Cổng thông tin điện tử

Ngành da giày túi xách việt nam

  • Thử nghiệm đánh giá sự hình thành crom VI trong da lão hóa
  • 04/06/2021

Giải thích tầm quan trọng của việc thử nghiệm đánh giá sự hình thành crom VI độc hại trong da lão hóa.

 

Tác giả: Emma Norris

Hình ảnh © fortton | iStockphoto.com

ISO 10195:2018 là tiêu chuẩn quốc tế xác định các điều kiện lão hóa nhiệt được sử dụng để xác định xem crom VI có được hình thành trong da thuộc thành phẩm hay không. Người ta ước tính hơn 80% da thành phẩm được thuộc có sử dụng muối crom. 

 

Da thuộc crom được ứng dụng phổ biến để làm giày, túi xách, thắt lưng và đồ nội thất khác. Hóa chất crom sunphat được sử dụng làm chất thuộc da, có chứa crom ở trạng thái hóa trị ba (crom III). Tuy nhiên, các phản ứng hóa học xảy ra có thể làm oxy hóa crom III trong da để tạo thành crom VI sau khi hoàn tất quy trình thuộc da.

 

Mặc dù khả năng hình thành crom VI là thấp nếu tuân thủ thực hành công nghiệp tốt trong quá trình thuộc da, nhưng việc tiêu thụ thương mại da thành phẩm đôi khi đòi hỏi phải làm thử nghiệm đối với crom VI, cả trước và sau quá trình lão hóa da. 

 

Việc tiến hành thử nghiệm lão hóa da để xác định nguy cơ hình thành crom VI trong thời gian tồn tại của sản phẩm, nhằm đảm bảo chỉ những sản phẩm an toàn mới được đưa ra thị trường theo quy định tại Chỉ thị An toàn Sản phẩm Chung của Liên minh Châu Âu.

 

Những rủi ro do crom VI

 

Theo kinh nghiệm của SATRA, sự hình thành crom VI trong da là hiếm gặp. Trong năm 2020, chỉ có 23 vụ thu hồi sản phẩm do nhiễm crom VI, thông qua hệ thống cảnh báo nhanh của EU về nguy hiểm đối với các sản phẩm tiêu dùng (RAPEX). Việc phải thu hồi sản phẩm đã ảnh hưởng đến một loạt các loại sản phẩm, bao gồm quần áo, giày dép và phụ kiện bằng da.

 

Bất chấp việc tìm crom VI qua thử nghiệm là ít gặp và số lượng sản phẩm bị thu hồi nhỏ, nhưng những lo ngại về sức khỏe do chất có hại này gây ra và những hạn chế về crom VI trong thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) có bộ phận làm bằng da, đã khiến crom VI bị đưa vào danh sách các chất bị hạn chế sử dụng và do đó ra đời quy định hạn chế của Liên minh Châu Âu đối với crom VI.

 

Không phải tất cả các dạng crom đều có hại như crom VI. Crom hóa trị ba (crom III) là một nguyên tố vi lượng quan trọng trong chế độ ăn uống của con người - đặc biệt đối với hormone insulin cần crom để hoạt động bình thường. Một công dụng khác ít được biết đến hơn của crom là sắc tố xanh trong mực xăm.

 

Crom VI là chất gây kích thích dị ứng da liễu và việc tiếp xúc với một lượng nhỏ crom VI có thể kích hoạt phản ứng miễn dịch, gây ra hiện tượng mẫn cảm trên da. Các phản ứng dị ứng với crom VI có thể là nghiêm trọng, dẫn đến các biến chứng kéo dài với da. Thuật ngữ y tế cho loại kích dị ứng da này là 'viêm da dị ứng crom'. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu khoa học được thực hiện ở Đức, số người mẫn cảm với crom VI rất thấp.

 

Nguy cơ có hại nhất liên quan đến crom VI là khả năng gây ung thư. Hít phải crom VI trong thời gian dài đã được chứng minh là làm tăng nguy cơ ung thư phổi, và cũng có thể làm hỏng các mao mạch nhỏ trong thận và ruột. Một nguy hại khác đối với sức khỏe là khi nuốt phải, chủ yếu là rủi ro đối với giày dép làm từ da thuộc crom dành cho trẻ em dưới ba tuổi, theo hành vi bản năng của trẻ nhỏ khi cho các vật dụng vào miệng.

 

Quy định pháp luật

 

Quy định của EU đã có hiệu lực tại EU trong hơn 5 năm để hạn chế crom VI trong tất cả các sản phẩm bằng da và các sản phẩm có chứa các bộ phận bằng da có thể tiếp xúc với da người sử dụng. Crom VI là một trong các chất bị hạn chế theo Phụ lục XVII của Quy định REACH (EC) số 1907/2006, không được có trong sản phẩm muốn tiếp thị bán ở Châu Âu. Chromium VI cũng được liệt kê trong Dự luật 65 của California, vì vậy sẽ phải ghi trên nhãn sản phẩm nếu được bày bán ở bang California, Hoa Kỳ. 

 

Hàm lượng Crom VI trong da là một thông số rất quan trọng đối với các xưởng thuộc da, chủ sở hữu thương hiệu và nhà bán lẻ - cả từ góc độ an toàn sản phẩm nói chung và về mặt tuân thủ pháp luật nói riêng của EU và tại Vương quốc Anh sau khi nước này rút khỏi EU.

 

Do cách da được xử lý theo lô - với mỗi da động vật khác nhau được xử lỹ khác nhau – và phản ứng hóa học phức tạp liên quan đến sự hình thành crom VI, thử nghiệm là một cách tiếp cận thẩm định thích hợp để chứng minh sự tuân thủ quy định của EU. Các phương pháp thử nghiệm quốc tế để xác định hàm lượng crom VI trong da là EN ISO 17075-1:2017 hoặc EN ISO 17075-2:2017 (xem hình 1 và 2). Các phương pháp này có giới hạn mức phát hiện là 3 mg/kg, là nồng độ tối đa cho phép được quy định trong mục 47 của REACH Phụ lục XVII.

