Cổng thông tin điện tử

Ngành da giày túi xách việt nam

  • Ngành da, giầy, túi xách góp phần vào tăng trưởng xuất khẩu 2013
  • 23/01/2014

Năm 2013, kinh tế thế giới bị tác động của khủng hoảng nợ công kéo dài tại EU, suy giảm kinh tế tại Hoa Kỳ và các nước phát triển khác đã làm giảm nhu cầu nhập khẩu hàng tiêu dùng tại các thị trường này. Trong nước, nền kinh tế gặp khó khăn mấy năm gần đây làm thu nhập của người dân giảm, thị trường nội địa chậm phát triển, hàng tồn kho cao, doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng… đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nói chung và của ngành da-giầy-túi xách nói riêng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngành da-giầy-túi xách đã nắm được các cơ hội từ hội nhập thương mại quốc tế, qua đó duy trì được sản xuất và tăng kim ngạch xuất khẩu.

 

Sản xuất tiếp tục mở rộng

 

Toàn ngành có khoảng 850 doanh nghiệp lớn nhỏ, bao gồm mọi thành phần kinh tế, thu hút khoảng một triệu lao động. Trong đó doanh nghiệp trong nước chiếm gần70% và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm hơn 30%.Ngoài ra còn có hàng nghìn hộ sản xuất gia đình và tại các làng nghề.Các sản phẩm bao gồm da thuộc, giầy dép, túi xách, valy, cặp các loại, phụ kiện thời trang và nguyên, phụ liệu, thiết bị phục vụ sản xuất của ngành.

 

Năng lực sản xuất toàn ngành, trong 5 năm 2007 – 2011 sản lượng giầy dép đã tăng 126% đạt 850 triệu đôi (2011) trong đó giầy thể thao là hơn 520 triệu đôi, xuất khẩu giầy dép 700 triệu đôi.Cặp, túi xách tăng 158%,đạt 190 triệu chiếc (2011). Da thuộc thành phẩm tăng tới 260%đạt 29 triệu m2 (2011), chủ yếu do một số doanh nghiệp FDI làm khâu hoàn tất da thuộc tại Việt Nam. Mặc dù có số lượng doanh nghiệp nhỏ hơn, nhưng các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có quy mô lớn nên chiếm tỷ trọng sản lượng và kim ngạch xuất khẩu cao hơn các doanh nghiệp trong nước.

 

Từ giữa năm 2011 và đầu năm 2012, do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu làm giảm nhu cầu tiêu dùng, sản lượng toàn ngành có giảm sút, nhưng từ cuối năm 2012 và trong năm 2013 tình hình sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành ổn định trở lại và phục hồi tăng trưởng, năm 2013 sản lượng toàn ngành tăng 15,3% so với năm 2012(số liệu Tổng cục Thống kê).

 

Do nhu cầu sản phẩm giầy dép, cặp túi xách xuất khẩu đòi hỏi chất lượng cao nên phần lớn các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đều được đầu tư thay thế, đổi mới công nghệ tiên tiến, như Công ty CP giầy An Lạc, Công ty CP giầy Thái Bình, Công ty giầy Thượng Đình, Công ty Biti’s… và các công ty 100% vốn nước ngoài, như Tea Kwang Vina, Shyang Hung Cheng, Pou Yuen, Pou Chen…. Nhiều doanh nghiệp đã quan tâm xây dựng kênh phân phối trong nước và quốc tế với hệ thống dịch vụ sau bán hàng hoàn chỉnh.

 

Thị trường xuất khẩu

 

Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, năm 2013 kim ngạch xuất khẩu toàn ngành da, giày, túi xách đạt 10,32 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2012, chiếm tỷ trọng 11% trong nhóm hàng công nghiệp chế biến và chiếm 7,7 % trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong đó xuất khẩu giầy dép đạt 8,4 tỷ USD tăng 15% và túi xách, valy, cặp đạt 1,92 tỷ USD tăng 26% so cùng kỳ năm 2012.Năm 2013, ngành da, giầy, túi xách cũng nhập khẩu nguyên liệu, phụ liệu phục vụ sản xuất đạt trị giá 3,7 tỷ USD, như vậy toàn ngành đạt thặng dư thương mại 6,6 tỷ USD.

