Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam trong tháng đầu tiên của năm 2021 đạt gần 1,87 tỷ USD, tăng 7,4% so với tháng 12/2020 và tăng 33,4% so với tháng 1/2020.
Thị trường xuất khẩu Mỹ có kim ngạch lớn nhất đạt 733,36 triệu USD, chiếm 39,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước, tăng 11% so với tháng 12/2020 và tăng 44,5% so với tháng 1/2020
Thị trường EU đứng thứ 2 về kim ngạch, đạt 490,1 triệu USD, chiếm 26,2%, tăng 2,1% so với tháng 12/2020 và tăng 30,4% so với tháng 1/2020; Tiếp sau đó là thị trườngTrung Quốc chiếm 9,7% trong tổng kim ngạch, đạt 181,29 triệu USD tăng 25,5% so với tháng 1/2020
Do tác động của đại dịch COVID-19 những chuỗi cung ứng toàn cầu mới đang được xác lập và đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp da giày Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Bộ Công Thương cũng cho biết xu hướng khối doanh nghiệp FDI tiếp tục đầu tư mới và mở rộng sản xuất sẽ giúp ngành da giày duy trì tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian tới.
Nhận định da giày là một trong những ngành tận dụng tốt nhất các Hiệp định thương mại tự do, Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam cho rằng, xuất khẩu ngành da, giày, túi xách sẽ tăng trưởng 15 - 20% trong năm 2021 nếu tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong ngành cần đầu tư mạnh vào công nghiệp chế biến nguyên phụ liệu để đáp ứng yêu cầu qui tắc xuất xứ. Hiện tại, tới 60% trị giá nguyên phụ liệu của ngành vẫn phải nhập khẩu khiến giá trị gia tăng của ngành không cao.
Thời gian tới, ngành da giầy cần có chính sách mạnh hơn cho phát triển công nghiệp hỗ trợ để tận dụng tốt hơn lợi thế từ các FTA.Về phía các doanh nghiệp cần được tiếp cận các nguồn thông tin, chuẩn bị tốt về nhân lực, nguồn lực, cơ sở vật chất cho giai đoạn phát triển mới.
Nguồn : Vinanet