 

Tình trạng lão hóa

Phương pháp thử nghiệm ISO 10195 đã được công bố năm 2018 để đáp ứng các yêu cầu từ ngành công nghiệp da giầy để tiêu chuẩn hóa quy trình xử lý quá trình lão hóa nhanh của các mẫu sản phẩm da.

 

Hai phương pháp lão hóa đã được đưa vào ISO 10195:2018 để đáp ứng các mục đích sử dụng cuối cùng khác nhau của da thành phẩm. Phương pháp 'A1' chỉ định lưu trữ trong 24 giờ ở 60 °C và độ ẩm tương đối dưới 20%, dùng cho các loại da đa năng không chịu các điều kiện khắc nghiệt trong sản xuất hoặc vận chuyển. Các ví dụ về sản phẩm được nêu trong tiêu chuẩn dành cho găng tay, quần áo và đồ da. 

 

Phương pháp thay thế là phương pháp 'A2', mô tả chi tiết việc bảo quản 24 giờ ở 80 °C và độ ẩm tương đối dưới 10% dành cho các loại da phải chịu các điều kiện khắc nghiệt trong sản xuất hoặc vận chuyển, chẳng hạn như giày dép, da ô tô và da bọc nội thất. Cả hai phương pháp A1 và A2 đều không được thiết kế để tái tạo bất kỳ điều kiện thực tế nào trong sản xuất hoặc sử dụng da, nhưng các điều kiện này có thể được sử dụng để xác định xem crom VI có được hình thành trong da trong quay trình sản xuất.

 

Phương pháp thử nghiệm tốt nhất

Khi kiểm tra ở cuối dây chuyền sản xuất, không chắc các sản phẩm da có chứa crom VI. Tuy nhiên, sự hình thành crom VI có thể chậm, có nghĩa là phản ứng có thể xảy ra trong quá trình bảo quản sau khi sản phẩm cuối cùng được sản xuất. Như đã đề cập ở trên, các doanh nghiệp hoạt động ở EU có nghĩa vụ pháp lý đảm bảo tất cả các sản phẩm của họ phải tuân thủ các yêu cầu trong REACH Phụ lục XVII. 

 

Trong điều kiện sản xuất được quản lý tốt, da thuộc crom sẽ có nguy cơ hình thành crom VI rất thấp. Thực tế, năm 2013 Hiệp hội các nhà công nghệ da và hóa học quốc tế (IULTCS) đã đưa ra một danh sách các việc thực hành tốt gồm chín điểm chính trong số đó, được liệt kê trong hộp 1.

 

Hộp 1: Các nội dung thực hành tốt trong thuộc da

Chín điểm chính được liệt kê để tránh sự hình thành crom VI trong quá trình thuộc da da và để tạo sản phẩm da thuộc giảm thiểu tạo ra crom VI trong quá trình bảo quản và sử dụng:
1. Luôn sử dụng muối crom chất lượng tốt nhất để thuộc da
2. Không sử dụng chất oxy hóa (ví dụ chất tẩy trắng) trên da sau khi thuộc da
3. Quá trình xử lý ướt tại khâu cuối của quy trình thuộc da cần được thực hiện trong môi trường pH (thấp), là 3,5 đến 4,0.
4 Cần thực hiện giặt lại lần cuối sau khi hoàn tất

5 Cần tránh sử dụng amoniac quá liều trước khi thực hiện quá trình nhuộm
6 Nên sử dụng các hóa chất làm mềm hiệu suất cao (không chứa chất béo hoặc sáp không bão hòa)
7 Tránh sử dụng các chất tạo màu cromat (chất màu vô cơ màu vàng và da cam)
8 Nên sử dụng từ 1 đến 3% chất chiết xuất tanin thực vật, để giúp bảo vệ chống oxy hóa
9 Nên sử dụng các chất chống oxy hóa tổng hợp ở những nơi không thể sử dụng các chất thực vật.

 

Tóm tắt và những thay đổi có thể có trong tương lai

Để tránh bệnh viêm da dị ứng với crom và các vấn đề sức khỏe khác, mục 47 tại Quy định REACH, Phụ lục XVII, đã hạn chế crom VI trong các sản phẩm bằng da và sản phẩm có chứa da có tiếp xúc với da người ở mức dưới 3 mg/kg. Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu về phân tích kinh tế xã hội (SEAC) gần đây đã ủng hộ các đề xuất giảm mức hạn chế này xuống 1 mg/kg, cùng các hạn chế đối với các chất gây mẫn cảm da khác. Nếu những đề xuất này trở thành luật, các quy định này sẽ được đăng trên các số SATRA Bulletin.

 

Vì sự an toàn của sản phẩm nói chung, mọi người tham gia vào chuỗi cung ứng có trách nhiệm đảm bảo crom VI không có trong các sản phẩm tiêu dùng. Mặc dù quy định hạn chế pháp lý tại Phụ lục XVII của quy định REACH không quy định việc thử nghiệm phải được thực hiện đối với tình trạng lão hóa, nhưng có thể tiến hành thử nghiệm theo tiêu chuẩn ISO 10195:2018 để đánh giá xem có khả năng tạo ra crom VI trong thành phẩm da hay không.

 

Các phòng thử nghiệm hóa học của SATRA có thể thực hiện thử nghiệm theo cả hai tiêu chuẩn ISO 10195:2018 và EN ISO 17075-2:2017.

 

Nguồn: Tạp chí Satra

Tin tức liên quan