ĐỐI VỚI GIẦY DÉP NHẬP KHẨU VÀO EU
- Quy định (EU) số 1007/2011(Regulation (EU) No 1007/2011) ngày 27/9/2011 (thay thế các Chỉ thị 96/74/EC; 96/73/EC và 73/44/EEC; 2008/121/EC), về tên các loại sợi dệt và ghi nhãn mác liên quan đến thành phần sợi có trong các sản phẩm dệt may và giầy vải.
Theo quy định này, sản phẩm dệt may và giầy vải phải có nhãn ghi thông tin về thành phần sợi, sử dụng những tên sợi đã được hài hòa hóa. Quy định này cũng áp dụng cho nguyên liệu da, nhưng không áp dụng cho các sản phẩm thuê gia công tại nhà. Sản phẩm vải dệt bắt buộc phải sử dụng tên sợi được liệt kê trong Phụ lục I của Quy định (ví dụ, cashmere, cotton, tơ tằm, len, vv…). Nếu sử dụng tên/định danh mới, các thông tin về thành phần sợi phải được ghi trên nhãn mác có chất liệu bền, dễ đọc, in mực không phai, dễ nhận biết. Nhãn phải được trình bày bằng một hoặc nhiều thứ tiếng của các nước thành viên châu Âu, nơi sản phẩm sẽ được bán. Đối với sản phẩm buôn bán qua trung gian (không dành cho người sử dụng sau cùng), nhãn mác có thể được thay bằng chứng từ thương mại đi kèm. Sản phẩm dệt may làm từ vải dệt nhiều loại sợi khác nhau phải được ghi nhãn bằng tên và tỷ trọng của tất cả các loại sợi cấu thành đó, theo thứ tự giảm dần. Các thuật ngữ “100%”, “nguyên chất” hoặc “toàn phần” chỉ giới hạn sử dụng cho các sản phẩm làm bằng một loại sợi duy nhất. Các thành phần không dệt trên sản phẩm may có nguồn gốc từ động vật cũng phải được khai báo đúng trên nhãn.
Doanh nghiệp đưa sản phẩm giầy dép vải ra thị trường sẽ chịu trách nhiệm về nhãn mác. Mô tả thành phần sợi dệt phải được thể hiện trên catalogue, chứng từ thương mại và trên bao bì sản phẩm. Khi bán hàng trực tuyến, các thông tin này cũng phải hiển thị. Việc kiểm tra tính hợp chuẩn hợp quy của thành phần sợi dùng trong sản phẩm vải dệt thuộc trách nhiệm của các cơ quan quản lý thị trường.
- Chỉ thị 94/11/EC của Nghị viện và Hội đồng EC, về việc hài hòa hóa các luật, quy định và thủ tục hành chính của các nước thành viên liên quan đến các yêu cầu về ghi nhãn nguyên liệu sử dụng trong các phần chính của giày dép. Chỉ thị quy định nhãn mác phải đảm bảo tính xác thực của thông tin về nguyên liệu da dùng để làm giày dép. Đặc biệt, quy định bắt buộc truyền tải thông tin qua các hình vẽ biểu tượng đơn giản và dễ nhận biết (gồm các phần mũ giầy, lót và nệm đế trong và đế ngoài của giầy.
-Quyết định số 2009/251/ECngày 17/03/2009, cấm giày dép chứa tồn dư chất Dimethylfumarate (DMF) (một chất bi-ô-xít làm cho khuôn giày không bì phình ra trong quá trình lưu kho và vận chuyển). EU yêu cầu các nước thành viên đảm bảo sản phẩm chứa chất dimethylfumarate bi-ô-xít không được đưa vào thị trường.
- Chỉ thị số 94/62/EC ngày 20/12/1994 về đóng gói và rác thải bao gói, quy định các quốc gia thành viên EU phải hạn chế sử dụng kim loại nặng và đảm bảo bao gói được đánh dấu và nhận dạng để tạo thuận lợi cho việc thu gom rác thải bao gói.
- Chỉ thị 88/378/EEC ngày 3/5/1988 về đánh giá tuân thủ và cấp dấu CE: chủ yếu điều chỉnh thống nhất luật của các quốc gia thành viên về đảm bảo an toàn sản phẩm đồ chơi, kể cả đồ chơi được làm từ các vật liệu dệt may, da và quy định về dấu CE. Tuy nhiên, dấu CE không bắt buộc đối với các sản phẩm giầy dép.