 

Việt Nam hiện là một trong 5 nước sản xuất và xuất khẩu giầy lớn nhất thế giới, trong đó tại một số thị trường như Hoa Kỳ, EU, Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ hai sau Trung Quốc.

 

Tại thị trường EU, năm 2013 xuất khẩu tăng nhẹ do thị trường phục hồi, đạt 3,41 tỷ USD, chiếm hơn 31% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Trong đó, riêng giầy dép đạt 2,88 tỷ USD, tăng 37%, chiếm thị phần 8,5% giầy dép EU, đứng thứ hai sau Trung Quốc (75%) và túi xách đạt 530 triệu USD.

 

Tại thị trường Hoa Kỳ, xuất khẩu toàn ngành tăng mạnh do nhu cầu cao, đạt hơn 3,46 tỷ USD, chiếm 33,6% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Trong đó riêng giầy dép đạt 2,64 tỷ USD, chiếm thị phần 8,4%, đứng thứ hai sau Trung Quốc (chiếm 83,7%) vàtúi xách đạt 819 triệu USD. Tiềm năng xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ còn nhiều do có sức mua lớn, với hơn 2,2 triệu đôi giày trị giá hơn 60 tỷ USD/năm (bình quân tiêu thụ 7 đôi giày/người/năm), Trong đó 45% là giầy thể thao là lĩnh vực sản phẩm Việt Nam có thế mạnh, với các thương hiệu nổi tiếng của Nike, Reebok, Adidas, Bata, Fila...sản xuất tại Việt Nam vàđược phân phối tiêu thụ tại các chuỗi siêu thị bán lẻ lớn tại Hoa Kỳ như Wal-Mart, Payless Shoes, Target,…

 

Nếu tính theo nước, các thị trường tiêu thụ lớn giày dép và túi xách của Việt Nam là: Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản, Đức, Bỉ, Canada, Chile, Italia, Trung Quốc, Phần Lan, Hàn Quốc. Ngoài ra, các nước Nga, Đông Âu, Trung Đông cũng là những thị trường nhiều tiềm năng và có tốc độ tăng trưởng khá nhanh trong mấy năm gần đây.

 

Lợi ích từ hội nhập thương mại quốc tế

 

Hiện Việt Nam đã tham gia 6 hiệp định thương mại tự do(FTA) đa phương của ASEAN với các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, ÚC /New Zealand và giữa các nước ASEAN với nhau, trong đó năm 2014 mức thuế giảm xuống còn 1 – 3% và tới năm 2015 là 0% và hai FTA song phương đã có hiệu lực của Việt Nam với Chile và Nhật Bản. Việt Nam cũng đang đàm phán một số FTA quan trọng, trong đó có Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA với EU, Hàn Quốc, Liên Minh Hải quan (Nga, Belarus và Cazakhstan)… với lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu tại các nước đối tác giảm dần về 0% trong 5 - 7 năm tới.

 

Từ 1/1/2014 sản phẩm giầy dép của Việt nam được ra khỏi danh mục “trưởng thành” của Liên Minh châu Âu (EU), do đó được hưởng quy chế Ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của EU, có hiệu lực trong 3 năm từ 1/1/2014 đến 31/12/2016, với mức cắt giảm phổ biến là 3,5% trên tỷ lệ thuế nhập khẩu thông thường (MFN)đối với các sản phẩm nhạy cảm (Sensitive) và 0% đối với các sản phẩm không-nhạy cảm (Non-Sensitive). EU là thị trường giầy dép quan trọng của Việt Nam, với quy chế GSP, thuế nhập khẩu vào EU sẽ giảm phổ biến từ 8% xuống 4,5% đối với giầy da và 11,9% đối với giầy thể thao, giầy vải,…nhờ đó Việt Nam sẽ cạnh tranh tốt hơn so với các sản phẩm cùng loại của các nước khác xuất khẩu vào EU.

