Với các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã được ký kết và đi vào hiệu lực, doanh nghiệp ngành da giày lạc quan về sự phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng khi bước sang năm 2021.
Thực tế cho thấy, từ đầu năm đến cuối tháng 7/2020 là khoảng thời gian vô cùng khó khăn đối với ngành da giày bởi thiếu nguyên liệu và mất thị trường do tác động của đại dịch Covid-19 bùng phát.
Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO) – chia sẻ, nhiều doanh nghiệp da giày lao đao. Thậm chí khi nguyên liệu sản xuất đã được giải quyết, nhưng sản phẩm không có đầu ra, không có đơn hàng.Các thị trường tiêu thụ giày dép hàng đầu củaViệt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản… đều giảm nhập khẩu.
Nhờ kiểm soát dịch bệnh tốt tại Việt Nam và các hiệp định FTA thế hệ mới đi vào hiệu lực, từ cuối năm 2020 ngành da giày đang có những chuyển biến tích cực. Hiệp định EVFTA đi vào thực thi từ ngày 1/8/2020 đã đem lại kết quả xuất khẩu tích cực cho doanh nghiệp da giày. “Hy vọng trong thời gian tới, nhờ EVFTA, ngành da giày sẽ có thêm động lực để tăng trưởng trở lại” - bà Xuân bày tỏ.
Cụ thể, sau 4 tháng thực thi Hiệp định EVFTA, giày dép nằm trong danh mục các mặt hàng xuất khẩu củaViệt Nam đã có tăng trưởng dương về xuất khẩu. Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), từ nửa sau quý III/2020 đến nay tình hình đơn hàng của các doanh nghiệp da giày đã được cải thiện, kim ngạch xuất khẩu đang dần phục hồi.
Kỳ vọng tăng trưởng trong năm 2021
Đại diện LEFASO nhận định, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định FTA Việt Nam – EU (EVFTA) và FTA Việt Nam - Anh (UKVFTA) sẽ là động lực lớn cho tăng trưởng của ngành da giày, nếu tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát tốt tại các thị trường xuất khẩu, xuất khẩu của ngành da giày, túi xách có thể tăng trưởng 15 - 20% trong năm 2021.
Chia sẻ về kỳ vọng của đơn vị, ông Lê Thanh Thủy - Chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc Công ty Cổ phần giày Vĩnh Yên - cho hay, dù các đơn hàng trong năm 2020 có sụt giảm, nhưng đơn vị kỳ vọng vào sự bứt phá trong năm 2021. “Với 6 dây chuyền sản xuất giày thể thao xuất khẩu sang thị trường EU và Mỹ, hiện tại công ty đã có đơn hàng cho các tháng đầu năm 2021 và đang đàm phán đơn hàng cho những tháng tiếp sau đó”.
Khảo sát mới đây của LEFASO với các nhãn hàng thời trang trên thế giới cũng cho thấy, 60% các “ông lớn” trong ngành da giày thế giới đều coi Việt Nam là một trong những quốc gia cung ứng quan trọng. Việt Nam đang là điểm đến để nhiều nhãn hàng quốc tế dịch chuyển đơn hàng sản xuất. Theo khảo sát, hơn 42,3% các nhà nhập khẩu nước ngoài khẳng định chắc chắn sẽ tăng mua hàng từ Việt Nam.
Một xu hướng khác là ngày càng nhiều các nhà đầu tư nước ngoài dịch chuyển sản xuất nguyên phụ liệu da giày tại Việt Nam để tận dụng tối đa quy tắc xuất xứ trong các FTA,đây là một thuận lợi để ngành da giầyViệt Nam có thể nhanh chóng nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, nhất là các vật liệu da thuộcvà da tổng hợp hiện sản xuất trong nước mới chỉ đạt dưới 30% nhu cầu sản xuất.
Nguồn : congthuong.vn