Trong một báo cáo được Bloomberg Economics công bố hôm 20/10, các nhà kinh tế Ziad Daoud và Scott Johnson cho biết, 800 triệu người phải đối mặt nguy cơ việc làm trước những tiến bộ của tự động hóa. Trong đó, các nước Vùng Vịnh, Czech, Slovakia và Nhật Bản là dễ bị ảnh hưởng nhất.
Nguyên nhân là các nước này có một phần lớn lực lượng lao động làm những công việc đơn giản, thường ngày nên có thể dễ dàng bị thay thế nhất bởi máy móc, hoặc đang vốn phụ thuộc vào lao động giá rẻ cho các công việc đó. Ví dụ như những người hỗ trợ văn thư ở Nhật Bản hay công nhân của các nhà máy tại các nước Trung Âu.
Theo chuyên gia, tự động hóa lớn hơn có nguy cơ tạo ra bất bình đẳng thu nhập cao hơn. Trong khi trước đây, robot được cho là đe dọa chủ yếu đến các công việc đòi hỏi kỹ năng thấp, giờ đây, người ta thấy chúng có thể thay thế vai trò trong từng bước công việc cơ học được chia nhỏ. Những vai trò này thường rơi vảo khoảng giữa của phân phối thu nhập, dẫn đến hiệu ứng phân cực.
Tất nhiên, xu hướng này không hoàn toàn xấu. Hai chuyên gia Daoud và Johnson cho biết, một số quốc gia chịu nguy cơ nhiều nhất cũng có dân số già đi nhanh chóng. Điều này có nghĩa là robot có thể giúp bù đắp những khó khăn về nhân khẩu học trong nền kinh tế của họ.
Về mức độ ứng dụng tự động hóa, theo một báo cáo được World Robotics công bố cuối tháng 9/2020, Trung Quốc năm nay đã bổ sung thêm 140.500 robot mới vào các nhà máy và hiện nắm giữ gần một phần ba thị trường toàn cầu. Số robot của Mỹ tăng 33.300, tương đương 7% so với năm ngoái và đứng thứ tư sau hai nền kinh tế châu Á khác là Nhật Bản và Hàn Quốc.
Năm quốc gia hàng đầu về nhu cầu robot công nghiệp đang chiếm gần 2/3 thị trường. Tại Trung Quốc, 71% robot mới được mua từ các nhà cung cấp nước ngoài. "Số lượng robot công nghiệp hoạt động trong các nhà máy trên khắp thế giới ngày nay đánh dấu mức cao nhất trong lịch sử", Milton Guerry, Chủ tịch của Liên đoàn Robot Quốc tế cho biết.
Theo : vnexpress.net