact/helpdesk-contact-form

Toàn văn Quy định REACH và các quy định sửa đổi có thể tìm trên:

http://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/?uri=CELEX:02006R1907-20150601

 DOWNLOAD

Tin tức liên quan