Cổng thông tin điện tử

Ngành da giày túi xách việt nam

  • Thuộc da không xả nước thải
  • 15/12/2015
                                                                                

Ngành công nghiệp thời trang hiện tiêu thụ khoảng 65% lượng da được sử dụng trên thế giới. Ở nhiều nơi, thuộc da là ngành gây ô nhiễm nặng nề nhất. Ngay từ thời Trung cổ, các cơ sở chế biến da bao giờ cũng bị đẩy ra khỏi cửa ngõ các đô thị - điều này cũng dễ hiểu vì nước giải là thành phần quan trọng nhất để thuộc da. Ngày nay, ngành thuộc da dùng chrome, nhờ thế có phần sạch sẽ hơn, nhưng chrome là một kim loại nặng, độc hại với môi trường. Mỗi năm người ta phải dùng khoảng 200.000 tấn chrome để thuộc da, nhưng chỉ 60 % trong số đó được hấp thụ, phần còn lại nằm trong nước, theo ông Manfred Renner thuộc Viện Fraunhofer về Công nghệ môi trường, an toàn và năng lượng (UMSICHT) ở Oberhausen, Đức.

Theo các nhà nghiên cứu của Viện Fraunhofer, những năm tới lượng tiêu thụ chrome sẽ giảm mạnh nhờ việc sử dụng chất bổ trợ là khí CO2. Có thể mô tả ngắn gọn công nghệ thuộc da mới như sau: khí CO2 được nén trong bình nén áp lực cao, trở nên có tính hòa tan; da cũng được xoay tròn trong cái bình đó và khí CO2 sẽ làm cho chrome ngấm sâu vào các lớp da. So với cách thuộc da thông thường, chất lượng da thuộc theo kiểu này không hề thua kém, đồng thời lại giảm mức độ tiêu thụ chrome đến 40% và hoàn toàn không phải dùng đến nước và muối, theo ông Renner.

Phương pháp này cũng có thể áp dụng cho quá trình thuộc da bằng các chất từ quả, vỏ cây, chất tổng hợp - vốn mới chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 15% lượng chất thuộc da. Các nhà nghiên cứu Viện Fraunhofer cho biết: “Nhu cầu đối với công nghệ mới của chúng tôi khá cao và đã có nhiều nơi ngỏ ý sẵn sàng áp dụng phương pháp này.”

Dự kiến trong năm 2014, cơ sở thuộc da công nghiệp kiểu mới đầu tiên sẽ được xây dựng.

Dùng khí CO2 để nhuộm vải 

Cách đây 15 năm một bằng sáng chế về việc nhuộm vải bằng khí CO2 đã được đăng ký. Tương tự như ở thuộc da, ở phương pháp này, CO2 được sử dụng thay cho nước trong quá trình nhuộm: CO2 tiếp nhận phân tử chất màu và làm cho chất màu ngấm vào vải. 

Phương pháp nhuộm này nhanh hơn, tiết kiệm nước và 90% khí CO2 dùng trong quá trình nhuộm có thể được tái chế. 

Hiện đã có một số doanh nghiệp áp dụng phương pháp nhuộm khô: khoảng gần một năm nay, hãng sản xuất đồ dùng thể thao ADIDAS đã quảng cáo về dòng sản phẩm Drydry. Theo trang web của hãng, với việc sản xuất lô hàng đầu tiên 50.000 Drydye T-Shirts, hãng đã tiết kiệm được 1.250.000 lít nước. 
Cũng cần nói thêm, ở hai phương pháp thuộc da và nhuộm vải nói trên, CO2 được lấy từ khí thải công nghiệp. 

Theo: Tia Sáng – Bộ khoa học và công nghệ

Tin tức liên quan