Kết quả xuất khẩu của Việt Nam năm 2020 được coi là kỳ tích, là lực kéo nền kinh tế, là một trong những điểm sáng của thương mại thế giới. Tổng kim ngạch 2 chiều đạt gần 544 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu 281,5 tỷ USD, xuất siêu cao nhất trong 5 năm qua... Nhưng đằng sau “vòng nguyệt quế” đó là gì?
Việt Nam xuất siêu nhưng chủ yếu thuộc về DN FDI.
Ai đang xuất khẩu?
Từ năm 2012, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) vượt ngưỡng 100 tỷ USD. Song ít ai biết chỉ năm 2020, XK của khối doanh nghiệp (DN) Việt lộ 4 huyệt đạo: (1) Kim ngạch quá khiêm tốn, tới 2020 chỉ đạt 78,2 tỷ USD, giảm 1,1% so với năm 2019 (78,9 tỷ USD). Cứ theo tốc độ “rùa bò” này còn lâu XK thực của Việt Nam mới tới 100 tỷ USD.
(2) XK của DN nội ngày càng teo tóp. Năm 2019, XK của DN nội chiếm 31,4% trong tổng kim ngạch XK, đến 2020 tỷ lệ đó xuống còn 27,8%. Xu thế này không thể đảo ngược.
(3) Tốc độ phát triển thua kém khối DN FDI. Năm 2020, tổng kim ngạch XK tăng 6,5%, thì XK của khối DN nội lại giảm 1,1%, trong khi DN FDI tăng 9,7%, không kể dầu thô tăng 10,1%.
(4) Nhập siêu triền miên. Trên tổng thể năm 2020 Việt Nam xuất siêu 19,1 tỷ USD, song ít ai biết số liệu này không sai nhưng cũng chẳng đúng. Không sai vì từ 2016 đến nay cứ lấy tổng kim ngạch XK trừ (-) tổng kim ngạch NK, đúng là liên tục xuất siêu ngày càng tăng. Xuất siêu của năm 2016 là 1,7 tỷ USD, 2017 là 2,1 tỷ USD, 2018 là 6,8 tỷ USD, 2019 là 10,8 tỷ USD, nên năm 2020 xuất siêu tới 19,1 tỷ USD là kỳ tích của kỳ tích.
Năm 2020, tổng kim ngạch XK 281,5 tỷ USD và tổng kim ngạch NK 262,4 tỷ USD, với cán cân thương mại của từng khối: DN nội NK 93,6 tỷ USD, XK 78,2 tỷ USD, bằng với nhập siêu 15,4 tỷ USD. DN FDI XK 203,3 tỷ USD, NK 168,8 tỷ USD, bằng với xuất siêu 34,5 tỷ USD. Lấy xuất siêu của khối FDI trừ (-) nhập siêu của khối DN nội ra xuất siêu của cả nước (34,5 - 15,4) = 19,1 tỷ USD.
Nếu lấy số liệu XNK chung và riêng từng khối từ 2016 đến 2019 với phép trừ, sẽ ra con số các năm đó đều xuất siêu, năm sau cao hơn năm trước. Nhưng với từng khối thì trái chiều như năm 2020, nghĩa là khối FDI chuyên xuất siêu, khối DN nội triền miên nhập siêu.
Vì sao chuyên nhập siêu?
Nhìn lại, nhóm nông thủy sản XK chủ yếu là của khối DN nội, năm 2020 kim ngạch giảm 2,5% so với năm 2019, với 6/9 mặt giảm là thủy sản - rau quả - hạt điều - cà phê - chè - hạt tiêu. Sự thất bát của mỗi mặt hàng có nguyên cớ riêng, song đều có mẫu số chung là “lực bất tòng tâm”.
Con tôm được ưu đãi thuế NK vào các nước theo EVFTA là 0%, lợi thế hơn 4 đối thủ cạnh tranh Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia và Ecuado. Do vậy năm 2020 XK tăng 12%, nhưng không gánh nổi sự giảm sút của toàn bộ nhóm hàng nông thủy sản. Qua 3 năm chưa khắc phục được thẻ vàng của EU.
Dư lượng chất kháng sinh vẫn làm khách hàng nghi ngại. Việc chế biến thủy sản bằng tay là chính. Bưởi đào từ Bắc Giang vào các siêu thị Pháp, vải thiều tươi vào được Nhật Bản, chuối bày bán ở siêu thị Hàn Quốc… nhưng vẫn chưa chặn được sự xuống dốc của XK rau quả: năm 2018 được 3,8 tỷ USD, 2019 xuống 3,7 tỷ USD, đến năm 2020 chỉ còn 3,2 tỷ USD.
XK gạo của Việt Nam vượt Thái Lan song cũng chớ vội mừng. Thái Lan đã từng 6 lần giành giải nhất trong 12 cuộc thi gạo ngon nhất thế giới do Hội nghị Lúa gạo Thế giới tổ chức. Thực hiện chiến lược lúa gạo 5 năm vừa được công bố, Thái Lan đang đẩy mạnh phát triển 12 giống lúa mới, bao gồm 4 giống lúa cho gạo trắng hạt cứng, 4 giống lúa cho gạo trắng hạt mềm, 2 giống gạo thơm Hom Mali và 2 giống gạo dinh dưỡng cao.
Tựu trung, XK nông thủy sản còn gian nan như thân phận nhà nông. Kim ngạch nhóm nông thủy sản năm 2019 giảm 4,5% so với 2018, năm 2020 giảm tiếp 2,5% so với 2019.
