Cổng thông tin điện tử

Ngành da giày túi xách việt nam

  • Không nên chậm trễ gói hỗ trợ 6.000 tỉ đồng đào tạo lại lao động
  • 18/03/2021

Trao đổi với PV Lao Động xung quanh Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về gói hỗ trợ DN đào tạo, nâng cao trình độ cho người lao động do ảnh hưởng dịch COVID-19 (Dự thảo) của Bộ LĐTBXH, nhiều chuyên gia, đại diện DN cho rằng, thời điểm này cơ quan chức năng vẫn tập hợp ý kiến để tính toán hỗ trợ là trễ!

Nới điều kiện cho vay

Trao đổi với PV Lao Động chiều 16.3, ông Trần Tuấn Tú, Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp (Cục Việc làm - Bộ LĐTBXH) cho hay, chính sách để hỗ trợ DN và NLĐ ảnh hưởng bởi COVID-19 đã có rồi nhưng chế độ đào tạo, bồi dưỡng để NLĐ duy trì việc làm theo quy định trong Luật Việc làm điều kiện thụ hưởng rất chặt. Do đó, bộ chỉ đạo căn cứ trên đề xuất của các hiệp hội như Dệt may, Da giày nhằm nới điều kiện tạm thời trong thẩm quyền của Chính phủ để DN dễ tiếp cận hơn.

Về việc các gói vay hỗ trợ DN ảnh hưởng COVID-19 trước đây gần như không thể tiếp cận, dự thảo lần này các điều kiện có giảm đi nhằm tăng được đối tượng tiếp cận hay không, ông Tú cho biết, quy định về điều kiện phải theo luật, tổng thế muốn nới rộng cũng phải theo luật, trong phân cấp của Chính phủ chỉ nới các điều kiện về kinh phí, điều kiện khó khăn. Về thời gian triển khai, hiện chúng tôi vẫn đang tổng hợp ý kiến các bộ, ngành, sau đó Cục Việc làm sẽ trình Bộ LĐTBXH để bộ trình Chính phủ” - ông Tú nói.

Đánh giá việc thời điểm này cơ quan chức năng vẫn tập hợp ý kiến để đề xuất hỗ trợ, ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH - khá gay gắt. “COVID-19 đã hoành hành cả năm mà giờ mới tính toán để trình thì bao giờ mới xong. Nhẽ ra quý II/2020 phải nghiên cứu, lắng nghe DN, ghi nhận thực tế... từ đó xác định điều kiện nào đưa ra để DN vay được, phục vụ cho đào tạo lại, nâng cao trình độ cho NLĐ chứ không phải đưa ra điều kiện như ngăn cản. Việc này cũng rất đơn giản, phải xuống DN hỏi DN và hỏi NLĐ” - ông Huân nhấn mạnh.

Theo ông Huân, Quỹ BHTN là quỹ của NLĐ, do NLĐ đóng góp vào. Giờ sử dụng như thế nào cho hiệu quả nhất. Trong số rất nhiều NLĐ đóng góp đó, một bộ phận không may bị ảnh hưởng sự trồi sụt của thị trường, một phần có thể do tay nghề non kém nên mất việc... Khi DN có hướng nâng cao công nghệ thì phải hết sức tạo điều kiện.

Phải cụ thể, đúng thời điểm

Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam - cho biết, ngành Dệt may, da giày là ngành sử dụng nhiều lao động nên mức độ ảnh hưởng với 2 ngành này rất lớn, lên tới gần 5 triệu lao động. So với tổng số lao động ngành công nghiệp - chế biến là 17 triệu người, lực lượng này chiếm đông đảo. Bên cạnh đó, tính chung toàn ngành Da giày hiện có gần 2.000 DN với gần 1.000 DN tham gia xuất khẩu, tương đương 1,5 triệu lao động.

Ngoài ra, thị trường xuất khẩu cũng chịu ảnh hưởng rất trầm trọng nên 2 ngành này NLĐ cần được hỗ trợ mạnh mẽ. Kiến nghị của ngành Dệt may, da giày đã trình rất sớm nhưng chính sách chung không thể tiếp cận được. Gói 62.000 tỉ có đến 80% DN của 2 ngành không tiếp cận được.

Bà Xuân cho rằng, đề xuất của Bộ LĐTBXH nếu hoàn thành sẽ đạt 2 mục tiêu: Thứ nhất là hỗ trợ cho DN; thứ hai là nâng cao trình độ cho NLĐ thông qua đào tạo. Hiện nay ngành Da giày cũng đang chuẩn bị các nội dung để thực thi và đang rất mong chờ. “Kêu ca mãi về việc chính sách không đến được với DN rồi” - bà Xuân chia sẻ.

Bà Xuân cũng cho rằng trong các đợt hỗ trợ trước, quy định đưa ra “chẳng giống ai”, không đúng mong muốn DN và có sự vênh giữa DN và người làm chính sách. Cụ thể, DN thì muốn nhận hỗ trợ để nhất nhất muốn giữ NLĐ chứ không phải nhận hỗ trợ để thải NLĐ. Hai quan điểm rất trái nhau. Yêu cầu DN phải thải lượng NLĐ nhất định để được hưởng chính sách, trong khi DN muốn nhận hỗ trợ để giữ NLĐ.

“Chúng tôi mong muốn chính sách phải cụ thể, đi trực tiếp, trúng vào các ngành nghề. Thứ hai, chính sách ra phải đúng thời điểm và thủ tục phải rất nhanh. Các điều kiện cũng phải đúng thực tế, phải hiểu được DN cần gì. Chính sách đưa ra trái với cái DN mong muốn thì không thể thực thi được. Phải nhanh lên. Lúc khỏe DN sẽ không cần nữa. Đúng thời điểm, đúng đối tượng, đủ liều lượng” - bà Xuân nói.

  Nguồn : laodong.vn

Tin tức liên quan