 

Thị trường nội địa

 

Với dân số hơn 90 triệu người với tổng dung lượng thị trường giầy dép khoảng 130 – 140 triệu đôi/năm, trị giá ước khoảng 1,5 tỷ USD,là tiềm năng lớn đối với ngành da giầy. Tuy nhiên, sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng 70 – 75 triệu đôi giầy dép, chiếm tỷ trọng khoảng 55%, chủ yếu do các cơ sở nhỏ sản xuất và giầy dép dư thừa từ xuất khẩu.Khoảng 45% là giầy dép nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch và một số ít giầy da từ Thái Lan, Malaysia, Singapore.Giầy Trung Quốc có chất lượng không cao, nhưng rất dễ bán vì sản phẩm đa dạng, mẫu mã phong phú và đặc biệt giá rẻ do nhập lậu hoặc trốn thuế.Các loại túi, cặp, ba lô tiêu thụ nội địa khoảng 25 triệu cái, trong đó khoảng 15 triệu cái sản xuất trong nước (chiếm 60%).

 

Những hạn chế và thuận lợi

 

Mặc dù đạt được kết quả khả quan, nhưng những hạn chế và thách thức là không nhỏ đối với ngành da, giầy, túi xách khi Việt Nam hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới.Trong đó việc sản xuất theo hình thức gia công vẫn phổ biến (trên 70%) đã hạn chế tới hiệu quả và sự năng động của doanh nghiệp.

 

Giá trị gia tăng trên sản phẩm giầy dép, cặp túi xuất khẩu tuy được cải thiện trong những năm gần đây nh­ưng vẫn còn thấp, chỉ đạt gần 40% do sản xuất nguyên phụ liệu (cả thuộc da) ch­ưa phát triển đồng bộ với sản xuất giầy dép, tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu chưa cao, đặc biệt các nguyên liệu mũ giầy. Chi phí dịch vụ ngày càng gia tăng (như điện, n­ước, nguyên phụ liệu, vận chuyển nội địa và quốc tế…).

 

Tay nghề của ngư­ời lao động còn thấp, phần lớn chỉ đ­ược đào tạo kèm cặp trong thời gian ngắn và thiếu đội ngũ kỹ thuật viên và quản trị doanh nghiệp. Công tác quản lý điều hành sản xuất kinh doanh còn thiếu kinh nghiệm.

 

Sức ép về lao động, tăng tiền lương và các chế độ đối với ng­ười lao động làm tăng giá thành và chi phí gia công, trong khi các rào cản kỹ thuật áp đặt từ phía các thị trường nhập khẩu, cũng nh­ư các yêu cầu về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệpvề môi trường và các điều kiện đối với ng­ười lao động ngày càng tăng.

 

Công tác tiếp thị, phát triển thị tr­ường, thiết kế mẫu mã, nghiên cứu và phát triển sản phẩm chưa được làm tốt.Các doanh nghiệp quy mô nhỏ ch­ưa chủ động tiếp cận thị tr­ường, phải gia công qua trung gian nên hiệu quả sản xuất kinh doanh bị hạn chế và lệ thuộc vào khách hàng.

 

Thuận lợi căn bản của Việt Nam là xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng (EU, Mỹ, Nhật…) tuy có khó khăn, song tiếp tục có khả năng mở rộng do nhu cầu ngày càng tăng. Thị trường trong nước, cùng với sự cải thiện, nâng cao đời sống kinh tế, xã hội đã thay đổi thị hiếu tiêu dùng của người dân và giầy dép đã trở thành nhu cầu thời trang không thể thiếu.

 

Các cơ chế, chính sách của Chính phủ thời gian qua đã hướng tới tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu và nhất là xu hướng hiện nay có sự chuyển dịch sản xuất quốc tế hướng tới các quốc gia có lợi thế so sánh về chi phí sản xuất thấp, môi trường đầu t­ư thuận lợi, trong đó Việt Nam là nước được quan tâm nhất. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để ngành da, giầy, túi xách Việt Nam phấn đấu đạt kế hoạch xuất khẩu 11,3 tỷ USD năm 2014.

 

Lê Xuân Dương.

Tin tức liên quan