Dù có nền văn minh lúa nước, sản lượng và XK đứng thứ hạng cao trên thế giới, đang hăng hái công nghiệp hóa, hiện đại hóa, song việc đưa Việt Nam trở thành cường quốc nông nghiệp với ngành chế biến nông sản hiện đại là điều ước… sớm quá.
Song để có nông thủy sản XK, phải NK không ít thủy sản nguyên liệu, hạt điều thô. Nhất là khi được hạ thuế NK, nông phẩm ngoại ùa vào, thách thức hàng nội. Năm 2020, rau quả XK 3,2 tỷ USD thì NK 1,3 tỷ USD. Ngô, sữa và sản phẩm từ sữa mỗi thứ phải NK cả tỷ USD. XK cao su 2,382 tỷ USD, thì cao su các loại cùng sản phẩm từ cao su NK 2,3 tỷ USD.
Mỗi tỉnh từng có 1 nhà máy đường cùng bạt ngàn vườn mía, song không ngăn được đường Thái Lan vào, 1 ký đường trắng tinh chỉ ngang giá ký gạo, đường nội quy hàng, nhà vườn vung dao chặt mía.
Giai đoạn 2017-2019, Việt Nam tiêu thụ thịt bò trung bình 9,2 kg/người/năm, trong nước mới đáp ứng được 30%, phải NK 70%. Năm 2020 phải NK cấp tốc thịt lợn để dập cơn sốt giá bừng bừng. 9 tháng đầu năm, NK hơn 90.400 tấn thịt heo tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh với trị giá gần 215 triệu USD, tăng 357% về lượng và tăng 460% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019, chủ yếu từ Nga, Brazil, Canada, Mỹ và Ba Lan. Với Thái Lan còn NK cả heo giống.
Có 24 quốc gia được XK thịt và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm vào Việt Nam, trong đó có hơn 800 DN từ 19 quốc gia được XK thịt heo và sản phẩm thịt heo. Được hạ thuế NK, xe ngoại lũ lượt bò vào, chen với xe nội, thêm chật chội mọi cung đường.
Than đá, dầu thô từng là nguồn XK chủ lực, là nguồn thu cứu cánh, song các năm gần đây 2 mặt hàng này “tự chuyển hóa” thành gánh nặng nhập siêu. Năm 2020, than đá XK 935.000 tấn thu 124 triệu USD, thì NK 54.873 triệu tấn với 3,708 tỷ USD, nhập siêu 3,584 tỷ USD. Dầu thô XK 4,729 triệu tấn thu 1,579 tỷ USD, thì NK 11,409 triệu tấn ngốn 3,742 tỷ USD, nhập siêu 2,163 tỷ USD. 2 món này đã nhập siêu 5,747 tỷ USD.
Chưa kể năm 2020, Việt Nam còn nhập về 6,1 triệu tấn sắt thép phế thải chẳng những làm đội lên nhập siêu, còn biến nước ta thành bãi rác của thế giới cùng với hiểm họa môi trường khó lường.
Thị trường cũng nghiêng về NK
Dù có nền văn minh lúa nước, sản lượng và XK đứng thứ hạng cao trên thế giới, đang hăng hái công nghiệp hóa, hiện đại hóa, song việc đưa Việt Nam trở thành cường quốc nông nghiệp với ngành chế biến nông sản hiện đại là điều ước… sớm quá. |
Từ góc độ thị trường cũng lộ rõ cái huyệt nhập siêu của nước nhà. Với các thị trường Việt Nam xuất siêu lớn như Mỹ, châu Âu chủ yếu là XK hàng công nghiệp như điện thoại, may mặc, giày da , đồ gỗ, mà chủ hàng thường là DN FDI, còn hàng nông thủy sản kim ngạch ít ỏi hầu như của DN nội.
Các “mỏ” Việt Nam nhập siêu như Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN… do kim ngạch NK nguyên, nhiên vật liệu, linh kiện, dụng cụ, phụ tùng để gia công, lắp ráp, từ các thị trường đó, áp đảo kim ngạch hàng nông thủy sản tươi, nguyên liệu khoáng sản thô ta XK sang đó.
Nay Trung Quốc không còn là thị trường XK dễ tính, như XK hàng thực phẩm phải đủ 4 loại giấy tờ, gồm tờ khai báo hải quan; chứng nhận kiểm nghiệm kiểm dịch XK; chứng nhận cách ly và sát trùng và báo cáo đạt yêu cầu về xét nghiệm Nucleic Acid Coronavirus.
Trong khi đó, những cơ sở sản xuất làm hàng XK chủ lực như may mặc, da giày, ô tô, điện thoại, điện tử, chế biến gỗ… đều phụ thuộc quá vào nguyên, vật liệu, dụng cụ, phụ tùng, linh kiện NK.
Chiến lược nội địa hóa ngành công nghiệp ô tô, song đến nay Việt Nam chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi như động cơ, hệ thống điều khiển, hệ thống truyền động. Với các sản phẩm đã được nội địa hóa, hàm lượng công nghệ thấp như săm, lốp ô tô, ghế ngồi, gương, khung vỏ, kính, bộ dây điện, ắc-quy, chi tiết bằng nhựa.
Sản phẩm của các ngành hàng nói trên, ngoài XK còn tiêu dùng nội địa. Đấy là chưa kể nhiều DN FDI cũng góp vào quỹ hàng hóa tiêu dùng Việt, thường gọi là hàng liên doanh. Nhập siêu từ đấy mà ra.
Nguồn : saigondautu.com.vn