Cổng thông tin điện tử

Ngành da giày túi xách việt nam

  • NIKE KIỆN BAPE SAO CHÉP BẢN QUYỀN THIẾT KẾ GIÀY THỂ THAO
  • 25/10/2023

Chỉ vài ngày sau khi Adidas thua trong cuộc chiến thương hiệu với nhà thiết kế Thom Browne, Nike đã đệ đơn kiện lên tòa án, cáo buộc hãng thời trang nước Nhật BAPE sao chép dòng Air Force 1, Dunk và Jordan 1.

 

Nike kiện BAPE vì cho rằng hãng thời trang streetwear Nhật Bản sao chép mẫu giày thể thao. Ảnh: Pinterest

Trước vụ kiện, Nike đã yêu cầu BAPE ngừng sản xuất các sản phẩm bị cáo buộc vi phạm, nhưng thương hiệu thời trang đường phố này “từ chối làm như vậy”, dẫn đến việc Nike đệ đơn kiện. Nike đang yêu cầu tòa án ra lệnh cho Bape ngừng bán các sản phẩm vi phạm và yêu cầu bồi thường thiệt hại bằng tiền.

Nike kiện BAPE về sao chép bản quyền thiết kế của 3 dòng giày thể thao

Dòng Air Force 1 của Nike. Ảnh: Seunghoon Jeong

Vừa qua, Nike đã đệ đơn kiện Bape vì vi phạm bản quyền của dòng Air Force 1, Dunk và Jordan 1. Đơn khiếu nại nêu rõ:

“Nike đã dành nhiều thập kỷ để xây dựng các quyền hạn và thiện chí của mình đối với những thiết kế đó. Để bảo vệ các quyền lợi của mình, Nike có nghĩa vụ pháp lý phải ngăn chặn những người sao chép, vi phạm gây nguy hiểm đáng kể cho các bản quyền của Nike.”

Là một trong những biểu tượng thời trang đi tiên phong trong phong cách street style của Nhật Bản, The Bathing Ape hay còn được gọi là BAPE, có nguồn gốc từ Ura-Harajuku – con đường thời trang danh tiếng của Nhật tại những năm 90. Thương hiệu được thành lập vào năm 1993 bởi nhà thiết kế Nigo, tên thật là Tomoaki Nagao.

Những đôi giày bị cho là sao chép Nike. Ảnh: BAPE

Bape bắt đầu bán các loại giày thể thao vào giữa những năm 2000, với kiểu dáng thiết kế được lấy cảm hứng từ dòng Air Force 1 của Nike. Các sản phẩm của BAPE có mức giá đắt đỏ ngang ngửa, hoặc hơn hẳn Nike. Họ hướng đến các sneakerhead – nhóm đối tượng khách hàng có điều kiện và đam mê giày thể thao. Ngoài việc thay thế dấu swoosh bằng logo “STA” hình ngôi sao thì các chi tiết còn lại có rất ít sự khác biệt. Vì vậy, Nike lo ngại sự giống nhau này có thể làm người tiêu dùng dễ bị nhầm lẫn sản phẩm của hai thương hiệu.

Tại sao sau 20 năm Nike mới đệ đơn kiện BAPE?

Nike cáo buộc rằng hành vi vi phạm nhãn hiệu của Bape đã bắt đầu từ năm 2005. Nhưng các sản phẩm vi phạm nhãn hiệu của BAPE sau đó biến mất khỏi thị trường Hoa Kỳ trong nhiều năm. Đơn khiếu nại nêu rõ rằng trước năm 2021, các sản phẩm vi phạm của BAPE được sản xuất với số lượng nhỏ và “không bao giờ nhiều hơn một phần nhỏ trong số hàng triệu đôi mà Nike bán ra hàng năm”.

Nike ghi chú sự tương đồng giữa các thiết kế của mình và BAPE. Ảnh: Instagram @wearecultu

Tuy nhiên, vấn đề trở nên nghiêm trọng khi gã khổng lồ thể thao nhận thấy rằng sau năm 2021, sự hiện diện của BAPE ở Mỹ bắt đầu tăng lên. Độ phủ sóng này gây ra mối đe dọa lớn hơn đối với hoạt động kinh doanh của Nike. Trong đơn khiếu nại Nike còn liệt kê ra nhiều ví dụ về các ấn phẩm giày thể thao mà người dùng mạng xã hội đã nhận xét rằng sản phẩm của BAPE, SK8 STA, Court STA và Court STA High giống với phong cách giày thể thao của riêng Nike.

Liệu Nike có nắm chắc khả năng thắng cuộc?

Vào thời điểm những năm 2000, giày thể thao BAPE quyến rũ giới điệu mộ như một sự thay thế hào nhoáng hơn của dòng Air Force 1. Khách hàng tìm đến BAPE bởi tại đây có sẵn các màu đậm và sặc sỡ hơn so với những gì Nike đã làm trên Air Force 1, vốn chỉ mang gam màu trắng thuần. Và đôi khi họ chọn mua giày BAPE vì không mua được những thiết kế giới hạn của Air Force 1.

Việc Nike hầu như không có động thái gì trước sự vi phạm của BAPE trong hơn 20 năm được cho là sẽ mang đến bất lợi trong vụ kiện của “ông lớn” nước Mỹ. BAPE có thể thuyết phục tòa án rằng tên tuổi của mình đã được xây dựng đủ lâu để không bị nhầm lẫn với Nike.

Ảnh: BAPE

Điều sau cùng, có một ranh giới mong manh giữa sao chép và cảm hứng. Thông qua những vụ kiện về bản quyền như Nike và Adidas… đạo luật đã đến lúc cần có sự cân bằng giữa việc bảo vệ bản quyền và cấp phép cho sự sáng tạo tự do xây dựng các thiết kế mới từ ý tưởng cũ. Thông qua đó giảm thiểu thấp nhất tình trạng sao chép hay kiện tụng không hồi kết từ các thương hiệu thời trang.

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Tin tức liên quan